Chủ nhật, 07/07/2024, 19:20[GMT+7]

Tình sâu hơn nước…

Thứ 2, 28/08/2017 | 09:35:34
806 lượt xem
Trong ký ức cựu chiến binh Ngô Văn Nẹp sau hơn 14 năm (1961 - 1975) làm chuyên gia quân sự giúp cách mạng Lào, quân tình nguyện Việt Nam với những trận huyết chiến sát cánh cùng nhân dân các bộ tộc Lào và bộ đội Pathet Lào giành giật từng cao điểm với quân Mỹ ngụy Lào mãi mãi là kỷ niệm không bao giờ quên.

Nghỉ hưu 20 năm, cựu chiến binh Ngô Văn Nẹp luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu đi đầu trong xây dựng nông thôn mới.

Cựu chiến binh Ngô Văn Nẹp sinh năm 1940 quê thôn Văn Tràng, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy. Vừa tròn 5 tuổi thì Cách mạng Tháng Tám thành công, trong con mắt thơ ngây, lần đầu tiên ông nhìn thấy cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Ngày 2/9/1945, người cha thân yêu của ông là du kích địa phương chiến đấu đánh đuổi giặc Pháp, phá tề trừ gian giành chính quyền đã công kênh ông trên vai hòa vào dòng người kéo về chợ Giành để phối hợp cùng nhân dân các địa phương khác tiến về phủ huyện Thụy Anh mít tinh mừng đất nước độc lập, tự do, mừng chính quyền về tay nhân dân với niềm vui khôn xiết.

Nhưng, niềm vui chưa trọn thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, Thụy Văn trở thành địa bàn vùng địch tạm chiếm. Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng dân quân du kích Thụy Văn phối hợp với bộ đội chủ lực xây dựng một thế trận chiến tranh du kích chống Pháp tại địa phương. Thân phụ của ông lại tiếp tục tham gia du kích ra vùng tự do rồi được chọn vào ngành công an thoát ly công tác. Ông lớn lên trong vòng tay chăm sóc của người mẹ. 

Năm 1960, ông Nẹp gia nhập quân đội, đóng quân ở Hải Phòng. Tại đây, ông được chọn đi học lớp báo vụ của Quân khu 3. Sau 9 tháng học tập, rèn luyện, kết quả tốt, ông được Quân khu chọn đi học lớp đài trưởng vô tuyến điện. Trong lớp học, ông là một trong những học viên có kết quả học tập xuất sắc, được Bộ Quốc phòng gọi về Hà Nội tham gia một khóa huấn luyện đặc biệt. Tốt nghiệp, ông nhận lệnh sang nước bạn Lào làm chuyên gia quân sự. Hành quân vượt đèo, lội suối, băng rừng cuối cùng ông cũng đặt chân đến đất Sầm Nưa rồi lần lượt đi qua Xiêng Khoảng, cánh đồng Chum đến đông thành Viêng Chăn. Mỗi địa danh đi qua là biết bao nhiêu kỷ niệm gắn bó với nhân dân các bộ tộc Lào. 

Ông Nẹp kể: Đặt chân đến Xiêng Khoảng, chúng tôi được trang bị quân phục bộ đội Pathet Lào, đồng chí chỉ huy giao nhiệm vụ cho chúng tôi: “Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, các đồng chí được Đảng, cấp trên tin cậy giao nhiệm vụ đi sâu vào vùng địch xây dựng lực lượng vũ trang khu căn cứ cách mạng xung quanh thủ đô Viêng Chăn, phối hợp với cách mạng miền Nam chiến đấu tiêu hao sinh lực giặc Mỹ. Khi thời cơ đến sẽ giải phóng Viêng Chăn. Các đồng chí vào đó phải tự lực tự cường cùng với nhân dân các bộ tộc Lào và bộ đội Lào lao động, tăng gia sản xuất lấy lương thực, thực phẩm vì đường xa, cách trở không thể tiếp tế từ Việt Nam sang được. Cuộc chiến trong lòng địch sẽ quyết liệt và gian khổ, nếu không may lọt vào tay địch thì phải kiên cường giữ vững phẩm chất cách mạng của anh Bộ đội Cụ Hồ”. Chúng tôi khoác ba lô lên đường, lòng vui như mở hội. Cuộc hành quân vạn dặm, trên vai là máy móc, thiết bị vô tuyến điện, tài liệu còn phải đeo kèm thêm gạo, muối. Xuyên rừng, lội suối đoàn quân chúng tôi dự kiến hành quân bộ 20 ngày là đến địa điểm tập kết nhưng mưa rừng, sốt rét, đi vòng tránh thám báo địch nên thời gian kéo dài thêm chục ngày nữa. Ngày thứ 30 của cuộc hành quân, gạo ẩm mốc, hao hụt, mỗi bữa ăn anh em trong đoàn chỉ còn được nắm cơm to bằng quả trứng vịt, đoàn phân công anh em đào củ mài, hái rau rừng ăn trừ bữa. Ngày thứ 31, một số đồng chí kiệt sức, anh em phải thay nhau dìu, cáng nhưng không vì thế mà dừng bước, đoàn vẫn tiếp tục hành quân. Trong lúc khó khăn thì bản Phù Vinh của Lào hiện ra trước mắt. Chúng tôi òa khóc vì mừng. Nhận được tin báo có bộ đội Việt Nam đến bản, nhân dân trong bản kéo nhau ra đón, do chưa thông thạo ngôn ngữ nên cả hai bên nói nhiều mà chẳng hiểu được bao nhiêu. Những mệt nhọc, căng thẳng tan biến. Đoàn công tác chúng tôi ai nấy đều rất vui cho dù cơn sốt rét rừng vẫn dai dẳng hành hạ. Rời bản Phù Vinh, được sự giúp đỡ tận tình của nhân dân các bộ tộc Lào, khoảng 20 chàng trai, cô gái dân tộc Mèo (Lào Sủng) dẫn đoàn công tác của chúng tôi đi, có dân bản Lào chúng tôi không bị đói nữa, các tuyến đường khó khăn đều vượt qua nhanh chóng. Ngày thứ 55, đoàn chúng tôi mới đến địa điểm tập kết. Đó là ngày 28/8/1966, địa điểm đóng quân là khu rừng phía Đông thủ đô Viêng Chăn, cạnh con sông Ngừm. Được sự giúp đỡ của các bạn Lào, đoàn chúng tôi dựng trại, hoạt động bí mật gần một năm tập hợp lực lượng khá đông thì giặc Mỹ phát hiện. Chúng huy động hai tiểu đoàn bộ binh có máy bay và pháo binh yểm trợ đánh vào địa điểm tập kết của đơn vị. Pháo của địch nã đạn ngày đêm lại có thêm máy bay yểm trợ ném bom khiến khu rừng tan hoang, nhân dân các bản làng Lào hết sức lo ngại. Cuộc chiến diễn ra hơn 10 ngày, bộ đội ta phối hợp bộ đội địa phương Lào giao chiến nhiều trận, đánh tan các mũi tiến quân bằng đường bộ của địch. Thất bại đường bộ, địch dùng trực thăng đổ quân lên điểm cao Phu Xe, Phu Huột, Phu Xột, bằng cách này chúng đã chiếm giữ điểm cao nhiều ngày liền. Chúng dùng súng cối 120 ly bắn từ điểm cao ra xung quanh. Thế trận giằng co, đoàn công tác chúng tôi nhận định cuộc chiến sẽ kéo dài vì thế phải phối hợp chặt chẽ với bộ đội Lào vừa cầm cự vừa cùng nhân dân tăng gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu. Đến giữa năm 1968, theo lệnh của Bộ Tổng tham mưu, đơn vị phối hợp đã tập hợp tổng lực đánh địch bật khỏi cao điểm, củng cố lòng tin của nhân dân các bộ tộc Lào với quân tình nguyện Việt Nam.

Ở độ tuổi “xưa nay hiếm” mái tóc đã ngả màu sương gió, cựu chiến binh Ngô Văn Nẹp vẫn nhớ như in những kỷ niệm sát cánh cùng nhân dân các bộ tộc và các chiến sĩ bộ đội Pathet Lào đồng cam cộng khổ sát cánh bên nhau chiến đấu quét sạch bóng quân thù ra khỏi bờ cõi nước Lào. 20 năm sau ngày nghỉ hưu, về quê nhà sống cuộc đời thanh bạch, cựu chiến binh Ngô Văn Nẹp vẫn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ tích cực tham gia các hoạt động hội cựu chiến binh địa phương, góp sức gìn giữ, tu chỉnh cảnh quan làng quê Thụy Văn - xã nông thôn mới sớm nhất huyện Thái Thụy.




Cựu chiến binh Ngô Văn Nẹp

Từ Quân khu 3 về Hà Nội dự lớp huấn luyện năm 1961 cho đến khi nhận lệnh sang nước bạn Lào làm nhiệm vụ đặc biệt, tôi không được về nhà. Tất cả thư từ tôi viết gửi về gia đình đều ghi hộp thư BC20 Hà Nội. Năm 1963, tôi nhận được điện báo tin mẹ mất, đơn vị bố trí cho tôi đi phép về Việt Nam, ai ngờ lần về phép ấy tôi được gia đình lo cưới vợ. Vợ tôi là cô bạn gái xóm bên, tôi cũng chỉ một lần đến chơi nhà lúc đi bộ đội. Tháng 8/1964, tôi được điều chuyển về Tiểu đoàn 613 bộ đội Lào làm nhiệm vụ bảo đảm công tác thông tin liên lạc cho tổ chuyên gia, đồng thời giúp đỡ kỹ thuật thông tin liên lạc cho quân đội Lào. Do có nhiều thành tích xuất sắc, năm 1969 tôi mới được nghỉ phép về thăm gia đình rồi lại tiếp tục sang nước bạn tham gia chiến đấu cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Bà Bùi Thị Nhỡ, vợ cựu chiến binh Ngô Văn Nẹp


Tôi và anh Nẹp sinh hoạt cùng Chi đoàn Thanh niên thôn, ngày anh chuẩn bị nhập ngũ, anh chạy sang nhà tôi chơi và báo tin. Bẵng đi mấy năm không nhận được tin tức gì của anh, năm 1963, gia đình anh Nẹp có buồng cau sang dạm hỏi tôi về làm dâu bên ấy. Tôi đồng ý. Anh Nẹp về phép là cưới ngay, anh Nẹp chỉ ở lại với tôi được vài ngày rồi lại lên đường. Thư từ rất ít khi nhận được. Chờ đợi mỏi mòn 6 năm trời đằng đẵng, năm 1969 anh Nẹp mới được về phép, lần về phép ấy chúng tôi mới có được trái ngọt tình yêu, một cháu trai kháu khỉnh, anh Nẹp đặt tên con là Tình, anh bảo đứa con tiếp sau sẽ đặt tên là Nghĩa, tình nghĩa Việt - Lào thủy chung son sắt, sâu hơn cả nước Hồng Hà - Cửu Long.


Ông Nguyễn Tường Thuật, thôn 3 An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy

Tôi và anh Nẹp cùng xã nhưng khác thôn. Hai anh em nhập ngũ cùng năm. Anh Nẹp là chuyên gia quân sự giúp đỡ quân đội Lào gần 15 năm. Anh Nẹp và đồng đội của anh đã dâng trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng các bộ tộc Lào anh em. Tôi rất trân trọng mối tình thủy chung son sắt của bà Bùi Thị Nhỡ - vợ người lính tình nguyện Ngô Văn Nẹp. Về hưu, anh Nẹp còn tiếp tục tham gia hoạt động hội cựu chiến binh địa phương, anh luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới.


Quang Viện

  • Từ khóa