Thứ 6, 28/06/2024, 18:16[GMT+7]

Bùi Mộc Đạc: Người được vua Trần cho vẽ chân dung lưu giữ

Chủ nhật, 09/06/2024 | 20:43:49
7,118 lượt xem
Có khá nhiều sử gia đã luận bàn về việc dùng người ở thời Trần. Tuy đã đặt định chế độ khoa cử nhưng việc tuyển chọn, bổ dụng không câu nệ mà cốt dựa vào tài đức, vì thế nhân tài thịnh đạt. Bùi Mộc Đạc (1265 - 1326), quê làng Tri Lai, nay là thôn Trừng Mại, xã Tân Bình (thành phố Thái Bình) là một trường hợp không qua khoa cử, được bổ dụng làm quan, được thăng đến hàm đại phu. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (Toàn thư) chép là ông được vua Trần Minh Tông cho vẽ chân dung để lưu giữ trong kho sách của quốc triều.

Trường THCS Tân Bình (thành phố Thái Bình). Ảnh tư liệu

Bùi Mộc Đạc vốn gốc họ Phí, có tên là Mộc Lạc. Khi chép về sự kiện vào tháng 2 năm 1304, đời Trần Anh Tông, Bùi Mộc Đạc được giao chức Chi hậu bạ chánh trưởng trông coi cung Thánh Từ, sách Toàn thư cho biết: “Mộc Đạc tên tự là Minh Đạo (người Hoàng Giang), nguyên họ Phí, tên Mộc Lạc, có tài năng. Thượng hoàng Trần Nhân Tông cho là họ Phí từ xưa nghe không thấy có, mới đổi là họ Bùi, cái tên Mộc Lạc là điềm chẳng lành, mới đổi làm Mộc Đạc, sai theo hầu ngày đêm. Đến nay, trao cho chức ấy. Sau này, người họ Phí hâm mộ danh tiếng của Mộc Đạc, nhiều người đổi sang họ Bùi”. 

Sách “Lịch triều lương tướng tiết nghĩa lục” chép: “Tổ của họ Bùi là Bùi Mộc Đạc cư ở Vũ Tiên huyện, Cổ Lai xã, nay là Tri Lai, người thời Trần Nhân Tông - Minh Tông. Mộc Đạc sinh ra Mộc Đống, Mộc Đống sinh ra Quốc Hưng, Quốc Hưng sinh ra Bùi Bị. Bùi Bị là kẻ sĩ thời Trần - Hồ. Khi quân Minh sang xâm lược, Bùi Bị theo Lê Lợi khởi nghĩa, làm tham mưu, vạch kế hoạch đánh quân Minh. Sau ông được thăng chức Thiếu phó”. 

Tương truyền, thuở ấu thơ Mộc Lạc là cậu bé thông minh, nổi tiếng thần đồng. Vì hoàn cảnh nhà nghèo, Mộc Lạc sớm phải theo chân mẹ đi làm thuê kiếm mướn để kiếm sống. Tuy ít được học hành nhưng đã nổi tiếng về thơ và rất thích ngao du. 

Trong kho tàng giai thoại văn chương của Việt Nam còn lưu truyền khá nhiều giai thoại kỳ thú về chuyện ứng đối của các danh sĩ nổi tiếng thời xưa, trong đó có giai thoại về Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và Bùi Mộc Đạc. Giai thoại truyền là: Thuở nhỏ Mạc Đĩnh Chi là một dị nhân có biệt tài ứng đối, thường theo cha đi thăm thú các nơi và lưu bút tích ở nhiều danh thắng. Trong một chuyến theo cha đến vãn cảnh một ngôi chùa cổ ở vùng hạ lưu sông Hồng, Mạc Đĩnh Chi đã viết trên vách tường chùa một vế đối: “Vũ tiền sơ kiến hoa khai nhị” (Trước mưa chỉ thấy hoa hé nở). Khi chưa đầy 10 tuổi, Mộc Lạc thường phải theo mẹ xa nhà đi kiếm sống. Một lần, hai mẹ con dừng nghỉ chân tại ngôi chùa có vế thách đối của Mạc Đĩnh Chi, Mộc Lạc liền viết: “Vũ hậu toàn vô diệp y hoa” (Sau mưa chỉ thấy lá chen hoa). Khi làm quan đồng triều Mạc Đĩnh Chi và Bùi Mộc Đạc là hai người bạn vong niên, ý hợp tâm đầu, thường cùng nhau đàm đạo văn chương, thế sự. 

Có lần Mộc Lạc sang chùa Keo Hành Thiện (Nam Định) vãn cảnh, nhà sư trụ trì thấy cậu có tướng mạo dĩnh ngộ, nói năng hoạt bát bèn giữ lại làm tiểu trong chùa. Từ đó, Mộc Lạc có điều kiện được gần gũi sách vở, chữ nghĩa do các nhà sư trao truyền. Chẳng bao lâu, tiếng tăm về tài văn chương của chú tiểu Mộc Lạc đã lan truyền rộng khắp. 

Một lần khác, đến phủ Thiên Trường vãn cảnh, Mộc Lạc đã hứng khởi đề thơ trên vách đá ở cung Chiêu Thánh: 

Vũ tẩy đạm hồng đào ngọc nộn 

Phong xuy thiển bích liễu ti khinh 

Bạc vân ảnh lý kỳ sơn lộ 

Lục thủy quang trừng cổ mộc thanh 

Tạm dịch là:

Phơn phớt hoa đào mưa lướt gốc 

Lơ thơ tơ liễu gió lay cành

Phơi hình núi lạ trong mây trắng 

Lồng bóng cây già dưới nước xanh

Diệu huyền thay, bài thơ này và sở năng của Mộc Lạc đã lọt vào “con mắt xanh” của vua Trần Nhân Tông. Dịp ấy, nhà vua về Tức Mặc thăm vua cha Thượng hoàng Trần Thánh Tông và thị sát dân tình. Đúng vào lúc nhà vua ăn mặc giả sư đi hành khất ngang qua thì bắt gặp Mộc Lạc đang đề thơ. Đọc thơ của Mộc Lạc, vua khen hay và bảo cậu thử vịnh mấy câu về bần tăng. Mộc Lạc liền ứng khẩu:  

Nhất địch địch phiên tử đại hải 

Nhất quyền quyền đảo tu di sơn

Phật tổ vi trung lưu bất trụ 

Hựu xung ngọc địch bạc la loan 

Tạm dịch là: 

Nhảy qua bể lớn như bay 

Núi tu di đẩy một tay đổ nhào 

Từ nơi cửa Phật thanh cao 

Véo von tiếng sáo tiêu dao cõi ngoài  

Vua Trần Nhân Tông, một vị vua sùng Phật và am tường Thiền học khi nghe xong rất mừng vì bài thơ không chỉ tỏ rõ ý tứ thanh cao mà còn cho thấy Mộc Lạc lại có những am hiểu khá tinh tế về đạo Phật nên vua đã đưa về cung cho ăn học. Khi Trần Nhân Tông lui về làm Thượng hoàng (vào năm 1293), Trần Anh Tông lên ngôi thì Bùi Mộc Đạc đã trưởng thành và đến năm 1304, khởi đầu sự nghiệp kinh bang tế thế bằng chức Tri hậu bạ thư chánh trưởng, trông coi cung Thánh Từ.

Bùi Mộc Đạc tham gia chính sự trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông dưới triều nhà Trần đã kết thúc hơn 10 năm về trước. Dưới thời Trần Nhân Tông thịnh trị, vua sáng tôi hiền, những kế sách tái thiết và chấn hưng đất nước của kẻ sĩ dâng lên đều được triều đình xem xét để thực thi. Các bậc hiền tài thỏa sức thi thố tài năng. Do là người có tài năng lại được vua sủng ái, tin dùng nên chỉ hai năm sau khi được bổ quan, vào năm Bính Ngọ (1306), Bùi Mộc Đạc đã được thăng chức Trung thị đại phu, được cử đi sứ cùng Hàn lâm học sĩ Lê Tông Nguyên sang nhà Nguyên. Năm Kỷ Dậu (1309), thăng chức Trung thư thị lang. Năm Mậu Ngọ (1318) thăng chức Thẩm hình viện sự, kiêm chức Vận chuyển sứ Hoàng Giang đến khi qua đời ở tuổi 62. 

Sách Toàn thư chép: “Tháng 3 năm Bính Dần, niên hiệu Khai Thái năm thứ ba, đời Trần Minh Tông (1326), Trung thư thị lang tri Thẩm hình viện sự Bùi Mộc Đạc mất. Trước đây, khi Anh Tông sắp băng hà có bảo vua: “Mộc Đạc trải thờ ba triều, là người cung kính, thận trọng, giữ gìn, học thức khả quan, nên đãi ngộ cho khéo, chớ để bị người ta ngăn trở”. Vua sai vẽ chân dung Mộc Đạc cất ở nhà sách, có ý định dùng vào chức to, nhưng chưa kịp thăng thì mất”. 

Sau khi Bùi Mộc Đạc qua đời, triều đình đã cử hành tang lễ và đưa ông về an táng tại cánh đồng làng Mải, nay thuộc xã Tân Bình (thành phố Thái Bình). Vua Trần Minh Tông ban sắc chỉ cho lập miếu và ban cấp cho 13 mẫu ruộng để dân làng cùng con cháu phụng thờ. Tại ngôi miếu có tấm bia khắc bài văn bia của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, một người bạn đồng triều thân thiết với Bùi Mộc Đạc cùng nhiều tượng người và thú bằng đá. Mộ và miếu thờ Bùi Mộc Đạc bị hư hao từ khi nào chưa rõ. Vào những thập niên cuối thế kỷ XX, trên cánh đồng làng Mải còn dấu tích một ngôi mộ cổ và một dải đất cao. Dân làng Mải vẫn truyền nhau rằng đó là mộ của quan bạt trạng đại phu Bùi Mộc Đạc. 

Xuất thân không qua khoa cử, bằng thực tài và đức hạnh của mình, Bùi Mộc Đạc đã lưu danh sử xanh sau gần 20 năm phụng sự ba triều vua. Sự kiện “vua sai vẽ chân dung Mộc Đạc cất ở nhà sách quốc triều” đã ghi nhận sự tôn vinh đến tột đỉnh của triều đình nhà Trần đối với ông và có lẽ đó là một sự kiện hy hữu vào bậc nhất trong lịch sử nước nhà. 

Nguyễn Thanh

 (Vũ Quý, Kiến Xương)