Thứ 6, 28/06/2024, 18:14[GMT+7]

Sĩ phu yêu nước Ngô Quang Đoan với các phong trào chống Pháp xuyên thế kỷ

Thứ 2, 27/05/2024 | 09:22:07
9,071 lượt xem
Ngô Quang Đoan (1872 - 1945), tự Chương Phủ, hiệu Tượng Phong, là con cả nhà văn thân yêu nước Ngô Quang Bích (tức Nguyễn Quang Bích), quê làng Trình Phố, nay thuộc xã An Ninh, huyện Tiền Hải. Ông là một sĩ phu yêu nước bôn ba hoạt động hơn nửa thế kỷ dưới nhiều hình thức, như một cái gạch nối giữa các phong trào yêu nước và cách mạng của Việt Nam, từ vũ trang kháng Pháp trong những năm cuối phong trào Cần vương đến tham gia các phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, Quang phục hội...

Di tích lịch sử cấp quốc gia từ đường Ngô Quang Bích, làng Trình Phố, xã An Ninh, huyện Tiền Hải. Ảnh: Quang Viện

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống Nho học và yêu nước, từ thuở thiếu thời Ngô Quang Đoan đã được gia đình cho theo học ông Nghè Vũ Hữu Lợi là bạn đồng môn với Nguyễn Quang Bích và là một chí sĩ đã từ quan về quê dạy học ở làng Dao Cù (Nam Định). Năm 18 tuổi, khi đang theo học nhà yêu nước Phó bảng Trần Xuân Sắc quê làng Đông Thành (Tiền Hải) thì được tin cha hy sinh, Ngô Quang Đoan đã lên tận căn cứ Yên Lập (Phú Thọ) để vĩnh biệt thân phụ rồi tham gia hoạt động chống Pháp. Trong khoảng 3 năm (1890 - 1892), ông đã cùng Đề Kiều và một số thuộc tướng của Nguyễn Quang Bích triển khai nhiều trận đánh lớn gây cho quân Pháp những tổn thất nặng nề. Khi quân Pháp bắt được ông ở Hưng Hóa, định mang ra hành quyết, Đề Kiều đã đến xin bảo lãnh, được giảm án xuống quản thúc.

Cuối năm 1892, cuộc khởi nghĩa Tiên Động do Nguyễn Quang Bích khởi xướng bị tan rã, Ngô Quang Đoan đã tìm gặp Phan Đình Phùng. Sau đó ông đã lui về quê sinh sống để chờ thời và tham gia sáng lập hội tư văn phủ Kiến Xương để mưu nhen nhóm phong trào yêu nước.

Khi phong trào Cần vương bị dập tắt hoàn toàn (1895), các hình thức vũ trang chống Pháp ở cả ba miền lắng xuống. Nhiều văn thân và sĩ phu yêu nước đã trăn trở đi tìm tới các hình thức mới để mưu cầu chống Pháp. Vào những tháng năm này, Thái Bình là nơi in dấu chân của nhiều danh sĩ từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung tìm về để luận đàm, toan tính về thế sự. Trong bối cảnh đó, Ngô Quang Đoan được tiếp xúc với các nhà yêu nước có danh tiếng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Nguyễn Sinh Huy, Ngô Đức Kế... và đã có những chuyển biến tích cực về tư tưởng, phương hướng hoạt động. Theo một số nguồn tư liệu đã công bố về tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết vào năm 1903, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có con trai là Nguyễn Tất Thành theo hầu, cùng Ngô Đức Kế, Hoàng Xuân Hành và một số chí sĩ yêu nước khác từ Nghệ An tìm đến làng Trình Phố gặp Ngô Quang Đoan mưu bàn việc phục quốc.

Đầu năm 1904, Phan Bội Châu cùng một số nhà yêu nước nhiệt thành đã bí mật thành lập một tổ chức mang tên Duy Tân hội và khởi xướng phong trào Đông Du với mục đích kêu gọi thanh niên Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản) học tập, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ cho việc giành lại độc lập nước nhà. Đầu năm 1906, Ngô Quang Đoan cùng với Phan Chu Trinh xuất dương sang Nhật, gặp Phan Bội Châu ở Hương Cảng. Mục đích của chuyến xuất dương này là để điều đình với chính phủ Nhật đưa học sinh sang học. Với sự kiện này, lịch sử phong trào Đông Du ghi nhận Ngô Quang Đoan là người duy nhất của Thái Bình đã cùng lớp du học sinh đầu tiên đến Nhật Bản. Ở nước ngoài một thời gian, Phan Bội Châu phân công ông về nước bí mật hoạt động, lo việc vận động tài chính và tìm cách liên kết với các dư đảng Cần vương, được nhiều người giúp đỡ. Theo chủ trương của Phan Bội Châu, những người tham gia Đông Du về nước hoạt động thành hai nhóm: “Ấm xã” (hoạt động bí mật), “Minh xã” (hoạt động công khai về văn hóa xã hội và kinh tế). Ngô Quang Đoan hoạt động trong nhóm “Ấm xã” nên tính danh và hành trạng của ông thường ít được nhắc tới.

Tháng 3 năm 1907, Đông Kinh nghĩa thục được thành lập do Lương Văn Can làm Thục trưởng, Nguyễn Quyền làm Giám học, một số nhà yêu nước có tư tưởng canh tân, trong đó có Ngô Quang Đoan là sáng lập viên. Mục đích của Đông Kinh nghĩa thục là qua các tài liệu tuyên truyền cổ động, qua việc giảng dạy cụ thể của nhà trường, kể cả các hình thức bình văn, đọc báo, diễn thuyết để cổ súy lòng yêu nước; truyền bá một nền học thuật mới và một nếp sống mới; phối hợp hành động với các sĩ phu đã xuất dương và hỗ trợ phong trào Đông Du đang lan rộng khắp cả nước. Các nhà sáng lập viên của Đông Kinh nghĩa thục đã sáng tác ra nhiều thơ văn làm tài liệu giảng dạy và tuyên truyền. Những bài ca “Đánh thức nhà nông”, “Khuyến nông”, “Cắt tóc đi tu”... của Ngô Quang Đoan đã được phổ biến sâu rộng chính là nhằm vào công cuộc chấn hưng thực nghiệp, chấn hưng kinh tế, thực hành nếp sống văn minh tiến bộ.

Từ những hoạt động sôi nổi ở Hà Nội, chỉ mấy tháng sau đó phong trào Đông Kinh nghĩa thục đã lan rộng khắp ba miền mà Thái Bình đã được lịch sử ghi nhận là một trong những địa phương có phong trào mạnh nhất ở Bắc Kỳ với các hình thức hoạt động sôi nổi của Nguyễn Hữu Cương, Lý Thoa, Lý Bội, Đặng Xuân Ngãi...

Phong trào Đông Kinh nghĩa thục có những nhân vật chủ chốt là người Thái Bình như Ngô Quang Đoan, Đào Nguyên Phổ, Phạm Tư Trực và họ thường liên hệ với phong trào địa phương. Chính vì thế, bọn mật thám đã tăng cường theo dõi các hoạt động này. Trong một văn bản lưu trữ báo cáo của Sở mật thám Pháp về tình hình Đông Kinh nghĩa thục ở Thái Bình đã viết: “...Có một số nhà Nho đầy tham vọng...đã lao vào hành động một cách mạo hiểm để chống lại Chính phủ Bảo hộ...thúc đẩy nhiều nhà Nho Thái Bình xuất dương theo gương Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, chủ yếu là họ qua Tàu và qua Nhật để tìm hiểu sự giúp đỡ và các phương tiện để giải phóng nước An Nam khỏi ách của người Pháp. Đông Kinh nghĩa thục cũng có rất nhiều hội viên trong tỉnh này”.

Một trong những nhiệm vụ đề ra của Đông Kinh nghĩa thục là chấn hưng kinh tế, hướng tới dân giàu, nước mạnh. Ngoài việc góp vốn mở các hội buôn, hiệu buôn, khai mỏ còn là việc khuếch trương nông nghiệp bằng việc lập đồn điền, khai hoang, trồng cây lương thực. Với lợi thế và sở trường quen với thung thổ các vùng đất ở trung du, miền núi nên Ngô Quang Đoan đã đứng ra đảm trách nhiệm vụ đầy khó khăn này. Ông đã rời Hà Nội, rời quê hương bản quán, một mình lên lập trại mở đồn điền ở Yên Lập (Phú Thọ). Chỉ một thời gian ngắn, ông đã tập hợp lực lượng tại chỗ và tuyển mộ nhân lực từ quê hương Tiền Hải lên để khai phá 50 mẫu đất hoang để trồng cây lương thực và lập căn cứ chống Pháp. Theo tài liệu của Sở mật thám Pháp, qua theo dõi việc mở đồn điền của Ngô Quang Đoan có cả những người bà con của ông như Ngô Quang Tiềm (Hai Tiềm) và Đỗ Quán (Ba Quán) là những trợ thủ đắc lực. Cảm phục và tri ân Ngô Quang Đoan, đồng bào các dân tộc ở núi rừng Yên Lập đã tôn xưng ông bằng cái tên trìu mến là Độc tướng quân. Trong tác phẩm “Phong trào Cần vương” nhà sử học, nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã dành nhiều trang dòng để viết về sức chịu đựng gian khó phi thường của Độc tướng quân ở đồn điền, nơi rừng thiêng nước độc, lam sơn chướng khí.

Một thời gian sau, Ngô Quang Đoan được cử sang Trung Quốc tham gia Việt Nam Quang phục Hội. Hội giao nhiệm vụ trở về tổ chức bạo động. Lúc này Pháp càng ra sức đàn áp, ông phải trốn vào rừng, bị ngã nước ốm nặng phải về quê phục thuốc nửa năm mới khỏi. Ở quê, ông luôn bị thực dân Pháp theo dõi, mặt khác chúng cho Cố Sáu, một linh mục ở Phát Diệm đến dụ dỗ ra làm quan cho chúng, nhưng ông nhất mực cự tuyệt.

Năm 1912, Ngô Quang Đoan lại đưa con cháu cùng bè bạn lên chân núi Bàn Long, Tam Đảo thuộc Vĩnh Yên lập trại, chờ thời cơ khởi sự. Ở đây, ông đã giúp đỡ phong trào Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Trúc Khê Ngô Văn Triện. Từ năm 1939 - 1940, ông bí mật nuôi giấu hai Xứ ủy viên Bắc Kỳ là Trần Đình Long và Bùi Lâm hoạt động. Năm 1943 giặc Nhật tràn đến chiếm đóng, đốt mất nhà, ông về quê, lâm bệnh rồi mất vào ngày 8/7/1945. Được tin ông qua đời, nhiều nhân sĩ, trí thức xa gần đã có thơ ca, câu đối ca ngợi tính cách, chí khí, tư tưởng và hành trạng của ông, trong đó có câu:

Trung nghĩa nếp nhà, gặp nạn ngoại xâm, khi Thượng Hải, lúc Hoành Tân, khảng khái xuất dương lo việc nước.

Kiên cường vốn tính, đương cơn nguy biến, này Đông Kinh, nọ Quang Phục, gian lao hoạt động vẹn tình dân.

Trải hơn nửa thế kỷ tắm mình trong các phong trào yêu nước và cách mạng, Ngô Quang Đoan luôn giữ trọn bầu máu nóng yêu nước, quyết chí trả thù nhà nợ nước và cũng như nhiều văn thân, sĩ phu cùng thời, Ngô Quang Đoan đã có những đóng góp đáng ghi nhận vào dòng văn thơ yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với những tác phẩm: “Ngư Phong Tướng công hành trạng”, “Hoàng Sơn thi tập”, “Tượng Phong thi văn tập” gồm hơn 100 bài mang nội dung yêu nước sâu sắc.

Nguyễn Thanh

Vũ Quý, Kiến Xương