Thứ 6, 05/07/2024, 02:47[GMT+7]

Nguyễn Đức Cảnh - Một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng

Thứ 6, 19/01/2018 | 08:52:20
5,076 lượt xem
Mảnh đất Thái Bình tự hào là quê hương sinh ra đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người chiến sĩ cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại Quảng trường 14/10 Thành phố Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

 I. Quê hương và gia đình

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 02 - 02 - 1908, tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước.

Thân phụ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là ông Nguyễn Đức Triết (hay Nguyễn Đức Tiết), người gốc làng Diêm Điền, năm 1888 đỗ cử nhân. Giữa lúc triều đình nhà Nguyễn nhu nhược, đầu hàng và bán nước ta cho thực dân Pháp, vốn là người khẳng khái, có tinh thần yêu nước, ông Nguyễn Đức Tiết từ chối không ra làm quan và về quê mở trường dạy học để góp phần mở mang dân trí. Thân mẫu của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là bà Trần Thị Thuỳ, người làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, tỉnh Kiến An (nay thuộc thành phố Hải Phòng).

Năm 1913, ông Cử Tiết qua đời, cuộc sống gia đình ngày càng sa sút, túng thiếu. Giữa lúc đó, một người bạn cũ của cụ Cử Tiết là Nguyễn Đạo Quán, đang làm Tri phủ Thái Ninh, xin được đem Nguyễn Đức Cảnh về nuôi. Được đi học, tuy còn ít tuổi, Nguyễn Đức Cảnh đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, chăm chỉ và có chí học hành, luôn đứng đầu lớp học, được thầy giáo và bạn bè quý mến, khâm phục. Cuộc sống và học tập của Nguyễn Đức Cảnh đang yên ổn thì ông Nguyễn Đạo Quán không làm Tri phủ Thái Ninh, chuyển đi nơi khác, nên không thể tiếp tục cưu mang Nguyễn Đức Cảnh. Cuộc sống của Nguyễn Đức Cảnh một lần nữa phải đối đầu với những khó khăn mới. Trong lúc khó khăn đó, thì ông Trần Mỹ, một người bạn học cũ của ông Cử Tiết, anh họ bà Thuỳ, người làng Cổ Am, đang làm quan Tuần phủ Thái Bình xin được đón Nguyễn Đức Cảnh về nuôi và tiếp tục cho học tại Thị xã Thái Bình. Học xong tiểu học, Nguyễn Đức Cảnh được Trần Mỹ đưa sang học ở Trường Thành Chung - Nam Định.  Tại đây, Nguyễn Đức Cảnh có điều kiện tiếp xúc và hiểu thêm thực trạng xã hội đương thời; anh kết bạn với những thanh niên tiến bộ như Nguyễn Danh Đới, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Văn Năng, Đặng Xuân Thiều; các anh thường cùng nhau đọc sách báo, chuyện trò, đàm đạo về thời cuộc. Hằng ngày, Nguyễn Đức Cảnh cùng bạn bè chứng kiến nhiều nghịch cảnh, đã làm nảy sinh trong Nguyễn Đức Cảnh ý thức căm ghét bọn thống trị, quan lại và hiểu rõ hơn nỗi nhục của người dân mất nước. Vì thế, Nguyễn Đức Cảnh rất say sưa tìm hiểu những hoạt động chống Pháp của các chí sĩ yêu nước như: Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Trong những năm 1924 - 1925, công nhân các nhà máy sợi, máy tơ, máy rượu ở thành phố Nam Định tiến hành đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, chống cúp phạt, Nguyễn Đức Cảnh bước đầu hiểu về giai cấp công nhân, nhất là tinh thần đoàn kết đấu tranh của họ; anh bắt đầu làm quen với một số công nhân, từ đó có điều kiện đi sâu tìm hiểu, giúp đỡ họ làm đơn khiếu nại, đấu tranh với chủ, với cai ký.

Năm 1925, Nguyễn Đức Cảnh cùng Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và một số đồng chí khác tham gia cuộc vận động, đòi thực dân Pháp ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1926, anh cũng là một trong những người lãnh đạo cuộc bãi khóa, để truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh ở Nam Định. Sau cuộc bãi khoá này, đồng chí bị thực dân Pháp đuổi học. Cuối năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh quyết định lên Hà Nội kiếm việc làm tự nuôi sống mình và tìm tòi con đường hoạt động cách mạng.

II. Những hoạt động và cống hiến của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với cách mạng Việt Nam

1.  Hoạt động trong phong trào công nhân và tham gia sáng lập chi bộ Cộng sản đầu tiên (1926-1929)

Lên Hà Nội kiếm sống, thời gian đầu Nguyễn Đức Cảnh xin vào làm tại Hiệu ảnh Hưng Ký, sau anh chuyển sang dạy học ở Trường Tư thục Công Ích. Học sinh trong trường phần lớn là con em nhà nghèo nên điều kiện học tập hết sức khó khăn. Anh rất thương yêu học trò của mình, say sưa giảng dạy cho các em những kiến thức toán học, đạo lý làm người, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc và căm ghét bọn thực dân, tay sai. Sau khi biết thầy Cảnh là học sinh đã tham gia bãi khoá ở Trường Thành Chung - Nam Định, vì sợ bị liên luỵ, Hiệu trưởng Trường Tư thục Công Ích buộc phải cho Nguyễn Đức Cảnh thôi dạy học.

Là người ham học hỏi, trong khi chưa có việc làm, anh tranh thủ tìm đọc những sách tiến bộ để mở mang hiểu biết về chính trị - xã hội. Anh tìm đến Nam Đồng thư xã- một quán sách nhỏ do các trí thức yêu nước tiến bộ ở Hà Nội thành lập. Tại đây, Nguyễn Đức Cảnh có dịp tiếp xúc với Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phạm Tuấn Tài, Phó Đức Chính..., những người được coi là linh hồn của nhóm. Trong những lần tiếp xúc, Nguyễn Đức Cảnh được nghe và hiểu thêm chủ nghĩa Tam dân; đường lối cứu nước của Tôn Trung Sơn, về Găng đi, về Hai cụ Phan, về cách mạng quốc gia và cách mạng quốc tế... Sau một thời gian tìm hiểu, thấy được tinh thần yêu nước chống thực dân Pháp và những biện pháp đấu tranh tuyên truyền cấp tiến của Nam Đồng thư xã, Nguyễn Đức Cảnh đã xin gia nhập tổ chức này. Sau khi trở thành hội viên của Nam Đồng thư xã, Nguyễn Đức Cảnh được phân công phụ trách công tác tuyên truyền cổ động, công việc này gắn liền với việc in ấn sách báo, anh đã tìm đến Xưởng in Lê Văn Tân và xin làm việc tại xưởng.

Từ nửa cuối những năm 20 của thế kỷ XX ở Hà Nội, ngoài các tổ chức “thư xã”, còn xuất hiện một số tổ chức chính trị khác, trong đó có Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Các tổ chức này không ngừng phát triển hội viên và xây dựng hệ thống tổ chức của mình. Tháng 9 - 1927, Nguyễn Đức Cảnh cùng Lý Hồng Nhật, Nguyễn Công Thu xuất dương sang Quảng Châu (Trung Quốc), gặp Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để vận động hợp tác chống Pháp. Tại đây, đồng chí được tham dự một khoá huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc chủ trương và Hồ Tùng Mậu trực tiếp phụ trách; được học tập chủ nghĩa Mác - Lênin một cách có hệ thống, được tiếp xúc với tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam - con đường giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân... Qua khoá huấn luyện, Nguyễn Đức Cảnh nhận thấy đường lối của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là phù hợp với yêu cầu và sự vận động của cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, khi về nước, Nguyễn Đức Cảnh ly khai với nhóm Nam Đồng thư xã (lúc này đã phát triển thành Việt Nam Quốc dân Đảng) và tự nguyện gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh.

Sau khi về nước, Nguyễn Đức Cảnh được tổ chức phân công làm việc tại bộ phận in ấn ở phố chợ Đuổi (nay là phố Huế - Hà Nội). Công việc hằng ngày của anh là soạn thảo các tài liệu tuyên truyền trên cơ sở những lý luận cách mạng đã được học tại lớp huấn luyện chính trị, chuẩn bị nội dung các chỉ thị, nghị quyết của Tổng bộ Thanh niên và trực tiếp chuyển tài liệu đến các cơ sở nhằm giác ngộ quần chúng cách mạng.

 Tháng 2-1928, Nguyễn Đức Cảnh được Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ cử xuống Hải Phòng hoạt động. Sau một thời gian ngắn hoạt động, đồng chí được cử bổ sung làm Uỷ viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Hải Phòng (thay Nguyễn Tường Loan đang bị bệnh nặng). Với nhiệt tình cách mạng và năng lực tổ chức cao, chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Đức Cảnh đã chỉ đạo thành lập nhiều tổ chức cơ sở (chi bộ) Thanh niên ở nhiều vùng. Tại Hải Phòng, Nguyễn Đức Cảnh ngày đêm lăn lộn trong các xóm thợ, nhà máy, xí nghiệp, trong đó có nhà máy cơ khí Carông để vận động và giác ngộ công nhân. Đi đến đâu, Nguyễn Đức Cảnh đều quan tâm đến việc xây dựng và củng cố tổ chức. Ngoài việc gây dựng và tổ chức Thanh niên, anh còn chú ý gây dựng tổ chức Công hội trong công nhân. Những hoạt động tích cực của Nguyễn Đức Cảnh đã góp phần tạo nên khí thế cách mạng sôi nổi trong đội ngũ công nhân ở những nơi anh đến. Các cơ sở của Thanh niên và Công hội phát triển nhanh, mạnh ở bến cảng và các nhà máy, xí nghiệp, xưởng thợ ở Hải Phòng.

Trong thời gian này, nhiều cán bộ chủ chốt của Tỉnh bộ Thanh niên Hải Phòng thực hiện chủ trương “vô sản hóa” trong các cơ sở công nghiệp. Quán triệt sâu sắc công tác vận động quần chúng, Nguyễn Đức Cảnh đã gắn bó hoạt động của mình với những người đồng chí, công nhân trong các cơ sở ở vùng duyên hải Hải Phòng và công nhân ở các mỏ than: Mạo Khê, Vàng Danh, Mông Dương, Đông Triều, Hòn Gai (Quảng Ninh)… Trong 2 năm 1928-1929, với nhiều hoạt động tích cực, phong trào công nhân phát triển về cả số lượng và chất lượng. Hàng loạt các tổ chức Thanh niên được ra đời. Sự lan tỏa và phát triển mạnh mẽ của phong trào “vô sản hóa” trên thực tế đã khẳng định đây là con đường đúng đắn.

Cuối năm 1928, đầu năm 1929, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân phát triển mạnh mẽ, tình thế cách mạng lúc này đang đặt ra những nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi phải có một tổ chức cao hơn, đó là Đảng Cộng sản để lãnh đạo phong trào đấu tranh. Từ một thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ lập trường giai cấp công nhân, trở thành người lãnh đạo phong trào công nhân ở Hải Phòng  và vùng mỏ than Đông Bắc, trên Cương vị Uỷ viên Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, Nguyễn Đức Cảnh và một số người khác trong "Thanh niên" đã kịp thời nhận thức được đòi hỏi khách quan của phong trào. Đầu tháng 3 năm 1929, tại số nhà 5D - phố Hàm Long (Hà Nội), những người tiên tiến nhất trong Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã họp thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên gồm 7 đồng chí: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Trần Văn Cung, Nguyễn Tuân, Dương Hạc Đính. Đây là Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở nước ta, đóng vai trò nòng cốt cho việc chuẩn bị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau khi Chi bộ Cộng sản đầu tiên ra đời, số lượng đảng viên tăng. Nhiệm vụ đặt ra trước mắt là phải thành lập một đảng cộng sản trong toàn quốc. Đây cũng là nhận thức của Nguyễn Đức Cảnh cũng như các đồng chí trong Chi bộ Cộng sản và Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ.

Với danh nghĩa Kỳ bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, ngày 28 tháng 3 năm 1929, chi bộ Hàm Long triệu tập Đại hội đại biểu toàn xứ Bắc Kỳ. Trong đại hội này, các đại biểu tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản và cử 4 đại biểu dự Đại hội "Thanh niên'' toàn quốc do Tổng bộ triệu tập. Các đồng chí trong đoàn đại biểu được giao nhiệm vụ đề xuất cho việc thành lập Đảng Cộng sản ở Đại hội "Thanh niên" toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Trịnh Đình Cửu được phân công dự thảo Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản .

Ngày 17 tháng 6 năm 1929, tại ngôi nhà số 312 - phố Khâm Thiên (Hà Nội), các đồng chí trong Chi bộ Cộng sản đầu tiên quyết định thành lập Đảng Cộng sản, lấy tên là Đảng Cộng sản Đông Dương; thảo luận và thông qua các văn kiện Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương, Điều lệ Đảng Cộng sản, xuất bản báo "Búa liềm" làm cơ quan tuyên truyền của Đảng…Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành, phân công phụ trách công tác vận động công nhân và dự thảo thêm một số văn kiện của Đảng.

Từ cuối tháng 6 đến tháng 7 năm 1929, ở Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã tích cực lựa chọn những thanh niên tiên tiến nhất để kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 6 năm 1929, Tỉnh bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng được thành lập. Đảng bộ Hải Phòng đã cử đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Bí thư Tỉnh bộ.

2. Tham gia sáng lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ và Đảng Cộng sản Việt Nam (1929-1930)

a. Tham gia sáng lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ 

Sau khi đọc bài báo của Nguyễn Ái Quốc viết về công nhân trên tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) từ nước ngoài chuyển về Trường Thành Chung - Nam Định, Nguyễn Đức Cảnh và nhóm bạn thân đã có ý thức tìm hiểu về tư tưởng, đời sống của công nhân ở Thành phố Nam Định cũng như về giai cấp công nhân Việt Nam. Tuy vậy, chỉ khi lên Hà Nội và hoà nhập vào cuộc sống người thợ, thông qua thực tế đấu tranh với bọn chủ, Nguyễn Đức Cảnh mới có thêm những hiểu biết mới về sức mạnh và sứ mạng to lớn của giai cấp công nhân. Càng hoà mình vào cuộc sống công nhân, Nguyễn Đức Cảnh càng thấy mối quan hệ khăng khít giữa quyền lợi của công nhân, phong trào công nhân với tổ chức Công đoàn và tổ chức cao nhất đại diện cho toàn giai cấp là chính đảng của họ - Đảng Cộng sản.

Là người được phân công công tác phụ trách vận động công nhân nên Nguyễn Đức Cảnh đã được Đông Dương Cộng sản Đảng giao nhiệm vụ đứng ra thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Được cử vào Kỳ bộ Bắc kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trực tiếp phụ trách Hải Phòng và một số chi hội vùng công nghiệp cảng và mỏ than. Lúc này ở Hải Phòng, trong công nhân mới chỉ bí mật phát triển các tổ chức: Ái hữu, Tương tế, Đồng hương, Kiếm việc làm. Nhận thức được vai trò quan trọng của tổ chức Công hội của công nhân trong cuộc đấu tranh chống đế quốc bóc lột, Nguyễn Đức Cảnh đã xung phong đi “vô sản hoá” để có điều kiện gần gũi anh, chị em công nhân. Đồng chí làm thợ quai búa ở Nhà máy Carông, làm phu khuân vác ở bến cảng, thực sự hoà mình với công nhân, học tập được ở họ nhiều đức tính quý báu, đồng thời cũng giác ngộ cách mạng cho họ, gây dựng, củng cố một số cơ sở "Công hội đỏ" và trực tiếp lãnh đạo công nhân đấu tranh.

Thực hiện chủ trương “vô sản hoá”, nhiều hội viên Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội xuất thân từ trí thức, học sinh và cả những người vốn đã từng làm thợ, lúc này đều được cử vào các nhà máy, xưởng thợ để tự rèn luyện, hòa mình vào công nhân, tuyên truyền giác ngộ lý tưởng cách mạng, vận động tổ chức công nhân đấu tranh. Do có nhiều hội viên Thanh niên đến "vô sản hóa" ở khu mỏ nên chỉ sau một thời gian, những người công nhân ưu tú ở đây đã tiếp thu được chủ nghĩa Mác - Lênin, thấy rõ vai trò, sứ mệnh lịch sử to lớn của giai cấp mình. Công tác tổ chức, xây dựng lực lượng được đẩy mạnh. Phong trào đấu tranh của công nhân mỏ đã có bước chuyển biến mạnh về chất, buộc giới chủ phải nhượng bộ. Từ phong trào công nhân phát triển đã kéo theo sự phát triển của phong trào nông dân, truyền đơn cộng sản, cờ đỏ búa liềm tung bay khắp mọi nơi.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, ngày 28 tháng 7 năm 1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh ở Bắc kỳ tại số 15 Hàng Nón (Hà Nội). Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ, xuất bản tờ báo “Lao động” và tạp chí “Công hội đỏ” làm cơ quan tuyên truyền của Công hội. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng lâm thời, trực tiếp phụ trách cả báo và tạp chí. Đồng chí đã viết nhiều bài đăng trên Báo “Lao động” và Tạp chí “Công hội đỏ” để tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn công nhân đấu tranh. Trong thời gian đi "vô sản hóa", đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã viết tập tài liệu "Tổ chức Công hội như thế nào", giúp các hội viên công hội nắm được phương pháp, hình thức và nội dung để phát triển tổ chức.

Sau Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng cử một số cán bộ uy tín của Đảng đi xây dựng Công hội đỏ ở địa phương. Tháng 8 năm 1929, Nguyễn Đức Cảnh chủ trì Hội nghị đại biểu Tổng Công hội Hải Phòng để bầu Ban Chấp hành, thống nhất sự lãnh đạo tổ chức Công hội đỏ toàn thành phố. Ngay sau hội nghị, Tổng Công hội đã trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh lớn, điển hình như cuộc bãi công của công nhân hãng dầu Pháp - Á; công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng, công nhân Xưởng cơ khí Carông...

Đầu tháng 12 năm 1929, Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành lâm thời tại Hà Nội để bầu ra Ban Chấp hành chính thức Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Nguyễn Đức Cảnh đã giới thiệu đồng chí Trần Văn Lan, thợ nguội Nhà máy sợi Nam Định làm Hội trưởng; đồng thời, lựa chọn một số đồng chí khác là công nhân tham gia Ban Chấp hành Công hội đỏ Bắc Kỳ.

Sự ra đời của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ vừa là kết quả tất yếu của sự trưởng thành về chất lượng của phong trào công nhân, vừa là sự thắng lợi của đường lối Đông Dương Cộng sản Đảng; đáp ứng nhu cầu bức thiết về tổ chức của phong trào công nhân Việt Nam, góp phần vào sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của tổ chức công hội ở các địa phương trong cả nước. Nguyễn Đức Cảnh trở thành một trong những nhà lãnh đạo tiên phong của phong trào công nhân Việt Nam, một trong những người sáng lập ra Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ.

b. Tham dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cùng với sự lớn mạnh về số lượng và trưởng thành về ý thức chính trị của phong trào công nhân trong những năm 1928-1929 đã đặt ra yêu cầu khách quan cho sự ra đời một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Yêu cầu này đã vượt qua khả năng lãnh đạo của tổ chức Thanh niên.

Tuy nhiên, cuối năm 1929, trong nội bộ tổ chức Thanh niên bộc lộ một số hạn chế như hoạt động của Tổng bộ thiếu thống nhất, sinh hoạt lỏng lẻo, có nơi mất đoàn kết. Trên thực tế, Thanh niên không còn đủ sức tập hợp và lãnh đạo phong trào công nhân trong cả nước. Vì vậy, không lâu sau khi Đoàn đại biểu Thanh niên Bắc Kỳ bỏ đại hội toàn quốc từ Hồng Kông về nước, tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng; các tổ chức An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung kỳ cũng lần lượt được ra đời. Tuy nhiên, sự tồn tại và hoạt động riêng rẽ của ba tổ chức cộng sản làm cho lực lượng và sức mạnh của phong trào cách mạng bị phân tán. Điều đó không phù hợp với lợi ích của cách mạng và nguyên tắc tổ chức của đảng cộng sản. Được sự ủy nhiệm của Quốc tế cộng sản, ngày 3 tháng 2 năm 1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất tại Cửu Long - Hương Cảng - Trung Quốc. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Trịnh Đình Cửu đại diện cho Đông Dương cộng sản Đảng tham dự hội nghị.

Sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là kết quả tổng hợp của việc truyền bá lý luận Mác – Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Sự kiện tham dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 không chỉ phản ánh kết quả hoạt động tích cực trong phong trào công nhân mà còn khẳng định đóng góp có ý nghĩa to lớn của Nguyễn Đức Cảnh trong tiến trình vận động thành lập Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

 3. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người có nhiều đóng góp cho công tác tư tưởng, tổ chức của Đảng 

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng lập trường, quan điểm, ý thức tổ chức cho giai cấp công nhân; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân; trung thành với chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Khi làm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Thanh niên Hải Phòng, là Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, làm Bí thư Khu bộ Hải Phòng và thời gian công tác ở Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã mở nhiều lớp huấn luyện chính trị đào tạo cán bộ xuất thân từ công nhân. Với trình độ lý luận, thực tiễn sâu sắc, bản lĩnh chính trị vững vàng và những trải nghiệm trong phong trào công nhân, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã giúp các học viên dễ dàng tiếp thu bài giảng, nắm vững được lý luận, phương pháp và đường lối chiến lược, sách lược cách mạng của Đảng. Kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, sau khi được huấn luyện, đồng chí phân công học viên vào các xóm thợ, xưởng máy, ra vùng ngoại thành và vùng mỏ để tuyên truyền, xây dựng cơ sở. Nhiều cán bộ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bồi dưỡng, đào tạo, sau này đã trở thành những lãnh đạo xuất sắc của Đảng, của phong trào công nhân.

Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, phong trào đấu tranh của công nhân khu mỏ lên cao, bên cạnh mặt tích cực cũng xuất hiện những khuynh hướng lệch lạc: manh động tiểu tư sản, coi trọng việc vận động công nhân thợ cơ khí, xem nhẹ việc vận động công nhân tầng, lò. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã kịp thời cử đồng chí Nguyễn Văn Cừ đến khu mỏ kiểm tra tình hình, bổ khuyết, uốn nắn những lệch lạc, thiếu sót của phong trào, đưa phong trào tiếp tục phát triển đúng hướng. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời đó của đồng chí, phong trào công nhân mỏ đã phát triển nhanh, luôn bám sát đường lối của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những cán bộ tuyên huấn đầu tiên của Đảng ta với nhiều đóng góp xuất sắc. Sau khi dự lớp huấn luyện của Tổng bộ hội Việt Nam Thanh niên cách mạng, đồng chí tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm giác ngộ quần chúng, làm cho quần chúng tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cách mạng, đoàn kết tập hợp dưới ngọn cờ cách mạng, đấu tranh chống thực dân và phong kiến.

Thời gian làm Bí thư Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng, Nguyễn Đức Cảnh đã viết nhiều tài liệu tuyên truyền, chỉ đạo phong trào cách mạng. Tháng 5 năm 1929, báo "Cờ đỏ" xuất bản số 2 tuyên truyền cho việc thành lập Đảng Cộng sản; ngày 15 tháng 10 năm 1929, báo "Sao đỏ" số 1 của Đảng bộ Hải Phòng ra đời, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trực tiếp phụ trách và đảm nhiệm hầu hết các bài viết trên báo. Tháng 01 năm 1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đứng ra tổ chức in ấn, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động cuốn sách "Sự nghiệp cách mạng của Lênin". Đây là cuốn tiểu sử, đồng thời cũng là cuốn sách lý luận phân tích chủ nghĩa Mác - Lênin.

Mặc dù bị thực dân Pháp lùng sục, vây bắt nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, truyền đơn, áp phích, cờ đỏ búa liềm vẫn xuất hiện ở nhiều nơi để chào mừng sự ra đời của Đảng; báo chí và tập san bí mật vẫn lưu hành, những cuộc đình công, bãi công của công nhân vẫn liên tiếp nổ ra. Bên cạnh những khẩu hiệu đấu tranh đòi quyền sống, là những khẩu hiệu ủng hộ nước Nga Xô viết, phản đối thực dân Pháp khủng bố các chiến sĩ tham gia khởi nghĩa Yên Bái, phản đối khủng bố “trắng”, đồng chí còn thành lập đội tuyên truyền xung phong gồm những người dũng cảm, có năng lực diễn thuyết trước đông đảo quần chúng, cổ vũ quần chúng tham gia đấu tranh cách mạng.

Đồng chí đã viết cuốn sách "Trả lời Kơrôteme", được in và phát hành rộng rãi để vạch trần bộ mặt thật của bọn thực dân cướp nước và bè lũ tay sai bán nước. Với những lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, những dẫn chứng cụ thể, sinh động, cuốn sách đập tan những luận điểm ngụy biện, xuyên tạc, vu khống chủ nghĩa cộng sản và công xã Quảng Châu của tên thực dân cáo già Kơrôteme. Đây là một đòn chính trị đánh mạnh vào bọn thực dân, củng cố niềm tin cho công nhân và nông dân vào sự nghiệp cách mạng.

Từ tháng 5 - 1930, trên cương vị Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, Nguyễn Đức Cảnh tăng cường đi đến các cơ sở để tuyên truyền, giáo dục và động viên đảng viên, quần chúng giữ vững niềm tin, bảo vệ Đảng trước sự truy nã, bắt bớ của kẻ thù. Nguyễn Đức Cảnh  viết nhiều tài liệu tuyên truyền, trong số đó có nhiều bài in trên báo "Người lao khổ", báo "Tiến lên"; xây dựng, phát triển hệ thống báo Đảng từ xứ đến tỉnh và các cơ sở. Cơ quan Xứ ủy Trung kỳ, ngoài tờ báo "Người lao khổ" còn có báo "Công nông binh", "Chỉ đạo", "Vô sản" và "Tin tranh đấu Trung kỳ". Tỉnh ủy Nghệ An có báo "Tiến lên", Tỉnh ủy Hà Tĩnh có báo "Công nông binh", "Bước tới". Các huyện ủy đều có báo riêng: "Nhà quê"(Thanh Chương), "Gương vô sản"(Anh Sơn), "Dân nghèo"(Nghi Lộc), "Giác ngộ"(Nam Đàn), "Sản nghiệp"(Quỳnh Lưu), "Tự cứu"(Can Lộc), "Tiếng gọi"(Đức Thọ), "Bước tới"(Cẩm Xuyên)... Những tờ báo đó và các tài liệu tuyên truyền khác đã góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh của quần chúng, bảo vệ Đảng; chống lại mọi âm mưu và hành động chống phá của kẻ thù.

Tháng 10 - 1930, Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương cử vào tăng cường cho Xứ uỷ Trung Kỳ - nơi phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp đang diễn ra rầm rộ trên nhiều địa phương thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tại địa bàn mới, đồng chí vừa tìm hiểu tình hình, vừa ngày đêm cùng anh em lăn lộn với phong trào. Trong lúc này, hoạt động của các nhà máy ở vùng Bến Thuỷ rất khó khăn. Diện tích làng Yên Dũng Hạ lúc bấy giờ chưa đầy 5 cây số vuông, nhưng giặc Pháp đã xây dựng 2 đồn lính khố xanh, khố đỏ để khống chế và đàn áp cách mạng. Trước âm mưu khủng bố điên cuồng của địch, phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh đứng trước thử thách vô cùng khốc liệt. Không ít các cơ sở đảng ở địa phương bị mất liên lạc, phải tạm ngừng hoạt động. Tại Trung Kỳ, mật thám Pháp mở nhiều cuộc vây ráp các cơ sở để lùng bắt các chiến sĩ cộng sản, trong đó người có tên gọi “Bé Con”- mật danh của Nguyễn Đức Cảnh. Cuối tháng 4 năm 1931, trên đường về cơ sở, đồng chí bị địch bắt tại làng Yên Dũng Hạ (nay là phường Hưng Thuỷ - Thành phố Vinh), sau đó bị địch giải về nhà tù Hoả Lò - Hà Nội.

Những ngày sống trong xà lim án chém, dù biết thời gian còn lại rất ngắn ngủi, Nguyễn Đức Cảnh vẫn dành hết sức lực cho các mạng; bởi lẽ, anh vẫn vững tin vào lý tưởng của Đảng, vào giai cấp công nhân. Bằng những trải nghiệm phong phú về đời sống công nhân và những kinh nghiệm trong công tác vận động, tổ chức, công nhân, công tác xây dựng Đảng, Nguyễn Đức Cảnh đã dồn góp hết trí lực của mình viết tác phẩm “Công nhân vận động” trong điều kiện bị kẻ thù giam cầm. Trước ngày kẻ thù hành quyết, Nguyễn Đức Cảnh không chỉ thể hiện rõ trình độ lý luận cao, năng lực tổng kết thực tiễn của một cán bộ lãnh đạo phong trào công nhân, mà còn thể hiện sự trung kiên, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi.

05 giờ sáng ngày 31-7-1932, Nguyễn Đức Cảnh hiên ngang bước lên máy chém tại pháp trường bên bờ sông Lấp, trước cửa nhà Lao Hải Phòng. Cho đến giờ phút cuối của cuộc đời, Nguyễn Đức Cảnh vẫn giữ trọn lòng thuỷ chung, sắt son với Đảng, với dân tộc, vẫn vững một niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng. Sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi đã góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, nêu tấm gương sáng ngời cho các thế hệ về sự kiên trung, tinh thần đấu tranh bất khuất của người chiến sĩ cách mạng.

                                                  *

                                                  *     *

Mảnh đất Thái Bình tự hào là quê hương sinh ra đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người chiến sĩ cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ nơi đâu nhưng đồng chí vẫn luôn quan tâm và hướng về quê hương. Khắc ghi công lao của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, 87 năm qua, phát huy truyền thống yêu nước cách mạng; kiên cường, anh dũng trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong lao động, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Đặc biệt, trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, dưới ánh sáng nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ Thái Bình đã vận dụng và cụ thể hoá phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn đạt 45.482 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện theo hướng hiệu quả, bền vững. Đến nay, có 199 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó 186 xã (chiếm 70,7% tổng số xã) và 01 huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới (tăng 22 xã so với năm 2016). Kết cấu hạ tầng được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; chương trình nước sạch nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh; các công trình nước sạch hoạt động ổn định, đảm bảo cung cấp nước sạch cho 100% các xã trên địa bàn tỉnh. Sự nghiệp văn hoá, thông tin, thể dục - thể thao có chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có nhiều tiến bộ. Quy mô giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, kế hoạch hóa gia đình được thực hiện có hiệu quả. Chính trị - xã hội được giữ vững; quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả, quản lý, điều hành của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được nâng lên. Hoạt động, kỷ luật, kỷ cương của bộ máy hành chính từng bước nâng cao; công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh. Tích cực chỉ đạo công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn, chính xác hơn các thủ tục hành chính của công dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Hướng tới kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (02/02/1908- 02/02/2018), các địa phương trong tỉnh đang dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trên nhiều lĩnh vực. Bằng những hoạt động cụ thể, bằng những việc làm thiết thực, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình mãi mãi khắc ghi tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của đồng chí, nguyện phấn đấu học tập tấm gương suốt đời hy sinh cho độc lập tự do, cho hạnh phúc của nhân dân; tiếp tục con đường mà Đảng, Bác Hồ và cả dân tộc đã lựa chọn. Tăng cường đoàn kết, nêu cao ý chí, tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, chung sức đi lên cùng cả nước, phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

 Hình ảnh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng, người cộng sản kiên trung, người con ưu tú, kiên cường mãi in đậm trong lòng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh Thái Bình.

                                                           Theo nguồn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày