Thứ 3, 02/07/2024, 23:50[GMT+7]

Hiệu quả mô hình tổ diệt chuột thủ công ở Thụy Lương

Thứ 5, 28/08/2014 | 08:16:09
2,758 lượt xem
Trong sản xuất nông nghiệp, nạn chuột phá hoại mùa màng luôn là bài toán nan giải đối với bà con nông dân, nếu không có các biện pháp xử lý tích cực, kịp thời có thể bị mất trắng hoặc gây thiệt hại hàng nghìn héc ta lúa, cây màu mỗi năm, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Trước thực tế đó, một số địa phương trong tỉnh đã hình thành các tổ, nhóm đánh bắt chuột bằng phương pháp thủ công, điển hình là tổ diệt chuột của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX

Tổ diệt chuột HTX DVNN Thụy Lương sử dụng cạm đánh chuột bảo vệ sản xuất.

 

Năm 2002, trước tình hình chuột sinh sản nhanh, phá hoại mùa màng trên diện rộng, ông Lê Ngọc Tài, hiện là, Chủ tịch UBND xã Thụy Lương đã mạnh dạn đứng ra xin HTX DVNN thành lập tổ diệt chuột. Những ngày đầu thành lập, tổ có 30 thành viên, chia làm các nhóm nhỏ do trưởng thôn phụ trách; những người có sức khỏe, tích cực, giàu kinh nghiệm diệt chuột trong thôn làm tổ viên. Ông Lê Ngọc Tài nhớ lại: Là mô hình mới, để nhận được sự tín nhiệm và ủng hộ của nhân dân cũng như phát huy tinh thần trách nhiệm của các thành viên, chúng tôi đã hợp đồng trực tiếp với Ban Quản trị HTX và người dân, thu 1,4kg thóc/sào/năm để duy trì hoạt động, nếu chuột phá hoại trên 10m2 lúa thì tổ diệt chuột sẽ bỏ kinh phí đền bù cho người dân theo sản khoán thu của HTX. Những kinh nghiệm hay cũng như đặc điểm sinh lý của chuột được các thành viên trong tổ tổng hợp, rút kinh nghiệm sau những ngày đầu hoạt động để nâng cao hiệu quả diệt chuột.

 

Ông Bùi Sĩ Tiến, Chủ nhiệm HTX DVNN Thụy Lương cho biết: Với thực tế đồng ruộng Thụy Lương, diệt chuột bằng phương pháp sinh học và hóa học không hiệu quả bằng diệt thủ công. Hàng năm, HTX phát thuốc hóa học cho nông dân như Cat 0,25WP, Rat K 2% D trộn với thóc mầm ngâm ủ diệt chuột đồng loạt một lần vào giai đoạn đổ ải chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân (kinh phí của tỉnh hỗ trợ); HTX DVNN hỗ trợ thuốc đánh vụ mùa. Tuy nhiên, việc diệt chuột bằng thuốc hóa học 1 - 2 lần/năm chỉ có hiệu quả ở một giai đoạn nhất định, sau đó chuột tiếp tục sinh sản và gây hại, chuột chết phân tán, không quản lý được gây ảnh hưởng đến môi trường. Quây nilon quanh ruộng để ngăn chặn chuột vào phá hoại cũng là biện pháp được bà con nông dân sử dụng, tuy nhiên giải pháp này mang tính đối phó cục bộ, không diệt dứt điểm được chuột, chi phí lớn, lên đến 85.000 - 90.000 đồng/sào, khả năng tái sử dụng nilon cho vụ sau rất thấp. Sử dụng thiên địch bắt mồi ăn thịt chuột như mèo, chó hiện nay rất hạn chế, hầu như không phát huy được tác dụng, do lượng mèo, chó nuôi trong dân chủ yếu theo hình thức nhốt hoặc xích, các loài rắn, chim cú mèo ngoài tự nhiên bắt chuột không còn nhiều. Do đó, phương pháp đánh bắt chuột thủ công như soi vụt và đánh cạm được tổ diệt chuột triển khai rất hiệu quả.

 

Ðể duy trì hoạt động của tổ, ngoài việc ký hợp đồng trước mỗi mùa vụ, đến nay HTX đã hỗ trợ cho tổ diệt chuột hơn 10 triệu đồng mua đèn soi và cạm bán nguyệt; đồng thời khuyến khích những thành viên đánh chuột tích cực, ngoài ngày công lao động, tổ viên soi vụt thêm được HTX thưởng 2.000 đồng/con, kinh phí lấy từ tiền thu đầu sào của xã viên. Theo thống kê của ông Nguyễn Tiến, Trưởng thôn 4, tổ phó tổ diệt chuột HTX DVNN Thụy Lương, riêng vụ lúa xuân năm 2014, tổ sử dụng phương pháp soi vụt và đánh cạm được 3.298 con; vụ lúa mùa 2014 tính đến cuối tháng 8 đánh được 4.620 con; thời gian mỗi đầu vụ thường tổ chức soi vụt trước khi cấy từ 1 - 2 tuần, hoặc khi lúa làm đòng, trung bình mỗi tối diệt từ 250 - 300 con. Ðể có được những con số ấn tượng trên, tổ diệt chuột xã Thụy Lương có những “mẹo” rất riêng, toàn bộ cạm bẫy đều được lựa chọn kỹ khi mua, thường là loại cạm đuôi phải dài, lò xo quấn bằng máy. Khi mua cạm về, ghim cắm mồi bằng dây thép nhỏ được thay bằng dây tanh xe máy, nhằm tăng độ bền và độ nhạy của cạm. Gậy đánh chuột cũng được các thành viên của tổ lựa chọn kỹ, thường là loại đàn hồi tốt hoặc được gắn thêm dây cao su ở đầu gậy nhằm tăng độ sát thương với chuột.

 

Muốn diệt chuột hiệu quả cần chú ý đến đặc điểm sinh lý của chuột. Chuột thường ăn quen chỗ, hoạt động mạnh vào thời điểm chập choạng tối hoặc 3 - 4 giờ sáng, phải xác định được hang ổ, tìm đường đi quen thuộc của chúng để đặt cạm đúng vị trí, cạm phải ngụy trang khéo bằng cách phủ bùn, bên trên rắc vỏ trấu trộn gạo để nhử chuột. Sau khi thu hoạch lúa mùa, ruộng khô nên chuột thường tập trung đến những nơi có nước để đào hang sống tạm, lúc này phương pháp đào hang bắt trực tiếp rất hiệu quả; vụ xuân, khi đổ ải, nước to dùng biện pháp đánh mồi và sinh học kết hợp đánh thủ công. Thành viên của tổ diệt chuột thường đồng loạt ra đồng đặt cạm vào buổi xế chiều và đi lấy cạm vào sáng sớm, lượng chuột đánh được sẽ được tổng hợp theo từng ngày và mang đi tiêu hủy.

 

Ông Nguyễn Tiến tâm sự: Hàng ngày, tôi thường dậy từ 4 giờ sáng để đi thu bẫy chuột. Làm công việc này các thành viên trong tổ luôn xác định phải thường xuyên bám đồng ruộng, công xá thấp, chủ yếu đòi hỏi sự nhiệt tình, không quản ngại khó khăn. Nhưng vui nhất là diệt được nhiều chuột, mùa màng tốt tươi, được nhân dân tin tưởng. Những thành viên của tổ diệt chuột hàng ngày vẫn cần mẫn làm công việc thầm lặng của mình, góp phần không nhỏ mang đến những mùa vàng thắng lợi. Hiện tại, tổ diệt chuột HTX DVNN Thụy Lương là một trong những mô hình được đánh giá cao trong toàn tỉnh. Các địa phương có thể trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng mô hình, góp phần bảo đảm sản xuất và đời sống dân sinh.

Trịnh Cường

 

  • Từ khóa