Thứ 4, 23/04/2025, 13:47[GMT+7]

Chứng hay quên ở người già và nỗi lo hỏa hoạn

Thứ 2, 14/04/2025 | 09:44:40
518 lượt xem
Chứng hay quên là biểu hiện phổ biến ở người cao tuổi, thường xuất phát từ quá trình lão hóa tự nhiên. Sau tuổi 25, các tế bào thần kinh bắt đầu suy yếu, thoái hóa và đến sau 60 tuổi, tốc độ thoái hóa diễn ra nhanh hơn, ảnh hưởng rõ rệt tới hoạt động bình thường của não bộ. Người trên 60 tuổi thường bắt đầu gặp các vấn đề về trí nhớ, sa sút trí tuệ. Tuổi càng cao, nguy cơ suy giảm trí nhớ càng lớn, đặc biệt có đến hơn 50% người trên 85 tuổi bị suy giảm trí nhớ đáng kể. Ngoài yếu tố tuổi tác, một số bệnh lý như chấn thương sọ não, đột quỵ, mất ngủ, sa sút trí tuệ... cũng có thể làm tổn thương tế bào não, dẫn đến suy giảm trí nhớ.

Ảnh minh họa.

Suy giảm trí nhớ ở người già là tình trạng trí nhớ của người già bị suy giảm, khiến cho người già hay quên, không thể nhớ được những việc vừa diễn ra hoặc những việc đã diễn ra trước đó. Thậm chí, người già cũng gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các thông tin, sự việc mới. Điều này ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sức khỏe, thậm chí là an toàn tính mạng. Một trong những rủi ro dễ gặp nhất chính là nguy cơ hỏa hoạn do bất cẩn trong nấu nướng hoặc sử dụng thiết bị điện. 

Gia đình tôi từng rơi vào tình trạng đáng lo ngại như vậy. Bố mẹ tôi năm nay đều ngoài 80 tuổi, sức khỏe nhìn chung vẫn tốt nên các cụ muốn sống riêng để chăm sóc lẫn nhau, không sống cùng con cháu. Mẹ tôi vốn đảm đang, từ đi chợ đến nấu nướng đều một tay lo liệu. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, mẹ bắt đầu có biểu hiện hay quên rõ rệt. Bà thường xuyên quên tắt bếp gas, bếp từ sau khi nấu ăn, khiến nhiều nồi niêu bị cháy đen, thủng đáy. Có lần, mẹ hâm lại nồi cá kho nhưng mải đi đâu, để nồi cá cháy khét. May mà bố tôi ngửi thấy mùi khét kịp thời vào tắt bếp. Bố tôi kể lại, không ít lần mẹ bật bếp rồi bỏ đi, nếu không có ông ở nhà thì không biết hậu quả sẽ ra sao. 

Ngoài việc quên tắt bếp, mẹ tôi còn vài lần quên rút phích cắm ấm siêu tốc, khiến nước cạn và làm cháy ấm. Chỉ trong vòng nửa năm, bố mẹ tôi đã phải thay tới ba chiếc ấm do sơ suất này. Chúng tôi nhiều lần khuyên mẹ cẩn thận hơn, dặn đi dặn lại rằng khi nấu ăn phải ở gần bếp, nấu xong mới đi đâu thì đi. Nhưng với trí nhớ suy giảm, việc nhắc nhở cũng chỉ có tác dụng phần nào. 

Trước tình hình đó, các anh chị em trong gia đình đã họp bàn và quyết định “bắt” bố mẹ chuyển về sống cùng vợ chồng anh trai cả. Từ ngày về ở với anh chị, việc nấu nướng do con cháu đảm nhiệm, bố mẹ tôi không phải đụng tay vào bếp. Điều này khiến chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều. Không chỉ tránh được nguy cơ cháy, nổ mà còn bảo đảm sức khỏe và tinh thần cho các cụ, nhất là trong những lúc trái gió trở trời hoặc khi đau ốm bất ngờ. 

Câu chuyện của gia đình tôi không phải là hiếm. Trên thực tế, rất nhiều gia đình có bố mẹ già vẫn giữ thói quen sống riêng, tự chăm sóc bản thân, trong khi trí nhớ đã giảm sút đáng kể. Đây là điều tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà người trẻ đôi khi chưa lường hết. Ngoài nguy cơ hỏa hoạn do quên tắt bếp, còn có thể xảy ra các tình huống tai nạn trong sinh hoạt như trượt ngã, sử dụng nhầm thuốc, quên khóa bình gas hay để cửa không đóng kín. 

Từ trải nghiệm của chính mình, tôi muốn gửi gắm lời khuyên chân thành tới các gia đình có người già đang sống riêng hoặc tự chăm sóc bản thân. Khi nhận thấy bố mẹ bắt đầu có dấu hiệu hay quên, sa sút trí nhớ, nên sắp xếp để các cụ được sống cùng con cháu hoặc bố trí người chăm sóc thường xuyên. Đặc biệt, cần hạn chế tối đa việc để người cao tuổi nấu nướng một mình, sử dụng thiết bị điện hay bếp gas mà không có người giám sát. Trong điều kiện không thể ở chung, nên lắp đặt thiết bị cảnh báo an toàn như cảm biến gas, cảm biến khói hoặc hệ thống báo cháy để phòng ngừa rủi ro.

Nguyễn Thúy Uyên

(Trường Đại học Thủ đô)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày