Thứ 2, 01/07/2024, 02:22[GMT+7]

Sản xuất VietGAP - mô hình nhỏ trong xu hướng lớn

Thứ 4, 26/06/2024 | 19:40:06
3,549 lượt xem
Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) là hướng đi tất yếu để nâng cao chất lượng nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ và giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch, an toàn. Tuy nhiên tại Thái Bình, diện tích sản xuất trồng trọt áp dụng theo quy trình VietGAP vẫn còn khá khiêm tốn.

Vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP xã Đông Tân (Đông Hưng).

Nâng cao giá trị nhờ VietGAP

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọ, thôn An Lộc, xã Trung An (Vũ Thư) có 3 sào chuyên canh các loại rau diếp, xà lách, cải, rau gia vị… Từ 2 năm nay, bà Ngọ cũng như nhiều hộ dân trong thôn chuyển từ canh tác truyền thống sang áp dụng các quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. 

Bà Ngọ cho biết: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, toàn bộ quá trình chăm sóc cây, từ khâu giống, gieo trồng, bón phân, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học đến thu hoạch đều được gia đình tôi ghi chép nhật ký. Đặc biệt, tôi chuyển sang sử dụng phân vi sinh thay thế hoàn toàn phân chuồng, vừa sạch sẽ, không ô nhiễm môi trường lại tiết kiệm công lao động; cây rau đẹp, đanh cây.

Xã Trung An hiện có hơn 40ha chuyên canh rau màu. Trên cùng một diện tích, bà con trồng luân canh các loại rau ngắn ngày để có sản phẩm cung cấp ra thị trường quanh năm. Ngoài phương thức canh tác truyền thống, xã Trung An xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10ha, từ đó xây dựng thương hiệu OCOP cho 7 loại rau. 

Ông Vũ Văn Thuần, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Trung An cho biết: Thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, tuy quy trình phức tạp hơn sản xuất truyền thống nhưng tạo được sản phẩm an toàn, từ đó HTX xây dựng thương hiệu. Rau có tem mác, truy xuất nguồn gốc nên giá trị cao hơn rau sản xuất đại trà.

Xã Trung An (Vũ Thư) xây dựng vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10ha.

Vụ mùa năm 2023, HTX SXKD DVNN xã Đông Tân (Đông Hưng) xây dựng vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 5ha. Đến vụ xuân năm 2024, mở rộng lên 10ha và dự kiến vụ mùa 2024 nâng lên 20ha. Nhờ xây dựng mô hình này, các thành viên trong HTX đã thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hướng an toàn, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn được HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn từ 10 - 15% so với sản xuất đại trà. 

Ông Nguyễn Duy Luân, nông dân xã Đông Tân cho biết: Cấy lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm các quy trình từ sử dụng giống, thời vụ gieo cấy, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh trong đó sử dụng 50% phân bón vi sinh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Năng suất lúa ổn định với giá bán cao hơn giá thị trường nên thu nhập cao hơn từ 400.000 - 500.000 đồng/sào.

Ông Lại Khắc An, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Tân cho biết: Thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bảo đảm an toàn, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, HTX quy hoạch cánh đồng thôn Tây Thượng Liệt là vùng có nguồn nước tự chảy thuận lợi thực hiện quy trình canh tác VietGAP, đưa vào gieo cấy hai giống lúa: Đài thơm 8, ST25. Qua hai vụ thực hiện quy trình VietGAP đã giúp nông dân biết cách quản lý đồng ruộng: ghi chép nhật ký, sản xuất an toàn. Trước khi tham gia mô hình, bà con chưa biết cách sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật đúng loại, đúng thời điểm. Sau khi tham gia mô hình, bà con đã biết nên bón phân vào lúc nào và bón bao nhiêu cho phù hợp; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gì, vào thời điểm nào, thời gian cách ly ra sao. Chất lượng lúa gạo cũng từ đó nâng lên. HTX xây dựng thương hiệu gạo làng Giắng là sản phẩm OCOP 3 sao, mỗi vụ tiêu thụ cho thành viên từ 100 - 200 tấn thóc.

Quy mô còn quá nhỏ

Việc xây dựng các vùng sản xuất VietGAP không chỉ nâng cao giá trị nông sản, tạo thuận lợi trong khâu tiêu thụ mà còn gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Thực tế cho thấy, áp dụng quy trình VietGAP là điều kiện thuận lợi để nâng cao những tiêu chí sản xuất và dễ dàng chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ… Tuy nhiên, so với tiềm năng hiện có, việc phát triển diện tích trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP còn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng diện tích cây trồng của tỉnh. Hết tháng 5/2024, toàn tỉnh mới có 30 vùng trồng được cấp chứng nhận VietGAP với diện tích 168,15ha. Trong đó, chứng nhận VietGAP trên lúa đạt 131,91ha, rau màu 29,7ha, cây ăn quả 1,5ha, cây dược liệu 5,04ha. Các vùng này chủ yếu nằm tại các xã đã và đang phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) nâng cao bởi trong Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn có quy định các xã đạt chuẩn NTM nâng cao phải xây dựng vùng nguyên liệu được chứng nhận VietGAP (hoặc tương đương) cho sản phẩm chủ lực.

Ông Trần Quốc Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Chứng nhận VietGAP đối với cây trồng gồm những yêu cầu trong sản xuất, sơ chế sản phẩm. Quá trình kiểm tra, đánh giá để cấp chứng nhận theo mùa vụ từ khi làm đất, gieo trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch có sản phẩm mất từ 4 - 6 tháng. Do vậy, các địa phương không triển khai thực hiện kịp thời với tiến độ sản xuất sẽ khó khăn trong quá trình đánh giá của các đơn vị chứng nhận. Ngoài ra, kinh phí chứng nhận cao so với giá trị sản xuất trồng trọt trong khi chứng nhận chỉ có giá trị trong 3 năm nên nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí chứng nhận. 

Ông Lại Khắc An, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Tân cho biết: Khi lựa chọn địa điểm xây dựng vùng sản xuất VietGAP, ngoài yếu tố vị trí địa lý, HTX chọn vùng được nông dân tích tụ, tập trung để giảm bớt số hộ tham gia, tạo thuận lợi trong quá trình chỉ đạo, điều hành. Vùng sản xuất gồm nhiều nông hộ sẽ rất khó thực hiện đồng bộ quy trình kỹ thuật.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành rà soát và quy hoạch các vùng sản xuất VietGAP bảo đảm quy mô, tập trung và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, sơ chế áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng về sản phẩm VietGAP, đặc biệt là có sự phân biệt giữa sản phẩm sản xuất bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm với sản phẩm sản xuất đại trà, truyền thống; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, xây dựng liên kết, sản xuất, tiêu thụ…

Năm 2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028, trong đó có hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia tích tụ, tập trung đất đai bảo đảm các điều kiện theo quy định được hỗ trợ 100% chi phí xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, số hóa đồng ruộng, chứng nhận chất lượng sản phẩm VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… tối đa 50 triệu đồng/sản phẩm/vùng sản xuất tập trung. 

Để VietGAP không chỉ dừng lại ở các mô hình mà trở thành một hướng đi tất yếu, bền vững của nền nông nghiệp sạch, bên cạnh những cơ chế, chính sách mang tính chất động lực, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm, chủ động nghiên cứu đề ra giải pháp phù hợp khuyến khích sản xuất; bản thân các HTX, người dân cũng cần thay đổi tư duy, cập nhật kiến thức, trình độ sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn mới để thích ứng với nhu cầu tiêu dùng và hướng đi tất yếu này.

VietGAP là các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tiêu chuẩn này bao hàm các quy định về thực hiện sản xuất nông nghiệp, cụ thể là trình tự, nguyên tắc, thủ tục để hướng dẫn các cá nhân, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảo đảm tính an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức khỏe của người dân, người sản xuất, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.


Ngân Huyền