Chủ nhật, 07/07/2024, 19:37[GMT+7]

Kiến Xương: Xứng danh đất anh hùng

Thứ 2, 21/08/2017 | 08:54:04
16,071 lượt xem
Ông Vũ Ngọc Trì, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Kiến Xương khẳng định: Thành công của phong trào đấu tranh giành chính quyền năm 1945 đã vun đắp thêm truyền thống yêu nước, cách mạng để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Kiến Xương luôn phát huy trong các cuộc kháng chiến cứu quốc và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng danh mảnh đất anh hùng.

Nhà thờ họ Phạm Phúc, xã Đình Phùng là nơi luyện tập võ của đội dân binh chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.

Những tên làng như Kênh Son (xã Minh Hưng), Lai Vi Đoài (xã Quang Minh), Nguyệt Giám (xã Minh Tân), Nam Huân (xã Đình Phùng), Thịnh Quang (xã Lê Lợi), Văn Lăng (xã Thượng Hiền), Lịch Bài (xã Vũ Hòa)… đã trở nên nổi tiếng với phong trào đấu tranh giành chính quyền năm 1945 của huyện Kiến Xương. Cảnh làng quê tiêu điều, xơ xác, người chết đói đầy đường năm nào giờ được thay bằng sự trù phú của ruộng đồng, vườn cây xanh mát, những ngôi nhà cao tầng san sát nằm ven những con đường quê được trải bê tông phẳng lỳ.

Nhớ về mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một số lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các bậc cao niên kể lại: Những năm 1942 đến 1944, những cuộc khủng bố khốc liệt, tàn bạo của thực dân Pháp cấu kết với phát xít Nhật cùng bè lũ tay sai, rồi nạn đói năm 1945 khiến cho hàng vạn người dân Kiến Xương chết đói. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, quân và dân Kiến Xương càng nung nấu lòng căm thù, càng thúc đẩy nhân dân đứng lên quyết đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Thực hiện khẩu hiệu “Phá kho thóc giải quyết nạn đói”, nhân dân các làng trong huyện tiến về Đồng Xâm phá kho thóc của Nhật, kho thóc nghĩa thương ở Động Trung (xã Hồng Thái) chia cho dân nghèo và lực lượng tự vệ ăn để luyện tập quân sự. Ngày 20/8/1945, nhân dân các làng An Thái, Nam Đường, Nam Huân, Phương Ngải, Kinh Nhuế, Luật Trung… tổ chức tuần hành thị uy và hô vang khẩu hiệu “Việt Minh vạn tuế!”, “Việt Nam độc lập vạn tuế!”; nhiều nơi, quần chúng còn bắt lý trưởng phải nộp triện đồng, sổ sách, tịch thu vũ khí của địa chủ cường hào. Để cổ vũ cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, nhân dân các làng, xã suốt đêm không ngủ, sẵn sàng lấy màn thờ may cờ đỏ sao vàng, chặt tre làm gậy gộc, mài dao, rèn kiếm, mã tấu trang bị cho lực lượng tự vệ. Ngày 21/8/1945, quần chúng từ các ngả đường đổ về vây quanh huyện lỵ, dòng người như thác đổ tiến vào chiếm lĩnh phủ đường, tịch thu 12 khẩu súng, toàn bộ sổ sách và niêm phong các công sở, biến phủ lỵ thành trụ sở Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và Mặt trận Việt Minh phủ Kiến Xương.

Ghi nhận những công lao đóng góp cho cuộc đấu tranh giành chính quyền năm 1945, Hội đồng Bộ trưởng đã tặng kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” cùng bằng “Có công với nước” cho 24 làng đã có công với cách mạng và nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng trước năm 1945. Đây là địa phương có số làng cách mạng cao nhất tỉnh Thái Bình thời kỳ 1927 - 1945.

Bước vào các cuộc kháng chiến cứu quốc, nhân dân Kiến Xương lại tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, cách mạng. Toàn huyện có gần 70.000 người gia nhập quân đội, hàng nghìn người tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; trong đó, có gần 7.000 liệt sĩ, hơn 5.000 thương binh, bệnh binh, gần 4.000 nạn nhân chất độc hóa học; 15 tập thể và 10 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Với truyền thống cách mạng đó, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Kiến Xương luôn thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội với nhiều giải pháp hiệu quả; trong đó phải kể đến việc quy hoạch, quy vùng sản xuất phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn với các mô hình tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi và thủy sản. Cùng với đó là thu hút, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông thôn. Lĩnh vực dịch vụ, thương mại cũng có bước phát triển khá. Tổng giá trị sản xuất hàng năm của Kiến Xương bình quân đạt trên 4.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức từ 8,1% đến hơn 10%/năm. Hiện, Kiến Xương đã có 25 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, 10 xã còn lại bình quân đạt 17,5/19 tiêu chí; trong đó, 4 xã phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2017 đã và đang tạo ra diện mạo mới, sức sống mới cho một vùng quê.

Ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho biết: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch phát triển các cụm, điểm công nghiệp gắn với làng nghề truyền thống của nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế, phát triển sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân, phấn đấu đưa Kiến Xương trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2019, xứng đáng với truyền thống anh hùng.

Khắc Duẩn