Thứ 2, 01/07/2024, 02:43[GMT+7]

Ngành Thú y huyện Đông Hưng Góp phần để chăn nuôi phát triển bền vững

Thứ 4, 23/01/2013 | 07:49:28
1,506 lượt xem
Ngành Thú y huyện Đông Hưng đã làm tốt công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chỉ đạo kịp thời ban chăn nuôi thú y các xã, thị trấn quản lý dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, thủy sản, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Chăn nuôi gia cầm ở hộ ông Phí Văn Chắc xã Đông Á

Năm 2012, trước những khó khăn thách thức như giá cả thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tăng cao; ảnh hưởng của thông tin sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tình trạng gia cầm nhập lậu nên giá sản phẩm chăn nuôi giảm, hiệu quả chăn nuôi thấp... Tuy nhiên, ngành Thú y huyện Đông Hưng đã làm tốt công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chỉ đạo kịp thời ban chăn nuôi thú y các xã, thị trấn quản lý dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, thủy sản, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội địa phương. Năm 2012 giá trị sản xuất chăn nuôi gia súc gia cầm ở Đông Hưng đạt 321,1 tỷ đồng, tăng 6,08%; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 3,070 tấn, tăng khoảng 0,96% so với năm 2011.

Năm qua, các hộ dân trên địa bàn huyện thường xuyên duy trì nuôi 4.520 con trâu bò, 160.150 con lợn,`1.790.000 con gia cầm. Xác định công tác giám sát và xử lý dịch bệnh là một trong những biện pháp để chăn nuôi ổn định, hiệu quả, Trạm thú y huyện thường xuyên giám sát dịch bệnh đến tận thôn xóm, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phát hiện và thông tin dịch bệnh đến chính quyền và các cơ quan chuyên môn. Hàng tháng Ban chỉ đạo của Chi cục thú y và Trạm thú y huyện tổ chức giao ban chuyên môn nhằm thống nhất kế hoạch, chương trình hoạt động trong tháng và trao đổi, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ thú y cơ sở.

Do vậy các ca bệnh được phát hiện nhanh, xử lý kịp thời, đúng quy định, các dịch bệnh thông thường được kiểm soát. Trong năm qua, trên địa bàn đã không tái phát dịch bệnh và lây lan thành những ổ dịch lớn, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Trạm thú y huyện đã phân cấp, chuyển giao, hướng dẫn ban chăn nuôi thú y các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra việc buôn bán, thu gom, vận chuyển giết mổ, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn. Trạm cũng đã phối hợp với các ngành chức năng như công an, quản lý thị trường kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm ra vào huyện, các đầu mối, các cơ sở kinh doanh lớn. Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm dịch nên dịch bệnh nguy hiểm từ các tỉnh, địa phương lân cận đã bị ngăn chặn, không lây lan vào địa bàn huyện.

Việc triển khai tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng bổ sung hàng tháng cho đàn gia súc gia cầm đã có bước chuyển biến vượt bậc về cả phương thức tổ chức cũng như tỷ lệ tiêm phòng. Ngành Thú y đã làm tốt vai trò tham mưu cho ban chỉ đạo tiêm phòng từ huyện đến cơ sở ban hành các văn bản chỉ đạo cũng như các tài liệu tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ và nhân dân trong huyện về tác dụng, hiệu quả của công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là việc sử dụng có hiệu quả nguồn vác-xin 4 bệnh đỏ ở lợn và lở mồm long móng ở gia súc. Do đó tỷ lệ tiêm phòng dịch trong năm qua ở Đông Hưng đạt tỷ lệ cao. Điển hình như vụ xuân hè đã tiêm được 62.724 liều dịch tả, 29.584 liều tụ dấu, 37.032 liều phó thương hàn, đạt tỷ lệ 92%; tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng cho đàn lợn được 9.521/10.671 con, đạt 89%; đàn trâu bò được 1.866/2.028 con, đạt tỷ lệ 92,8%. Ở vụ thu đông đã tiêm được 67.682 liều dịch tả, 29.804 liều tụ dấu, 42.290 liều phó thương hàn, đạt tỷ lệ 90%, tiêm phòng vác-xin lở mồm long móng cho 1.686/1.839 con trâu, bò và tụ huyết trùng cho 600 con trâu, bò...

Trạm thú y huyện đã tập trung tuyên truyền, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học cho bà con. Năm qua, Trạm đã phối hợp với các phòng, ban của huyện tổ chức 12 lớp tập huấn về kỹ thuật phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, 4 lớp về nuôi trồng thủy sản, 3 lớp cho người kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, 2 lớp nâng cao trình độ cho thú y viên cơ sở, 12 lớp kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi. Ngoài ra, Trạm cũng trực tiếp trả lời phỏng vấn, viết bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trao đổi tham gia các lớp truyền thông cơ sở do chính quyền và đoàn thể các xã, thị trấn tổ chức. Trước những thời điểm có nguy cơ phát dịch cao như giai đoạn chuyển mùa, các dịp lễ tết, thời điểm nhập con giống tái đàn gia súc, gia cầm, thủy sản, Trạm đã phối hợp với chính quyền, các đoàn thể xã, thị trấn phát động tháng tiêu độc khử trùng và tăng cường áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng chống dịch bệnh. Ngoài số hóa chất được tỉnh hỗ trợ, huyện đã trích kinh phí mua 1.000kg hóa chất và phát động người nuôi tự mua hóa chất, vôi để khử trùng

Năm 2013, Đông Hưng phấn đấu tăng trưởng 6,2% trở lên so với năm 2012. Để đạt được mục tiêu này, ngành thú y huyện sẽ tập trung thực hiện tốt đề án phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại và đề án nâng cao năng lực ngành Thú y của tỉnh trên địa bàn huyện. Tiếp tục tổ chức lại các ban chăn nuôi thú y các xã, thị trấn để các nhiệm vụ chuyên môn phải được thực hiện ngay từ cơ sở. Triển khai thực hiện thường xuyên công tác phòng chống dịch bệnh và vận động xã hội hóa các biện pháp kỹ thuật phòng, dập dịch. Tích cực tham gia vào các đề án, dự án như chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới như quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, chương trình đảm bảo chăn nuôi an toàn bền vững...

Bài, ảnh: Thu Thủy

  • Từ khóa