Thứ 6, 28/06/2024, 18:22[GMT+7]

Armenia chính thức công nhận nhà nước Palestine

Thứ 7, 22/06/2024 | 15:26:49
4,210 lượt xem
Armenia là quốc gia mới nhất công nhận nhà nước Palestine, khiến Israel phải triệu tập Đại sứ Armenia tại Tel Aviv.

Khi thông báo về động thái này hôm 21/6, Bộ Ngoại giao Armenia đã lên án hành vi quân sự của Israel ở Dải Gaza và việc lực lượng Hamas của Palestine bắt giữ tù nhân.

Đại diện Bộ Ngoại giao Armenia tuyên bố: "Armenia phản đối việc sử dụng cơ sở hạ tầng dân sự làm lá chắn trong các cuộc xung đột vũ trang và bạo lực đối với dân thường".

Hơn 37.400 người đã thiệt mạng trong chiến dịch tấn công của Israel ở Gaza kể từ ngày 7/10/2023. Số người tử vong ở Israel trong cuộc tấn công do Hamas thực hiện là 1.139, với hàng chục người hiện vẫn đang bị giam giữ ở Gaza.

Ngay sau khi Armenia - nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ - tuyên bố công nhận nhà nước Palestine, Bộ Ngoại giao Israel đã triệu tập Đại sứ Armenia.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel cho biết: "Sau khi Armenia công nhận một nhà nước Palestine, Bộ Ngoại giao (Israel) đã triệu tập Đại sứ Armenia tại Israel để có một cuộc đối thoại khiển trách gay gắt".

Vào tháng 5, Tây Ban Nha chính thức công nhận Palestine là một nhà nước, cùng với Ireland, Na Uy và 143 quốc gia khác thừa nhận tư cách nhà nước của Palestine.

Phát biểu tại Madrid, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani khẳng định việc công nhận nhà nước Palestine là một thông điệp quan trọng nhằm bác bỏ tiêu chuẩn kép.

Hussein al-Sheikh - quan chức cấp cao của Chính quyền Palestine - đã hoan nghênh động thái này. Ông viết trên mạng xã hội: "Đây là một chiến thắng cho lẽ phải, công lý, tính hợp pháp và cuộc đấu tranh của người dân Palestine vì sự giải phóng và độc lập. Cảm ơn bạn, người bạn Armenia của chúng tôi".

Armenia cho biết nước này cũng ủng hộ nghị quyết của Liên hợp quốc về lệnh ngừng bắn ngay lập tức trong cuộc chiến của Israel ở Gaza và ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine.

Chính quyền Palestine - nơi thực hiện quyền tự trị hạn chế ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng - cho biết trong một tuyên bố rằng sự công nhận của Armenia đã góp phần "duy trì giải pháp hai nhà nước - giải pháp đối mặt với những thách thức mang tính hệ thống và thúc đẩy an ninh, hòa bình, ổn định cho tất cả các bên liên quan".

Israel là bên cung cấp vũ khí chính cho đối thủ lâu nay của Armenia - nước láng giềng Azerbaijan. Hai quốc gia này đã vướng vào cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ đối với khu vực Nagorny-Karabakh mà Baku đã chiếm lại vào năm 2023 từ tay phe ly khai Armenia.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa