Thứ 2, 01/07/2024, 03:05[GMT+7]

Hạnh phúc lại đến bất ngờ!

Thứ 6, 25/05/2012 | 09:32:40
3,524 lượt xem
Nhắc đến ông - người Tham mưu trưởng Lữ đoàn pháo binh 374 Nguyễn Văn Sáng hẳn nhiều người quen, song không phải ai cũng biết gần 50 năm trôi qua, ông luôn trân trọng lưu giữ những kỷ niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn pháo binh 374 ngày 19/8/1962 trên đồi Thậm Thình, Phù Ninh, Phú Thọ.

Giờ đây, ông đã 93 tuổi, mắt chẳng còn tinh nhanh như thời trai trẻ, đôi chân cũng chẳng còn bước được những bước theo ý muốn; nhưng chính thời gian và tuổi già lại ngày càng giúp ông nhớ hơn những lần gặp Bác, chiêm nghiệm sâu sắc hơn những lời Bác đã dạy, những điều Bác hằng mong muốn. Và càng chiêm nghiệm thì trong sâu thẳm trái tim mình ông càng kính yêu Bác vô hạn hơn; bởi việc nguyện là “con cháu Bác Hồ” học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của người Cha già dân tộc ngay từ lần đầu được gặp và trong suốt cuộc đời đã giúp ông vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên định lý tưởng cách mạng, cống hiến nhiệt huyết và hết mình cho sự nghiệp chung của đất nước, của dân tộc.

 

Quay trở về quá khứ của gần 50 năm trước, ông Sáng bỗng chốc linh hoạt hẳn lên. Ngày ấy, 19/8/1962, Tham mưu trưởng Lữ đoàn pháo binh 374 Nguyễn Văn Sáng nhận lệnh của thủ trưởng Quân khu Tả ngạn tới đền Hùng tham dự buổi gặp mặt đón Bác Hồ về thăm. Ông Sáng nói đến tận bây giờ ông vẫn không quên được cái cảm giác vừa vui mừng, vừa bồn chồn, lo lắng. Ðã nhiều lần được gặp Bác, nhưng lần này ông trực tiếp đón vị lãnh tụ của cả một đất nước về thăm đơn vị. Hạnh phúc lại đến bất ngờ, ông không nghĩ mình  có thêm cơ hội được gặp Bác lần nữa; lần này lâu hơn, gần Bác hơn.

 

Buổi gặp mặt hôm ấy đã làm ông đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vẫn bộ quần áo nâu bạc màu và đôi dép cao su giản dị, vẫn gương mặt gầy và nụ cười đôn hậu, vẫn cách nói chuyện thân mật và gần gũi, Bác đã nhanh chóng xóa nhòa khoảng cách giữa một Chủ tịch nước với các cán bộ, chiến sĩ Quân khu. Chớp lấy cơ hội khi Bác hỏi: “Lữ đoàn của chú cách đây bao xa?”, lại nhận được cái huých tay “động viên” của đồng chí thủ trưởng Quân khu, ông Sáng thưa Bác đơn vị chỉ cách khoảng 3 cây số, mời Bác về thăm.

 

Trên đường về Lữ đoàn, Bác hỏi rất nhiều chuyện làm cho ông Sáng mỗi lúc một thấy Bác trở nên thân thiện, gần gũi và chan hòa hơn. Ðến điểm đóng quân, rất nhanh, Bác tự đi lên trước, vào thăm nơi ăn, chốn ở của cán bộ, chiến sĩ và khen mọi người sống sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng. Rồi Bác vào cả nhà bếp, nhìn “thực đơn” viết trên bảng ăn, thấy có cả thịt trâu, Bác hỏi rất nhẹ nhàng: “Các chú có cả thịt trâu để ăn cơ à?”. Tham mưu trưởng Sáng ngập ngừng: “Thưa Bác..., có con trâu ốm, xã để lại cho đơn vị 30 cân”. Bác nói: “Con trâu là đầu cơ nghiệp, thấy trâu ốm thì phải giúp dân chăm sóc cho nó khỏe lại. Nếu cứ hễ thấy con nào ốm mà giết thịt luôn thì dân lấy đâu ra sức kéo?”. Tham mưu trưởng Sáng đỏ mặt, cúi đầu xấu hổ, không biết nói thêm câu gì nữa.

