Thứ 6, 05/07/2024, 01:46[GMT+7]

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo động lực tăng trưởng

Thứ 6, 15/09/2023 | 08:08:03
10,931 lượt xem
Một trong những mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra là phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (không tính thuế sản phẩm) đạt 80% trở lên, đến năm 2030 đạt 85% trở lên và đến năm 2045 đạt khoảng 90%. Để mục tiêu đó trở thành hiện thực, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng chất lượng và hiệu quả, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại dệt may An Nam (cụm công nghiệp Tây An, huyện Tiền Hải).

Tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ

Nếu như năm 2020, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ trong GRDP (không tính thuế sản phẩm) của tỉnh chiếm 72,51% thì đến năm 2021 đã tăng lên 75,07%, năm 2022 chiếm 77,33% và 6 tháng đầu năm 2023 chiếm 77,48%. Sự tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ trong GRDP đã thể hiện hiệu quả việc triển khai các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chủ động hội nhập quốc tế.

Để tạo động lực phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện công tác thu hút đầu tư, tháo gỡ một cách thực chất các “điểm nghẽn”, “nút thắt” cũng như các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện đầu tư tại tỉnh. Giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2023, tỉnh đã chấp thuận/điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp/điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 274 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 57.100 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt trên 1,1 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2021, tỉnh thu hút được 8 dự án FDI đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 545 triệu USD, cao hơn tổng số vốn đầu tư FDI của cả giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hơn 2.300 doanh nghiệp với vốn đăng ký hơn 22.000 tỷ đồng và 916 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, trong đó năm 2022 là năm đầu tiên có hơn 1.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm.

Không chỉ chú trọng công tác thu hút đầu tư, tỉnh còn chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng phát triển các ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, ít gây ô nhiễm môi trường; ban hành đề án phát triển ngành công thương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; định kỳ hàng năm tổ chức gặp mặt, động viên các doanh nghiệp, tổ chức lễ khởi công, khánh thành một số dự án lớn, tạo không khí sôi nổi, thi đua sản xuất, kinh doanh và quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh... Nếu giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân của tỉnh đạt 14,4% thì giai đoạn 2021 - 2022 tăng bình quân 17%, 6 tháng đầu năm 2023 tăng gần 10%. 

Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, Sở chủ động tham mưu cho tỉnh thu hút, chấp thuận đầu tư các dự án công nghiệp khai thác được thế mạnh về đất đai, lao động của tỉnh để không chỉ gia tăng về giá trị sản xuất công nghiệp mà còn tạo được dư địa phát triển; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định; chú trọng phát triển hoạt động thương mại điện tử, tham mưu cho tỉnh tổ chức các hội nghị, hội thảo phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của gia đình ông Đỗ Quang Bốn (xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy).

Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Cùng với việc tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ, tỉnh cũng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, sản xuất nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị gia tăng cao theo nhu cầu của thị trường. Nếu như năm 2020, tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP (không tính thuế sản phẩm) chiếm 27,49% thì đến năm 2021 đã giảm xuống còn 24,93%, năm 2022 còn 22,67% và 6 tháng đầu năm 2023 còn 22,52%. Đến nay, mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh giảm hàng năm song sản lượng và năng suất các loại cây trồng vẫn được duy trì tốt. Năng suất lúa hàng năm đạt khoảng 131 tạ/ha, sản lượng thóc ổn định đạt khoảng 1 triệu tấn/năm; cơ cấu giống lúa chuyển dịch sang các giống lúa chất lượng cao, phương thức gieo cấy tiếp tục được đổi mới theo hướng hiện đại, giảm diện tích gieo cấy thủ công, tăng diện tích gieo cấy bằng máy.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và sản xuất theo “cánh đồng lớn”, cánh đồng có liên kết tiếp tục được chỉ đạo thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 220 cánh đồng lớn tại 138 xã với diện tích gần 7.540ha, trong đó có hơn 5.900ha có liên kết sản xuất và được bao tiêu sản phẩm. Phong trào tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư sản xuất quy mô lớn của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ngày càng phát triển sâu rộng với tổng diện tích tích tụ, tập trung hơn 11.200ha, tăng 42,3% so với năm 2020. 

Là một trong những địa phương có truyền thống trong sản xuất nông nghiệp, đến nay huyện Quỳnh Phụ đã có 319 hộ tích tụ, thuê mượn được trên 1.325ha ruộng với quy mô từ 2ha trở lên, trong đó 95 hộ quy mô từ 5ha trở lên để cấy lúa, trồng dược liệu và rau màu cho hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu là các xã Quỳnh Thọ, An Mỹ, Quỳnh Trang, An Ninh... 

Ông Nguyễn Tiến Quyền, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thực hiện hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, trong đó chú trọng thực hiện cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế và các ngành, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản. Chính vì thế, tốc độ tăng trưởng cũng như cơ cấu kinh tế của Quỳnh Phụ có nhiều chuyển biến tích cực; giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 12%, đạt 78,8% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đã đề ra; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 70,5%; thương mại và dịch vụ chiếm 14,4%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15,1% tổng giá trị sản xuất toàn huyện.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng chất lượng và hiệu quả đã góp phần quan trọng tạo động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Minh chứng là trong những năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Bình luôn đứng tốp đầu của cả nước. Năm 2021, GRDP của tỉnh tăng 7,25%; năm 2022 tăng 9,52% (đứng thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước); 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,77% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn bình quân cả nước, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng thứ 5/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô nền kinh tế năm 2022 tăng 12,6% so với năm 2021, gấp 2 lần so với năm 2016, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 58,9 triệu đồng, tăng 12% so với năm 2021 và gấp 1,9 lần so với năm 2016.

Minh Hương