Thứ 3, 02/07/2024, 22:10[GMT+7]

Ông Thắng "da cam"

Thứ 6, 03/09/2010 | 07:28:08
2,124 lượt xem
Sĩ quan hưu trí, hơn 60 tuổi đời, sức khoẻ đã giảm rõ rệt sau những năm dài cầm súng đánh Mỹ, đôi mắt đã kém nhiều do di chứng chất độc da cam... thế nhưng ông Thắng vẫn không chịu nghỉ mà huy động hết quỹ thời gian nghỉ ngơi để "đầu tư" vào một "dự án" phi lợi nhuận, nhưng lại hàm chứa ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc Da cam huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Ông là Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc Da cam (CĐDC) huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Thành lập tháng 5-2006, Hội nạn nhân CĐDC huyện Thái Thụy hoàn toàn không có bất kỳ thứ vốn liếng nào dính dáng đến 2 chữ "kế thừa". Trước cơ ngơi như vậy, ông Thắng không mảy may thoái thác, mà coi đây là nhiệm vụ nước sôi lửa bỏng. Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm nhưng nhiều đồng đội và con em của họ vẫn đang chết dần chết mòn bởi thứ chất độc quái ác ấy.

Trong gần 5 triệu người Việt Nam chịu ảnh hưởng chất độc da cam, riêng huyện Thái Thụy hiện có hơn 5 nghìn nạn nhân. Phải góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, trách nhiệm này của tất cả mọi người trong đó có ông. Suy nghĩ giản dị thôi thúc ông nhanh chóng đưa ngay Hội nạn nhân CĐDC huyện Thái Thụy vào hoạt động. Thật bất ngờ, Ban chấp hành gồm 17 thành viên do ông đứng mũi chịu sào chưa hề có chế độ phụ cấp, nhưng suốt 4 năm vẫn hoạt động rất tích cực, rất đều tay.

Tấm gương "ăn cơm nhà vác tù và hàng huyện" của ông thực sự là một bài học sống động, khiến các cộng sự noi theo, cùng bắt tay xây dựng Hội mỗi ngày một lớn mạnh. Từ hơn 100 hội viên ban đầu, đến nay số hội viên đã lên tới trên 3.500. Trên địa bàn huyện Thái Thụy rộng lớn với hơn 5 nghìn người nhiễm chất độc da cam, ông Thắng có thể đọc vanh vách số nạn nhân của từng làng, từng xã.

Về nạn nhân chất độc da cam ở huyện ta, ông thấy có trường hợp nào đặc biệt? - Chẳng cần suy nghĩ, ông Thắng trả lời ngay: - Đã phát hiện 500 cháu thế hệ thứ hai đang chịu di chứng. Tại thôn Mai Diêm, xã Thụy Hà cả 4 bố con anh Phạm Xuân Trường đều tàn phế do chất độc da cam. Anh Trường là con liệt sĩ, như vậy chất độc da cam đã huỷ hoại 3 thế hệ. Từ đây không ai có thể lường trước di chứng còn dai dẳng đến đời thứ mấy. Thật tai ác!...

Từng là nạn nhân của chất độc da cam, ông Thắng xót xa khi nhìn thấy đồng chí, đồng bào mình đang phải gánh chịu nỗi đau truyền kiếp. Ông cùng cả Ban chấp hành Hôi chạy đôn chạy đáo nơi này nơi kia theo đuổi mục đích điều tra kĩ lưỡng để có những con số đầy đủ làm bằng chứng chiến tranh góp phần lên tiếng đòi các công ty hoá chất Hoa Kì phải bồi thường cho nạn nhân Việt Nam. Với đạo lí "thương người như thể thương thân", ông nguyện cùng các cấp chính quyền và cộng đồng chung tay góp sức chia sẻ nỗi đau. Song song với biện pháp tuyên truyền, ông Thắng cùng Thường trực Huyện hội tích cực đi vận động các cơ quan, doanh nghiệp, tập thể, nhà hảo tâm... đóng góp bước đầu được 375 triệu đồng.

Nhờ số tiền này, Huyện hội có điều kiện trực tiếp chăm sóc cho những hội viên gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Xây 11 căn nhà tình nghĩa; 13 hội viên được hỗ trợ giường chiếu, chăn màn; 19 hội viên được trang bị xe đẩy, xe lăn; 5 hội viên được cấp máy trợ thính... Ngoài ra, Huyện hội còn dành hơn 100 triệu đồng chi cho hội viên nhân dịp lễ tết, thăm quan, tư vấn sức khoẻ và trợ cấp thường xuyên...

Ông Thắng cùng Ban chấp hành Huyện hội còn vận động các nhà hảo tâm huyện ngoài, tỉnh ngoài ủng hộ Hội một số thiết bị văn phòng như máy vi tính, máy in, máy fax trị giá hàng chục triệu đồng. Sự giúp đỡ từ bên ngoài thực sự rất quan trọng nhưng dựa vào nội lực để cùng nhau tự vươn lên mới chính là biện pháp lâu bền nhất, hiệu quả nhất. Suy nghĩ vậy nên ông Thắng rất coi trọng phương châm "tự lực cánh sinh".

Quỹ hoạt động tình nghĩa được huy động với mức bình quân ban đầu 100 nghìn đồng đến nay đã đạt 200 nghìn đồng một hội viên. 450 triệu đồng chưa phải là lớn nhưng đã giúp 78 hội viên có chút vốn nhỏ phát triển kinh tế gia đình. Có thể nói, suốt 4 năm qua trên cương vị Chủ tịch Hội, ông Nguyễn Đức Thắng đã góp trí tuệ, sức lực đáng kể để dóng dựng và đưa Hội nạn nhận CĐDC huyện Thái Thụy trở thành một tổ chức vững mạnh.

Hội đã tập hợp được những tư liệu rất cụ thể, rất thuyết phục làm bằng chứng góp phần tố cáo tội ác của những kẻ sản xuất và sử dụng chất độc hoá học trên đất nước Việt Nam. Về đối nội, Hội thực sự là một mái ấm hội tụ những tấm lòng nhân ái giúp xoa dịu nỗi đau da cam

Nguyễn Ngọc Khuyến

Khu 3 thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình

  • Từ khóa