Thứ 6, 05/07/2024, 05:50[GMT+7]

Thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp

Thứ 4, 14/10/2020 | 08:09:40
2,019 lượt xem

TẬP TRUNG CÁC GIẢI PHÁP ĐƯA THÀNH PHỐ THÁI BÌNH TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ LOẠI I

(Đồng chí Hoàng Văn Thành, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Thái Bình)


Thị xã Thái Bình ngay từ buổi bình minh thành lập năm 1890 đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và là đầu mối giao thông quan trọng, nơi giao thoa các sắc thái văn hóa của tỉnh Thái Bình với tên gọi “Kỳ Bố Hải Khẩu”. Cùng với sự phát triển của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thị xã Thái Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Năm 2003, thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại III và 10 năm sau được Chính phủ công nhận là đô thị loại II. Đặc biệt, 5 năm qua, kinh tế - xã hội của thành phố có bước chuyển biến rõ rệt, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng địa phương được giữ vững, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt tiêu chí đô thị loại I. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,86%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 1,5%, 3 năm liền thành phố được Hiệp hội Đô thị Việt Nam công nhận là đô thị xanh - sạch - đẹp.

Để sớm trở thành đô thị loại I, thành phố tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp hiện đại với các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; phát triển khu dịch vụ vui chơi giải trí quy mô lớn gắn với phát triển đô thị du lịch nghỉ dưỡng và giải trí hai bên bờ sông Trà Lý, khu Quảng trường Thái Bình; huy động tối đa các nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển, đa dạng hóa các loại hình đầu tư, nguồn lực đầu tư. Về phát triển đô thị, thành phố tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các khu đô thị hiện hữu để phát triển đô thị về cả hai phía Đông và Tây theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phân khu khu vực cảnh quan hai bên bờ sông Trà Lý; triển khai đầu tư xây dựng, kết nối các tuyến đường giao thông trọng điểm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng đô thị thông minh.


PHẤN ĐẤU CÁN ĐÍCH NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO, NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU        

(Đồng chí Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà)

Năm 2015, Hưng Hà là 1 trong 8 huyện đầu tiên của cả nước, là huyện đầu tiên của tỉnh Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Đến tháng 1/2020, Hưng Hà có 2 xã được đoàn thẩm định của tỉnh đánh giá đạt 11/11 tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao; 6 xã đạt 10/11 tiêu chí; 5 xã đạt 9/11 tiêu chí; các xã còn lại đạt từ 6 - 8 tiêu chí NTM nâng cao và có 2 xã đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2020 - 2025. Kết quả xây dựng NTM đã góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn huyện Hưng Hà.

Đại hội Đảng bộ huyện Hưng Hà nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ là: “Tập trung duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM; xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu”. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, Đảng bộ huyện Hưng Hà tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: Xây dựng nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2020 - 2025 và xác định rõ xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên, lâu dài, không có điểm kết thúc. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung ưu tiên nguồn lực, làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm của huyện trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2026 và đầu tư xây dựng hạ tầng NTM. Tiếp tục phân cấp, tạo điều kiện để các cơ sở và người dân chủ động trong việc nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vững mạnh toàn diện. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn phân bổ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu... Phấn đấu từng bước xây dựng Hưng Hà trở thành trung tâm kinh tế - xã hội phía Tây Bắc của tỉnh.

QUYẾT LIỆT CHỈ ĐẠO, TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI ĐỂ THU HÚT CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀO KHU KINH TẾ THÁI BÌNH

(Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tiền Hải)

Trong những năm qua, huyện Tiền Hải đã triển khai thực hiện kịp thời các dự án đầu tư phát triển vùng ven biển, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Sản xuất thủy sản phát triển khá mạnh cả nuôi trồng, khai thác và dịch vụ. Chế biến thủy sản từng bước được chú trọng, đã hình thành các doanh nghiệp đầu mối chế biến cung cấp trong nước và xuất khẩu. Huyện thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành của tỉnh tập trung quy hoạch mở rộng và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tiền Hải, quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 5 cụm công nghiệp. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình với diện tích tự nhiên 30.583ha. Trong đó, huyện Tiền Hải có 15 xã nằm trong Khu kinh tế. Để hội nhập Khu kinh tế Thái Bình, phát huy lợi thế tuyến đường bộ ven biển, huyện Tiền Hải tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, có tính chất động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh. Thường xuyên theo dõi, phối hợp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động. Tập trung quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi khai thác các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình. Trong đó, giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư dự án tuyến đường bộ ven biển, dự án hạ tầng cụm công nghiệp An Ninh, dự án đường 221A, mở rộng khu công nghiệp Tiền Hải, khu công nghiệp Hải Long, khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh và các dự án trong Khu kinh tế khi được tỉnh yêu cầu.


TẬP TRUNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT TRỒNG LÚA KÉM HIỆU QUẢ

(Đồng chí Trần Quang Triển, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đông Hưng)


Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Hưng phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí và quyết tâm chính trị cao, vượt qua khó khăn, thách thức, giành những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong nông nghiệp, bà con nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Diện tích chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm và cây ăn quả của huyện đạt 340ha. Giá trị thu nhập bình quân cây hàng năm và cây ăn quả đạt từ 200 - 600 triệu đồng/ha/năm.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra trong 5 năm tới, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời quản lý được quy hoạch sử dụng đất, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau: Tăng cường tuyên truyền, quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả và cây hàng năm khác cho giá trị kinh tế cao hơn; trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình, điển hình chuyển đổi hiệu quả. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn, hữu cơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ở các địa phương, bảo đảm đúng quy định. Làm tốt công tác quản lý, giám sát và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về chuyển đổi đất lúa ở các địa phương, không để lấn chiếm và sử dụng sai mục đích. Chú trọng công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất thử, lựa chọn các loại giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, đặc biệt chú trọng phát triển các giống cây trồng bản địa có chất lượng, xây dựng các vùng chuyển đổi trồng các cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tích cực tham gia chương trình xúc tiến thương mại các mặt hàng rau, củ, quả theo chương trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của tỉnh. Phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến rau, củ, quả. Ưu tiên nguồn lực, ban hành các cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho bà con nông dân.

VŨ THƯ CHÚ TRỌNG THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

(Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vũ Thư)


Những năm qua, cấp ủy từ huyện đến cơ sở ở Vũ Thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trên tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền.
Nhằm tiếp tục phát huy dân chủ ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đề ra nhiều giải pháp tích cực. Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách có liên quan đến lợi ích của nhân dân đều công khai để nhân dân được biết, được bàn, được tham gia góp ý trước khi quyết định và được kiểm tra, giám sát. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Huyện ủy xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả Kế hoạch số 55-KH/HU, ngày 26/9/2018 về việc “tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện và cấp xã với nhân dân trên địa bàn huyện Vũ Thư”. Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong việc giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời đơn thư kiến nghị, tố cáo và quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Chỉ đạo việc rà soát, bổ sung quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cấp huyện, cấp xã; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Pháp lệnh dân chủ sát với thực tế địa phương. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở huyện Vũ Thư sẽ góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

QUỲNH PHỤ QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT SỐ 07 VỀ PHÁT TRIỂN ĐÀN TRÂU, BÒ THƯƠNG PHẨM

(Đồng chí Đinh Trọng Xá, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ)


Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo, Huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Phụ đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện tới các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong huyện. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong huyện, tổng đàn trâu, bò tăng cả về số lượng và chất lượng. Đến tháng 9/2020, tổng đàn trâu, bò của huyện đạt 7.208 con, có 22 trang trại nuôi từ 20 con trâu, bò trở lên.
Thời gian tới, Quỳnh Phụ tiếp tục tuyên truyền các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết để các cấp ủy đảng cùng người dân vào cuộc thực hiện có hiệu quả. Vận động nhân dân, các doanh nghiệp chăn nuôi thực hiện các giải pháp phát triển đàn trâu, bò. Tiếp tục chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch đất dành cho chăn nuôi trâu, bò. Lựa chọn, đề xuất các khu đất phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại lõi. Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi, đặc biệt trong khâu xử lý môi trường, bảo đảm an toàn sinh học. Xây dựng mô hình, nhân rộng các mô hình điển hình. Hỗ trợ các địa phương, chủ trang trại thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, tiếp cận vốn vay để hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, để ngành chăn nuôi trâu, bò phát triển theo hướng ổn định, bền vững.
Đánh giá đúng tình hình, đề ra hướng đi phù hợp và quyết tâm thực hiện những giải pháp mà Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIX đã chỉ ra là điều kiện tiên quyết để Quỳnh Phụ hướng đến phát triển có hiệu quả đàn trâu, bò thương phẩm trong những năm tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI, CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO

(Đồng chí Vũ Thanh Vân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thái Thụy)


Xác định phát triển kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 01 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động huy động các nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển, ven biển của huyện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản giai đoạn 2015 - 2020 đạt 7,83%/năm (tăng 2,35%/năm so với giai đoạn 2010 - 2015). Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ quyền biển, đảo trên địa bàn huyện Thái Thụy trong tiến trình xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ này; tăng cường giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế biển theo chương trình đào tạo nghề ngư dân ven biển; đẩy mạnh cải cách hành chính; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo đà tiếp tục phát triển mạnh mẽ dịch vụ, hạ tầng du lịch và từng bước phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt các chương trình, dự án trồng, bảo vệ rừng ngập mặn, mở rộng diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biên giới biển ngày càng vững chắc, tạo ra thế phòng thủ liên hoàn, khép kín trong chiến lược phòng thủ của huyện; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biển, ưu tiên khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp khai thác, chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch, phát triển đội tàu xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chính sách bảo hiểm, hỗ trợ khi dịch bệnh, thiên tai xảy ra...

TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT, LIÊN KẾT SẢN XUẤT, TIÊU THỤ SẢN PHẨM THEO CHUỖI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

(Đồng chí Vũ Ngọc Trì, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kiến Xương)

Đến năm 2019, huyện Kiến Xương đã thực hiện tích tụ được 911ha đất nông nghiệp có quy mô từ 2ha trở lên; diện tích tổ chức sản xuất hàng hóa theo hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm là 2.190ha; sản lượng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng liên kết đạt khoảng 16.000 tấn, chiếm trên 10% tổng sản lượng từ trồng trọt của huyện. Diện tích đất trồng lúa chuyển sang trồng cây nông nghiệp khác có giá trị cao hơn đạt 63ha; diện tích chuyển 1 vụ là 36ha, chuyển cả 2 vụ là 27ha. Năm 2019, Kiến Xương được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, về đích sớm hơn 1 năm so với mục tiêu đề ra.

Để thúc đẩy việc tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt theo chuỗi, Đảng bộ huyện Kiến Xương xác định nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt ở các cấp, các ngành, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nắm được xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện nay, hiểu rõ quyền lợi của mình khi cho thuê đất hoặc tham gia liên kết sản xuất; giao chỉ tiêu tích tụ ruộng đất, tổ chức liên kết sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho từng địa phương, phấn đấu mỗi xã, thị trấn có từ 1 - 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới gắn với từng vùng chuyên canh. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ hợp tác có liên kết được tiếp cận chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp, ưu tiên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến nông sản, sản xuất hàng hóa ít độc hại, thân thiện với môi trường vào đầu tư sản xuất để tạo việc làm cho người dân, giúp người nông dân “ly nông nhưng không ly hương”. Thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong việc bảo đảm liên kết theo hợp đồng. Rà soát lại quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, quy vùng sản xuất lúa, màu bảo đảm hình thành các vùng sản xuất tập trung có đầy đủ các điều kiện thuận lợi về đường giao thông, hệ thống kênh mương, trạm bơm, đường điện.

ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO “TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC” TRONG TÌNH HÌNH MỚI

(Đại tá Nguyễn Thanh Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh)


Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ Công an tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ công tác công an, chủ động tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nổi bật là tham mưu Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Quan tâm chỉ đạo xây dựng, duy trì và nhân rộng hàng nghìn mô hình, điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào... Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phong trào phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Đảng bộ Công an tỉnh đề xuất 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng như trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ công an về phong trào. Lực lượng công an các cấp tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền cùng cấp và công an cấp trên đề ra các chủ trương, kế hoạch, biện pháp xây dựng phong trào gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, giữ bình yên cho nhân dân. Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện phong trào, củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng công an với các lực lượng khác nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tiếp tục xây dựng lực lượng công an các cấp trong sạch, vững mạnh, thực sự là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân.


CỦNG CỐ, XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN VỮNG MẠNH

(Đại tá Phạm Đức Kiên, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh)


Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết lãnh đạo, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện về xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, học tập và triển khai đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (QPAN) cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị và toàn dân; tập trung xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, chính sách xã hội và vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố QPAN và củng cố QPAN gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, phát triển dịch vụ, quy hoạch sử dụng đất gắn với quy hoạch đất quốc phòng, công trình quốc phòng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và củng cố QPAN; bảo đảm tính chiến lược về phát triển kinh tế gắn với củng cố QPAN theo đúng chủ trương: “Mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường củng cố QPAN”; đồng thời, quy hoạch, sắp xếp, phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, bảo đảm phát huy được nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ có tính lưỡng dụng sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ QPAN khi có tình huống. Lực lượng quân sự chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành kịp thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, củng cố QPAN ở địa phương.

XÂY DỰNG THẾ TRẬN LÒNG DÂN, QUYẾT TÂM BẢO VỆ VỮNG CHẮC CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO THIÊNG LIÊNG CỦA TỔ QUỐC

(Thượng tá Tống Thanh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh)


Thái Bình có bờ biển dài 54km với vùng biển rộng trên 3.000km2, có 1 cảng biển và 5 cửa sông lớn. Vùng biển của tỉnh có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú, có giá trị kinh tế cao, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, đồng thời có vị trí chiến lược quan trọng cả về địa lý, chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua, BĐBP tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, trong đó luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, xác định việc xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo vừa mang tính cấp bách vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, đề án, kế hoạch về xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới... Cùng với công tác tuyên truyền, BĐBP tỉnh còn thực hiện có hiệu quả công tác vận động quần chúng, tích cực tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm; đồng thời, củng cố và xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp,  ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, vun đắp lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, xây dựng thế trận lòng dân, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thời gian tới, BĐBP tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm, nỗ lực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 21/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình, góp phần xây dựng tỉnh Thái Bình phát triển, giàu đẹp, văn minh.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHI BỘ, PHÁT HUY VAI TRÒ HẠT NHÂN CHÍNH TRỊ CỦA CHI BỘ ĐẢNG Ở CƠ SỞ

(Đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh)


Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Do đó, các chi bộ đều thực hiện tốt chế độ sinh hoạt thường kỳ với nội dung bám sát chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc phân công nhiệm vụ cấp ủy viên, xây dựng và thực hiện các quy chế làm việc, chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy được thực hiện nghiêm túc. Công tác nắm bắt tình hình, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân được duy trì thường xuyên. Công tác quản lý đảng viên, đấu tranh phê bình cũng như giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống trong sinh hoạt chi bộ được quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến rõ nét. Để tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của chi bộ đảng ở các cơ quan, đơn vị, góp phần quan trọng lãnh đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, giải pháp đặt ra là các cấp ủy đảng, các chi bộ cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; xác định đây vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc, nền nếp chế độ sinh hoạt chi bộ định kỳ và chuyên đề theo quy định; giữ vững nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt đảng, mở rộng và phát huy dân chủ để đảng viên nói thẳng, nói thật, đề cao tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng. Các chi bộ cũng cần xác định tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt là yêu cầu thường xuyên của công tác xây dựng Đảng, đồng thời cũng là một trong những giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN ĐẢNG VIÊN TRONG DOANH NGHIỆP NGOÀI NHÀ NƯỚC

(Đồng chí Nguyễn Hoài Đức, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh)


Bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh luôn chú trọng công tác phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, coi đây là hạt nhân nòng cốt lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại doanh nghiệp. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng uỷ Khối đã thành lập mới 19 tổ chức cơ sở đảng, tổ chức 14 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 926 quần chúng ưu tú, kết nạp 785 quần chúng ưu tú trong doanh nghiệp ngoài nhà nước vào Đảng, trong đó có 13 lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, nâng số tổ chức cơ sở đảng trực thuộc lên 127 với trên 4.100 đảng viên. Các tổ chức cơ sở đảng luôn phát huy tốt vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Tổng giá trị sản xuất 5 năm qua của các doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Khối ước đạt 58.000 tỷ đồng, chiếm 62,7% tổng giá trị sản xuất của toàn Khối, nộp ngân sách ước đạt 4.300 tỷ đồng.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh xác định tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vai trò và sự cần thiết phải thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp theo hướng nâng cao năng lực tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị bám sát thực tiễn, phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy, chăm lo xây dựng, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tăng cường công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong việc tuyên truyền, vận động thành lập, tạo điều kiện cho hoạt động của tổ chức đảng, tạo nguồn phát triển đảng viên, đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển lớn mạnh cả về số lượng và quy mô, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày