Thứ 3, 02/07/2024, 23:46[GMT+7]

Kiến Xương Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Chủ nhật, 31/08/2014 | 16:57:29
2,672 lượt xem
Bằng sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Kiến Xương đã giảm đáng kể, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay tích cực, đời sống của người dân được nâng cao. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 11,1% thì đến năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,36%.

Nghề chạm bạc ở xã Lê Lợi (Kiến Xương) tạo việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định.

Xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân là vấn đề then chốt, là một trong những tiêu chí cơ bản, cốt lõi, tạo sự chuyển biến rõ nét của nông thôn mới. Sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bằng sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Kiến Xương đã giảm đáng kể, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay tích cực, đời sống của người dân được nâng cao. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 11,1% thì đến năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,36%.

Từ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Ðể thực hiện tiêu chí hộ nghèo, huyện Kiến Xương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhiều chủ trương, biện pháp để giảm nghèo nhanh, bền vững. Trước hết tập trung thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án của Ðảng, Nhà nước đối với hộ nghèo; xây dựng và ban hành các kế hoạch, đề án, nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Trong Nghị quyết đại hội Ðảng bộ huyện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo ít nhất 1% mỗi năm. Theo đó, các cơ quan, ban ngành, hội, đoàn thể trong huyện đã cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực. Hội Nông dân huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đẩy mạnh hội viên đăng ký tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức các phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”; Hội Cựu chiến binh giúp cho các hộ cựu chiến binh vay vốn, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động của các gia đình hội viên. Mỗi năm, huyện tổ chức tập huấn cho hàng nghìn lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo cơ sở về phổ biến chủ trương, chính sách giảm nghèo, đồng thời xây dựng và giới thiệu các mô hình xóa đói giảm nghèo có hiệu quả, bền vững; phổ biến những kinh nghiệm hay trong công tác xóa đói giảm nghèo… Những hoạt động này góp phần không nhỏ giúp các hộ nghèo thay đổi nhận thức, vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, tính đến tháng 8/2014, tỷ lệ hộ nghèo của huyện ước còn 4,59%, giảm 6,51% so với năm 2010.

... đến cơ chế, chính sách hỗ trợ

Nâng cao thu nhập cho hộ nghèo là biện pháp hữu hiệu nhằm giảm nghèo bền vững. Công tác cho vay vốn phát triển sản xuất được đẩy mạnh, từ đầu năm 2014 đến nay, toàn huyện có 1.163 lượt hộ nghèo được vay vốn với tổng dư nợ trên 19 tỷ đồng. Hàng nghìn lượt hộ được tham gia các chương trình tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dự án khuyến nông - khuyến ngư, phát triển sản xuất. 100% người nghèo được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, học sinh, sinh viên nghèo được miễn giảm học phí. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện cũng là những địa chỉ đỏ cho người nghèo có cơ hội thoát nghèo. Lê Lợi là một trong những địa phương được chọn làm điểm trong thực hiện giảm nghèo của huyện. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện còn 4,67%, phấn đấu hết năm 2014 sẽ giảm xuống dưới 3%, đạt tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM.

Ðến thăm gia đình anh Ðặng Văn Sáu (thôn Phú Ân), một trong những hộ nghèo của xã, chúng tôi hiểu hơn quyết tâm thoát nghèo của người dân cũng như chính quyền địa phương nơi đây. Quẩn quanh với mấy sào ruộng, anh Sáu cùng vợ không quản vất vả, nặng nhọc, cố gắng nuôi 3 con ăn học thành tài. Cuộc sống vất vả lại càng thiếu thốn hơn khi con trai lớn của gia đình anh đang là sinh viên Trường Ðại học Kiến trúc bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, hai con gái cũng đang tuổi ăn học. Ðược chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, ngoài chăm bón gần một mẫu ruộng, thời gian nông nhàn anh chị đi thu mua hòe của người dân cân bán lại cho các đại lý. Tuy còn khó khăn song anh chị quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Anh Sáu chia sẻ: Phải tự thân vận động, chí thú làm ăn, không ngại vất vả, không trông chờ vào sự hỗ trợ, có như vậy mỗi người dân mới thoát cảnh nghèo túng. Thoát nghèo năm 2013, trong căn nhà khang trang, ông Phạm Văn Giăng (thôn Phú Ân) phấn khởi: Tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống cũng chính là góp phần xây dựng NTM. Vì vậy, tôi đã vận động cùng nhiều hộ gia đình xung quanh cải tạo vườn, áp dụng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như nuôi bò, kết hợp nuôi lợn, đào ao thả cá, lấy ngắn nuôi dài… giờ đây cuộc sống gia đình khấm khá hơn, không còn cảnh “ăn bữa nay lo bữa mai” nữa.

Ðể tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm nhanh và bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn trong xây dựng NTM, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giảm nghèo, tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ xã, thôn về thực hiện công tác giảm nghèo. Tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo bảo đảm khách quan; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ hộ nghèo như học nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi giúp hộ nghèo phát triển sản xuất. Ðặc biệt là biểu dương, khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có những đóng góp giúp cho công tác giảm nghèo tại địa phương, tạo chính sách ưu tiên đối với những hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo.

Lưu Ngần

  • Từ khóa