Chủ nhật, 07/07/2024, 19:24[GMT+7]

Cành ngọc lan trong bão

Thứ 2, 11/09/2017 | 08:50:15
996 lượt xem
Phá đá, mở đường và bảo vệ “huyết mạch” quan trọng này cho tiền tuyến đã có rất nhiều thanh niên xung phong C932 N93 tỉnh Thái Bình mãi mãi không trở về, máu xương của các anh các chị đã hòa trộn, nhuộm đỏ cả dòng Trạ Ang.

Con đường làng Lịch Động, xã Đông Các (Đông Hưng) từng in dấu chân liệt sĩ Phạm Thị Nga.

Địa danh Trạ Ang (Quảng Bình) được nhắc nhiều trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1965 - 1969 bởi đây là đoạn đường chọc thủng thế bao vây của địch để hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ km9 đến km14 của đường 20 Quyết Thắng có trọng điểm K12 đỉnh Trạ Ang nằm chênh vênh trên núi, dưới là vực Trạ Ang có ngầm Trạ Ang sâu hun hút. Phá đá, mở đường và bảo vệ “huyết mạch” quan trọng này cho tiền tuyến đã có rất nhiều thanh niên xung phong C932 N93 tỉnh Thái Bình mãi mãi không trở về, máu xương của các anh các chị đã hòa trộn, nhuộm đỏ cả dòng Trạ Ang.

Sinh ra và lớn lên ở làng Lịch Động, xã Đông Các, huyện Đông Hưng, liệt sĩ Phạm Thị Nga vốn là cô gái xinh đẹp, nết na, được bà con trong làng ngoài xã tấm tắc ngợi khen. Tuổi xuân đôi tám đẹp như trăng rằm, năm 1965, chị Nga viết đơn tình nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong theo tiếng gọi của Đoàn Thanh niên: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” mặc dù có không ít lời khuyên ngăn của họ hàng.

Chân yếu tay mềm nhưng khi đã là thanh niên xung phong C932, N93, chị Nga rất hăng hái với công việc được giao, nụ cười tươi phô hàm răng hạt lựu trắng ngần luôn nở trên môi càng tôn thêm vẻ đẹp “hằng nga” của chị. Đi thanh niên xung phong cùng đợt với chị Nga có chị Bạn, chị Mười, chị Nguyệt, chị Quyết… ở huyện Đông Quan (nay là huyện Đông Hưng). 

Những ngày đầu gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, các chị đóng quân ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), ngày đêm sửa cầu, bắc thêm cầu phao, nhận thêm phần việc sửa đường rồi vượt cầu Hàm Rồng sang Nam Ngạn làm thêm đường tránh cho các chuyến hàng vào Nam phục vụ chiến đấu. Giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, chúng tập trung lớn hỏa lực đánh phá các trọng điểm giao thông quan trọng như cầu Ninh Bình, cầu Đò Lèn, cầu ông Tào, đặc biệt là cầu Hàm Rồng làm nhiều thanh niên xung phong bị thương và hy sinh. 

Cuối năm 1967, giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc dữ dội nhằm cắt đứt sự chi viện cho chiến trường miền Nam, Đội 93 của chị Nga được lệnh tăng cường cho tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả những trận máy bay địch bắn phá đường sắt, nhà ga, cầu, bảo vệ kho tàng, bốc xếp hàng hóa, bảo đảm giao thông… cùng với khẩu hiệu “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”. Thất bại ở chiến dịch bắn phá miền Bắc, giặc Mỹ dùng lực lượng hải quân kết hợp không quân bao vây, phong tỏa tuyến đường biển, đánh chặn đường bộ, đường sắt hòng cắt đứt sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam do vậy các tuyến đường đều bị bắn phá, hư hại nặng nề. 

Giữa năm 1968, số thanh niên xung phong hy sinh và bị thương quá nhiều nên có sự chuyển dịch và sáp nhập, C932 của Thái Bình được lệnh vào Quảng Bình làm nhiệm vụ sửa chữa đường 20 Quyết Thắng từ km9 đến km14 có trọng điểm K12 sông, núi Trạ Ang được mệnh danh là “Cuống họng K12, túi bom vô tận” của núi rừng Trường Sơn. Trên đường vào trọng điểm, C932 của chị Nga đã có 3 chiến sĩ hy sinh, hơn mười ngày đầu tháng 8/1968 khi đặt chân đến Trạ Ang trên trọng điểm K12 máy bay Mỹ oanh tạc 170 trận, ném 86 quả bom trúng đường và bắn 184 quả tên lửa vào vách đá gây sạt lở taluy nghiêm trọng. Khối lượng đất, đá phải đào đắp lên đến hàng vạn mét vuông. Vừa mới chân ướt chân ráo vào trọng điểm K12, chị Nga cùng đồng đội đã phải đối mặt với sự hy sinh do giặc đánh phá ác liệt. Không lều trại, tất cả chị em đều sống dựa vào hang đá. Mỗi hang đá chỉ trú được ba người. Mùa mưa vắt, muỗi như nêm. Không có nước, các chị phải thay nhau xuống ngầm Trạ Ang gánh nước lên núi. Mỗi lần cũng chỉ được hai thùng lương khô. Một ca nước nhỏ vừa đánh răng vừa rửa mặt. Gian khổ nhưng các chị vẫn cười tươi, bám cầu đường, chiến đấu dũng cảm. Lúc đầu sửa đường ban đêm nhưng rồi tiền tuyến gọi các chị làm cả ban ngày, máy bay Mỹ ném bom thì tránh, không kịp tránh thì nằm úp mặt xuống nền đường. Mỗi người một việc. Đôi bàn tay nhỏ nhắn của chị Nga ngày nào quen với việc thêu thùa, khâu vá giờ cầm xà beng, cuốc chim, búa tạ đập đá vá đường đến bật máu tươi. 

Trên đỉnh Trạ Ang những ngày mưa mây giăng mịt mùng cảm giác như giơ tay với được trời cao. Bom Mỹ oanh tạc nhiều không kể xiết chỉ biết rằng đến đá núi cũng vỡ vụn, tan tành. Không nhận được tiếp tế, trang phục rách tả tơi các chị phải chia nhau mặc cũng bởi tại bom giật, bom rơi áo rách mất rồi. Mặc cho áo quần tả tơi, các chị vẫn lăn vào sửa đường. 

Có một điểm đặc biệt là đứng trên đỉnh Trạ Ang có thể quan sát được máy bay Mỹ, biết được quả bom nào nổ, quả bom nào chưa nổ và vị trí của từng quả bom nổ chậm giúp cho bộ đội công binh phá bom chính xác và hạn chế được thương vong do bom nổ chậm gây ra. Công việc này vốn do tổ trinh sát bộ đội công binh phụ trách nhưng sau đợt máy bay Mỹ liên tục dội bom tàn phá nên số chiến sĩ bị thương và hy sinh quá nhiều, tổ trinh sát không còn đủ người lên chốt làm nhiệm vụ. 

Giữa lúc khó khăn, tháng 9/1968, C932 thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình có mặt ngay lập tức cử người đảm nhận công việc, thay thế bộ đội công binh làm nhiệm vụ trinh sát. Biết lên chốt là hy sinh nhưng chị Nga vẫn xung phong đầu tiên. 

Đêm trước ngày lên chốt, trời bỗng vằng vặc trăng sao. Cả tiểu đội nữ thanh niên xung phong không sao chợp mắt được. Chị Bạn, chị Lập, chị Công, chị Quyết, chị Nguyệt, chị Lơ, chị Sửu… thao thức cùng chị Nga. Rừng đêm ấy bỗng yên tĩnh lạ lùng. Những bông hoa ngọc lan trong rừng khuya tỏa hương thơm ngọt ngào và quyến rũ. Chị Nga thì thầm bên tai chị Bạn: Mai em lên chốt, em sẽ mặc quân phục của chị và cài cành lá ngụy trang bằng những cành ngọc lan. Các chị cứ thấy mùi hương ngọc lan ở đâu thì tìm em ở đó. Nghe Nga tâm sự, chị Bạn vô cùng cảm động. Mọi người thầm hiểu, lên đỉnh Trạ Ang trinh sát là đồng nghĩa với sự hy sinh. Mỏm đá cheo leo hứng chịu hàng chục trận bom mỗi ngày, hàng trăm tấn bom giặc Mỹ trút xuống đến đá núi cũng vụn tan. Sáng sớm hôm sau, chị Nga nai nịt gọn gàng, cành lá ngụy trang xanh ngắt điểm những bông ngọc lan trắng tinh khôi. Chị cẩn thận cài một bông hoa lên mái tóc, vuốt những sợi tóc mai vương bay trong gió cười tạm biệt mọi người trong tiểu đội rồi cùng hai chiến sĩ công binh lên đường.

Máy bay Mỹ lại gào xé không trung, những quả bom tròn ủng lao xuống đỉnh Trạ Ang. Khói bốc ngùn ngụt. Cả đội thót tim. Dứt tiếng bom, tất cả lao ra mặt đường. Không thấy Nga cùng hai chiến sĩ công binh đâu nữa. Khói bom khét lẹt nhưng chị Bạn bỗng nhận ra hương ngọc lan thoang thoảng quyện bay trong gió, chợt nhớ lời Nga dặn, chị xót xa gọi: Nga ơi, Bạn biết tìm Nga ở đâu rồi.


Ông Đỗ Văn Tụy, nguyên Đại đội trưởng C931, N93, khu Châu, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Mười ba cô gái thanh niên xung phong C932, N93 tỉnh Thái Bình tuổi vừa mười tám, đôi mươi trên đỉnh Trạ Ang làm nhiệm vụ trinh sát máy bay Mỹ ném bom và đánh dấu bom nổ chậm trong đó liệt sĩ Phạm Thị Nga là chiến sĩ xung phong lên chốt đầu tiên. Dẫu biết có thể sẽ hy sinh nhưng Nga vẫn xung phong lên chốt, hành động dũng cảm ấy là động lực to lớn giúp toàn Đội 93 kiên cường bám trụ vừa chiến đấu vừa sửa đường, bảo vệ đường 20 Quyết Thắng, bảo đảm giao thông chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ.


Bà Dương Thị Bạn, cựu thanh niên xung phong C932, N93, thôn Nam Bồ Nhân, xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình

Biết là sẽ hy sinh nhưng Nga vẫn xung phong lên chốt đầu tiên. Nga đã hy sinh anh dũng cùng hai chiến sĩ công binh khi đang làm nhiệm vụ đếm bom rơi và chạy băng qua lửa đạn để đánh dấu bom nổ chậm. Sự hy sinh anh dũng của Nga đã thôi thúc chúng tôi. Nga hy sinh, Lơ lên thay, Lơ hy sinh, Công lên thay, Công ngã xuống, Lập lên thay rồi bị thương thì tôi lên thay, tôi bị thương thì Sửu lên và cứ lần lượt cho đến người cuối cùng.


Bà Phạm Thị Mười, cựu thanh niên xung phong C932, N93, thôn Gia Lễ, xã Đông Mỹ, huyện Đông Hưng

Đỉnh Trạ Ang được mệnh danh là túi bom khổng lồ mà đế quốc Mỹ dội xuống nhắm cắt đứt con đường chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, chị em thanh niên xung phong C932, N93 chúng tôi chia nhau sự sống, chung nhau cái chết, đùm bọc, yêu thương nhau như chị em ruột. Tôi và chị Bạn bị thương và có may mắn trở về nhưng Nga và nhiều đồng đội của chúng tôi đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.


Quang Viện