Thứ 4, 30/04/2025, 12:22[GMT+7]

Thái Bình vì miền Nam ruột thịt

Thứ 4, 30/04/2025 | 05:58:51
511 lượt xem
Cùng với quân và dân cả nước, những ngày này, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đang đẩy mạnh các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Biểu tượng “Quê hương năm tấn” Thái Bình trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh tư liệu

Khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” đã trở thành phong trào hành động cụ thể của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thái Bình. Tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai” lan tỏa mạnh mẽ, góp phần cùng cả nước thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và ác liệt, thực hiện lời hiệu triệu của Bác Hồ: “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. 

Ngày này, lật giở những trang sử hào hùng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình trong đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam càng thấy thấm thía và tự hào. 

Quê ta hạt gạo chia ba 

Phần vào tiền tuyến, phần ra công trường 

Một phần dành lại hậu phương 

Bát cơm vơi để tình thương thêm đầy. 

Cố nhà văn Bút Ngữ đã có những câu thơ khái quát về quê hương Thái Bình những năm cùng cả nước đánh Mỹ như vậy. Ngày Thái Bình phải chia hạt gạo làm ba, dân số của tỉnh khi ấy chỉ khoảng 1,2 triệu người, Thái Bình đã phải huy động hàng chục vạn lao động trẻ khỏe từ đồng ruộng ra chiến trường tương đương 16% dân số của tỉnh. 

Ngày 5/8/1964, giặc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ và cho máy bay ném bom miền Bắc, trong đó có Thái Bình. Từ đó, tỉnh ta trở thành vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến. Trên đồng ruộng khi ấy chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em, trong đó 75% là lao động nữ. Trong tình trạng lao động trẻ khỏe ra chiến trường nhưng nông nghiệp Thái Bình vẫn phải “tay cày, tay súng” vẫn phải vươn lên để làm ra hạt thóc, củ khoai, vẫn phải nuôi con lợn, con gà để làm nghĩa vụ với nhà nước và thực hiện “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để giải phóng miền Nam”. 

Trong kháng chiến chống Mỹ, Thái Bình cũng là mục tiêu ném bom của không quân Mỹ, vì được xem như một tổng kho lương thực, thực phẩm. Mỹ ném bom xuống nhiều công trình cầu cống, khu dân cư, gây tội ác như vậy với nhân dân như các mục tiêu Ngô Xá, huyện Vũ Thư, cống Lân, cống Trà Linh bị máy bay giặc Mỹ chà đi sát lại hàng chục trận bom...

Trong hơn 800 trận đánh phá của không quân Mỹ vào tỉnh Thái Bình, đợt thứ hai Mỹ đã nhằm vào mục tiêu đê và cầu cống hơn 100 trận, toàn bộ hệ thống đê sông Hồng, sông Luộc, sông Trà, đê biển đều bị máy bay Mỹ oanh tạc. Nông dân tỉnh Thái Bình vừa sản xuất vừa chiến đấu “nhà nhà tình nguyện, người người tình nguyện”. Lớp cha trước, lớp con sau, con trai con gái cứ tuổi 17, 18 là rủ nhau viết đơn tình nguyện tòng quân. Ngày đó 80% số gia đình nông thôn Thái Bình có người đi chiến đấu ở miền Nam, hoặc chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn. 

“Tay mò từng quả bom xuyên 

Tay nâng từng dảnh Mộc tuyền cấy theo”. 

Những người nông dân vững tay súng, chắc tay cày trong kháng chiến. Ảnh tư liệu

Những năm tháng ấy nông dân Thái Bình “Tay cày tay súng, tay búa tay súng” làm nên những mùa vàng đẹp. Trên những cánh đồng, những mảnh ruộng là những nông dân “kiện tướng làm bèo dâu”, kiện tướng thủy lợi, là phong trào cây vụ đông và cây màu... Hạt gạo Thái Bình ngày ấy nông dân thu hoạch trên những cánh đồng mà nông dân đã đặt cho những cái tên nặng nghĩa, nặng tình cao đẹp “Vụ xuân Vĩnh Trà”, “Ruộng cao sản Nguyễn Văn Trỗi”, “Cánh đồng 10 tấn Nguyễn Văn Bé”, có cả cánh đồng Quảng Trị kiên cường”. Thái Bình đã góp cho nhà nước 50% tổng số thóc làm ra, bình quân 8 vạn tấn thóc mỗi năm. Năm 1972 là năm cao nhất nông dân Thái Bình đóng góp cho nhà nước tới 11 vạn 6.180 tấn lương thực, bình quân mỗi lao động góp cho nhà nước 20kg thịt lợn, chưa kể hàng vạn tấn thịt gà, cá, trứng được gửi ra tiền tuyến miền Nam. Ngày ấy bình quân mỗi nhân khẩu sau vụ cấy ở hợp tác xã khá cũng chỉ được 18kg thóc/tháng, trung bình chỉ đạt 13kg, có nhiều hợp tác xã chia cho nông dân được 5 - 7kg thóc/người/tháng. 

Dù thiếu thốn, phải ăn độn sắn, ngô, khoai nhưng nông dân Thái Bình vẫn hồn nhiên chịu đựng, tất cả vì miền Nam. Họ để dành thóc “gửi ra chiến trường nuôi bộ đội ăn no đánh thắng”. Hạt gạo của nông dân Thái Bình là hạt gạo nghĩa tình, sẻ chia chung thủy. 

“Những hạt thóc đi từ đất Thái Bình Qua Quảng Trị, Thừa Thiên vào Hàm Tân, Xuyên Mộc... 

Thóc dạt dào như đất nước dạt dào tiềm lực 

Mỗi bước thóc vào, trăm bước quân đi”.

Thái Bình “quân không thiếu một người” 

Trong kháng chiến chống Mỹ, Thái Bình đã động viên hơn 22 vạn người nhập ngũ - là một trong những tỉnh có tỷ lệ cao nhất cả nước. Riêng giai đoạn 1965 - 1975, có hơn 154.000 người tòng quân, hơn 34.000 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Thậm chí có những năm phải tuyển quân “lần từng ngõ, rõ từng nhà, rà từng người”, tỉnh Thái Bình đã huy động thanh niên dưới 18 tuổi ra trận, nhiều thanh niên chưa đủ chiều cao, cân nặng vẫn tình nguyện ra trận. Từ tháng 11/1968 đến tháng 4/1975, Thái Bình đã bổ sung 65 tiểu đoàn cho chiến trường miền Nam. Con em Thái Bình ngoài mặt trận chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh, nhiều người lập chiến công hiển hách, tất cả cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Nửa thế kỷ kết thúc chiến tranh chống Mỹ, đất nước thống nhất hòa bình, non sông liền một giải, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã gánh chịu nhiều đau thương, gần 35.000 người con ưu tú của quê hương đã hóa thân cho Tổ quốc trường tồn, hơn 32.000 người để lại một phần xương máu trên các chiến trường, trên 3 vạn người bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc hóa học... 

Những con số ấy đã được khắc ghi vào lịch sử, thể hiện rõ nét vai trò, vị trí của Thái Bình trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để hôm nay Thái Bình cùng cả nước kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

NGUYỄN CÔNG LIÊM
Thành phố Thái Bình

Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi. 50 năm đã trôi qua nhưng âm vang của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn còn vang vọng. Ký ức về một cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm ấy vẫn còn hào hùng, mạnh mẽ, giúp chúng ta bình tĩnh, khẳng định chắc chắn hơn nữa về tính đúng đắn và sáng tạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu trong lựa chọn con đường vũ trang cách mạng để giành chính quyền, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong niềm vui lớn lao ấy, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình rất tự hào với những thành tích của mình góp phần xứng đáng tô thắm thêm trang sử truyền thống hào hùng giữ nước, đánh giặc ngoại xâm của dân tộc.


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Bình hoàn thành xuất sắc 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng: “Bảo vệ miền Bắc và chi viện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Toàn dân, toàn quân trong tỉnh đã gồng mình gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh phá hoại và thiên tai bão lũ. Nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) luôn gắn chặt với xây dựng hậu phương chiến lược, phát huy tối đa tiềm lực quốc phòng toàn dân. Toàn tỉnh Thái Bình đã đồng lòng vượt qua gian khó, huy động sức người, sức của ở mức cao nhất để chi viện cho chiến trường miền Nam. 

Trong 2 lần Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, đối với Thái Bình Mỹ đã tập trung đánh phá: lần 1, từ ngày 13/8/1965 - 31/3/1968; lần 2, từ ngày 16/4/1972 - 27/12/1972. Trong 2 lần Mỹ đánh phá, Thái Bình phải gánh chịu gần 8.000 lần chiếc máy bay, pháo hạm (với số ngày là 1.015 ngày, đêm với 1.592 trận và trên 1.600 lượt các mục tiêu khác nhau (chủ yếu là các mục tiêu kinh tế và dân cư), với 2/3 số xã trong tỉnh bị đánh phá, chúng ném bom xuống mảnh đất Thái Bình 2.425 tấn bom các loại, đã làm 4.007 người bị chết và bị thương. 

Bộ đội địa phương Thái Bình tạm biệt quê hương lên đường vào Nam đánh Mỹ. Ảnh tư liệu

Để chủ động chống trả cuộc chiến tranh phá hoại của địch, LLVT cùng toàn dân đã xây dựng thế trận “Lưới lửa phòng không nhân dân rộng khắp” canh giữ các mục tiêu 24/24 giờ, với khẩu hiệu “Tay cày tay súng, tay búa tay súng” nhiều đơn vị dân quân tự vệ (DQTV) trực chiến sát cánh với đơn vị bộ đội chủ lực, có những đơn vị DQTV như Đại đội Dân quân gái tập xã Đông Lâm vẫn còn phát huy tốt truyền thống anh hùng cho đến ngày nay. Để chủ động phòng, chống và đánh trả, nhân dân Thái Bình đã đào đắp trên 3 triệu hầm, hố trú ẩn các loại, bình quân 2 hầm trên 1 đầu người, triệt để sơ tán các cơ quan, bệnh viện, trường học, kho tàng... Tổ chức chặt chẽ hệ thống báo động phòng không nhân dân, thành lập hàng nghìn tổ cứu thương, cứu sập, cứu hỏa để sẵn sàng ứng cứu và bảo vệ an ninh, chính trị địa bàn. 

