Thứ 6, 05/07/2024, 02:57[GMT+7]

Đập tan "cánh cửa thép” Xuân Lộc

Chủ nhật, 29/04/2018 | 21:27:37
5,711 lượt xem
Những ngày tháng 4 lịch sử, như một cơ duyên khi chúng tôi may mắn gặp lại những cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 7 bộ binh, Quân đoàn 4 – đơn vị được mệnh danh là "Quả đấm thép miền Đông”, ôn lại những kỷ niệm hào hùng khi đơn vị cùng các lực lượng khác đập tan "cánh cửa thép” Xuân Lộc, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, đưa non sông thu về một mối.

Các cựu chiến binh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 đang ôn lại phút giây chiến thắng mùa Xuân 1975

Mùa xuân năm 1975, với ý chí quyết tâm "đánh cho ngụy nhào”, thế tiến công mạnh như vũ bão của quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên và miền Trung, trong đó, 2 tập đoàn phòng ngự mạnh của địch là Huế và Đà Nẵng đã bị đập tan. Ta còn làm chủ một số vùng lớn nối liền các căn cứ giải phóng cũ ở miền Đông Nam Bộ, tạo thế và lực áp sát Sài Gòn buộc địch phải bị động đối phó.

Để bảo vệ Sài Gòn – Gia Định, quân lực Việt Nam Cộng hòa dàn lực lượng lập tuyến phòng thủ từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh. Trong đó, Xuân Lộc là cụm cứ điểm trọng tâm, như lời tướng Mỹ Weyand đã nói với Nguyễn Văn Thiệu và tay chân: "Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”.

Thị xã Xuân Lộc, thuộc tỉnh Long Khánh, nằm trên đường số 1, cách Đông Bắc Sài Gòn 60km, địa hình chia cắt phức tạp thuận lợi cho phòng thủ.

Trước cơn hấp hối, để ngăn quân ta tiến theo đường 1 và đường 20 đánh vào Biên Hòa và Sài Gòn, địch đã biến Xuân Lộc thành "cánh cửa thép”, ngoài căn cứ Chiến đoàn 52 và Trung đoàn 5 thiết giáp án ngữ khu Đông và Đông Bắc trong thị xã.

Địch tập trung một lực lượng hùng hậu gồm Sư đoàn 18 đủ 3 chiến đoàn, Trung đoàn 5 thiết giáp, 8 tiểu đoàn bảo an, 20 đại đội địa phương quân, cùng hàng nghìn cảnh sát và phòng vệ dân sự.

Chưa kể, lữ đoàn thiết giáp số 3 ở Biên Hòa và lữ đoàn dù 1 ở Sài Gòn làm nhiệm vụ ứng cứu trực tiếp, ngoài ra, các sư đoàn bộ binh và binh chủng khác của quân khu 3 và 4 Việt Nam Cộng hòa… sẵn sàng yểm trợ. Nắm trong tay khoảng 12.000 quân, tướng ngụy Lê Minh Đảo to mồm khoác lác sẽ "tử thủ” Xuân Lộc để bảo vệ Sài Gòn.

Quán triệt tư tưởng "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 2/4/1975, Bộ Tư lệnh Miền đã quyết định mở chiến dịch tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc – Long Khánh nhằm tiêu diệt Sư đoàn 18 ngụy ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng ngự từ xa, chia cắt, cô lập, tạo bàn đạp mở đường tiến công Sài Gòn.

Nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4, được phối thuộc Sư đoàn bộ binh 6, 2 tiểu đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương. Đồng chí Hoàng Cầm được giao trọng trách là Tư lệnh chiến dịch, sở chỉ huy đặt tại phía Bắc sông La Ngà.

Trước tương quan lực lượng và thực tế chiến trường, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã quyết định tiến công Xuân Lộc theo 3 hướng, trong đó, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 tiến công trên hướng chủ yếu từ phía Đông thị xã, có nhiệm vụ đánh chiếm hậu cứ Trung đoàn 5 thiết giáp, Chiến đoàn 43, sở chỉ huy Sư đoàn 18 ngụy, tiêu diệt toàn bộ địch ở phía Đông thị xã. Các lực lượng khác như Sư đoàn 341, Sư đoàn 6… tiến công trên hướng thứ yếu, thực hành bao vây chia cắt, diệt viện nhằm giải phóng thị xã.

Chiến tranh đã lùi xa 43 năm nhưng mỗi tháng 4 về, ký ức về một thời hào hùng vào sinh ra tử bên đồng đội lại ùa về, vẹn nguyên trong tâm trí Thiếu tá Bùi Đức Kiệm, khu Tự Tiến, thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương), nguyên chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Ông kể: Sau chặng đường dài gấp rút hành quân từ Lâm Đồng về, rạng sáng ngày 8/4/1975, ông cùng đồng đội Trung đoàn 209 đã chiếm lĩnh đúng vị trí quy định sẵn sàng tiến công theo đội hình.

5 giờ 40 phút ngày 9/4/1975, được lệnh của Quân đoàn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 Lê Nam Phong lệnh cho các trận địa pháo đồng loạt nhả đạn vào Xuân Lộc mở màn chiến dịch.

Ngay trong ngày đầu chiến dịch, quân ta đã chiếm gần 1 nửa thị xã, toàn bộ khu hành chính tiểu khu, đưa được 3 tiểu đoàn vào bên trong.

"Tuy nhiên, qua 5 ngày chiến đấu ác liệt, các đơn vị của ta không dứt điểm được các mục tiêu, trong điều kiện thời tiết bất lợi, thương vong nhiều nhưng chiến sĩ của ta vẫn kiên cường chiến đấu, giành giật và bám trụ từng góc nhà, từng dãy phố với địch.

Cả đại đội thương vong khi rút ra còn lại vài chiến sĩ, song anh em vẫn quyết tâm xung phong quay lại chiến đấu Ngụy quân đổ lực lượng lớn quân chi viện, bố trí lại đội hình, điên cuồng chống trả quyết giữ bằng được Xuân Lộc.

Không quân từ các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Trà Nóc tăng cường chi viện và ném bom dữ dội xuống Xuân Lộc, địch còn sử dụng bom CBU, một loại bom có sức hủy diệt lớn bị cấm trên thế giới để ngăn bước tiến công của quân ta" - Thiếu tá Bùi Đức Kiệm xúc động nhớ lại

Theo Thượng tá Vũ Ngọc Đăng, xã Tây Lương (Tiền Hải), nguyên Đại đội trưởng Đại đội vệ binh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, người trực tiếp phục vụ Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong trong chiến dịch, trước tình hình đó, ngày 13/4/1975, Bộ Tư lệnh Miền và Quân đoàn quyết định ngừng tiến công thẳng vào thị xã, chuyển sang đánh các đơn vị địch đến phản kích chưa chắc chân ở vòng ngoài, thực hiện chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa và cắt đường số 2 từ Xuân Lộc đi Bà Rịa.

Từ ngày 14 – 20/4/1975, ta tập kích pháo binh vào sân bay Biên Hòa, tiến công chiếm giữ khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây, cắt đứt đường 1 và đường 20 (đoạn từ Túc Trưng đến ngã ba Dầu Giây) tạo thế bao vây, cô lập hoàn toàn thị xã Long Khánh, khu vực trọng yếu trên tuyến phòng thủ Xuân Lộc của địch.

Địch điên cuồng chống trả, đưa lực lượng lớn pháo binh, xe tăng, không quân chi viện, mở cuộc phản kích quy mô lớn quyết chiếm lại Dầu Giây. Trong toàn chiến dịch, Dầu Giây trở thành "chiếc then” của "cánh cửa thép”, điểm quyết chiến khốc liệt nhất giữa ta và địch.

Quân đoàn 4 tiến công giải phóng thị xã Xuân Lộc ngày 21/4/1975. Ảnh tư liệu

Phối hợp chặt chẽ với quân chủ lực, bộ đội địa phương và du kích đẩy mạnh tiến công, tiêu diệt, bức hàng hệ thống đồn bốt địch dọc các trục giao thông quanh Xuân Lộc.

Trong khi chiến sự tại Xuân Lộc đang giằng co ác liệt, tin chiến thắng dồn dập báo về khi cánh quân duyên hải đập tan "lá chắn Phan Rang”, giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân… khiến ngụy quân thêm hoang mang cực độ.

Trước sức tấn công dồn dập của quân và dân ta, không đủ sức giữ Dầu Giây, ngày 20/4/1975, toàn bộ lực lượng địch tháo chạy khỏi Xuân Lộc về Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngày 21/4/1975, chiến dịch tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc thắng lợi, cờ giải phóng tung bay trong thị xã Long Khánh.

Nhớ về một thời hoa lửa vinh quang, Thượng tá Vũ Ngọc Đăng xúc động chia sẻ: Biết bao đồng đội, bao anh hùng, liệt sĩ đã không tiếc máu xương để làm nên ngày chiến thắng.

Đã 43 năm trôi qua, nhưng chiến thắng Xuân Lộc mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, thể hiện tầm nhìn sáng suốt, linh hoạt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh Miền trong thời điểm lịch sử chuyển biến mau lẹ của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Xuân Lộc - "cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn – Gia Định bị đập tan, tạo điều kiện cho bước chân thần tốc của quân giải phóng áp sát Sài Gòn, gây chấn động đến toàn bộ hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở miền Nam.

Chiến thắng Xuân Lộc đã tạo một địa bàn hội quân, tập kết lực lượng làm bàn đạp của cánh quân phía Đông phối hợp cùng các mũi tiến công chủ lực cơ động trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tiến vào giải phóng Sài Gòn – Gia Định ngày 30/4/1975.

 Trịnh Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày