Thứ 4, 23/04/2025, 19:03[GMT+7]

Nâng cánh những ước mơ

Thứ 6, 18/04/2025 | 21:54:24
722 lượt xem
Khát vọng của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Đông Hưng không chỉ là ăn đủ no, mặc đủ ấm mà là có được nền tảng sinh kế bền vững. Thấu hiểu điều đó, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện luôn đồng hành, nâng cánh cho những ước mơ thoát nghèo và làm giàu trở thành hiện thực.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Hưng thăm xưởng sản xuất cơ khí của gia đình thành viên Đỗ Văn Phóng (người thứ nhất từ trái sang), xã Đông Vinh.

Trước khi đến thăm gia đình anh Lại Thanh Sơn, xã Hà Giang, chúng tôi được cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Hưng cho biết anh là khách hàng thuộc diện hộ mới thoát nghèo. Khi đến nơi, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước cơ ngơi khang trang, vườn cây và ao cá cảnh trị giá bạc tỷ của gia đình anh. Anh Sơn chia sẻ: Trước đây, thu nhập cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán, con cái lại hay ốm đau nên cuộc sống luôn túng thiếu. Ở quê muốn tăng thu nhập chỉ có thể làm nông nghiệp, nhưng quan trọng nhất là phải có vốn và biết sử dụng vốn hiệu quả. Nhờ được ngân hàng tin tưởng cho vay 100 triệu đồng, vợ chồng tôi kiên cố hóa bờ ao, mua giống cá cảnh về nuôi, trồng thêm cây cảnh. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay tôi đã thuần thục kỹ thuật chăm sóc cá, uốn cây, không còn phải thuê người như trước. Mỗi năm, mô hình kinh tế này mang lại cho gia đình tôi nguồn lãi từ 250 - 300 triệu đồng. Không chỉ trả nợ ngân hàng đúng hạn, chúng tôi còn tích cóp được tiền để xây nhà khang trang và nuôi con ăn học. Giấc mơ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu nay đã thành hiện thực. 

Vợ chồng anh Lại Thanh Sơn, xã Hà Giang chăm sóc cây cảnh của gia đình. 

Cũng được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Hưng hỗ trợ vay 100 triệu đồng, anh Đỗ Văn Phóng (xã Đông Vinh) đã lựa chọn đầu tư phát triển xưởng sản xuất cơ khí. Anh Phóng cho biết: Để đồng vốn phát huy hiệu quả, tôi đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Cứ đến kỳ trả lãi hoặc đáo hạn, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đều thông báo kịp thời, gia đình tôi luôn chấp hành nghiêm túc. Đến nay, xưởng cơ khí đã hoạt động ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm sản xuất ra không chỉ là nông cụ mà còn phục vụ ngành xây dựng đang phát triển mạnh trên địa bàn. Xưởng hiện tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương, mỗi năm trừ chi phí, thu nhập đạt khoảng 300 triệu đồng. Các sản phẩm cơ khí do xưởng sản xuất được thị trường đón nhận tốt. Tôi mong muốn ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện cho vay bổ sung vốn để mở rộng nhà xưởng, mua thêm máy móc, nguyên liệu, từ đó tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. 

Nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn, ngay từ đầu năm, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Hưng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận sớm nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Hưng cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng chính sách, đặc biệt là triển khai cài đặt và sử dụng dịch vụ Smart Banking trên điện thoại thông minh. Đến nay, 100% thành viên của 360 tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn đã được cài đặt ứng dụng này và phần lớn đã sử dụng thành thạo. Việc ứng dụng công nghệ đã giúp giao dịch thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó, đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã và tổ tiết kiệm và vay vốn. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, đơn vị đã rà soát kỹ đối tượng đủ điều kiện vay vốn, kịp thời giải ngân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của các chính sách tín dụng ưu đãi, nhất là chính sách mới. Đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để đôn đốc thu hồi nợ, đặc biệt là nợ quá hạn; đồng thời huy động, kết hợp linh hoạt các nguồn vốn từ trung ương, ngân sách địa phương và tiền gửi tiết kiệm, bảo đảm mở rộng cho vay, tránh tồn đọng nguồn vốn, gây lãng phí. Tính đến ngày 31/3, tổng dư nợ cho vay đạt hơn 666 tỷ đồng, với 11.903 khách hàng còn dư nợ; tỷ lệ nợ xấu giảm còn 0,07% tổng dư nợ. Nguồn vốn tập trung chủ yếu vào các chương trình: cho vay hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, phát triển mô hình VAC, kinh doanh buôn bán và nghề phụ. 

Thời gian tới, căn cứ vào khả năng huy động nguồn vốn, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Hưng sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương nâng cao chất lượng vốn tín dụng chính sách và tín dụng ủy thác. Đồng thời, lồng ghép hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, tư vấn cho hộ vay cách sử dụng vốn hiệu quả để phát triển kinh tế. Đơn vị cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, sinh lời bền vững. 

Cán bộ tín dụng giải ngân vốn tại điểm giao dịch xã Đông Vinh. 

Đỗ Hiền