Thứ 6, 05/07/2024, 01:05[GMT+7]

Vòng tay chưa trọn

Thứ 2, 10/07/2017 | 17:03:53
1,861 lượt xem
Dân làng Tống Vũ, xã Vũ Chính, huyện Vũ Thư (nay là xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình) ai cũng mừng vì anh Nguyễn Đình Thúc đã trở về, họ nghĩ ngày vui hạnh phúc của chị Học và anh Thúc sẽ đến. Nhưng, chỉ có chị Học mới hiểu anh Thúc không còn như thuở đôi mươi trước lúc lên đường.

Thăm, tặng quà gia đình thương binh Nguyễn Đình Thúc nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Chiến tranh đã cướp đi của anh trí nhớ, anh về làng với vết thương sọ não nặng. Gần 15 năm xa cách, đợi chờ chị Học mới nhận lại hơi ấm thân thiết từ cánh tay của anh. Mọi cử chỉ của anh đều khó khăn, duy chỉ có ánh mắt vẫn đằm thắm, yêu thương. Anh nhìn chị, nhìn rất lâu. Không kìm nổi những giọt nước mắt lặn sâu trong đáy lòng, chị ôm chặt lấy anh, òa khóc: “Thúc ơi, sao anh không nhớ đường về với em. Sao đời anh khổ thế này, Thúc ơi?”...

Ngày ấy đã cách xa gần bốn chục năm. Hôm nay, tiết thượng tuần tháng 7, cánh đồng cửa đình Tống Vũ chuẩn bị bước vào vụ cấy, trăng đầu tháng khuyết sáng như quả bòng vàng móc vội trên nền trời xanh vời vợi. Những đám mây bông bạc bảng lảng trôi ngang tạo ra thứ ánh sáng mờ ảo bao trùm. Đám mây như kỷ niệm một thời anh Thúc và chị Học yêu nhau lại vội vã trôi qua, trả lại ánh sáng chan hòa cho cánh đồng ngập nước. Ánh trăng đầu tháng sóng sánh lọt qua những vòm cây, rơi xuống con đường mới đổ bê tông cỏ viền như có người rắc lên những chùm hoa. Vẫn cơn gió nồm nam phảng phất mùi hương ngai ngái của đồng chiêm lay nhẹ những chùm hoa trắng. Vòm trời cuối làng Tống Vũ vẫn tiếng diều sáo vi vu như ngày nào thổi vào không gian bản tình ca ngân vang da diết. Chị Học ngồi lặng lẽ một mình chợt nhớ lời cầu nguyện ngày tiễn anh Thúc lên đường: “Em cầu mong cho anh lên đường bình an, vô sự. Còn chẳng may khi anh về bị tàn tật, anh vẫn là của em”. Lời nguyện cầu ấy giờ vẫn như vòng tay chắc khỏe của anh Thúc ngày nào khép chặt trái tim chân tình và tha thiết của chị.


Sau nhiều năm lang thang không tìm được đường về quê, anh Thúc được ông bà Châu ở Hà Nội tự nguyện nhận nuôi, nhờ đó mà anh có được cơ hội tìm về quê và chị Học mới có dịp gặp lại người mình yêu. Ngày gặp lại, mừng vui khôn xiết cũng là khởi điểm của bao nỗi đớn đau. Bị thương, bị địch bắt, tra tấn, bị đày ra Côn Đảo…, thân thể anh Thúc chằng chịt vết thương. Bị địch đầu độc, anh không còn nhớ nổi quê hương, mọi thứ đều chìm trong quên lãng. Chị Học ngồi lặng lẽ ngắm vầng trăng khuyết cuối trời, để mặc ký ức ùa về. Chị nhớ cái cảm xúc run run khi đọc lá thư của bà cả Phê bán hàng chợ Cầu Giấy gửi về báo tin anh Thúc còn sống. Nghe tin, bà Tám mẹ anh Thúc cứ khóc ròng. Chị đọc đoạn thư cho bà Tám nghe: “Tôi lại bảo: “Tên bố là gì”. Anh ta lắp bắp Tam, Tàm. Thôi đúng rồi. Tôi nghĩ, bố là Tám chắc chỉ láng máng nhớ được Tam, Tàm thôi. Linh tính báo là cháu Thúc nhà ta rồi ông bà ạ. Nhận được thư này mời ông bà lên ngay. Nếu quả là cháu Thúc thì đón cháu về. Lỡ mà không phải cũng mời ông bà quá bộ lên chơi với vợ chồng tôi, rồi tôi lo tiền tàu xe cho ông bà về…”.

Ngày anh Thúc lên đường nhập ngũ, ông bà Tám sắm mâm cơm cúng gia tiên, mong cụ kỵ, ông bà phù hộ cho đứa con ra đi bình an, vô sự. Anh Thúc đi bộ đội, bà Tám nhớ con không ngủ được, bà nhớ từng cử chỉ, lời nói, nhớ cả cái nốt ruồi mờ ở bả vai bên trái của anh. Bà kể, cứ nhắm mắt cái nốt ruồi con con ấy lại hiện ra trong mắt bà. Nỗi nhớ chưa kịp nguôi thì một tin sét đánh ập đến: Anh Thúc đã anh dũng hy sinh ở chiến trường miền Đông. Bà Tám lòng đau thắt lại, chân tay rụng rời. Bà con làng xóm đến chia buồn khiến cơn đau của bà dịu lại. Đến khi cả nước reo vui mừng ngày toàn thắng thì ông bà Tám lại âm thầm ngồi khóc, thương nhớ đứa con trai hiền lành sao đi mãi không về.

Tháng 10/1980, làng Tống Vũ mừng vui đón anh Thúc trở về, trên mình đầy vết thương và đáng buồn hơn là anh mất trí nhớ. Chị Học ngược xuôi chữa trị vết thương cho anh, lo lắng làm thủ tục giám định thương tật và chế độ cho anh. Dần dà, anh Thúc cũng cảm nhận được tình yêu của chị Học dành cho, chị Học mừng lắm. Chị nghĩ, anh nhất định phải được hạnh phúc, phải có con. Nhưng… điều mong ước giản đơn ấy giờ đây với chị Học là một điều vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là chị không thể đẻ cho anh Thúc những đứa con. Năm 1972, chị bị bệnh u nang, các bác sĩ đã cắt bỏ khối u, cắt luôn buồng trứng. Dằng dặc suốt đời người con gái với bao hy vọng, đợi chờ, chị Học không thể để mất anh một lần nữa. Khi trước, anh chiến đấu ngoan cường trên trận tuyến, bom đạn giặc Mỹ không thể cướp mất anh của chị. 

Ông Hoàng Rư, trung đội phó đơn vị 468 Quân khu 1 Sài Gòn kể: Tháng 12/1969, đơn vị chúng tôi tấn công đoàn xe quân sự GMC chở vũ khí từ Trảng Bàng lên Bến Cát. Tôi chỉ huy một mũi chặn đầu đoàn xe. Anh Thúc chỉ huy một tiểu đội đánh tạt ngang sườn địch. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt, bọn Mỹ ỷ thế vũ khí tối tân, nã đạn không tiếc làm phân cắt hai cánh quân. Tiểu đội của anh Thúc chống chọi đơn độc với lực lượng địch mạnh gấp nhiều lần… Cuối cùng, trận đánh kết thúc, tôi và một chiến sĩ lao tới phía trận địa của tiểu đội anh Thúc, xác người ngổn ngang, chỉ có lửa, khói và cảnh tan hoang. Anh Thúc bị thương nặng, nằm thoi thóp trên một vũng máu. Xé áo băng vết thương cho anh Thúc xong, tôi cõng anh Thúc vượt rừng đến đội phẫu thuật dã chiến ở một căn cứ ven đường số 6…

Bao đêm dằn vặt, chị Học đã rất khó khăn khi đưa ra quyết định se duyên mới cho anh Thúc và người bạn gái thân thiết. Sáng sớm, chị tất tả đạp xe sang xóm Tây Sơn, nơi có người bạn gái “con chấy cắn đôi” Đinh Thị Mận. Chị Mận vừa là bạn thân cùng chi đoàn thanh niên cũ với anh Thúc vừa là người bà con ruột già xa của chị Học. Hai người thầm thì với nhau lâu lắm, má chị Mận cứ đỏ dừ lên. Chị Học dắt xe ra về, chị không thể đạp xe mà cứ thế dắt xe chạy băng băng trên con đường làng quen thuộc. Rồi đám cưới giữa anh Thúc và chị Mận được cử hành trang trọng. Có người dèm pha: Ôi dào, bà Học trút được gánh nợ đời. Tưởng ông Thúc không chết trở về lành lặn, ai dè tâm thần, mất trí, làm vợ ông ta có mà khổ cả đời! Chị Học nghe mà nhói đau con tim. Chị chấp nhận gian lao để đổi lấy chữ nhân. Chị thương anh Thúc và nhớ đến lời nguyện cầu năm xưa. 

Anh thương binh Nguyễn Đình Thúc đã trở về, anh xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Còn chị, chị không còn là con gái cũng chẳng thể là đàn bà. Nỗi đau sau cuộc chiến không chỉ dồn nặng lên đôi vai anh Thúc mà âm thầm xé nát cuộc đời của chị.


Trung tướng Vũ Thanh Hoa, Trợ lý Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng


Tôi biết thương binh Nguyễn Đình Thúc qua tác phẩm nổi tiếng “Người lang thang không cô đơn” của nhà văn Minh Chuyên và mối tình sâu nặng với người con gái tên Học cùng làng. Chiến tranh đã cướp đi của họ tuổi thanh xuân và trả cho họ nỗi thương đau. Thật tình cờ được nhà văn Minh Chuyên mời về tặng quà cho thương binh Nguyễn Đình Thúc nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), tôi đã tận mắt chứng kiến mối tình thủy chung, son sắt giữa chị Học và anh Thúc, đặc biệt là sự hy sinh lớn lao không gì bù đắp được của chị Học dành cho anh Thúc mối tình với người bạn gái thân thiết Đinh Thị Mận.
 

Cựu chiến binh Hà Ngọc Vui, nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Công hòa Liên bang Đức


Từ khi còn ở nước ngoài, tôi đã được đọc bút ký “Người lang thang không cô đơn” của nhà văn Minh Chuyên, đọc xong cảm động rơi nước mắt. Số phận nghiệt ngã của thương binh Nguyễn Đình Thúc, nhân vật chính trong tác phẩm đã làm lay động hàng triệu con tim. Nay được về thăm, tặng quà anh Thúc, nhìn cảnh gia đình anh Thúc chị Mận lại xót xa thương cảm chị Học, người phụ nữ dành trọn tuổi xuân xanh đợi chờ người yêu và chấp nhận nhường đường hạnh phúc cho người bạn gái thân thiết...


Bà Phạm Thị Học, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vũ Chính, người yêu cũ của thương binh Nguyễn Đình Thúc


Không còn là những ngậm ngùi, tôi rất vui khi anh Thúc chị Mận hạnh phúc bên nhau, sát cánh bên nhau vượt qua bao khó khăn, kết quả của hạnh phúc ấy là anh chị sinh được bốn người con. Hiện giờ ba cháu đã xây dựng gia đình, cháu út đang học đại học. Các cháu đều gọi tôi là mẹ và hay quấn quýt thăm tôi khiến tôi không còn cảm giác cô đơn. Chiến tranh mà…


Quang Viện