Thứ 2, 01/07/2024, 04:02[GMT+7]

Thái Thụy: Chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Thứ 4, 26/06/2024 | 20:01:55
263 lượt xem
Trước những diễn biến khó lường của thiên tai, huyện Thái Thụy đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp, phương án ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện rà soát, đánh giá thực trạng khu neo đậu để tàu, thuyền tránh trú bão.

Xác định các trọng điểm xung yếu

Thời gian qua, huyện Thái Thụy được nâng cấp, xây dựng nhiều công trình đê điều, thủy lợi phòng, chống thiên tai (PCTT), trong đó nhiều công trình được đầu tư nguồn vốn lớn như nâng cấp hệ thống tưới trạm bơm Hệ, xây mới cống Thụy Xuân II… Tuy nhiên, huyện vẫn còn 6 điểm xung yếu cần được đầu tư sửa chữa như cống Cao Cổ (An Tân), kè Phúc Tân (Thái Phúc), kè Thuyền Quan (Sơn Hà), kè Hà My (Thái Nguyên)... 

Ông Phạm Đăng Thụy, Chủ tịch UBND xã Thái Nguyên cho biết: Xã Thái Nguyên có 4,25km đê chạy dọc sông Diêm Hộ. Địa phương có tuyến kè Hà My, ở vị trí Km2+850- Km3+400 đê cửa sông Hữu Diêm Hộ bị xuống cấp. Một số điểm của tuyến kè mái đá có hiện tượng xô tụt, nhiều chỗ trơ đất. Mặt khác, mái kè là mái đê lại quá dốc nên khi có mưa lớn kéo dài đã xuất hiện vết nứt trên mái kè và đỉnh kè. Đặc biệt, khi trời mưa to phải mở cống tiêu Trà Linh I và Trà Linh II nước chảy lưu lượng lớn, kết hợp kè chịu ảnh hưởng chế độ nhật triều, nên khi nước rút nhanh dễ gây sạt trượt mái và đỉnh kè. Về lâu dài, cần tu bổ lại toàn bộ tuyến kè Hà My và đắp cơ phản áp phía đồng đoạn từ K2+150-K2+500. Trước mắt, chủ động ứng phó với thiên tai, địa phương đã xây dựng và củng cố lực lượng xung kích PCTT với nòng cốt là dân quân địa phương. Lực lượng xung kích gồm 110 thành viên; chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực và phương tiện như 140 cây tre và cây phi lao, 150m3 đất, 7.000 bao tải các loại… để kịp thời xử lý tình huống xảy ra. 

Tham gia lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Trọng, Thôn đội trưởng thôn Hà My chia sẻ: Là lực lượng xung kích trong PCTT, tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng có mặt mọi lúc, mọi nơi, đến hỗ trợ các địa điểm khi thiên tai xảy ra, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Đặc biệt, khi có bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào địa bàn, tôi có nhiệm vụ nhắc nhở các chủ ao, đầm vào nơi tránh trú an toàn; tham gia hộ đê và xử lý các sự cố đê, kè; phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.

Cũng tại xã Sơn Hà, kè Thuyền Quan ở vị trí Km43+700 - Km44+750, đê tả sông Trà Lý bị xuống cấp. Năm 2016, kè xây dựng mới bằng hình thức lát đá trong khung dầm bê tông cốt thép. Hầu hết mái kè là mái đê, toàn bộ chiều dài kè, mái đá bị cỏ mọc. Vào những đợt triều cường chênh lệch mực nước giữa đỉnh triều và chân triều là 1,5 - 2,5m khi nước xuống nhanh dễ gây sạt trượt mái và đỉnh kè. Bên cạnh đó, do chân kè không được gia cố sâu dưới tác dụng của sóng, dòng chảy làm chân kè bị xói lấn vào đê từ 0,1 - 0,3m nên tiềm ẩn mất an toàn trong mùa mưa bão. 

Ông Đinh Bá Lượng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà cho biết: Mùa mưa bão năm 2024, địa phương xác định vị trí trọng yếu cần quan tâm là kè Thuyền Quan. Xã đã thành lập Ban Chỉ huy PCTT và TKCN; đội xung kích PCTT có 110 thành viên, trong đó 20 thành viên trực 24/24 canh coi kè Thuyền Quan; chuẩn bị 200m3 đất, 200 cây tre đường kính từ 6-8cm/cây, 10.000 bao các loại, 200 đèn pin… Xã đã xây dựng phương án, kịch bản từng tình huống thiên tai. Đồng thời, xã tăng cường tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân để mọi người hiểu rõ nguy cơ và tầm quan trọng của công tác chuẩn bị sẵn sàng PCTT, không để bị bất ngờ khi có thiên tai xảy ra.

Trạm bơm Khái Lai gồm 4 máy công suất 2.500m3/h phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Sẵn sàng ứng phó

Hiện huyện Thái Thụy có 87,3km đê thuộc địa bàn 20 xã, thị trấn; 13 điếm canh; 26 kè lát mái với chiều dài 40,9km; dưới đê có 67 cống; 2 khu neo đậu để tàu thuyền tránh trú bão (khu neo đậu cửa sông Trà Lý, khu neo đậu cửa sông Diêm Hộ). Sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, huyện đã tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng công trình đê điều, thuỷ lợi trước mùa mưa bão; tập trung đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án tuyến đường ven biển và công trình trạm bơm chống ngập Mai Diêm thuộc dự án khu công nghiệp Liên Hà Thái đẩy nhanh tiến độ thi công bảo đảm công tác PCTT. Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện quyết định hoành triệt và cắm cừ dự phòng các cống xung yếu dưới đê, xử lý vi phạm đê điều; xây dựng phương án xử lý trọng điểm. 

Bà Đoàn Thị Hà, Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện cho biết: Chủ động phòng, chống úng, ngập là nhiệm vụ quan trọng trong mùa mưa, bão, Xí nghiệp đã có phương án cụ thể khi lượng mưa 150-300mm; huy động lực lượng giải phóng được 1.122.468m2 bèo bồng, 43 đăng đó, khơi thông dòng chảy không để tình trạng ách tắc xảy ra khi vận hành hệ thống tiêu thoát nước. Cùng với đó, Xí nghiệp đã phối hợp UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hạn chế tối đa tình trạng vi phạm lấn chiếm công trình thủy lợi, đổ rác thải sinh hoạt, sản xuất ra lòng kênh. Về lâu dài, để giải quyết tốt công tác PCTT,  Xí nghiệp mong muốn một số công trình xuống cấp nghiêm trọng như cống Cao Cổ, cống Diêm Tỉnh, cống Hồng Quỳnh 1, 2, và cống Đồng Đỗi được xây mới. Khi xây dựng hoàn thiện cống Mai Diêm mới xong, đề nghị lấp bỏ cống Mai Diêm cũ bảo đảm an toàn cho công tác PCTT. 

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện cho biết: Trước ngày 31/5, huyện đã thành lập xong Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện, cụm, xã; đã kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống đê, kè, cống, các công trình PCTT của cụm, xã trên cơ sở đó xác định các trọng điểm xung yếu để có biện pháp chủ động, tích cực ứng phó với các tình huống thiên tai, bão, lũ. Các địa phương củng cố lực lượng xung kích hộ đê với 3.390 người; vật tư, phương tiện đã chuẩn bị đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng. Cụ thể, chuẩn bị về phương tiện giao thông (14 tàu thuyền, 18 ô tô con, 4 ô tô khách); vật tư (5.300m3 đất dự trữ, 5.000 cây tre, 255.100 bao các loại, 5.000 đèn pin, 4.358mđá hộc). Đến ngày 30/6, các địa phương, đơn vị sẽ tiến hành xong tổ chức tập huấn lực lượng phục vụ phục vụ công tác PCTT. Tại các vị trí trọng điểm, đê điều xung yếu, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc công tác trực ban, bố trí lực lượng tuần tra, canh gác 24/24 giờ, sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp trong suốt mùa mưa bão, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.

Nguyễn Thắm-Nguyễn Thơi