Thứ 3, 02/07/2024, 22:09[GMT+7]

Hội phụ nữ Phú Châu Làm theo lời Bác

Thứ 3, 21/12/2010 | 14:47:04
2,344 lượt xem
Khi chưa triển khai cuộc vận động(CVĐ) “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội phụ nữ (HPN) xã Phú Châu (Đông Hưng) đã là điểm sáng trong công tác hội của tỉnh. 15 năm qua, hội đều là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh, năm nào cũng được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Chăm sóc măng Bát Độ ở Phú Châu. Ảnh: Thành Tâm

Đến khi triển khai thực hiện cổ động viên (CVĐ), Hội phụ nữ (HPN) Phú Châu đã gắn với CVĐ phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc và phong trào thi đua yêu nước. Đây là hai phong trào lớn được Hội thực hiện tương đối tốt trong những năm gần đây.

Chị Phạm Thị Nhuận, Chủ tịch HPN xã cho biết: ngay khi nhận được kế hoạch của Tỉnh hội về việc tổ chức các hoạt động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, HPN xã đã bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch thực hiện.

Ngày Quốc tế phụ nữ  8/3/2007, Hội đã tổ chức mít tinh kỷ niệm đồng thời tuyên truyền tới đông đảo hội viên về mục đích, ý nghĩa của CVĐ. Năm đầu tiên hội đã mở được 2 lớp chuyên đề về tư tưởng của Người và tổ chức tốt các giờ học toàn tỉnh cho đông đảo chị em về dự tại nhà các tổ trưởng.

Kết hợp với các ban,, ngành đoàn thể như Hội Nông dân, Đoàn thanh niên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu những mẩu chuyện về Bác, thông qua đó đã nói lên được tình cảm của chị em phụ nữ đối với Bác.

Đến năm 2008, CVĐ chuyển từ học tập sang làm theo, Hội đã chọn hình thức làm theo qua việc mỗi chị em thực hiện tiết kiệm bằng tiền là 500đồng-1000đồng/ngày. Mới đầu thực hiện hội cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều hội viên cho rằng đó là hình thức, rườm rà và không đáng gửi.

Nhưng nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên nhiều phụ nữ đã nhận thức được rằng’’kiến tha lâu sẽ đầy tổ’’ và sau này mỗi người lại có một nguồn tài chính để xử lý những lúc cần thiết. Bắt tay vào thực hiện Hội đã phát động theo phương châm cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước.

Trước hết Hội tham mưu cho cấp ủy cho phép thành lâp 3 tổ tiết kiệm đó là tổ phụ nữ là đảng viên, cán bộ phụ nữ đã nghỉ hưu qua các thời kỳ và cán bộ đương nhiệm. Sau đó 3 tổ này kết hợp với cơ sở chọn ra chi hội thôn Tăng làm điểm do chủ tịch hội trực tiếp phụ trách và chi hội thôn Phạm do phó chủ tịch hội phụ trách.

Từ việc thực hiện điểm thành công, Hội đã nhân rộng ra toàn xã và đến nay đã có 18 tổ tiết kiệm với số tiền 128 triệu đồng cho 18 người vay để phát triển sản xuất xây dựng kinh tế gia đình. 100% hội viên trong xã thực hiện tiết kiệm và có 825 hội viên tham gia gửi về tiết kiệm của hội, chiếm 65%.

Ngoài hình thức tiết kiệm kể trên, Hội  còn tích cực vận động các chị em phụ nữ thành đạt gửi với số tiền lớn hơn(chiếm 20% hội viên) và những người này đều gửi không lấy lãi. Số tiền đó được hội  tặng cho 2 cháu đang theo học đại học, mồ côi cả cha lẫn mẹ với số tiền là 100.000 đồng/cháu/năm và cho 1 cháu có hoàn cảnh khó khăn do bố nghiện mất sớm, mẹ đi lấy chồng, cháu ở với bà với số tiền là 50.000đồng/năm.

Mặc dù số tiền không cao nhưng đã thể hiện được tình tương thân tương ái của các hội viên giúp đỡ các em học sinh nghèo vượt khó, qua đó các em đã có động lực học ngày một tốt hơn. Cũng từ số tiền không lấy lãi Hội đã giúp đỡ những chị bị ốm nặng không còn khả năng lao động và đi lại.

Nhiều hội viên đã vay vốn tiết kiệm của hội cùng với số vốn vay ngân hàng đã vươn lên làm giàu, điển hình như chị Phạm Thị Giang, thôn Tăng hàng năm nuôi 2 ao cá, 8 con bò, 20 con lợn; trừ chi phí chị lãi trên 30 triệu đồng/năm. Hay chị Nguyễn Thị Nga, thôn Cốc thường xuyên chăn nuôi 100 đầu lợn, 300-500 con gà, vịt, trung bình hàng năm chị lãi trên 50 triệu đồng.

Hội còn tích cực tham gia vào các họat động từ thiện nhân đạo, điển hình từ năm 2006 đến nay hội đã hỗ trợ cho quỹ mái ấm tình thương do T.Ư hội phát động với tổng số tiền là 2.600.000đồng.

Kết hợp với Ngân hàng chính sách giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn và hướng dẫn hội viên nên chăn nuôi những con vật gì và làm nghề gì để đạt hiệu quả. Hiện nay Hội đang quản lý số tiền hơn 2 tỷ đồng cho 315 hội viên vay vốn, trong đó vốn vay hộ nghèo chiếm 1,1 tỷ đồng, giải quyết việc làm 140 triệu đồng và lao động xuất khẩu 12 triệu đồng.

Chị Phạm Thị Dung, thôn Cốc vừa là hộ nghèo vừa bị tàn tật nhưng chị đã được hội giúp về vốn, kiến thức, lao động để xây dựng tổ đan hộp do chị đứng đầu với 60 hội viên về học tập. Kết quả đến nay chị đã là chủ cơ sở sản xuất móc hộp, đan làn tạo việc làm cho 30 lao động trong xã với mức thu nhập bình quân 300-400.000đồng/người/tháng.

Hình thức tiết kiệm theo tấm gương Bác ở Phú Châu còn có sự tham gia nhiệt tình của những bậc cao niên ngay từ những ngày đầu thực hiện. Bà Trần Thị Chử thôn Phạm đã trên 60 tuổi nhưng tháng nào cũng gửi từ 50-100.000đồng vào quỹ tiết kiệm, hay cụ Đặng Thị Ngọ thôn Tăng đến nay đã gửi tới 3 triệu đồng vào quỹ với hình thức không lấy lãi.

Thực hiện tốt CVĐ đã góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Đến nay HPN xã Phú Châu đã có trên 60% hộ khá chỉ còn 91/1.536 hộ nghèo. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới HPN Phú Châu tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động hội viên tích cực phát triển kinh tế. Đổi  mới phương thức hoạt động thu hút đông đảo chị em tham gia, nhất là việc hưởng ứng CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và duy trì 18 tổ tiết kiệm với 100% hội viên tham gia gửi tiết kiệm.

Thu Thủy

  • Từ khóa