Thứ 6, 28/06/2024, 18:34[GMT+7]

Nguyễn Hữu Cương - Nhà nho yêu nước, văn võ song toàn

Thứ 2, 20/05/2024 | 09:10:48
11,379 lượt xem
Nguyễn Hữu Cương sinh năm Ất Mão, niên hiệu Tự Đức thứ 8 (1855). Ông là con cả của Án sát Nguyễn Mậu Kiến, người làng Động Trung, phủ Kiến Xương, nay là xã Vũ Trung (Kiến Xương).

Du khách chiêm ngưỡng bức hoành phi “ Lý Thế Quốc Sư “ do cụ Nguyễn Hữu Cương thủ bút tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo.

Thuở nhỏ vốn tính thông minh hiếu học, lại được người cha dạy bảo tận tình nên Nguyễn Hữu Cương đã biết đọc biết viết chữ Hán từ rất sớm. 

Dòng họ nhà ông có truyền thống học hành khoa bảng, ngay từ thời ông nội Nguyễn Đăng Thuật đã mời thợ khắc bản mộc từ Hải Dương về san khắc in sách. Nối tiếp đến đời cha Nguyễn Mậu Kiến, xưởng in Chiêm Bái Đường ngày càng phát triển. Chính từ Chiêm Bái Đường, nhiều bộ sách quý được in ấn như: Ngũ kinh khâm định, Ngũ tử cận tư lục... được bảo tồn đến ngày nay. 

Trước khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873) Nguyễn Hữu Cương cùng cha nối tiếp công việc của Doanh điền Nguyễn Công Trứ khai khẩn vùng đất xứ Tiền Châu (Tiền Hải ngày nay). Cũng từ đây nhiều làng mới thành lập, cha con kêu gọi chiêu mộ người dân đến vùng đất mới đào ao vượt thổ dẫn thủy nhập điền. Những ngôi làng trù phú dần hình thành, cư dân các nơi cùng tìm đến xây cơ lập nghiệp. 

Năm Giáp Tuất (1874) triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước với Pháp. Cha ông là Nguyễn Mậu Kiến cùng nhiều sĩ phu yêu nước phản kháng, không đồng tình với những thỏa thuận có phần nhượng bộ của triều đình với Pháp. Cha ông đã cáo quan về quê dạy học. Với tài năng và đức độ, ông đã thu hút rất nhiều học sinh về theo học. Nguyễn Hữu Cương cùng cha củng cố lại Chiêm Bái Đường để in sách, lập quỹ “Học điền” lấy ruộng cày cấy tạo nguồn thu cho việc học. Ngoài ra, Nguyễn Hữu Cương mở mang thêm nhiều hiệu buôn đặt ở Đồng Xâm (Kiến Xương), Cổ Rồng (Tiền Hải), Tri Lai (Vũ Tiên)... để giao tiếp rộng kết nối hoạt động với các nơi được dễ dàng. Năm Kỷ Mão 1879, cha ông là Nguyễn Mậu Kiến lên vùng Hưng Hóa cùng với Nguyễn Quang Bích hoạt động chống Pháp. Nguyễn Mậu Kiến bị sốt rét và mất tại Đồn Vàng (nay là thị trấn Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) hưởng 61 tuổi. 

Nợ nước thù nhà chưa trả, Nguyễn Hữu Cương cùng em trai Nguyễn Hữu Bản chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp. Ông đã xây dựng làng Động Trung thành làng kháng chiến với lũy tre bao bọc cùng hệ thống hầm hào. Ông cùng liên kết với Doãn Khuê lập cứ tại làng Đông Vinh (nay thuộc xã Vũ Vinh, Vũ Thư) - ngôi làng liền kề với Động Trung tạo phòng tuyến chống Pháp ven sông Hồng. 

Năm 1883, Pháp đánh chiếm thành Nam Định. Tham gia giữ thành có Nguyễn Doãn Cử người làng Keo, Phạm Xuân Chiểu làng Hoàng Xá, Ngô Đĩnh - Tri phủ huyện Xuân Trường. Nguyễn Hữu Cương và Nguyễn Hữu Bản từ làng Động Trung huy động thuyền chở lương thực hậu cần qua làng Keo theo sông Hồng sang thành Nam Định tiếp ứng cho quân sĩ bảo vệ thành. Cuộc chiến đấu bảo vệ thành Nam Định diễn ra ngày 27/3/1883 rất ác liệt. Đề đốc Lê Văn Điếm trúng đạn hy sinh, Hồ Bá Ôn trọng thương, Nguyễn Hữu Bản bị pháo bắn hy sinh. Cuộc bảo vệ thành Nam Định để lại nhiều gương chiến đấu anh dũng hy sinh. Nguyễn Doãn Cử vì tuổi cao đã trao lại quyền chỉ huy cho Nguyễn Công Úc là con trai Nguyễn Hữu Bản. 

Sau khi thành Nam bị mất, Nguyễn Hữu Cương cùng Nguyễn Hữu Phu và người cháu Nguyễn Công Úc xây dựng lại căn cứ phòng tuyến Kiến Xương. Năm 1885, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, Nguyễn Hữu Cương đi Hưng Hóa gặp Nguyễn Quang Bích, Tống Duy Tân, Phan Đình Phùng, Vũ Hữu Lợi bàn kế hoạch hưởng ứng chiếu Cần Vương. 

Toàn quyền Paul Bert đã mời Nguyễn Hữu Cương làm Án sát Hưng Yên. Công sứ Nam Định mời ông làm tri phủ Kiến Xương nhưng ông nhất mực từ chối để tỏ rõ chí khí một người con nước Việt yêu nước. 

Năm 1895, tri phủ Kiến Xương đã bắt Nguyễn Hữu Cương và vu cho ông tội gây rối. Ông bị tạm giam một năm rưỡi. Năm 1901, vì cảm mến Nguyễn Hữu Cương qua mối bang giao với người em Nguyễn Hữu Đàn, đích thân cụ Nguyễn Sinh Huy (thân phụ Nguyễn Ái Quốc) đã ra làng Động Trung tìm gặp Nguyễn Hữu Cương. Năm 1905, Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du, Nguyễn Hữu Cương khuyến khích một số thanh niên con cháu và học trò xuất dương đi học Nhật Bản. Ngày 27/6/1908 xảy ra vụ đầu độc Hà thành, hơn 200 lính Pháp bị trúng độc bất tỉnh. Tuy nhiên, sự phối hợp ngoại công nội ứng bị lộ nên cuộc tập kính của nghĩa quân do Đề Thám chỉ huy không được diễn ra theo kế hoạch. Quân Pháp bắt được những đầu bếp người Việt chủ mưu và xét xử. Sau vụ đầu độc Hà thành, quân Pháp nghi ngờ Nguyễn Hữu Cương nhưng chúng không có đủ bằng chứng kết tội. Pháp quản thúc Nguyễn Hữu Cương một thời gian và sau đó đày về nhà lao Cần Thơ. Ông mất ngày 12/5/1912 tại Cần Thơ. 

Thuở nhỏ Nguyễn Hữu Cương rất chăm đọc sách và luyện võ. Ngoài những bộ Tứ thư, Ngũ kinh được các nhà Nho hay đọc, ông đọc rất nhiều bộ kinh Phật giáo. Dòng họ nhà ông vốn có chỗ thân tình với họ Nguyễn Doãn, Nguyễn Văn ở làng Keo nên lúc trẻ Nguyễn Hữu Cương hay đàm đạo văn chương luyện võ cùng trai tráng làng Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư). Qua những lần gặp gỡ, ông học các thế võ môn Thiếu Lâm rất nhanh, đặc biệt qua các võ sĩ làng Keo truyền thụ kỹ năng luyện công phu. Dịp hội xuân và lễ hội mùa thu, Nguyễn Hữu Cương cùng trai làng Keo biểu diễn võ thuật và thi đấu roi - một hình thức đấu võ gậy rất độc đáo. 

Ngày mồng 4 tết xuân Bính Tí (1876) niên hiệu Tự Đức, lúc đó Nguyễn Hữu Cương mới 22 tuổi. Sau khi biểu diễn xong bài Hoa Mai Quyền tại lễ hội chùa Keo, các bô lão trong làng mời Nguyễn Hữu Cương viết bức thư pháp đại tự để dân làng làm bức hoành phi tiến cúng lên chùa. Ông mạn phép thưa rằng: Hôm nay học trò chưa chuẩn bị bút nghiên mà chỉ cùng bạn võ biểu diễn vài thế góp vui cùng lễ hội. Nay dân làng thỉnh viết đại tự, học trò nhờ các bác kiếm mấy đấu gạo và tàu lá cau giúp học trò. 

Mọi người cùng cười ồ lên chưa hiểu chàng thư sinh cần mấy đấu gạo làm gì? 

Nguyễn Hữu Cương nhờ các cụ lấy giấy bản trải rộng ra chiếu giữa tòa giá roi. Ông khéo léo bó tàu lá cau thành chiếc bút chổi. Tiếp đó ông trải đều gạo khắp mặt giấy. Ông dùng chiếc bút chổi vận bút trên mặt giấy phủ gạo, nét bút đi qua để lại khoảng trống chính nét chữ cần viết. Khi viết xong, bốn chữ “Lý Thế Quốc Sư” bằng chữ Hán hiện ra với bút pháp rất phóng khoáng. Ông dùng bút nhỏ lâm thiếp theo đường bút chổi trên mặt giấy và trao lại tận tay cụ hội chủ trong làng để nhờ thợ làm bức hoành phi. 

Thời gian trôi qua, mãi đến Mậu Ngọ niên hiệu Khải Định (1918) bà con làng Keo và một người quê Hành Thiện công đức làm được bức hoành phi. Nét bút tài hoa của Nguyễn Hữu Cương lúc này mới được chạm khắc trên gỗ hoa văn nền gấm thếp vàng. 

Xã Vũ Trung (Kiến Xương). 

Ngày nay du khách về thăm chùa Keo cùng chiêm ngưỡng đại tự “Lý Thế Quốc Sư” được treo chính giữa tòa giá roi để hiểu thêm câu chuyện danh nhân quê lúa - nhà nho yêu nước Nguyễn Hữu Cương. 

Nguyễn Thuyên

(Vũ Thư)