Chủ nhật, 07/07/2024, 18:56[GMT+7]

Chiến trường chia nửa vầng trăng

Thứ 2, 21/08/2017 | 08:33:33
6,799 lượt xem
Những cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ như anh Phí Thanh Bình (xã Đông Á, huyện Đông Hưng) và đồng đội của anh không ai không nhớ câu ca: “Cọp Biên Hòa, ma rừng Sác” lưu truyền trong dân gian về một vùng đất ác liệt đầy chết chóc, nơi từng là căn cứ của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống đế quốc Mỹ thuộc huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh và Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Một góc làng quê Đông Á, huyện Đông Hưng.

Nhập ngũ năm 1969, sau ba tháng huấn luyện, chàng trai Phí Thanh Bình khoác ba lô hành quân bộ ròng rã 6 tháng trời vượt Trường Sơn vào chiến khu D, gia nhập Cục Hậu cần Quân khu miền Đông Nam Bộ, đóng quân trong rừng Sác. Từ lúc lọt lòng mẹ đến khi biết cầm cây súng trong tay, Phí Thanh Bình chỉ quen với lũy tre xanh, cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, lúc viết đơn xung phong đi bộ đội cứ tưởng sẽ vào thẳng chiến trường đánh nhau với giặc Mỹ, nào ngờ phải “ẩn mình” trong chốn “rừng thiêng, nước độc”, anh Bình bứt rứt lắm. Đơn vị của anh phiên hiệu H4 thuộc Tỉnh đội Biên Hòa, anh được phân công phục vụ hậu cần cho Tiểu đoàn đặc công 240, không được trực tiếp “vác súng” bắn giặc Mỹ, anh thất vọng, buồn bã.

Án ngữ vùng cửa biển với địa hình rừng rậm ngập nước hiểm yếu, rừng Sác trở thành “trận đồ bát quái” đối với quân giặc. Xác định vị trí trọng yếu của rừng Sác, năm 1966, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đặc khu quân sự rừng Sác. Rừng Sác được chọn là nơi xuất phát những trận đánh thần kỳ của Đoàn 10 đặc công vào tàu chiến, kho tàng và sào huyệt địch tại trung tâm đầu não Sài Gòn. Anh Bình cùng những người đồng đội mới quen như chị Bảy Nết người miền, y tá Phong quê Thái Thụy, anh Thuấn Tiểu đoàn trưởng 240 quê Hải Dương… phải nhanh chóng làm quen với cuộc sống trên vùng sình lầy nước mặn, gặp gỡ, tìm hiểu phong tục, tập quán người dân rừng Sác. 

Vốn mang đậm tính cách cần cù lam lũ “khoét rừng, vớt nước”, người dân rừng Sác thích sống tự do, phóng khoáng nhưng rất yêu nước và căm thù giặc Mỹ sâu sắc. Cũng do đặc điểm về địa lý, rừng Sác bỗng trở thành nơi đọ sức quyết liệt giữa lực lượng vũ trang của ta với quân đội Mỹ. Làm nhiệm vụ hậu cần phục vụ chiến đấu, anh Bình cùng đồng đội ban ngày ở trong rừng, ban đêm “đột ấp” thu mua, vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến đấu. Nhưng, không phải chuyến “đột ấp” nào cũng hoàn thành nhiệm vụ. Có nhiều đêm vào được tới ấp, người dân ủng hộ cách mạng chuyển hàng đến nơi tập kết thì quân giặc tràn vào ấp càn quét. Không lấy được hàng mà còn phải tìm cách rút nhanh vào rừng, ngâm mình trong nước, đôi khi phải đội cả rong rêu có khi lặn sâu dưới nước để tránh quân địch phát hiện mặc cho đỉa, vắt bám quanh người hút máu. Có lần ngụy trang dưới đám lá khô chờ hàng, không may quân giặc ập tới, chúng bắt được người mang hàng tra khảo một lúc rồi đem đi, nghi ngờ có Việt cộng, bọn giặc cắt cử một toán lính ở lại kiểm soát khu rừng rất kỹ. Anh Bình nằm bất động trong đám lá khô, bị đàn kiến rừng bu kín người, đốt đau nhói. Để giữ bí mật anh Bình phải nằm im không cựa quậy, mặc cho lũ kiến đốt chán chê. Bất ngờ một tên lính Mỹ cao lêu nghêu đi đến bên đám lá khô nơi anh Bình ngụy trang, nó ngó ngang, ngó dọc rồi “tè” lên người anh. Vừa bị kiến cắn nát da thịt, giờ thêm nước tiểu của thằng Mỹ tưới lên khiến anh Bình tê buốt tận tâm can, anh nghiến răng chịu đựng đến ngất đi. Tỉnh dậy, anh được y tá Phong (quê xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy) chăm sóc rửa vết thương, hồi sức. Nằm điều trị, anh Bình được nữ giao liên người miền Đông tận tình chăm sóc. Gần 50 năm qua đi, anh vẫn nhớ như in nụ cười duyên với hàm răng hạt bắp trắng ngà của người con gái miệt vườn ấy. Do điều kiện chiến tranh, anh Bình chỉ nhớ tên chị là Huỳnh Thị Nết, tên thường gọi là “Bảy Nết” vì chị là con thứ bảy trong gia đình. 

Nghỉ ngơi được vài bữa, trận quyết chiến của Tiểu đoàn đặc công 240 đánh vào bốt Phước Thái, Long Thành, Biên Hòa lại tiếp diễn. Đây là cứ điểm tranh chấp giữa ta và địch. Nếu phá được bốt, quân giặc phải lùi vào thành phố Biên Hòa, đoạn đường vận tải của quân ta vào chiến trường nhất là Đặc khu quân sự rừng Sác sẽ hết sức thuận lợi. Biết được điểm trọng yếu, quân địch cũng dồn hỏa lực bảo vệ bằng được bốt Phước Thái. Cách bốt Phước Thái không xa, cạnh bìa rừng cao su Cẩm Đường có một con đường lớn thường thường xe khai thác gỗ của quân giặc vẫn “chạy tới, chạy lui”, bọn giặc cũng lấy tuyến đường này làm tuyến vận tải quân sự, nhiều lần chúng chở mấy tiểu đoàn tràn vào rừng tìm diệt Việt cộng. 

Nhằm tăng cường nhu yếu phẩm phục vụ cuộc tiến công vào sào huyệt giặc, đội hậu cần của anh Bình lại tiếp tục “đột ấp” làm nhiệm vụ. Lần ấy, để tránh quân giặc phát hiện anh được Bảy Nết dẫn đi xuyên rừng. Rừng Sác đêm ấy trăng bỗng vằng vặc hắt sáng lên những lùm cây ngập nước, bước chân dò dẫm tìm đường khiến hai người phải nắm chặt tay nhau. Đêm yên tĩnh đến lạ lùng, gió lao xao đám lá rừng ngập nước, những con bìm bịp tìm bạn kêu khắc khoải càng làm cho cảnh đêm thêm hoang vắng. Đang bước lò dò, chợt Bảy Nết trượt chân ôm chầm lấy anh Bình. Chao ôi, từ thuở cha sinh mẹ đẻ anh Bình chưa dám đứng bên cạnh và cầm tay một người bạn gái vậy mà hôm nay, giữa rừng khuya hoang vắng, hơi ấm tỏa lan từ nét xuân thì của người thiếu nữ miệt vườn làm anh cứng đờ người. 

Không giống tâm trạng anh Bình, Bảy Nết hơi tỏ vẻ bối rối, nhưng vòng tay vẫn giữ chặt, đôi môi căng mọng của người con gái miệt vườn ngập ngừng lần tìm đôi môi gã trai miền Bắc. Nụ hôn kéo dài. Hai người chỉ buông nhau ra khi con bìm bịp giật mình đạp mạnh mặt nước. Anh xấu hổ nóng ran mặt mũi, ngồi thụp xuống. Bảy Nết đứng yên, ánh trăng chênh chếch chiếu sáng gương mặt trái xoan và nụ cười duyên bẽn lẽn của chị rồi tràn xuống ve vuốt khuôn ngực đầy đặn, căng tròn trong tấm áo bà ba tôn lên vẻ đẹp hút hồn của người thiếu nữ.

Bỗng có tiếng súng chát chúa, quân giặc phát hiện có Việt cộng “đột ấp”, chúng bủa vây, lùng sục. Tình thế nguy nan, Bảy Nết ra lệnh cho anh rút lui vào rừng sâu còn chị đánh lạc hướng quân giặc. Anh Bình líu ríu không chịu, Bảy Nết hạ lệnh “anh không rút, tui bắn bỏ”. Không còn cách nào khác, anh Bình miễn cưỡng chấp hành. Anh chỉ kịp nhìn thấy Bảy Nết trong đêm vụt lao về phía trước, dáng áo bà ba bó sát lưng thon mờ dần trong ánh trăng, tiếng súng chát chúa lại vang lên rồi im bặt.


Cựu chiến binh Nguyễn Thị Ngọt, Ủy viên Thường vụ Hội Cựu chiến binh phường Đề Thám, thành phố Thái Bình 


Tôi cũng là người lính từng cầm súng chiến đấu ở chiến trường do vậy tôi rất trân trọng những kỷ niệm thời chiến. Những câu chuyện có thật mà cứ ngỡ như mơ để rồi khi hết chiến tranh con người ta mải lo vun vén, hưởng thụ cá nhân mà dễ quên đi những ngày tháng thanh niên chúng tôi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Thời chiến, tuổi trẻ như anh Bình, như tôi… tất cả đều trắng trong như tờ giấy, những rung động đầu đời như nét mực ghi những kỷ niệm đẹp mãi không thể nào quên.


Cựu chiến binh Phùng Quốc Đạt, xã Quyết Tiến, huyện Kiến Xương


Năm 1966, sau 3 tháng huấn luyện ở Sóc Sơn, chúng tôi hành quân bộ vượt Trường Sơn trong 6 tháng mới đến chiến trường miền Đông Nam Bộ. Tôi ở đơn vị cối 120 ly nên phải di chuyển liên tục trong rừng. Câu ca “Cọp Biên Hòa, ma rừng Sác” chúng tôi đều thuộc và luôn xác định đối mặt với sự hy sinh. Những kỷ niệm chiến trường của cựu chiến binh Phí Thanh Bình là một trong nhiều câu chuyện có thật ở thời chiến mà chúng tôi những chiến sĩ trẻ xung phong đi cứu nước luôn tự hào về một thời hoa đỏ.


Cựu chiến binh Quách Đình Nhàn, thôn Phúc Tiến, xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy


Mười bảy tuổi gia nhập quân đội, vào chiến trường Quảng Trị chiến đấu bảo vệ và giải phóng Thành cổ xong chúng tôi tiến sâu vào chiến trường miền Đông. Những địa danh Phước Thái, Nhà Bè, rừng Sác, Phước Long… in đậm trong trí nhớ chúng tôi. Không ít những kỷ niệm buồn vui đời lính nơi chiến trường, người còn người mất nhưng tất cả với chúng tôi đều rất đẹp và không thể nào quên.


Quang Viện