 

Dọc đường đi lên chỗ tập trung quân, Bác liên tục hỏi chuyện như người trong gia đình khiến ông Sáng thấy bớt ngại ngùng, lo lắng hơn.  Dừng lại dưới một gốc cây to, xum xuê lá, Bác cầm tay ông rồi nói: “Bác cháu ta ngồi xuống đây nghỉ một lát, chờ mọi người đang về, nhân thể chú xem có vấn đề gì lát Bác nói chuyện với đơn vị”. Tất cả những điều ông báo cáo, Bác đều bảo đồng chí đi cùng ghi lại.

 

Khi gặp gỡ và nói chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, Bác biết có đồng chí ngày bố đẻ mất không về chịu tang, vẫn có mặt trong đội quân dự nhiệm tham gia diễn tập, huấn luyện không vắng một buổi. Bác lại hỏi Tham mưu trưởng Sáng: “Ðồng chí có biết không?”. Ông Sáng hồn nhiên trả lời: “Dạ, thưa Bác, các đồng chí ấy không báo cáo nên cháu không biết ạ!”. Bác nghiêm nét mặt nói nhỏ như chỉ để mình ông Sáng nghe: “Kỷ luật nghiêm minh là tốt, nhưng như thế không có nghĩa là không cho người ta về chịu tang bố. Là thủ trưởng phải luôn quan tâm, lo lắng đến cả đời sống riêng của anh em trong đơn vị; có gần gũi họ mới hiểu tâm tư  họ...”.

Nói chuyện xong với đơn vị, Bác ghi vào sổ vàng truyền thống những dòng chữ đầy tình thương mến: “Luôn luôn cố gắng học tập, cố gắng lao động sản xuất, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cách mạng, bảo vệ Tổ quốc. Chúc các cháu vui vẻ, mạnh khỏe, đoàn kết, tiến bộ”. Chia tay Bác mà trong lòng Tham mưu trưởng Sáng rối bời mọi suy nghĩ. Chỉ vài tiếng đồng hồ thôi được ở bên Bác trên đồi Thậm Thình, Phù Ninh, Phú Thọ - nơi đóng quân của Lữ đoàn pháo binh 374 ngày ấy, đã giúp ông vỡ lẽ ra được nhiều bài học quý. 

 

Chiều mùa hạ nắng không vội tắt. Vạt nắng cuối ngày tinh nghịch bò trườn qua những chậu rau xanh ngoài hiên, len lén qua khung cửa nhỏ, rồi đậu trên vai áo ông. Trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt nhận ra, những kỷ niệm về Bác Hồ là mạch nhựa sống căng tràn, sung mãn chảy trong khối óc, trong trái tim, trong máu thịt của ông, không chỉ thời trẻ mà cả khi về già. 93 tuổi nhưng ông vẫn rất minh mẫn, say sưa kể chuyện về Bác Hồ cho tôi nghe, truyền cho tôi những xúc cảm trong quá khứ và cả trong hiện tại về vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc. Giản dị, đúng mực, công bằng, tiết kiệm, gần gũi.... biết bao nhiêu bài học ông đã học từ Bác và làm theo Bác suốt cả cuộc đời mình. Và bây giờ, mặc dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn luôn giáo dục, dậy dỗ các con - những đứa con đã trưởng thành và đang rất thành đạt đặt chữ “đức” làm đầu; khuyến khích, động viên các cháu vốn đã là những học sinh giỏi cần học nữa, học mãi, học để làm người.

Thế An

 

(Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Sáng - nguyên Tham mưu trưởng Lữ đoàn pháo binh 374 )

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày