Thứ 6, 23/05/2025, 14:26[GMT+7]

Băng trên thế giới đứng trước nguy cơ tan chảy không thể đảo ngược

Thứ 6, 23/05/2025 | 06:57:42
487 lượt xem
Ngay cả khi giữ mức 1,5 độ C, các tảng băng lớn vẫn có thể tan nhanh, đẩy mực nước biển dâng và khiến hàng trăm triệu người phải di dời.

Các sông băng ở Nam Cực vào ngày 7/2/2022.

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Communications Earth and Environment cảnh báo rằng các tảng băng ở Greenland và Nam Cực có thể tan chảy với tốc độ nhanh chóng, dù thế giới giữ được mức tăng nhiệt toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C. Kịch bản này có thể khiến mực nước biển dâng cao hàng mét và buộc hàng trăm triệu người sống ven biển phải di dời.

Các nhà khoa học quốc tế đã phân tích dữ liệu từ vệ tinh, mô hình khí hậu và bằng chứng địa chất cổ như lõi băng và trầm tích biển sâu. Họ nhận thấy mức tăng nhiệt hiện nay, khoảng 1,2 độ C, cũng đủ để kích hoạt quá trình tan băng nhanh và khó đảo ngược. Kể từ những năm 1990, lượng băng mất đi đã tăng gấp 4 lần, hiện khoảng 370 tỷ tấn mỗi năm. Đây là nguyên nhân chính khiến tốc độ dâng mực nước biển toàn cầu đã tăng gấp đôi trong vòng ba thập kỷ.

Greenland và Nam Cực chứa đủ nước ngọt để làm mực nước biển toàn cầu tăng tới hơn 60 mét trong trường hợp cực đoan. Dù kịch bản đó rất khó xảy ra, nhưng chỉ cần vài mét dâng cũng sẽ gây ra biến động lớn. Hiện có khoảng 230 triệu người sống ở khu vực có độ cao dưới 1 mét so với mực nước biển. Ngay cả khi nước biển dâng 1 cm mỗi năm, hệ quả vẫn sẽ rất nghiêm trọng với các thành phố ven biển.

Các tảng băng trên thế giới đứng trước nguy cơ tan chảy không thể đảo ngược - Ảnh 1.

Băng trôi gần bờ biển Tây Nam Cực, ngày 28/10/2016. 

Nghiên cứu cho rằng mức 1,5 độ C là "quá cao" để ngăn chặn hiện tượng tan băng nhanh. Theo ước tính mới, mức an toàn thực sự có thể gần với 1 độ C – thấp hơn nhiều so với mục tiêu hiện nay. Điều này đòi hỏi phải giảm mạnh lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục khai thác dầu, than và khí đốt.

Mặc dù tình hình đáng lo ngại, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng không nên từ bỏ nỗ lực khí hậu. Mỗi phần nhỏ của độ tăng nhiệt đều tương ứng với các tác động nghiêm trọng hơn. "Giữ được mức 1,5 độ C vẫn là một thành tựu lớn, nhưng nó không ngăn được băng tan hay mực nước biển dâng", chuyên gia Chris Stokes từ Đại học Durham cảnh báo.

Theo: vtv.vn

  • Từ khóa