Thứ 4, 23/04/2025, 09:51[GMT+7]

Làng xã ở Thái Bình

Thứ 2, 21/04/2025 | 10:56:52
6,634 lượt xem
Hiện nay, cả nước đang quan tâm đến đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, đặc biệt là việc sáp nhập xã và đặt tên đơn vị hành chính sau sáp nhập. Nhân đây xin khái quát quang cảnh chung về làng xã ở Thái Bình xưa và nay.

Ảnh tư liệu

Làng xã là một khái niệm kép dùng để chỉ một cộng đồng dân cư, gắn bó trực tiếp với người dân (dân làng, người làng) trong thế ứng xử: gia đình – làng – nước. Làng xã ở Thái Bình được hình thành sớm, muộn khác nhau theo quá trình trị thủy, khai phá lập làng. So với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng thì Thái Bình vẫn được coi là vùng đất hình thành muộn hơn, nhưng cũng có khá nhiều làng Việt cổ có lịch sử hàng ngàn năm. Những làng cổ này thường có tên Nôm là những từ độc âm rất khó giải thích ý nghĩa. Hầu hết những từ đó không có nghĩa trong tiếng Việt hiện đại như: Bệ, Mụa, Dô, Sàng, Va, Nhội, Nấm, Nang, Nổ, Gọc... Cùng với những làng cổ có tên Nôm là những làng cổ mang tộc danh (An Xá, Bùi Xá, Đặng Xá, Đỗ Xá, Nguyễn Xá, Vũ Xá...) xuất hiện khá đậm đặc ở các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Đông Hưng... Toàn tỉnh có trên 30% số làng là làng Việt cổ, trong đó tên tộc danh trên 50 làng, tên Nôm hơn 360 làng. 

Xã là một cấp hành chính. Thời phong kiến, xã có thể là một làng, có thể nhiều làng (thôn) nên dân gian thường nói: “Nhất xã nhất thôn”, “nhất xã nhị thôn”, “nhất xã tam, tứ, lục... thôn”. Như trường hợp xã Thâm Động, nay thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà vốn “nhất xã tứ thôn”: Nỏ, Nấm, Nang, Nhội hoặc xã Phú Khê, nay thuộc xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, vốn “nhất xã tam thôn”: Đông, Đoài, Tứ… 

Đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, toàn tỉnh có 820 làng xã, được phân định địa giới rõ ràng với quy mô diện tích, dân số và các đặc trưng văn hóa khác nhau. Ví dụ: làng Đông Nhuế (thuộc tổng Xuân Vũ, phủ Kiến Xương) có diện tích 3,35km2 , trong khi đó làng Cổ Ninh (cũng thuộc tổng Xuân Vũ, phủ Kiến Xương) chỉ có 0,96km2 . Diện tích bình quân một làng ở Thái Bình là 1,2km2 , trong đó những làng có diện tích từ 1 - 2km2 chiếm số đông. Những làng có một bộ phận dân cư làm nghề thủ công hoặc đánh cá, thường có quy mô nhỏ hơn các làng nông nghiệp. Làng Phấn Vũ làm nghề đánh cá thuộc tổng Vạn Xuân, Thụy Anh chỉ rộng 0,28km2 với mật độ dân số 7.400 người/ km2 , từng được xác nhận là một làng có mật độ dân số cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng.

Từ sau tháng 8/1945 đến nay xã vẫn là cấp hành chính nhưng quy mô đã thay đổi nhiều lần. Về cơ bản, xã được tổ chức với quy mô lớn gồm nhiều làng xã cũ. Từ năm 1947 - 1949, để tiện chỉ đạo kháng chiến, xã được chia nhỏ với quy mô ít thôn làng hơn. Năm 1955 - 1956, xã lại được điều chỉnh địa giới quy mô nhỏ hơn. Ví dụ: một xã Bạch Đông sau tháng 8/1945 - 1949 tách thành 2 xã Bạch Đằng, Hồng Việt; đến năm 1955 từ 2 xã tách thành 4 xã Hồng Việt, Bạch Đằng, Hồng Châu, Hồng Giang. Cũng vào năm 1955, ở Thái Bình nhiều làng cổ trở thành một xã ở thời hiện tại như làng Nguyễn thành xã Nguyên Xá, làng Cọi thành xã Vũ Hội, làng Trình Phố thành xã An Ninh, làng An Khang thành xã Tây An, làng Đông Trì thành xã Vũ Đông… 

Từ 1945 - 1954, Thái Bình có 162 xã, năm 1955 có 297 xã. Năm 2000 có 285 xã, phường, thị trấn. Năm 2025 có 242 xã, phường, thị trấn. 

Thời phong kiến, các đơn vị như thôn, trang, trại, ấp, phường, sở... đều trực thuộc xã và do xã điều hành. Sau tháng 8/1945, khi xã được tổ chức với quy mô nhiều làng thì mỗi làng cổ xưa là một thôn. Thôn làng được duy trì cho đến những năm đầu thập niên 60 khi tổ chức hợp tác xã quy mô thôn thì tên thôn còn gắn với hợp tác xã, khi hợp tác xã được tổ chức theo quy mô xã thì số thứ tự là tên gọi các đội sản xuất. Hơn một thập niên sau đó, các xóm lại được thay cho đội sản xuất, cũng gọi theo số. Năm 2003, thực hiện Quyết định số 65/2002/QĐ-UB của UBND tỉnh, thôn (làng) được tổ chức lại. Số thôn làng tăng hơn hai lần so với đầu thế kỷ XX, do có tình trạng đưa xóm lên thôn mà không tổ chức lại các thôn làng xưa nên số thôn mới tăng lên. Theo số liệu thống kê: Thái Bình vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1950 - 1954) có 935 thôn, năm 2000 có 1.181 thôn làng. Sau khi thực hiện Quyết định 65/QĐ-UB, toàn tỉnh có 1.585 thôn, 249 tổ dân phố và khu dân cư. 

Ở Thái Bình có ba loại làng chủ yếu là làng ven sông, làng nội đồng, làng ven biển. 

Làng ven các sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa thường là những làng cổ được hình thành từ rất sớm, trong đó có nhiều làng được hình thành vào trước hoặc trong những thập niên đầu Công nguyên cách ngày nay trên 2.000 năm. Điểm lại các căn cứ tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Thái Bình có thể thấy hầu hết là ở những làng mạc ven sông Hồng, sông Luộc. Trống đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn cách ngày nay 2.500 năm đã được phát hiện tại làng Còng (Hưng Hà) ven sông Hồng. 

Làng nội đồng ở Thái Bình chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các làng xã của tỉnh. Nhìn chung các làng nội đồng có bề dày lịch sử, có truyền thống văn hiến lâu đời. Có thể kể đến một số làng văn hiến, tiêu biểu trong truyền thống lịch sử văn hóa ở Thái Bình như: Tiên La, Cổ Trai, Tinh Cương, Thái Đường, Phương La, Mỹ Xá, Đô Kỳ, Hải Triều, Diên Hà, Nham Lang (Hưng Hà); Tô Xuyên, An Bài, Đông Linh, Lộng Khê, Cổ Đẳng, A Sào, Hải An (Quỳnh Phụ); Cổ Xá, Phương Cáp, Phương Đài, Nguyên Xá, Phong Châu (Đông Hưng); Phúc Khê, An Tiêm, Lưu Đồn, Vạn Đồn, Kha Lý, Lai Triều, Đông Hồ, Vạn Xuân, Quảng Nạp, Hổ Đội (Thái Thụy); Hữu Lộc, An Để, Phương Tảo, Đồng Thanh, Ngoại Lãng, Bộ La, Thuận An (Vũ Thư); Động Trung, Đông Trì, Lại Trì, Đồng Xâm, Thanh Nê, An Bồi (Kiến Xương); An Khang, Đại Hoàng, Trình Phố, Thư Điền, Nho Lâm, Thanh Giám, Đông Cao (Tiền Hải); Lạc Đạo, Kỳ Bá, Bồ Xuyên, Tri Lai, Đoan Túc (thành phố Thái Bình)... 

Thái Bình có gần 40 xã có làng ven biển trải dài hơn 50km thuộc hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Làng xã ven biển ở Thái Bình có quá trình hình thành không đều nhau, có làng có lịch sử 2.000 năm, có làng mới có hơn trăm năm. Làng ven biển Thái Thụy có lịch sử lâu đời hơn làng ven biển Tiền Hải. Năm 1974, khi dân làng Lưu Đồn làm thủy lợi đã thấy những ngôi mộ hình thuyền có niên đại cách ngày nay 2.000 năm. Các làng của xã Thái Hòa, Thái Thượng, Thụy Xuân, Thụy Hải và vào sâu nội đồng là Thụy Văn, Thụy Sơn, Thụy Phong còn đền thờ và lưu truyền nhiều truyền thuyết về Lý Bí và tên tuổi của các tướng lĩnh đã lập ra nước Vạn Xuân ở thế kỷ thứ VI. Hội làng Quang Lang có tục múa ông Đùng, bà Đà với những tín ngưỡng mang dấu ấn sơ khai, nguyên thủy. Làng Lưu Đồn với những dấu tích và truyền thuyết về cung Trần vương dã ngoại… 

Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã chỉ rõ: “Cần xác định rõ các mô hình chính quyền địa phương cấp xã đối với khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng, hải đảo, quy mô dân số, diện tích, lịch sử, văn hóa, các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo”. Hy vọng những khái quát trên sẽ góp phần định hướng việc xác định mô hình và đặt tên đơn vị hành chính cấp xã phù hợp chủ trương của Trung ương. 

Nguyễn Thanh 

 (Vũ Quý, Kiến Xương) 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày