Thứ 3, 02/07/2024, 23:21[GMT+7]

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Thứ 7, 06/09/2014 | 08:24:54
1,596 lượt xem
Những năm qua, kinh tế phát triển nhanh đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, cùng với đó Thái Bình đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Cá được nuôi tại nguồn nước thải của Công ty TNHH May Nienshing.

 

Ðể hạn chế những tác động xấu của môi trường trong quá trình phát triển kinh tế đến đời sống xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban  hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 2/6/2005 về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Theo đó, quyết tâm lớn nhất của tỉnh là việc khẳng định công tác bảo vệ môi trường (BVMT)  là nhiệm vụ của Ðảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức và tất cả nhân dân. BVMT là bộ phận cấu thành và không thể tách rời các nội dung, mục tiêu của Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

 

Với phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đến môi trường, kết hợp xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên, Thái Bình đã và đang huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo thành phong trào toàn dân tham gia BVMT. Từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về BVMT từ tỉnh đến cơ sở. Cấp tỉnh đã thành lập Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc phân tích tài nguyên và môi trường (TNMT) thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; cấp huyện đều có cán bộ phụ trách môi trường thuộc phòng tài nguyên và môi trường; cấp xã 100% cán bộ địa chính được giao kiêm nhiệm quản lý môi trường. Bộ phận quản lý nhà nước về môi trường ở các sở, ban, ngành cũng được điều chỉnh, bổ sung. Công an tỉnh thành lập Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường... Từ năm 2006, tỉnh đã đầu tư 1% tổng chi ngân sách cho sự nghiệp BVMT.

 

Ðối với các dự án sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ trước khi hoạt động phải có đăng ký xác nhận cam kết BVMT hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường phù hợp với yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường. Ðối với những cơ sở đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép, UBND các cấp cùng cơ quan quản lý nhà nước về TNMT đã có nhiều biện pháp xử lý như: quy định thời gian để các cơ sở sản xuất, kinh doanh tự có biện pháp xử lý hoặc di dời địa điểm sản xuất; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện các trường hợp vi phạm và xử lý nghiêm. Từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, xử phạt 20 cơ sở với số tiền gần 1,7 tỷ đồng; Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt 106 trường hợp với gần 796 triệu đồng. Cùng với đó, các tiêu chí về BVMT đã được các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn xây dựng thành một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thi đua.

 

Nhân viên môi trường thị trấn Vũ Thư vận hành lò đốt rác.

 

Hiện toàn tỉnh có 233/286 xã, phường, thị trấn với trên 1.000 đội tự quản thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được trang bị các phương tiện, dụng cụ thùng rác, xe gom rác, chổi, xẻng, quần áo bảo hộ... Ở những địa phương có tổ tự quản hoạt động, ý thức BVMT của nhân dân cao hơn, rác thải được thu gom, đổ đúng nơi quy định, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải. Ðến nay, 97,8% dân đô thị, 85% dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 60% hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

 

Tuy nhiên, do nhận thức và do lợi ích kinh tế đem lại mà nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã không quan tâm đầu tư BVMT. Việc sử dụng chưa hợp lý phân bón, thuốc trừ sâu cũng làm gia tăng tác động xấu tới môi trường. Công tác quy hoạch, xây dựng bãi rác tập trung chưa được quan tâm đầu tư, hầu hết bãi rác ở các xã có quy mô nhỏ, hiện đang quá tải, chủ yếu mới chỉ đào, đắp bờ để tập kết rác, chưa phân loại và xử lý triệt để. Tỷ lệ thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn công nghiệp chưa cao; hiện mới chỉ có 3 khu công nghiệp, 1 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Hệ thống thoát nước thải trong khu dân cư nông thôn và một số khu công nghiệp chưa được quy hoạch hoặc quy hoạch thiếu đồng bộ nên phần lớn nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra sông ngòi, ao, hồ gây ô nhiễm môi trường nước. Hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề chỉ chú trọng sản xuất, kinh doanh, vấn đề thu gom, xử lý chất thải, khói bụi độc hại, nước thải của các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức. Việc quy hoạch của các làng nghề chủ yếu vẫn là tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thủ công, thiết bị chắp vá, thiếu đồng bộ, khiến cho việc xử lý tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề gặp nhiều khó khăn, không triệt để. Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương, các giải pháp đưa ra, thực hiện nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm làng nghề mới chỉ là các giải pháp tình thế trước mắt, mang tính tạm thời, nên hiệu quả không cao.

 

Thời gian tới, để công tác BVMT thực sự trở thành ý thức và được coi là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị cũng như mọi người dân ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và trách nhiệm BVMT, thì cần gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội bằng các biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trách nhiệm BVMT. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra đánh giá tác động môi trường của các doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho công tác BVMT. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường đầu tư cho BVMT và phát triển bền vững.

Minh Nguyệt

 

 

  • Từ khóa