Thứ 2, 01/07/2024, 02:50[GMT+7]

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN + 3 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công với Nhật Bản, Hàn Quốc

Thứ 4, 11/07/2012 | 07:46:47
1,186 lượt xem
Ngày 10-7, tại Phnôm Pênh, Cam-pu-chia, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 13, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 5 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công - Hàn Quốc lần thứ 2.

Phiên họp toàn thể các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (Ảnh: Đỗ Tuấn Anh)

Ðược sự ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh dẫn đầu Ðoàn đại biểu Việt Nam tham dự các hội nghị.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3, các bộ trưởng đánh giá cao các kết quả quan trọng trong hợp tác ASEAN+3 trên tất cả các lĩnh vực; cho rằng tiến trình ASEAN+3 đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, hiện là một trong các cơ chế hợp tác năng động và hiệu quả nhất trong thúc đẩy hợp tác và liên kết ở Ðông Á. Các bộ trưởng nhất trí tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về hợp tác Ðông Á và Kế hoạch công tác ASEAN+3 giai đoạn 2007-2017; hoan nghênh quyết định của Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 tăng ngân sách cho việc thực hiện Thỏa thuận Ða phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai từ 120 tỷ USD lên 240 tỷ USD;  đề nghị sớm triển khai Hiệp định Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 ký tháng 10-2011; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, giao thông vận tải, phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, an ninh lương thực và năng lượng, môi trường, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh truyền nhiễm... và có biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm thực hiện đúng lộ trình các hiệp định thương mại giữa ASEAN với từng nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

 Hội nghị nhất trí kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân trong năm 2012, kỷ niệm 15 năm thành lập tiến trình ASEAN+3. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng, thời gian tới ASEAN+3 cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn về các vấn đề tài chính - tiền tệ, tăng cường kết nối thương mại, đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở và giao thông vận tải, phát triển nguồn nhân lực... Thứ trưởng cũng đề nghị các đối tác tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại các khuôn khổ, diễn đàn khu vực, như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+...

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công - Nhật Bản rà soát lại tình hình triển khai và thảo luận về định hướng của các hoạt động hợp tác trong tương lai. Hội nghị thông qua "Kế hoạch hành động Mê Công - Nhật Bản nhằm thực hiện Chiến lược Tô-ki-ô 2012", theo đó triển khai các hoạt động và biện pháp cụ thể trong ba trụ cột hợp tác chính, gồm: Tăng cường kết nối khu vực Mê Công; Cùng nhau phát triển (hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch...); Bảo đảm an ninh con người và môi trường. Hội nghị cũng hoan nghênh việc ba nước Việt Nam, Lào và Thái-lan thiết lập cơ chế họp cấp Thứ trưởng Ngoại giao để giải quyết những khó khăn vướng mắc và thúc đẩy phát triển Hành lang Ðông - Tây (EWEC), ghi nhận các khuyến nghị đưa ra tại cuộc họp lần thứ nhất của cơ chế này (tại Quảng Trị, tháng 5-2012). Việt Nam đề xuất, giai đoạn 2013-2015, hợp tác Mê Công - Nhật Bản cần tập trung nguồn lực vào một số lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tiểu vùng, như phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng các hành lang kinh tế (Hành lang Ðông - Tây, Hành lang phía nam) và quản lý và sử dụng hợp lý và bền vững nguồn nước sông Mê Công. Việt Nam cũng đề nghị Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công (MRC) và các nước thành viên phối hợp chặt chẽ để sớm triển khai nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững sông Mê Công, trong đó có tác động của đập thủy điện trên dòng chính.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công - Hàn Quốc kiểm điểm tình hình hợp tác trên cơ sở Tuyên bố sông Hàn thông qua tại Hội nghị Mê Công - Hàn Quốc lần thứ nhất (tháng 10-2011). Hội nghị nhất trí triển khai một số dự án thí điểm trong sáu lĩnh vực ưu tiên (gồm cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, tăng trưởng xanh, phát triển nguồn nước, nông nghiệp và phát triển nông thôn và phát triển nguồn nhân lực); tổ chức "Diễn đàn kinh doanh Mê Công - Hàn Quốc" trong năm 2013; chọn năm 2014 là "Năm giao lưu Mê Công - Hàn Quốc".

Các bên cũng nhất trí xây dựng Kế hoạch hành động Mê Công - Hàn Quốc để thông qua tại Hội nghị năm 2014. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cho rằng, khuôn khổ hợp tác Mê Công - Hàn Quốc cần đưa ra những sáng kiến mới phát huy lợi thế của các thành viên, như đào tạo nhân lực phục vụ phát triển xa lộ thông tin tiểu vùng Mê Công; chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các nước Mê Công xây dựng và thực hiện mô hình tăng trưởng xanh...

Các hội nghị cũng thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, cũng như các thách thức đang nổi lên như an ninh lương thực, quản lý thiên tai, an ninh và an toàn hàng hải, cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ... Nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên Biển Ðông đối với hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực, nhất là những diễn biến phức tạp, gây phương hại đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; khẳng định tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành lập "thành phố Tam Sa" cũng như mời thầu 09 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và trái với tinh thần DOC, gây phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực. Thứ trưởng nhấn mạnh các nguyên tắc về tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và tinh thần DOC.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa