Thứ 6, 28/06/2024, 18:05[GMT+7]

Đổi thay mảnh đất Kỳ Bá

Thứ 2, 27/05/2024 | 09:33:45
15,955 lượt xem
Phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình được hình thành cách ngày nay trên dưới 2.000 năm. Với bao biến đổi của thời gian, vùng đất giàu truyền thống cách mạng xưa nay đang từng bước đổi thay, kinh tế - xã hội phát triển, hạ tầng đô thị khang trang, hiện đại, góp phần tích cực vào sự phát triển toàn diện của thành phố Thái Bình.

Video: 070624-%C4%90%E1%BB%94I_THAY_TR%C3%8AN_V%C3%99NG_%C4%90%E1%BA%A4T_K%E1%BB%B2_B%C3%81.mp4?_t=1717752886

Mảnh đất Kỳ Bố xưa

Kỳ Bá xa xưa có tên là Bo, Kẻ Bo, một vùng đất cổ nằm giữa vùng đất cổ, sau biến âm thành Bồ, Bố, Bá... Địa danh Kỳ Bố chính thức được ghi vào sử sách năm 966 với tên Bố Hải Khẩu cùng với tên Trần Lãm, Trần Minh Công. Theo ghi chép của sử sách thì thế kỷ thứ X, Kỳ Bố là một cửa khẩu, ở đây có Trần Lãm, một sứ quân mạnh, Đinh Bộ Lĩnh cùng với con là Đinh Liễn và các gia tướng đã đến nương nhờ, được Trần Lãm ưu ái giao cho binh quyền, nhờ đó mà dẹp được loạn 12 sứ quân. Sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh còn ở lại Kỳ Bố hai năm, năm 968 lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà Đinh, lập nước Đại Cồ Việt chuyển đô về Hoa Lư (Ninh Bình). Tương truyền, thời Trần Lãm, Kỳ Bố như một kinh đô miền Đông, có đủ thành lũy, có đủ bốn cổng Đông, Tây, Nam, Bắc. Trung Kinh đóng ở giữa, sau dân xây chùa, gọi là chùa Chung. Phủ trấn Đông cũ đóng ở đây. Phía Nam dựng chùa Thánh Nguyên ngay cạnh cổng Tiền nên gọi chùa Tiền. Cổng Tây cho quân đóng doanh nghỉ ngơi sau mỗi lần giáp trận, gọi là khu An Tập. Từ thế kỷ X, Kỳ Bố đã là một hải cảng (Bố Hải Khẩu) nơi tàu, thuyền ra vào buôn bán. Kỳ Bố nằm bên sông Bo. Thời Lý, Kỳ Bố là một vùng nông nghiệp trù phú, phát triển nên các vua nhà Lý mới về đây cày ruộng tịch điền. Không chỉ là một Hải Khẩu, một vùng nông nghiệp phát triển mà còn là một vùng địa linh nhân kiệt, nơi có rồng vàng hiện ra, nơi xuất hiện nhiều hiền tài, ngoài Trần Lãm còn có Bùi Quang Dũng, Bùi Quang Anh, Bùi Quang Chiểu... Tình yêu quê hương, đất nước vốn là truyền thống lâu đời của người dân Kỳ Bố Hải Khẩu, ngay từ thế kỷ IX nhân dân nơi đây đã theo Trương Nhân chống lại nhà Đường; những thế kỷ sau, trong tất cả các cuộc chiến tranh chống Tống, Nguyên, Minh, Thanh, chống thực dân Pháp xâm lược, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, các thế hệ người Kỳ Bá yêu nước sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Diện mạo mới, sức sống mới

Bước vào thời bình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Kỳ Bá không ngừng nỗ lực phấn đấu, nhanh nhạy, chủ động, sáng tạo nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng và phát triển quê hương, đất nước trong bối cảnh mới, thách thức mới. Những năm qua, các tầng lớp nhân dân phường Kỳ Bá đã chung sức đồng lòng, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, kịp thời đề ra chủ trương, giải pháp cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. 

Ông Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Đảng ủy phường chia sẻ: Kỳ Bá là mảnh đất lịch sử với cội nguồn văn hóa đặc sắc. Nhận thức sâu sắc được điều đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kỳ Bá tích cực, chủ động khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các loại hình kinh tế phát triển nhanh và bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, lấy thương mại, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn. Nhờ đó mà trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 11,03%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 22,9%/năm. Đời sống nhân dân ổn định và tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng, hộ nghèo giảm còn 0,45%; thu nhập bình quân đầu người đạt 81 triệu đồng/người/năm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không có trọng án và các vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Ông Phạm Minh Đãng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Kỳ Bá bộc bạch: Ở cái tuổi xưa nay hiếm, được chứng kiến những đổi thay của quê hương, tôi thấy rất tự hào. Mảnh đất Kỳ Bá xưa nghèo nàn, lạc hậu, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Nhưng cùng với sự phát triển của thành phố, phường Kỳ Bá đã “thay da đổi thịt” rất nhiều. Hạ tầng giao thông, các khu dân cư được quy hoạch, đầu tư đồng bộ và có tầm ổn định dài hạn, tạo nên diện mạo của một đô thị mới văn minh, hiện đại. Nhất là từ khi công viên Kỳ Bá hoàn thành đưa vào sử dụng, đã đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng và tương tác xã hội cho nhân dân thành phố.

Sinh ra ở mảnh đất Đồng Lôi, phường Kỳ Bá, tuổi thơ của anh Trương Anh Đức, sinh năm 1972, hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với vùng đất này, nên anh cảm nhận rõ cái nghèo, cái khổ của quê hương ngay từ lúc nhỏ. Nhiều lần về thăm quê hương, anh Đức không khỏi choáng ngợp trước sự đổi thay nhanh nơi mảnh đất mình đã sinh ra. Anh kể: Hồi xưa khu vực Đồng Lôi, Nhất Thanh nghèo khổ lắm, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, nơi đâu cũng ruộng đồng. Vào làng chỉ có con đường đất nhỏ bé, nắng thì bụi, mưa thì ngập nước, đi học toàn đi đường đất cắt ngang cánh đồng, giờ là tuyến đường Đinh Tiên Hoàng với khu tái định cư Đồng Lôi khang trang, sạch đẹp. Quê hương thay đổi qua từng ngày, cuộc sống người thân, họ hàng cũng đổi mới, khấm khá hơn, trong lòng tôi vui mừng lắm.

Những thành tích trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua chính là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Kỳ Bá vững bước vươn lên hiện thực hóa khát vọng xây dựng một cuộc sống thực sự ấm no, hạnh phúc.

Công viên Kỳ Bá.

Minh Nguyệt