Bên cạnh các trận địa hỏa lực phòng không của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cùng lực lượng DQTV đã thành lập nhiều tổ săn máy bay được trang bị súng pháo phòng không 12,7 ly đến súng cao xạ 37 ly, nhiều trung đội DQTV ở các đơn vị trực chiến và cơ động săn máy bay như: Nguyên Xá - Đông Hưng; Kỳ Bá - Trần Lãm, nhà máy xay Thị xã; xã Tán Thuật - Kiến Xương; Đông Lâm - Tiền Hải, Cổ Tuyết - An Vinh. Công tác tổ chức huấn luyện, cách bắn máy bay, tổ trực phòng không, tổ cảnh giới do đó lực lượng DQTV đã bắn rơi nhiều máy bay, được Quân khu 3 tặng cờ đơn vị bắn máy bay ban đêm nhiều nhất trong Quân khu cho LLVT Thái Bình. Trong tổng số 44 máy bay bị bắn rơi tại Thái Bình thì có 19 máy bay do DQTV bắn rơi. Cùng với sự đánh phá bằng không quân, hải quân Mỹ với các tàu chiến tuần dương hạm đã bắn phá hàng nghìn quả đạn pháo cối 175 đến 203 ly vào 8 xã xen biển của 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Thái Bình đã tổ chức các trận địa pháo bờ biển canh giữ các mục tiêu quan trọng, đã bắn chìm 4 tàu chiến Mỹ. Do chủ động phòng tránh sơ tán nên tỷ lệ thương vong càng về sau ta càng giảm hơn, mặc dù tính chất chiến tranh ác liệt hơn. Trong 2 lần phá hoại của địch đã gây cho nhân dân ta 4.007 người chết và bị thương, trong đó có 33 đồng chí là cán bộ chiến sĩ LLVT. 

Trong khói lửa chiến tranh, nhân dân Thái Bình càng thêm đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, tích cực giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình quân nhân chiến đấu ở các chiến trường xa đã trở thành một chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Tích cực tham gia các phong trào thi đua: thanh niên 3 sẵn sàng; phụ nữ 3 đảm đang; phụ lão 5 tốt; LLVT với phong trào 3 quyết tâm, có lệnh là đi giặc đến là đánh, đánh là phải thắng, địch vào là biết, địch đi là diệt. Có nhiều đơn vị LLVT địa phương của tỉnh lập công xuất sắc trong số ấy có Đại đội Dân quân gái pháo cao xạ 37 ly tập trung của huyện Tiền Hải và Đại đội 4 pháo cao xạ của bộ đội địa phương tỉnh đã được nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Toàn dân đồng lòng hợp sức thi đua: “Tất cả chi viện cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; “Thóc thừa cân, quân vượt mức” đã trở thành khẩu hiệu xuyên suốt thời chiến tranh, chính sức mạnh ấy đã làm nên kỳ tích, đưa năng suất lúa đạt 5 tấn/ha ngay trong thời chiến - góp phần đánh và thắng giặc Mỹ. 

Sức của ở một tỉnh lúa đã được huy động ở mức cao nhất phục vụ cho cả 2 nhiệm vụ chiến lược. Sức người đã được huy động tổng lực trong toàn dân, trong các cuộc chiến tranh Thái Bình đã có trên 40 vạn con em gia nhập các đơn vị LLVT thì riêng chiến tranh chống Mỹ từ năm 1959 - 1975 Thái Bình đã tiễn đưa 22 vạn con em lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam được Chính phủ công nhận là tỉnh có tỷ lệ tuyển quân cao nhất miền Bắc, có hàng vạn cán bộ dân chính đảng và quân nhân tái ngũ được điều động vào quân đội. Trong đoàn quân trùng điệp ấy có rất nhiều con em Thái Bình đã lập nên những chiến công xuất sắc, là nhân chứng cho những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. 

Đến nay lịch sử đã sang trang, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta đã bước sang giai đoạn mới, song những kinh nghiệm và thành tựu trong thời kỳ “kháng chiến chống Mỹ”, trong những năm đổi mới xây dựng đất nước vừa qua đã và sẽ vẫn là những nhân tố tinh thần mạnh mẽ, vượt lên tất cả những khó khăn của thời hậu chiến, Thái Bình luôn chủ động tìm một hướng đi, một cơ chế, chính sách cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện mới, chúng ta nguyện một lòng bảo vệ và giữ vững thành quả cách mạng mà bao thế hệ ông cha ta đã hy sinh xương máu mới giành được.

Đại tá LƯU QUANG ĐIỆU
(Nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình)