Thứ 3, 20/05/2025, 17:26[GMT+7]

Hiện thực hóa Nghị quyết 68: Cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Bình

Thứ 3, 20/05/2025 | 08:15:37
587 lượt xem
Tại hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã truyền đi một thông điệp có tính chất nền tảng đối với sự phát triển của đất nước: Kinh tế tư nhân không chỉ là một bộ phận của nền kinh tế, mà cần trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và chuyển dịch kinh tế toàn cầu, đây chính là thời điểm vàng để cộng đồng doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Thái Bình bứt phá, tái cấu trúc và cùng nhau phát triển theo hướng đổi mới, hiện đại, bền vững.

Sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ở nhà máy AD Green (cụm công nghiệp An Ninh, huyện Tiền Hải). Ảnh: Khắc Duẩn

Thái Bình là địa phương có số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ áp đảo. Từ những cơ sở sản xuất hộ gia đình, làng nghề đến các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực như nông sản, phân phối, xe điện, dịch vụ, thương mại..., tất cả đều đang có khát vọng vươn lên và hội nhập. Thực tiễn phát triển thời gian qua cho thấy không ít doanh nghiệp của Thái Bình đã vươn ra thị trường quốc tế, tham gia chuỗi cung ứng, ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số. Tuy nhiên, phần lớn vẫn đang gặp khó khăn về năng lực quản trị, tiếp cận vốn, đất đai, công nghệ và thị trường. Đây chính là rào cản cần tháo gỡ nếu muốn tận dụng được cơ hội mà Nghị quyết 68 mang lại. 

Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo không còn là xu hướng dành riêng cho các tập đoàn lớn. Ngày nay, các doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ hoàn toàn có thể tận dụng các công cụ công nghệ để nâng cao hiệu quả quản trị, tối ưu chi phí và mở rộng thị trường. Tại Thái Bình, nhiều doanh nghiệp F&B, nông nghiệp công nghệ cao, phân phối xe máy, ô tô đã bước đầu triển khai thành công các hệ thống CRM, ERP, bán hàng đa kênh, livestream trên nền tảng số. Những mô hình này cần được nhân rộng, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức hiệp hội để tạo ra hệ sinh thái doanh nghiệp hiện đại, sáng tạo và linh hoạt. 

Cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình cũng cần vượt qua tư duy cạnh tranh đơn lẻ, tiến tới xây dựng các mô hình liên kết cụm ngành. Việc hình thành các chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ theo cụm ngành (như cụm dệt may, cụm nông sản sạch, cụm F&B...) sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng thế mạnh của nhau, gia tăng sức cạnh tranh và thu hút đầu tư. Phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng, các khu công nghiệp tại Thái Thụy, Tiền Hải... hay trung tâm khởi nghiệp đang hình thành tại thành phố Thái Bình đều có thể trở thành hạt nhân cho các mô hình này. 

Một điểm sáng khác trong định hướng phát triển là tinh thần doanh nghiệp gắn với trách nhiệm xã hội. Những chương trình trao học bổng, hỗ trợ học sinh nghèo, tài trợ thiết bị học tập, đồng hành xây dựng không gian sáng tạo cho cộng đồng... không chỉ mang lại giá trị xã hội mà còn tạo ra uy tín, hình ảnh và niềm tin cho chính doanh nghiệp. Trong thời đại ESG (môi trường - xã hội - quản trị), doanh nghiệp nào càng gắn bó với cộng đồng càng phát triển bền vững. 

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình trong thời gian tới sẽ tập trung vào vai trò dẫn dắt và kiến tạo chứ không chỉ đơn thuần làm chức năng kết nối. Chúng tôi đang triển khai các sáng kiến hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp hội viên, xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng quản trị, truyền thông, pháp lý, xúc tiến đầu tư. Đồng thời, Hiệp hội cũng đóng vai trò cầu nối với các đơn vị nghiên cứu, các chuyên gia công nghệ, ngân hàng và các cơ quan quản lý để đưa các mô hình phát triển mới vào thực tiễn địa phương. 

Bên cạnh nỗ lực nội tại của doanh nghiệp, chính quyền các cấp đóng vai trò then chốt trong việc thực thi Nghị quyết 68. Chúng tôi kiến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, tài chính, đầu tư; đồng thời, xây dựng các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; tăng cường cơ chế đặt hàng công khai để doanh nghiệp trong tỉnh được ưu tiên tham gia các dự án phát triển hạ tầng, dịch vụ công. 

Tinh thần Nghị quyết 68 không chỉ là phát triển kinh tế tư nhân đơn thuần mà là chuyển hóa toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh theo hướng hiện đại - minh bạch - bền vững. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói rất rõ: “Người dân và doanh nghiệp phải là trung tâm và chủ thể sáng tạo của quá trình phát triển”. Đó không chỉ là một chỉ đạo mà là một sự trao quyền, là lời hiệu triệu đầy nhân văn dành cho giới doanh nhân. 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và cạnh tranh ngày càng gay gắt, nếu không nắm bắt cơ hội cải cách ngay từ lúc này chúng ta sẽ tụt lại phía sau. Nhưng nếu đồng lòng, đổi mới và hành động mạnh mẽ, tôi tin rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Bình sẽ không chỉ trụ vững mà còn vươn lên dẫn đầu trong công cuộc phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Khi khát vọng phát triển trở thành mục tiêu chung, khi chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay kiến tạo thì Thái Bình sẽ có thể trở thành một trong những hình mẫu thực thi hiệu quả Nghị quyết 68 - vì một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường vào năm 2045.

Đỗ Văn Vẻ

(Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình)