Thứ 5, 01/05/2025, 14:06[GMT+7]

Những người góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975

Thứ 4, 30/04/2025 | 20:58:49
576 lượt xem
Tháng tư lịch sử, chúng tôi có dịp được gặp và trò chuyện với những người đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Dù thời gian đã lùi xa nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn in đậm trong trái tim những người lính cựu.

Cựu chiến binh Phạm Văn Lãi, thôn Nam Long, xã Tự Tân (Vũ Thư) cùng bức ảnh chụp khoảnh khắc ông cắm cờ trong Trại Đa-vít ngày 30/4/1975.

Người cắm cờ trong Trại Đa-vít 

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước nở hoa độc lập, dù 50 năm đã trôi qua song ký ức về ngày toàn thắng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Lãi, thôn Nam Long, xã Tự Tân (Vũ Thư). Ông chính là người đã cắm lá cờ giải phóng lên đỉnh tháp nước tại Trại Đa-vít trong khuôn viên sân bay Tân Sơn Nhất sáng ngày 30/4/1975. Đó cũng là một trong những lá cờ giải phóng đầu tiên tung bay trên bầu trời Sài Gòn - Gia Định trong thời khắc lịch sử. 

Theo lời kể của ông Lãi: Trại Đa-vít bấy giờ nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất được Chính phủ Việt Nam cộng hòa lựa chọn là nơi làm việc của phái đoàn đại biểu quân sự 4 bên và là chỗ ở cho 2 phái đoàn đại biểu quân sự của ta (Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam). Thời điểm đó, ông Lãi được điều về Ban Chính trị, Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trực tiếp tham gia hoạt động tại Trại Đa- vít, âm thầm đấu tranh cách mạng ngay tại hang ổ của địch. 

Ông nhớ lại: Điều kiện làm việc, sinh hoạt trong khoảng không gian chật hẹp, thiếu thốn đủ thứ, xung quanh là họng súng của kẻ thù, trên đầu máy bay quần thảo ngày đêm nhưng cũng không thể làm những người lính Cụ Hồ hoang mang, khuất phục. Các chiến sĩ của ta bên ngoài vẫn giữ nếp sống bình thường nhưng bên trong ta âm thầm lợi dụng tiếng động cơ máy bay cất hạ cánh để cắt sàn nhà, đào hầm trú ẩn, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tổng tiến công khi thời cơ đến. Cuối tháng 4/1975, các cánh quân của ta đồng loạt tiến vào Sài Gòn. Đêm ngày 28, rạng sáng ngày 29/4, pháo của ta nã vào sân bay Tân Sơn Nhất không ngớt, đường băng bị phá nát, biến thành những hố sâu khiến máy bay địch không thể cất, hạ cánh. Sáng ngày 30/4, ông Lãi được cấp trên giao nhiệm vụ vào kho lấy lá cờ giải phóng to nhất để cắm lên tháp nước trong sân bay Tân Sơn Nhất bởi đây là điểm cao nhất, xa vài cây số vẫn có thể nhìn thấy. Nhiệm vụ rất nguy hiểm vì ở một điểm cao như vậy ông Lãi rất dễ trở thành đích ngắm bắn của quân địch. 

Ông Lãi cho biết: Khi ấy tôi không nghĩ gì đến nguy hiểm mà chỉ nghĩ rằng lá cờ được cắm lên sẽ giúp lực lượng của ta chỉnh làn, hướng pháo nhắm trúng mục tiêu, khích lệ quân ta dũng mãnh tiến công và làm kẻ địch hoang mang, suy sụp tinh thần mà phải buông súng đầu hàng. Với sự hỗ trợ của đồng đội, tôi đã thành công cắm lá cờ giải phóng trên điểm cao Trại Đa-vít lúc 9 giờ 30 phút. 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Lãi về công tác tại Ủy ban quân quản; đến năm 1977 ông chuyển ngành về công tác tại Văn phòng Chính phủ cho đến ngày nghỉ hưu. Với ông Lãi, kỷ niệm những ngày tháng hoạt động trong Trại Đa-vít và được sống trong những ngày đại thắng mùa xuân năm 1975 mãi là những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời. 

Cựu chiến binh Nguyễn Lê Nơi, thôn Tây Hòa, xã Vũ Ninh (Kiến Xương) bên cạnh những phần thưởng cao quý Đảng, Nhà nước trao tặng.

Dũng sĩ diệt Mỹ 

Cũng giống như nhiều thanh niên cùng trang lứa, năm 1959, ông Nguyễn Lê Nơi, thôn Tây Hòa, xã Vũ Ninh (Kiến Xương) tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, ông Nơi đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở chiến trường Quảng Trị, lập nhiều chiến công và trở thành nỗi khiếp sợ của quân địch. Chúng thậm chí còn dùng máy bay kêu gọi ông đầu hàng và treo giải thưởng lớn cho người nào bắt giết được ông. Ông Nơi kể lại: Một trong những trận đánh đáng nhớ trong cuộc đời binh nghiệp của tôi đó là trận đánh ngày 19/5/1967 tập kích ấp chiến lược Ngô Xã Đông, bám trụ đánh địch phản kích ở chiến trường Quảng Trị. Trong trận này tôi đã trực tiếp tiêu diệt 2 tên cố vấn Mỹ, đồng thời chỉ huy đại đội tiêu diệt trên 200 lính Mỹ và ngụy, phá hủy 3 xe tăng và nhiều quân trang, quân dụng của địch. Kết thúc trận đánh, tôi được tặng thưởng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và Huân chương Chiến công hạng Nhất. 

Còn trong trận bám trụ đánh địch càn quét ngày 20/10/1967 tại xã Hải Quế, Hải Dương (Hải Lăng, Quảng Trị), tôi chỉ huy đại đội tiêu diệt 157 tên địch, trong đó chủ yếu là lính thủy quân lục chiến, phá hủy 8 xe tăng và xe bọc thép, bắn cháy 1 máy bay. Trong trận này tôi bị mảnh pháo găm vào chân, sau khi tự băng bó tôi tiếp tục chỉ huy đồng đội chiến đấu với tinh thần dù hy sinh cũng quyết tâm không để địch bước chân vào làng. Trận đánh này tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì và danh hiệu “Dũng sĩ quyết thắng”. 

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, ông Nơi khi ấy đang là Tham mưu trưởng Trung đoàn 6 - đơn vị chủ lực cơ động của Quân khu Trị - Thiên đã cùng cán bộ, chiến sĩ làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, liên tục tổ chức tiến công địch. Sau khi hoàn thành các mục tiêu vòng ngoài, Trung đoàn vượt sông Hương tiến về làm chủ tòa Khâm Sứ (thành phố Huế). Sáng ngày 26/3/1975, ông Nơi chỉ huy một trung đội mang lá cờ giải phóng treo lên cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc son lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng. Với thắng lợi đó, quân ta đã đập tan lá chắn của địch ở phía Bắc, tạo điều kiện cho các cánh quân thần tốc đánh chiếm các mục tiêu, nhanh chóng kết thúc chiến dịch Huế - Đà Nẵng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau ngày giải phóng, ông Nơi được giao nhiệm vụ Trưởng ban Quân quản thành phố Huế, tới cuối năm 1975 ông về làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 271B và công tác tại đây cho đến khi về hưu. 

Cựu chiến binh Lại Minh Khiết (người ngồi giữa), thôn Phong Lai, xã Đông Quang (Tiền Hải) kể lại kỷ niệm trận đánh giải phóng đảo Song Tử Tây.

Đột kích giải phóng đảo Song Tử Tây 

Mỗi độ tháng tư về, trong ký ức CCB Lại Minh Khiết, thôn Phong Lai, xã Đông Quang (Tiền Hải), hình ảnh Trường Sa lại hiện lên rất gần và trận đánh giải phóng đảo Song Tử Tây như chỉ mới diễn ra ngày hôm qua. Theo lời kể của ông, ông nguyên là lính đặc công nước thuộc Đội 1, Đoàn 126. Cuối tháng 3/1975, ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ xuống tàu cấp tốc vào Nam chiến đấu. Đến tối ngày 13/4/1975, tàu đến được quần đảo Trường Sa, nhận lệnh đánh đảo Song Tử Tây trước. Một giờ sáng hôm sau, ông cùng các đồng đội chia làm 3 mũi tiến công vào đảo. Các chiến sĩ mang theo súng AK, lựu đạn, dùng xuồng cao su chèo tay, lợi dụng dòng hải lưu dần tiếp cận đảo. Ông Khiết bồi hồi nhớ lại: Trời, biển, đảo thời khắc ấy là một khối đen thăm thẳm, chỉ nghe tiếng sóng ầm ào. Trên đảo thỉnh thoảng có ánh đèn tuần tra le lói. Khi phát súng đầu tiên bắn lên cũng là lúc tôi cùng đồng đội tấn công lên đảo. Vừa nổ súng chúng tôi vừa tiếp cận cột cờ để chiếm ưu thế và kêu gọi lính ngụy đầu hàng. Sau 30 phút chống trả yếu ớt, toàn bộ lính ngụy trấn giữ đảo buông súng đầu hàng. Rạng sáng ngày 14/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên đỉnh cột cờ đảo Song Tử Tây. Sau trận này, đồng đội của chúng tôi hy sinh 2 người; phía quân ngụy có 6 binh sĩ tử trận, 33 người bị bắt làm tù binh. Trong những ngày ở lại làm nhiệm vụ phòng thủ trên đảo, ông Khiết và đồng đội nhận được tin quân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tất cả mọi người đều vô cùng vui mừng, phấn khởi rủ nhau ăn mừng bằng cách bắn pháo sáng lên trời. Đến ngày 7/5/1975, ông trở lại Đoàn 126 và công tác tại đây đến khi nghỉ hưu. 

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội Thái Bình dù được bổ sung cho chiến trường nào, đơn vị nào, ở đâu cũng để lại dấu ấn sâu đậm và tình cảm tốt đẹp. Trong số đó, nhiều người đã lập nên những chiến công xuất sắc, góp phần tô thắm truyền thống quê hương. Không chỉ là những nhân chứng sống của một thời hoa lửa, với lòng quả cảm và chiến công rực rỡ, các CCB như ông Phạm Văn Lãi, ông Nguyễn Lê Nơi, ông Lại Minh Khiết đã cùng dân tộc làm nên chiến thắng vang dội mùa xuân năm 1975. Họ cũng chính là nguồn cảm hứng khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trong các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đào Quyên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày