Chủ nhật, 07/07/2024, 18:45[GMT+7]

Trận tuyến ở hậu phương

Thứ 2, 02/10/2017 | 08:17:09
3,941 lượt xem
Thất bại liên tiếp tại chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trong đó có Thái Bình, hậu phương quan trọng chi viện sức người, sức của cho miền Nam.

Khu vực cầu Bo thuộc địa phận xã Hoàng Diệu (nay là phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình) năm 1967 một ngày đêm chịu 30 trận bom Mỹ ném xuống phá hủy hơn 1km đê gây lụt lội.

Thái Bình phải “gánh” thêm hàng trăm tấn bom do máy bay Mỹ ném xuống nhằm hủy hoại “vựa lúa” của đồng bằng sông Hồng, phá hủy các tuyến đê sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý, cống Đào Thành (Hưng Hà), cống Trà Linh I, II (Thái Thụy), cống Lân (Tiền Hải); các tuyến giao thông huyết mạch qua địa bàn tỉnh như quốc lộ 10, quốc lộ 39; cầu Bo…

Bom đạn Mỹ đã gây ra cho miền Bắc những tổn thất nặng nề. Theo tài liệu của Cục Tình báo trung ương Mỹ, chiến dịch Sấm rền của không quân Mỹ đối với miền Bắc ước tính đã sát hại 13.000 người trong năm 1965, 24.000 người trong năm 1966 và khoảng 29.000 người trong năm 1967; phần lớn trong số đó là dân thường (80%). 

Số liệu thống kê của Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho thấy, trong bốn năm chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ (1964 - 1968), ngoài tổn thất về sinh mạng nhân dân, miền Bắc còn bị thiệt hại nặng nề về vật chất. Hầu hết hệ thống giao thông, cầu, đường, nhà ga, kho tàng, bệnh viện và nhiều cơ sở kinh tế, nhiều công trình công cộng, kể cả một số hệ thống thủy lợi như đê điều, đập nước bị máy bay Mỹ đánh phá nhiều lần, tập trung chủ yếu là trường học, cơ sở y tế, chùa chiền, nhà thờ và 25/30 thị xã, trong đó có thị xã Thái Bình và 3/5 thành phố trên miền Bắc bị phá hủy.

Xác định “thóc vượt cân, quân vượt mức”, xứng đáng là hậu phương lớn của cả nước, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Bình cho phép Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) tập trung làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, bảo vệ các công trình thủy lợi lớn, bảo vệ cánh đồng “năm tấn”; ngoài nhiệm vụ phòng, chống bão, lụt các đơn vị TNXP tỉnh nhà còn tích cực tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông tại các trọng điểm, tham gia công tác phòng không nhân dân, đào hầm hố, bảo vệ các cơ quan, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân. 

Ông Hoàng Ngọc Động, nguyên đại đội trưởng TNXP thuộc Đội TNXP tỉnh hồi tưởng: Lực lượng TNXP của tỉnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh đoàn, chế độ sinh hoạt như TNXP tập trung của trung ương, toàn tỉnh là một đội, đợt một huy động quân vào mùa hè năm 1966 do các ông Đoàn Văn Thầm, Phan Văn Riệp, Vũ Văn Nho chỉ huy. Nhiệm vụ được giao cùng với dân công đắp đê vùng bao quanh thị xã Thái Bình dài khoảng 10km với khối lượng đào đắp hàng chục vạn mét khối đất nhằm bảo vệ thị xã Thái Bình, trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh, phòng khi máy bay Mỹ ném bom phá vỡ đê sông Hồng, đê Trà Lý (ngoài vùng) và khi đê Trà Lý (trong vùng) bị vỡ nước lũ không tràn ra gây lụt lội cho các huyện, xã. Theo các tài liệu quân sự, đầu năm 1966, thị xã Thái Bình bị máy bay Mỹ tấn công hơn 700 trận, 70% diện tích bị đánh phá, riêng khu vực xã Hoàng Diệu (nay là phường Hoàng Diệu) bị đánh trên 30 trận. Đê Trà Lý địa phận xã Hoàng Diệu bị chúng đánh phá liên tục, đê bị trúng bom, nước lũ tràn vào đồng ruộng. Lực lượng TNXP đã nhanh chóng có mặt làm nhiệm vụ hàn khẩu thành công đê. 

Sau trận ném bom của giặc Mỹ, một nhà báo Nhật Bản đã đến chụp ảnh, viết bài cho hãng thông tấn Kyodo Nhật Bản, bài báo có đoạn: “…Tôi đã cùng đoàn điều tra của Nhật Bản đến thăm 2km đê Trà Lý, nơi bị không lực Hoa Kỳ liên tục tấn công 30 lượt, số bom ném xuống quãng đê ngắn này chia đều cứ 10 mét đê nhận 1 quả bom. Tôi đã xem kỹ khúc đê bị một quả bom nặng 957kg phá vỡ, nó được các đội thủy lợi ở vùng này đắp to hơn, vững hơn, bởi nó đã bị ba đợt lũ quét thử thách… Những đội TNXP chống Mỹ cứu nước ở đây, họ góp phần quan trọng trong việc giữ đê, cứu đê…”. 

Đế quốc Mỹ tiếp tục leo thang đánh phá miền Bắc, chúng quyết tâm đẩy miền Bắc về thời kỳ đồ đá như tổng thống Mỹ Richard Milhous Nixon đã từng tuyên bố, do vậy, năm 1972, đê hữu Trà Lý ngay sát cạnh cầu Bo (cũ) lại bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy. Hơn 1km đê trúng bom vỡ toác, nước ồ ạt tràn vào thị xã và các vùng lân cận. Lực lượng TNXP của tỉnh đã có mặt cùng đội thanh niên xung kích các huyện tập trung ngày đêm đắp lại tuyến đê to hơn, vững chãi hơn, bảo đảm an toàn cho thị xã Thái Bình và các xã phía Nam của tỉnh.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, có một trận tuyến ngay tại hậu phương lớn Thái Bình, trận tuyến ấy không kém phần gay go, ác liệt. Cũng có bom rơi, đạn nổ, có sự hy sinh dâng hiến tuổi thanh xuân cho quê hương, đất nước được thanh bình. Không chủ quan trước sự đánh phá của kẻ thù, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, lực lượng TNXP tỉnh cùng với dân công các xã đào hàng chục vạn mét khối đất dự trữ cho các công trình trọng điểm như cống Trà Linh, cống Lân, đê sông Hồng, đê sông Luộc, đê sông Trà Lý… nhằm đáp ứng kịp thời mọi tình huống máy bay Mỹ ném bom phá hủy đê, kè, cống trong mùa lũ, bão gây lụt úng làm mùa màng thất bát. Ngoài ra, lực lượng TNXP tỉnh còn tích cực tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các trận địa phòng không, phá hủy bom từ trường nổ chậm…, được Bộ CHQS tỉnh và Tư lệnh Quân khu 3 khen thưởng.


Ông Vũ Văn Nho, nguyên Chỉ huy phó Đội TNXP tỉnh Thái Bình, cán bộ hưu trí xóm Tây, thôn Tả Phụ, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương

Đội TNXP tỉnh Thái Bình được thành lập tháng 4/1967 do Tỉnh đoàn trực tiếp lãnh đạo, không vào phục vụ chiến trường miền Nam mà ở lại quê nhà với nhiệm vụ chính được giao là phòng, chống lụt, bão và tham gia chiến đấu bảo vệ đê, kè, cống…, bảo vệ tài sản của nhà nước và của nhân dân. Gọi là phòng, chống lụt, bão chứ thực chất công việc cũng không kém phần gay go, ác liệt vừa bảo đảm an toàn cho tuyến đê sông, đê biển khi bị giặc Mỹ ném bom phá hủy không để xảy ra lụt lội khi vỡ đê do bom Mỹ. Đội TNXP tỉnh đã đào đắp hàng chục vạn mét khối đất, đắp hàng chục ki-lô-mét đê bao quanh thị xã Thái Bình, đê bao bảo vệ cống Đào Thành và một số tuyến đê bao ven biển, bảo đảm cho những cánh đồng lúa năm tấn bội thu chi viện lương thực cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.


Cựu chiến binh Đinh Quang Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu TNXP tỉnh

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước có một lực lượng trên 2.500 thanh niên gia nhập Đội TNXP tỉnh làm nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão trên địa bàn tỉnh nhà. Trong nhiều trận chiến đấu chống trả máy bay Mỹ ném bom xuống thị xã Thái Bình và các tuyến đê sông, đê biển đã có nhiều đồng chí hy sinh, trong đó có hai nữ TNXP là Tạ Thị Thanh, quê xã Nam Trung và Bùi Thị Tuất, quê xã Đông Trung, huyện Tiền Hải vừa mới được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Tuy nhiên, còn nhiều đồng chí khác hy sinh ngay tại trận tuyến cứu đê hàn khẩu và bắn cháy máy bay Mỹ vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ.

Bà Đào Thị Liễu, nguyên Chính trị viên phó C14, Đội TNXP tỉnh

Xác định Thái Bình là vựa lúa của đồng bằng Bắc Bộ nên giặc Mỹ liên tục ném bom triệt phá các công trình thủy lợi, phá hoại mùa màng nhằm cắt đứt chi viện lương thực cho miền Nam, chúng tôi được lệnh phải bảo đảm an toàn cho hệ thống đê sông, đê biển và các công trình thủy lợi khác. Với quyết tâm không để đê vỡ gây mất mùa, đủ sức chi viện cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược mà khẩu hiệu “thóc vượt cân, quân vượt mức” luôn theo sát bước chân TNXP chúng tôi.


Ông Bùi Đình Vinh, cựu TNXP C13, Đội TNXP tỉnh

Chúng tôi được gọi vào đội TNXP phòng, chống lụt, bão của tỉnh nhưng chế độ được hưởng như quân đội, cụ thể là 5 đồng phụ cấp, 21kg gạo/tháng, ngoài ra còn được trang bị quần áo đồng phục, giầy, mũ, ba lô, chăn, màn, chiếu… Mỗi đại đội được trang bị từ 7 - 12 khẩu súng trường K44 để sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi vừa lao động vừa phối hợp với các đơn vị phòng không của quân đội bắn máy bay Mỹ, hàn khẩu nhiều tuyến đê do máy bay Mỹ ném bom phá hoại…, bảo vệ các công trình thủy lợi, bảo đảm cho những cánh đồng lúa bội thu.


Quang Viện