Thứ 3, 02/07/2024, 23:37[GMT+7]

Thái Bình: Nỗ lực gỡ "Thẻ vàng” cho thủy sản

Thứ 4, 14/11/2018 | 14:58:36
765 lượt xem
Là tỉnh ven biển có nhiều ngư dân tham gia khai thác thủy sản, Thái Bình đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cấp bách nhằm cùng với các địa phương trong cả nước tháo gỡ "Thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

Lực lượng thực thi pháp luật trên biển tuyên truyền pháp luật cho ngư dân về các quy định khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Vào cuối tháng 10 vừa qua, Đoàn Nghị viện của Ủy ban châu Âu (EC) sang làm việc và kiểm tra tình hình thực hiện chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) tại Việt Nam. Theo kế hoạch, đến tháng 01/2019, Đoàn Thanh tra của EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Kết quả đánh giá của EC sẽ có ảnh hưởng đến việc thủy sản của Việt Nam có được xuất khẩu vào thị trường Châu Âu hay không. Là tỉnh ven biển có nhiều ngư dân tham gia khai thác thủy sản, Thái Bình đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cấp bách nhằm cùng với các địa phương trong cả nước tháo gỡ "Thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh có 1.169 phương tiện hoạt động nghề cá với tổng công suất 110.020,8CV; trong đó, có 262 phương tiện công suất từ 90CV trở lên với hơn 2.000 lao động trên tàu hoạt động khai thác hải sản xa bờ. Hiện nay, Thái Bình đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển và tại cảng cá, bến cá theo kế hoạch; tích cực triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về kiểm soát khai thác IUU và một số nhiệm vụ, giải pháp cấp cách để khắc phục cảnh báo của EC chống khai thác IUU theo Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Chi cục Thủy sản đã tổ chức 20 lớp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, thuyền trưởng, chủ tàu và các tổ chức, cá nhân ở 23 xã ven biển của 3 huyện (Thái Thụy Tiền Hải, Kiến Xương). Hướng dẫn để họ nhận biết các hành vi được coi là bất hợp pháp, kỹ năng ghi chép báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản và xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Đơn vị đã cấp 380 sổ nhật ký khai thác cho các chủ tàu có công suất từ 90CV trở lên. 

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Trong các chuyến kiểm tra, thanh tra, Chi cục Thủy sản phối hợp với lực lượng Biên phòng và Ban Quản lý bến cá, cảng cá thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân và chủ phương tiện chấp hành nghiêm việc khai thác thủy sản đúng vùng, sử dụng ngư cụ đúng tiêu chuẩn quy định và không dùng chất nổ, chất cấm, xung điện, dụng cụ khai thác có tính hủy diệt thủy sản và không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cùng với việc chỉ đạo các chủ phương tiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và nâng cấp trạm bờ với máy thông tin liên lạc lắp trên tàu cá bảo đảm kết nối tự động nhằm thực hiện tốt việc truy suất nguồn gốc hải sản khai thác; công tác thanh tra, kiểm tra cũng được triển khai thường xuyên.

Ông Đào Văn Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Trưởng Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tỉnh cho biết: 10 tháng đầu năm 2018, đơn vị cùng với các cơ quan thực thi pháp luật trên biển tổ chức 7 chuyến kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng biển Thái Bình, khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU. Đã tuyên truyền, nhắc nhở 235 tàu cá, xử lý 5 tàu vi phạm, thu giữ 4 bộ kích điện và 135m dây điện tang vật vi phạm. 

Ngoài ra, Phòng Thanh tra, pháp chế của Chi cục Thủy sản tổ chức 14 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, 2 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, phát hiện và xử lý 36 tổ chức, 86 cá nhân có hành vi vi phạm gồm: an toàn cho người và phương tiện trong quá trình khai thác thủy sản; không chấp hành công tác đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, khai thác sai vùng; tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá; đóng mới tàu cá khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản ngư dân trong tỉnh khai từ biển ước đạt69.376tấn, giá trịước đạt gần 1.000 tỷ đồng. Điều đáng ghi nhận là nhận thức pháp luật của ngư dân được nâng lên góp phần hạn chế tình trạng khai thác thủy sản sai vùng và sử dụng các công cụ, phương pháp khai thác thủy sản mang tính hủy diệt. Nhiều chủ tàu cá đã chuyển từ khai thác tận thu sang khai thác mang tính chọn lọc như: nghề lưới rê, nghề chụp, nghề lồng bẫy và dịch vụ hậu cần nghề cá cho hiệu quả, giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh có 262 tàu cá công suất trên 90CV đánh bắt xa bờ, không có trường hợp tàu cá, ngư dân nào khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt.

Khắc Duẩn





Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày