Chủ nhật, 07/07/2024, 19:20[GMT+7]

Cầu Bo qua phố (Kỳ 1)

Thứ 2, 02/10/2017 | 08:05:37
24,814 lượt xem
Những năm qua, thành phố Thái Bình phát triển khá nhanh, khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại, văn minh. Dấu tích của phố thị xưa hầu như không còn rõ nét, những nếp sinh hoạt mộc mạc đậm hồn quê giờ chỉ còn trong ký ức của các bậc cao niên.

Cầu Bo năm 1963.

Tái hiện lại phố thị xưa, Tập ký “Cầu Bo qua phố” đã lột tả những địa danh, những câu chuyện về những con người có danh và vô danh trong thị xã bé nhỏ để tri ân người xưa, trả nghĩa quê hương, giữ lấy văn hóa sống và yêu quê. 

Để bạn đọc hiểu hơn về cuộc sống ở làng Bo, Kỳ Bá…, chợ Gốc Mít, dãy phố An Tập… xưa, Báo Thái Bình điện tử giới thiệu Tập ký “Cầu Bo qua phố” của nhà văn Võ Bá Cường.

Kỳ 1: Làng lúa

Phố thị xưa đất hầu hết nằm trên làng Bo, đình Bo. Dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa. “Lúa vào tận phố, lúa vây tận nhà”. Câu thơ ấy ai viết vào đầu năm 1970 quả không sai.

Cứ như người xưa truyền lại, thuở ấy làng Bo thưa vắng bóng người, trên dưới chục nóc nhà, nhà nào cũng chỉ tranh tre, mành liếp. Phần lớn ruộng vườn là của đất đình, đất làng. Đàm lạch, lau sậy miên man chạy từ phía Đông sang phía Tây, gặp đê sông Trà Lý dừng lại. Đất thở, người thở sau cuộc phát cây, cuốc cỏ khai khẩn. Vài chục năm sau, đất trở nên trù phú, con cháu ngày một đông vui, chen chúc nhau sống, tạo thành làng, thành phố. Đình Bo to lên, chùa chiền nhiều hơn. Để nhớ người đi mở đất chốn lau đầm và những bà mẹ tiên phong cầm cuốc. Họ là những người nhiều nếm trải, nhiều cay đắng, được dân làng tôn thành ông hoàng, bà chúa vùng đất lúa.

Thành phố nằm giữa làng lúa, làng hoa. Đồng quê Thái Bình đã cho thứ quà thần tiên là cốm giã. Người thưởng cốm lịch thiệp trang nhã, khi búp tay son mở gói cốm bọc trong lá sen tơ chùa Tiền. Họ luôn giữ lấy chất quê, như rượu quê, sông quê, gạo quê, ổi quê (làng Bo), chuối quê (Cổ Tiết), ấu Sa Cát quê, gà quê, cá quê, gái quê. Lời quê chắp nhặt thốt lên tự đáy lòng, quý như hương cốm. Chúng tôi quê đấy, nhưng đố ai vất được quê đi. Mất quê, quên quê là vong ân bội nghĩa. Hãy đến Thái Bình mà chạm vào tiếng trống chèo quê làng Khuốc, chạm vào miếng ăn làng Ngói. Các cụ xưa dạy: “Ăn Ngói, nói Khuốc”, nó là đỉnh cao văn hóa Thái Bình. Dân phố thị đến được đỉnh cao chữ quê đâu dễ!

Quê cho ta cái gậy chống đi muôn nơi, như cây tre hàng nghìn năm chịu giông bão giờ mới nên thành nên lũy. Dân phố thương quê, nhớ quê xây dựng biết bao chùa chiền để giữ lấy lòng người đi ở lại. Ta hãy dạo quanh ba phố Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam ngắm chùa Tiền, chùa Bồ, chùa Ngàn, chùa Lộng, chùa Trung, chùa Hai Bà Trưng với hai con voi đặt cửa ra vào. Rồi đi xem đền Mẫu, đền Quan Lớn, đền Tân Lợi, đền Cảnh Binh, đền Bà Chúa (Bản tỉnh), đền Quang Tự (thờ Trần Hưng Đạo), đền Chưởng Nga, đền Gốc Mít. Ta hành hương về quá khứ, gom nhặt lại thời gian thưởng vị ổi Bo, nghe tiếng trống chèo, tiếng sóng khua động trên dòng Trà Lý. Được nếm trải mùi vị đắng cay, buồn vui ngõ chợ Bo, chợ Gốc Mít, phố Cô Đầu, xóm Nước Đen mà nghĩ đến quê, đối diện với hiện tại nghĩ về quá khứ, cùng nhau tiếc nuối những ngày xa quê, thiếu quê. Đêm nằm ngẫm ngợi câu thơ của Vũ Hoàng Chương dạy ở Trường Phan Thanh (làng Khuốc): “Ta hàn sĩ, nửa đời luân lạc mãi/Xót cho người cùng lạnh giấc tha hương”.

Ngẫm ngợi sâu lắng câu thơ trên, càng thương thân phận Nguyễn An (A Lưu), người nước Nam ta, một trong số trẻ em (con trai) mỹ tú bị Trương Phụ bắt về Trung Quốc. Nguyễn An có công xây dựng thành trì Bắc Kinh. Ông đã xây Tử Cấm Thành.

Trong Kiến văn tiểu lục, Lê  Quý Đôn, người Thái Bình viết: “Nguyễn An là người khắc khổ, liêm khiết, giản dị, cứng rắn, giỏi tính toán trong việc tu tạo thành Bắc Kinh gồm chín cửa, hai cung, ba điện, năm phủ đến các đường nha môn”. Người thiết kế đào con sông Tùy nối liền Nam Kinh với Bắc Kinh, thuận lợi cả đường thủy, bộ cho Trung Quốc. Trước khi chết, vịn vào cành cây ngân hanh, ngẩng mặt lên trời cao, nhìn về nước Nam với nỗi nhớ quê mà than rằng: “Này ai, nếu ai về Nam hãy cho ta về với”. Lời than như dòng nước mắt khôn cùng.

Những người như chúng ta được sống với quê, tắm nước ao quê, ngủ với mẹ nơi giường cao, chiếu sạch ở quê sung sướng biết nhường nào.

Một ai đó khi sấn bước vào chốn giang hồ hoặc may ra chạm vào ngưỡng cửa chốn thượng lưu, được ăn sung mặc sướng, lên xe xuống ngựa, một mình một ghế chẳng biết đến quê hỏi đã hơn ai?

Anh Tàu chạy sang chiếm đất ở phố thị cũng vội vàng lập đền thờ để cầu may, bỏ rủi, gọi là đền Hậu Quản, chẳng qua anh ta cũng cố gắng giữ lấy cốt cách quê  mình. Ở đây cũng cây xanh bóng mát, hương khói vàng mã quanh năm nhưng đền anh Tàu thiếu hương bông hoa móng rồng, bông ngọc lan… Các cụ ngày trước lo dựng đình để bàn việc nước. Đình của các cụ ông, chùa của các cụ bà. Ngôi đình nằm ở trung tâm phố như đình Bồ Xuyên, đình Bo, đình Hàng Phố. Sau này, mỗi ngôi đình đều có công đóng góp cho việc giành nước, giữ nước. Trước cảnh cây xanh bóng nước giữa phố phường, ai mà nhớ hết tên hồ, tên đầm, ao chuôm, ngòi lạch của phố. Giữa chốn đông đúc bỗng hiện ra cảnh sóng nước của hồ Ti Rượu như bức tranh thủy mặc giữa phố phường. Hồ nằm ngay xưởng xẻ cũ, sát với nhà rượu của Pháp, giờ thuộc đất phường Bồ Xuyên, chân cầu Thái Bình phía sang làng Bo. Hồ Ti Rượu luôn được tiếp nhận sương sa buổi sớm từ dòng Trà Lý thổi vào, tạo ra sự dịu dàng và yên tĩnh cho người qua kẻ lại. Mỗi lần bọn trẻ lội xuống hồ tắm đều thiết tha hương vị sen hồ. Người rời khỏi cổng tỉnh ai cũng bồi hồi nhớ đến tiếng ếch kêu, tiếng con bồ nông, con bìm bịp vào buổi sáng. Nhìn cánh chim bay vội biết đất đã trở mùa sau lưng mình rồi. Bỗng nhắc lòng mình nhớ quê: “Mưa bay trắng lá rau tần/Thuyền ai bốc khói xa dần sông mưa”.

Những ngày giá rét, mặt nước hồ Ti Rượu lăn tăn, bèo xô, gió thổi tạo ra cảnh ảm đạm. Nhìn thật sâu vào góc ao thấy trứng nước con bọ ngoáp trắng như bọt xà phòng bám vào đầu cành tre nhỏ kéo xuống nước, thấy sự sinh nở của nó trong bóng tối, như phận người lúc đó xa quê càng thương quê, nhớ quê. Bởi nơi đây là mảnh đất nuôi ta, là Tổ quốc ta, là hồn ông bà, cha mẹ ta lưu giữ. Những ngày đông ken, bấc thổi, con người dúm dó, với chiếc thuyền nan mỏng như chiếc lá tre khô, một ông già cong mình thả lưới xuống lòng hồ giữa chốn hoang vu lau lách. Tiếng chèo khua thong thả, tiếng gõ mạn thuyền, chỉ tiếc trước cảnh ấy thiếu tiếng đàn trong gió thoảng. Bốn mùa ông già vẫn sống như thế. Đầu đội nón lá, mình mặc áo ngắn, đôi lúc đầu quấn khăn rìu màu nâu thẫm, ông già đánh bạn với hồ sâu, như đôi bạn tri âm tri kỷ, để đến con rái cá cũng quen tiếng động  mái chèo, tức thì nó ngoi lên mặt hồ theo thuyền ông luồn trong lau lách. Ông già không hề bận tâm đến nó, tay già bụm cái chén tợp hớp rượu, đôi mắt lim dim. Vừa buông chén, mắt ông đăm đăm nhìn vào cõi không cùng, như người suy tưởng trước cảnh hồ quê. Khuôn mặt ưu tư của già rung lên từng thớ thịt. Bằng động tác khéo léo kỳ lạ, ông chèo thuyền đi như vào miền cổ tích.

Cây gạo trên bờ lặng lẽ, mùa đông cành lá khẳng khiu như đời người thả lưới, thương nhau, quyện vào nhau, bận rộn với nhau. Do ân đức cây và người trở thành đôi bạn thật là “tương tri lại gặp tương tri”. Hồ Ti Rượu không sóng vỗ mênh mang, không mù khơi tít tắp, không gợi cảm cho người yêu thơ như cảnh Tây Hồ với bóng chim sâm cầm mùa đông. Nhưng ông già gầy, lưng thẳng vẫn để lại mấy câu: “Lưới ta giăng khắp mặt hồ/Rượu say mượn chén cây khô bóng lồng/Nước hồ không gạn mà trong/Sào ta không dựng mà trông cao vời/Đây hồ Ti Rượu rong chơi/Đêm tung lưới đắp cho người tỉnh say”.

*

*      *

Giữa phố Lê Lợi, chỗ bể bơi Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh, các cụ cho đào hồ Pissine (sân vận động thị xã). Hồ không to, nằm ở nơi đắc địa “làng lúa làng hoa” đón nhận bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, đủ ngày nóng, cóng ngày rét và có chiều mặt hồ xanh trong mù sương, có ngày đỏ tía hừng đông đổ xuống mặt hồ.

Sau những ngôi nhà phố Lê Lợi, liên tiếp hồ, ao, đầm của nhà cụ Cửu Mùi - Tư Nhu. Hướng lên phía Bắc ta gặp ao sâu nước cả (chỗ xưởng miến) đằng sau Trường THPT Lê Quý Đôn. Có thêm chiếc đầm, đấy là nơi hoang cư của những “bần nhân tiện tử” thời xưa trú ngụ. Rồi trước cửa chùa Tiền các cụ thả ao sen rộng tới vài sào. Ao đó nay vẫn còn, dù nó bị lấn chiếm nhiều phía, xây dãy ngang nhà dọc, còn đâu thấp thoáng câu thơ của Nguyễn Khuyến: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo...”. Những ngọn sóng xanh, những âm thanh không vào đây được nữa. Ta dễ nhìn thấy những thân sen khô rỗng ngủ trên đầm, cảnh buồn làm người ta dễ nhớ tới thu xưa...

Ao hồ phố thị như mắt ngọc, nuôi màu xanh bất tận đất đai, làng mạc. Nước ao hồ thầm lặng, làm nên màu vàng của lúa, mùi hương trái cây, tạo nên vương quốc trù phú. Đất trời thông minh, cho ta dải đất màu mỡ, vì con người. Dải đất ấy đã tạo ra những món quà quý nuôi sống con người. Đấy là ân huệ bất tận. 

Người Thái Bình biết ăn, biết chơi. Họ là người thư thái, vừa tĩnh lặng vừa an nhàn, lại có lòng nhân hậu. Cảnh ấy nằm bên kia cầu Bo, chạy dài từ đền Quan lên cầu mới Thái Bình. Vùng đó người xưa quật đất đắp đê Hoàng Diệu, sau dân tạo thành đầm sen trắng, hồng đủ sắc. Vào mùa, lá sen, ngó sen, thả hương tạo ra cảnh tình đẹp đẽ như một nương thôn đứng nép mình bên rặng trúc trên bờ ao vắng. Thường những đôi trai gái từ phố thị đạp xe sang, du lãm thưởng ngoạn hoa sen. Trong tâm tưởng bỗng nhớ lại thời hồng hoang với con dải nước, con thuồng luồng nằm sâu đáy hồ dễ rút chân người, chẳng may sa xuống...

Thưởng sen, nghe tiếng sóng vỗ sông Trà, nước từ cửa Tuần Vường đổ về. Khi gió nồm thổi đưa lại chút man mác của nước sen hồ, nghe hơi thở lá sen, hương sen thì cái ngột ngạt ôi nồng biến đi đâu mất. Đường phố Thái Bình trở thành “đường thơm”, “ngõ thơm”, đến mái tóc người con gái cũng thơm. Tiếng sóng sông Trà là tiếng sóng quê hương vỗ vào lòng phố thị. Sông Trà là một con sông miên viễn, với tư tưởng nhân đạo làm nên tên tuổi của dòng sông. Chúng ta, mọi lớp người được tắm gội trên dòng sông Trà. Dòng sông đã nuôi dưỡng tâm hồn ta và chính ta đã khám phá ra được chất thơ phú trong dòng nước đỏ.

Tự hào thay, Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, khi cầm quân là danh tướng, lúc làm thơ đến bậc thi hào, đời làm quan thì thăng trầm đủ cả nhưng sự nghiệp khẩn hoang lập làng  lưu công đức muôn thuở thì lại ở trên đất Tiền Hải (Thái Bình); ngay cả làm “tay chơi” cũng đến độ lưu danh hậu thế. Ngài  cùng thời với đại thi hào Nguyễn Du, kém Nguyễn Du mười tuổi. Cả hai danh nhân này đều tìm về đất của nhà bác học Lê Quý Đôn!
Nguyễn Du ẩn thân mười năm gió bụi ở Quỳnh Hải trước khi đi sứ Trung Quốc. Nguyễn Công Trứ đi mở đất Tiền Hải.

Một góc thị xã Thái Bình năm 1994. Ảnh: Duy Đông

Ngày xưa các cụ đấng bậc thường xuyên đi thuyền hoặc cưỡi ngựa, chí ít cũng nằm võng ra đây. Xem ra các đấng tài ba ấy có thể đều đến làng Bo, chao chân trên dòng sông Trà Lý rửa đi lớp bụi đời và nỗi đau nhân thế, tạo nên cảm hứng viết nên những tuyệt tác văn chương.

Mọi thế hệ Việt Nam đều được đọc Truyện Kiều, tâm hồn tràn đầy nỗi xót thương. “Đau đớn thay phận đàn bà”, tư tưởng nhân đạo ấy đẹp như một chuỗi ngọc trong cổ lục xa xôi.

Nguyễn Công Trứ làm quan chỉ có ba mươi năm, sao ông làm được nhiều việc thế? Trong đó mấy năm dành cho Thái Bình. Trước khi chết, cụ nói: “Con cháu đã nghèo, dân lại nghèo hơn” nên cụ đã đào sẵn cái huyệt dưới cái chõng tre, chôn cụ ở đấy và trồng trên mộ một cây thông.
Đất bác học Lê Quý Đôn đã hội tụ được anh em tài cả nước. Những tác phẩm và cốt cách, kẻ sĩ Bắc Hà đã thấm đậm vào người và đất Thái Bình. Mọi thế hệ được nhào nặn, tiếp thu cái ánh sáng văn hóa đó, làm nên một Thái Bình, nơi có đường cây xanh, có hồ nước, có vườn hoa, có phố An Tập, có tiếng hát cô đầu, có chợ Bo, có phở Xừ, phở Phớn, có kẹo kéo, có bánh cuốn Minh Hương, có chả ngóe Minh Tân. Ôi quê hương, phố xá nhiều điều thương nhớ. Con người muôn thuở luôn bị vật chất vật vã, ám ảnh, cám dỗ hết sức nặng nề. Cái văn hóa tinh thần và triết lý Phật giáo phần nào bị lãng quên và có phần cản trở.

Ao hồ, đầm nước, sông ngòi dần lấp đi, thật tiếc hận! “Con người với con người là tinh hoa”. Họ liên kết với nhau như mạch máu để nuôi sống con người. Sông ngòi, đầm lạch, ao hồ là một thực thể như một con người, nếu bị phá vỡ sẽ biến thành phố như một vật thể chết cứng.

Ba sông Bồ Xuyên, Kỳ Bá, sông 3-2 (là con sông đào) bắt nguồn từ sông Trà Lý, nó như tấm lụa trắng từ thác cao chảy xuống tinh khôi, thơ mộng, nằm vắt ngang thành phố. Đã có thời con người lãng quên nó, để dòng chảy ứ nghẹn rác bẩn. Một nhà văn đã viết “Chảy đi sông ơi”, sau sự đánh thức các nhà chức trách “phải để mắt” tới con sông được thức dậy với hai hàng dừa xanh và sóng nước... Sông Kỳ Bá có Trường Kỳ Giang của cụ giáo Châu, nơi Nam Cao từng đứng chân dạy học lớp E’lenentavic.

Ông trọ nhà cụ Từ Ngọc Liên, cùng họ với nhà thơ Trần Lê Văn (Thợ Rèn) phố Lê Lợi, trước cửa đền Mẫu, cạnh đó nhà sách Mậu Hiên. Nhà văn nằm trên cái gác xép ọp ẹp, có cửa tò vò nhìn ra phố xem người và ngựa. Những lúc “bạc đời”, nhà văn thả bộ sang bên kia cầu Bo, vào lối ngõ của làng mạc, quanh quanh là bờ tre, dậu ruối, cá quẫy, trăng lên rặng nhãn, vườn chè với những con đường cát mịn rợp bóng quanh năm. Cái không gian thật tĩnh lặng, yên bình tràn vào những căn nhà mái rạ thơm hương lúa mới. Nó rất Thái Bình và đẫm chất đồng bằng Bắc Bộ. Có thể đêm nào đó, nhà văn lại được nghe tiếng trống chèo, hay xem vở diễn Trương Chi. Làng quê ấy đã cho nhà văn một cảm nhận về phận người, giọt lệ… Sau này mang nặng tấm lòng yêu quê, theo cuộc kháng chiến rồi làm báo Vệ quốc quân (do Trần Độ người Tây Giang - Thái Bình đứng chân thư ký). Ông đã gặp Xuân Oanh ở báo. Biết Xuân Oanh gốc người Thái Bình, sau này chuyển ra Quảng Yên. Cho đến một chuyến đi công tác, trong cái không gian miền quê trăng tỏ, giếng trong, nhà văn đã gợi ý cho Xuân Oanh viết bài hát về quê hương mình. Nhạc phẩm “Quê hương anh bộ đội” được ra đời trong hoàn cảnh đó (1949 - 1950). Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, dù nhạc phẩm Xuân Oanh ít nhưng ông cứ lừng lững trước mặt mọi người. Ông có tài bẩm sinh về ngoại ngữ, lại có cái “tai” âm nhạc. Ông vẽ tranh, làm thơ “Quê hương anh bộ đội”, đã đóng vị trí quan trọng trong âm nhạc. Nó đi trong dòng chảy âm nhạc cùng với “Ngày mùa” rồi “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao. Nhạc Xuân Oanh có hơi thở nhạc phương Đông, gần thơ của Chính Hữu. Ca từ của ông đẹp khiến người hát vừa cất giọng đã làm động lòng, đồng cảm người nghe: “Nơi ấy có con đường tắm nắng vàng tươi/Bờ tre nhà tranh vách mới/Nơi ấy có cánh đồng mênh mông ngát hương/Mùa lúa chín tiếng hát vang khắp đường...”. Chỉ từng ấy ca từ, ta hiểu Xuân Oanh khích lệ người nghe yêu quê hương mình dường nào? Bởi anh hiểu “Làng còn thì nước mới còn”, để thế hệ hôm nay dẫn dắt trong “Giai điệu tự hào”, khiến người nghe như muốn sống lại thời tiền chiến.

*

*      *

Xuân Oanh (1924 - 2010) kém Nam Cao 11 tuổi, quê gốc Thái Bình, ra tá túc ở Quảng Yên, đi theo cách mạng làm báo cùng với Nam Cao - Thâm Tâm - Thôi Hữu, họa sĩ Dương Bích Liên và Mai Văn Hiến. Tòa báo đóng ở bản Púc - Định Hóa - Thái Nguyên. Cuối đời, ông ở trong cái hầm người Pháp xây gần Đài Tiếng nói Việt Nam. Nguyễn Thụy Kha có phòng làm việc gần đó. Hàng ngày, hai người tài hoa vẫn chén nước, điếu thuốc đưa nhau. Nhiều lúc Xuân Oanh cầm đàn hát bài “Quê hương anh bộ đội”, hẳn lúc đó ông day dứt một thời quá khứ của mình ở làng quê Thái Bình.

Sau này, làng Bo dần bé đi, mất đi. Trong làng thấp thoáng thấy phố. Phố đông, người chật. Tự nhiên ai lấy mất cái hồn quê trong ta mà những năm 1930 - 1940 Nguyễn Bính đã dự cảm thấy, rồi thảng thốt kêu than: “Cái hôm em đi tỉnh về/Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều...”. Ai không biết, riêng tôi vẫn nhớ rau “tần”, thứ rau muống ngoại thành Hà Nội. Nhà thơ Trần Huyền Trân có lần nhắc đến kỷ niệm loài rau ấy của người tần tảo Hà thành. Nhiều người nơi khác đã mất quê. Những hiền nhân Thái Bình không thế. Họ luôn giữ lấy rường cột quê hương, dù bàn chân đã đi khắp bốn phương, miệng thưởng nhiều miếng ngon vật lạ. Ấy thế mà vẫn nóng lòng về ăn bát cơm quê, cắn quả ổi Bo, tắm nước sen hồ Hoàng Diệu. Họ vẫn nhớ dâu già, tằm chín, cua mẩy, gà tơ, nằm trong ngôi nhà mái tranh của mẹ. Sau bao cuộc hành trình tha hương nay mang về quê danh giá, công tích, bảng vàng bia đá. Vào đầu xuân đội nón lá áo the xem hồ đồng đền Mẫu. Có mấy ai đem bệnh tật tuổi tác già nua về trình quê, kêu khổ với quê.

Một góc thị xã Thái Bình năm xưa. Ảnh: Duy Đông

Trong môi trường văn hóa Việt của người phố thị, họ giữ lại cảm xúc khi xem hồ đồng. Người ta nhớ bà Bích Thuận ngồi đồng từ năm 16 tuổi, bà Hảo (bán trầu vỏ) là người thứ hai, có thâm niên ngồi đồng không kém bà Thuận, quê bên Xuân Trường, Hải Hậu, Nam Định, quê mẹ ở chùa Keo Thái Bình. Khi ngồi hồ đồng ai cũng muốn đến, muốn nghe. Câu hát chạm vào trái tim. Trong cách đi đứng, ngồi hồ, bà không để lộ ra sự dung tục. Bà là người nết na, đẹp đẽ. Người đi theo hồ xem hồ đều khen “dáng bà, da bà, rồi khuôn mặt thanh tú cô hồ Bích Thuận”. Bà ngồi có phong cách riêng, khó có người học được cái ý nhị trong lúc ngồi hồ đồng cô, bóng cậu. Người xem hồ đồng “Áo mộc tà bay trước cửa thiền” khác gì như người đi thưởng hoa. Dân mình chú ý để tâm đến cái hương vị trong hoa, không như người phương Tây chú ý đến màu sắc hoa. Hương vị nằm bên trong nội tâm còn màu sắc là cái phô phang bên ngoài. Ngày rằm, đền Mẫu đông nghẹt. Người theo hồ đồng có lớp lan từng hội, chọn bạn? Người cao sang quyền quý thường chọn ngày chọn tháng, chọn cô hồ đồng Bích Thuận, đâu có xô bồ.

Đền Mẫu có 36 giá đồng bà Thuận đều ngồi hết, nghe tiếng hát cung văn người cầm đàn là ông Vũ như khuấy động tâm hồn. Cô hồ ngồi từ đầu đến cuối. Bà thường được mời hầu tam tòa thánh Mẫu. Hầu năm quan lớn hoặc hầu hàng Trầu, hầu ông Bảy, ông Hoàng Mười. Ai hợp cung nào bà ngồi hồ cung đó. Khi rước bà theo kiệu võng hoặc kiệu long đình, người phố thị rước từ đền Mẫu ra đền Hai Bà rồi quay về. Những cô gái thanh tân mười sáu, mười bảy khênh kiệu như bay trên không, mấy khi chân đặt xuống đường.

Gái Thái Bình đẹp cả dáng lẫn da. Mấy cô đâu tô son thoa phấn mà vẫn đẹp. Các cô mặc áo mỏng bó sát thân, người ta mê cái lớp da trắng thấp thoáng trong tà áo xẻ. Cô Ba, cô Bốn, cô Hồng nức tiếng yến anh ở phố Đệ Nhị. Còn có cô giọng khơi khơi ngòn ngọt ngồi trong lữ quán.

Phải kể đến tay Bang Cắm (người Tàu) chuyên làm cao dán nhọt. Mặt ông ta như quả nhót chua cắn vào đầu hè. Ai cũng nhớ, cao Bang Cắm nổi tiếng, nhọt sưng cương đỏ bằng cái chén chỉ cần dán một lá cao Bang Cắm vài ngày nhọt tự cắn mủ, người ta “khêu” lấy đầu nọc mủ xanh lè ra. Nọc nhọt độc, nhổ được nọc tất khỏi bệnh. Cả tỉnh những người lên bắp chuối đều đi tìm cao Bang Cắm. Rồi đến ông Thuận Thiên Đường bắt mạch kê đơn người ốm chuẩn xác. Con ông sau trở thành lang Thìn theo nghề của bố. Đến lão Phoóc (Tàu) xe ba gác và những nhân vật ấy tư rằm mồng một đều có mặt xem hồ đồng Bích Thuận. Những người giàu có trong phố như ông Hàn Phú (đường Lý Thường Kiệt), ông Hàn Bản (buôn bán), ông Hào Thùy (tiệm gạo đường Lê Lợi), ông Nghị Quỳ, ông Nghị Luận (làm ruộng) nhà ở Sở Công an cũ, ông Nghị Xương (buôn gạo) rồi Nghị Mấm có lăng ngựa đá, voi đá... Vợ con các vị đều thích đến xem hồ đồng để thấm câu hát cung văn của anh Vũ. Anh Vũ đã nói: “Lòng không vui không gẩy đàn, người sạch sẽ mới cầm đàn, lúc cầm đàn quần áo tề chỉnh, lúc gẩy đàn thắp trầm khêu nến. Nghĩa là người cầm đàn phải thanh - kì - u - nhã...”.

Văn hóa Việt sâu lắng, nó tựa mạng sống âm ỉ, che chở, nuôi dưỡng con người. Mỗi lần gặp được nhau, bàn tay nhẹ úp, ép bụng, đầu hơi cúi xuống... Chào người trên, hỏi người dưới, bao giờ cũng ngỏ lời bằng câu nói lịch thiệp. Những câu chào mời nhẹ nhàng ấy dễ chạm vào trái tim con người. Người quê thường nói: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, họ đề cao văn hóa tinh thần, bền bỉ đánh thức sự tử tế, hiếu thảo đem đặt lên bàn thờ tổ tiên nhà mình rồi đi chầm chậm vào chữ viết dân mình. Văn hóa Việt nghiễm nhiên được vinh danh là vậy. Người Thái Bình dù đi tứ chiếng mười phương vẫn giữ được nếp nhà. Khi trở về quê, nhập hồn nhập cốt vào quê mới thấy cuộc sống tinh thần quê mình sâu sắc hơn nhiều. Người phố ngày một đông lên. Các phố đâu còn lèo tèo vài nếp nhà cũ kỹ. Có phố cô đầu An Tập, có nhà hát, người ở đã hai ba đời. Người mới đến tự nhiên phố xá biến thành đường ngang lối tắt, từ đó sinh ra đường cài xương cá. Dân mới đến đi làm thuê, chạy chợ. Dân mình thường không có nghề độc như anh Tàu cho nên mỗi nhà mỗi cảnh, miếng sống miếng chín đầm đìa nước mắt.

Sau này, mấy người biết cách làm ăn, giàu có dần lên. Họ thay đổi cách nói năng, ăn mặc, đi đứng. Họ tự nhận mình là thị dân, gọi nhau là cậu mợ. Có ông học cách đeo caravat, đội mũ phớt, giày đánh xi bóng lộn. Những cô con gái nhà giàu lúc đó đâu còn như chiếc lá dong xanh nền nã, ngày tết gói bọc những hạt gạo nếp cái hoa vàng... Ngày ấy, người ta thèm cảnh “Tìm đâu thấy lại bông hoa cỏ/Dưới cành cơm nguội thuở bình yên”.

Năm 1944, phát xít Nhật bắt dân nhổ lúa trồng đay, tay ném bom xuống rạp hát Eden. Rạp thứ hai mang tên OĐE’ON do Nguyễn Thúc Quýnh đứng chân chủ rạp. Ông này còn làm Hiệu trưởng Trường Monguyllot. Ngày ấy, tối đến cửa rạp người ầm ầm chen lấn mua vé vào xem diễn xướng, xem hát tuồng, xem diễn chèo. Dân phố thị một thời nhớ đến những buổi gánh xiếc Tạ Duy Hiển từ Hà Nội về, trẻ con reo lên khi nhìn thấy chú khỉ đạp xe, mặt nhăn nhở, đít đỏ choét, vừa chạy xe vừa làm trò cười kiếm tiền cho chủ. Mấy đứa con gái phố thõn thẹn mặc áo tứ thân màu cánh sen, đi guốc “phi mã”, cặp tóc con bướm chảy dài đến gót. Đến cửa rạp chưa chịu vào mà bíu ríu nhau thầm thì chuyện cũ chuyện mới…

Trong phố đố ai tìm ra được một từ đường của một dòng họ để con cái cháu chắt hàng năm về bái vọng. Cây xanh bóng mát một màu xanh bất diệt chim về cất tiếng. Phố thị thật tĩnh lặng. Nhà sách Mậu Hiên nằm ngay góc đường Phan Bội Châu ngõ nhà thờ tỉnh rẽ sang. Một căn nhà nhỏ, mái ngói xếp, màu ngói gợi mưa nắng thời gian đi qua. Ngôi nhà đó như một cuốn sách chữ viết rung rinh mềm mại nảy nở bao điều hay các đời để lại. Muốn kiếm cuốn “Tiểu thuyết thứ bảy” của nhà xuất bản Tân Dân do Vũ Đình Long làm chủ hãy đến đấy. Ông Long đã tập hợp những cây bút nổi tiếng thành lập “Tiểu thuyết thứ bảy” Văn Đoàn nhưng không thành. Cô chiêu cậu ấm tìm đến cảnh sống “Cơm thầy cơm cô” của Vũ Trọng Phụng cũng từ đấy mà ra. Có cô thích áng văn mướt mát trong “Đồi thông hai mộ”, “Lá ngọc cành vàng” cứ tìm vào nơi tĩnh lặng hiệu sách Mậu Hiên. Người sưu tầm sách, mua sách đều gặp người bán sách, ông là Phan Cao Phan, anh ruột nhà văn trinh thám Phan Cao Củng. Ông bán sách thường rao lên những trang văn hay nhất ông đã đọc thuộc cho người mua nghe. Giọng đọc của ông mượt mà, đằm thắm, làm trang văn đã hay càng hay hơn, đã sinh động càng sinh động thêm. Ông đã thổ tận can tràng vừa đọc vừa ngẫm ngợi những câu thơ cho mấy cô gái đồng trinh trường mẫu: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu/Có nghĩa gì đâu một buổi chiều/Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”.

*

*      *

Người ta nhớ những cuốn sách ông chủ chưng diện, những tờ báo từ Hà Nội chuyển về còn thơm mùi mực giãy nảy tin tức nóng hổi. Sau này, ông Mậu Hiên bỏ lên Hà Nội cùng với ông Tô Thủy Nguyên, ông Văn Kiện mở Nhà xuất bản Minh Đức ở phố Phan Bội Châu, có mưu sĩ Nguyễn Hữu Đang giúp đỡ. Nguyễn Hữu Đang người làng Trà Vi, Vũ Công, Kiến Xương, là trưởng ban tổ chức lễ Độc lập 2/9/1945. Một nhà văn hóa, một nhà văn có bí danh Phạm Đình Thái, một trong những người sáng lập hội truyền bá quốc ngữ. Tháng 8/1945, ông được Đại hội Quốc dân Tân Trào bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng trung ương gồm 15 ủy viên. Ông qua đời ngày 8/2/2007 tại Hà Nội.

Đối diện nhà sách Mậu Hiên là hiệu sách Thanh Sơn. Cái quán mái vảy lợp rạ tường gạch kiến bò trát nham nhở, một vài vệt chổi quét lên tường màu thổ hoàng, trông hoang sơ quá. Ông chủ Thanh Sơn bán và cho thuê sách, chủ yếu cho lớp trẻ. Ông bán các thứ linh tinh đồ tạp hóa, có cả thuốc dán, thuốc đánh chuột. Buổi sáng trẻ đến lớp trường Mẫu thường rủ nhau góp tiền thuê sách, thay nhau đọc rồi hôm sau trả. Hôm nay đứa này ra tiền, hôm sau đứa khác ra. Ngày ấy, văn hóa đọc thành cao trào, không có sách cầm trên tay đứa đó dễ trở thành đứa “quỷnh” nhất lớp. Hai hiệu sách đó như một ông già dẫn dắt tuổi thơ chậm chạp đi vào tri thức nhân loại giữa miền cổ tích.

Một người cao lớn tóc cắt “bốc”, nhà văn Nguyễn Công Hoan đó. Bọn trẻ thì thầm vào tai nhau: “Thầy vừa từ trong Trường Monguyllot thả bộ ra đấy”. Trường này sau Cách mạng Tháng Tám đổi tên thành Phan Thanh Giản rồi sau nữa chuyển thành Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Hàng ngày nhà văn ra đó đón đọc báo “Vịt đực” cụ thường xuyên cộng tác. Những bài cụ viết với cách nói sắc sảo, hóm hỉnh phản ánh cuộc sống xung quanh nơi mình ở. Mỗi sáng lên lớp cụ thường lôi bài viết trong cái cặp to tổ bố đọc cho học sinh mình nghe trước. Có lần cụ viết bài cho báo “Tiếng chuông”, nhân vật chính là bà Vũ Thị Nhãn ở phố Đệ Tam đi bán dầu “Tây” (dầu hỏa). Cụ có chiếc chuông luôn lắc trong tay kêu loong coong. Dáng cụ dò dẫm đi thật khổ hạnh trong mưa bụi... Dân phố nghe tiếng chuông lâu thành quen. Biết đó là chuông cụ Nhãn bèn giục con cháu chạy ra ngõ mua lấy một “cút” về thắp đèn. Cụ Hoan chơi thân với thầy giáo Đoàn Văn Đăng, mỗi lần ông Đăng vắng cụ Hoan đứng chân dạy thay. Cụ Hoan ghét Đốc Quýnh là hiệu trưởng trường bám đít Tây làm việc cho Tây. Cụ đã lấy những nét sinh hoạt và tính cách con người Đốc Quýnh để viết truyện. Đốc Quýnh biết cụ chơi xỏ mình nên hay gây chuyện và theo dõi nhà văn. Cụ dạy học sinh vẽ người lúc đi “xịa” bằng một nét phấn nối liền chạy ngang sổ dọc. Những đứa bám đít Tây được vẽ lên tường khắp các chuồng xí. Đốc Quýnh tức đến hộc máu khi nhìn thấy tranh châm biếm chửi Tây, chửi Nhật ám chửi mình mà không làm sao được. Học sinh trong phố quen biết cụ Hoan ở cửa hàng sách Mậu Hiên, có lúc bên hiệu Thanh Sơn. Học trò thầy giáo, nhà văn gần gũi, yêu thương nhau trong văn hóa đọc, qua trang văn, câu chuyện cụ Hoan kể.

Lão Sởi bán bả thuốc chuột tuổi già rụng hết tóc, mặt đỏ tròn như chiếc mâm son, môi hàm ếch chìa hai chiếc răng cửa khỏi môi trên trông buồn cười lắm. Hàng ngày lão đến “bỏ mồi” thuốc chuột cho hiệu sách Thanh Sơn. Nhân vật này cũng không qua khỏi con mắt nhà văn. Nhiều chi tiết trong truyện sau này của cụ cũng từ lão Sởi mà ra. Đọc văn của cụ người ta biết dân tình phố thị ăn mặc, nghỉ ngơi ra sao. Câu văn của cụ bao giờ cũng đứng về nhân dân.

*

*      *

Nếu không nói tới hiệu ảnh Hồng Phát là không đủ. Hiệu ảnh Hồng Phát nằm chỗ ngã tư nhà thờ đâm ra đường Lê Lợi. Ông Hồng Phát lúc đầu làm thông phán tỉnh Thái Bình đứng tên hiệu ảnh. Ông biết dán cái mác để dọa người. Sau này đổi thành hiệu ảnh Á Đông. Vũ Ngọc Nhạ đã chọn cái mác dởm làm vỏ bọc để chụp tấm ảnh làm thẻ căn cước đi vào nghề tình báo. Tấm ảnh chụp hiệu Hồng Phát, cửa hàng thấy đẹp đem phóng to làm mẫu quảng cáo. Ông Nhạ coi đấy là một tai họa đã giao cho anh ruột Vũ Ngọc Khoa và ông Vũ Đăng Bính cùng cụ Ý lý trưởng xã Vũ Ninh tìm cách gỡ xuống. Thật vất vả. Từ tấm ảnh ấy, ông Trúc và ông Mai Roãn Thăng, Chánh phó hội làng Cọi mang lên phủ Kiến Xương khai cho hợp thức theo mẫu quốc pháp có đóng triện chữ nhật phẩm xanh hẳn hoi. Tấm ảnh đó đưa ông Khoa vào cuộc đối đầu với Chánh Tuân bên Niềm. Nhìn ảnh, Chánh Tuân bảo: “Tao nhìn ảnh biết chắc đây là thằng Nhạ. Sao nói ảnh mày được”. Chánh Tuân nói khi nhìn ảnh cũng nhang nhác ông Khoa, hắn nói khi cái đầu hói gối chiếc nệm bông trên sập gụ nằm kéo thuốc phiện. Tay hắn đưa ra cầm 500 đồng Đông Dương cho tráp khóa lại, tay kia ký giấy liền với giọng hách dịch: “Mày cùng thằng Sáng Chánh bảo an xuống bót Niềm cho đồn trưởng ký, rồi về phủ Kiến Xương xin dấu nổi”. Vào bót, ông Khoa còn biếu 20 đồng Đông Dương cho tên đồn. Đồn trưởng nói: “Học ở trường Iétxanh tốt đấy. Sau này công thành danh toại nhớ đến tôi”. Tấm ảnh màu vàng nhạt chụp ở góc phố nhà thờ tỉnh ghi rõ người trong ảnh 20 tuổi. Về nhà, Vũ Ngọc Nhạ đã vặn nhỏ đèn kì, bên nhà cụ Ý tự tay ngoặc thêm cái móc vào đầu số không, thành con số sáu. Tấm căn cước ấy làm bước đệm của ngài cố vấn thi vào Trường Kế toán Dembigaro rồi lọt vào phòng nhì Pháp, sau leo lên tàu Esferanel cùng bà Nhẫn ôm theo đứa con nhỏ vào Sài Gòn bước vào nghề tình báo. Cuộc sống đẹp như vệt sáng luồn qua vòm cây, bóng lá um tùm hiện rõ từng chân dung con người. Nó như các loài hoa, có loại lăng nhăng bờ bụi, có bông đi về gác tía lầu son. Qua thanh lọc, cây lại ra cây, người ra người, hoa ra hoa. Những bông hoa có hương có sắc, gió trời thổi đi muôn nơi tạo nên sức Phù Đổng. Họ lo bắc cầu qua sông, mở các cửa ô, đường Quang Trung đi Tân Đệ, Kiến Xương đi Tiền Hải, Hoàng Diệu đi Hải Phòng, mở đường đối ngoại 84, làm sân bóng đá, xây dựng bảo tàng. Từ hai bàn tay trắng, người thành phố cùng nhân dân cả tỉnh đứng lên xây dựng lại cơ đồ. Ba mươi tám hợp tác xã thủ công nghiệp như Tiền Phong, Đoàn Kết, Đồng Lợi, Phương Đông… Hàng hóa Thái Bình được chở đi muôn nơi, đâu chỉ có lúa gạo. Những chiếc xe cải tiến nổi tiếng từ hợp tác xã Cộng Lực góp phần giải phóng đôi vai. Những chiếc thuyền sắt của Trần Phú được ra khơi tham gia vào việc vận chuyển hàng hóa. Phố thị đã bước vào cuộc sống mới. Họ ra sức kiến tạo quê hương mình đẹp như “làng lúa làng hoa”. Người phố vẫn giữ được cốt cách người đi mở đất, giản dị, mộc mạc, chân tình, thủy chung bằng hữu, cao thượng. Nhiều nhà văn, nhà khoa học, chính khách trưởng thành qua trang sách đọc ở thư viện nhà bác học Lê Quý Đôn. Họ thường nói với nhau rằng: “Thái Bình không có một ngọn núi nhưng chúng tôi có một ngọn núi cao nhất không nơi nào có được đó là nhà bác học Lê Quý Đôn”.

Những gương mặt sang trọng mọi thời đều được tắm gội nước sông Trà, ăn ổi Bo, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới, có chút hào sảng, lãng mạn. Nói đến đó ta không thể quên lớp thế hệ vàng, biết bao người có công với cách mạng đều trướt nước thị xã Thái Bình ra đi... Họ được nhân dân đón nhận, tên tuổi họ sống trong lòng nhân dân bởi người với người là một tinh hoa. Họ làm nên thương hiệu Thái Bình như những câu thơ: “Lòng người làng như trăng/Ruộng cấy như tranh/Sông làng chảy miền quê yên tĩnh lạ/Sống chân thật ruột mềm như lạt mạ/Gối đầu lên chữ nghĩa với mùa màng”.

Người Thái Bình tự vẽ chân dung mình, viết gia phả mảnh đất nơi mình sống bằng những tháng ngày vất vả nhưng anh dũng. Bằng những vồng khoai, khóm lúa, tạo nên gương mặt phố phường như đồng xanh màu lúa: “Những lá biếc, như chiều nay mây biếc/Em tận cùng hương sắc có như em…”.

Đấy là thương hiệu Thái Bình biết bao thời tạo lập mới có.

(còn nữa)

Ký của nhà văn Võ Bá Cường

  • Từ khóa

Tô Văn Nam - 5 năm trước

Theo tôi bức ảnh Cầu Bo cũ có trong bài viết không thể là Cầu Bo năm 1963 dcj vì nó bị ai đó phá mấy nhịp giữa trong kháng chiến chống Pháp! Sau năm 1954 ta phục hồi bằng mấy nhịp này bằng cầu dây văng

Tải thêm