Thứ 3, 02/07/2024, 23:28[GMT+7]

Nỗ lực xóa đói giảm nghèo ở một xã thuần nông

Thứ 7, 06/09/2014 | 08:40:51
1,909 lượt xem
Tây An (Tiền Hải) là xã thuần nông có 1.017 hộ và 3.615 nhân khẩu. Trong nhiều năm qua, xã đã tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, đến nay đã đạt 17/19 tiêu chí. Trong đó, cấp ủy, chính quyền xã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Phát triển nghề truyền thống - hướng đi vững chắc cho công tác giảm nghèo ở Tây An.

 

Theo lời giới thiệu của đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây An, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Chiến (thôn Trung Tiến), một tấm gương điển hình, có nhiều cố gắng trong lao động sản xuất, khắc phục khó khăn để vươn lên thoát nghèo. Anh Chiến cho biết: Trước đây gia đình tôi sống trong căn nhà cấp 4 dột nát, bố mẹ già yếu, nhà có hai đứa con nhưng cháu lớn bị tật nguyền, không có khả năng lao động, hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định nên quanh năm lam lũ, chỉ mong trang trải đủ chứ chưa dám nghĩ đến chuyện làm giàu hay xây được nhà cửa khang trang. Từ ngày được hỗ trợ vay vốn, cộng thêm sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, gia đình tôi xây dựng được căn nhà 2 tầng với diện tích 45m2, nhờ đó vợ chồng tôi yên tâm lao động sản xuất, mỗi tháng thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng.

 

Thấu hiểu những khó khăn, vất vả trong lao động sản xuất của người dân  địa phương, trên lộ trình xây dựng nông thôn mới, Tây An luôn chú trọng thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo với nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể. Qua khảo sát, trong tổng số hộ nghèo, phần lớn là do thiếu vốn, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, nhiều gia đình không có lao động chính, một số hộ có người mắc bệnh hiểm nghèo… Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã Tây An đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tiền Hải giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp, phối hợp với các đoàn thể của xã như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thu hút hàng trăm lượt học viên tham gia.

 

Năm 2013, xã đã đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 123 người nghèo và 89 hộ cận nghèo, hỗ trợ chi phí học tập cho 25 lượt học sinh thuộc hộ nghèo với số tiền gần 16 triệu đồng, hỗ trợ tiền điện cho 75 hộ với số tiền gần 27 triệu đồng. Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã đã thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho 3 hộ nghèo với tổng số tiền 24 triệu đồng.

 

Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã Tây An còn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước dành cho người nghèo, vận động các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên trong lao động sản xuất, phấn đấu thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Ông Lương Công Hoan, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của địa phương, Tây An chú trọng phát huy giá trị kinh tế từ một số nghề truyền thống như nghề rèn, chạm khắc, cơ khí, xây dựng, mây tre đan xuất khẩu, thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu giữa các làng nghề để người dân có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động nông thôn, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Hiện nay, toàn xã có 180 hộ làm nghề rèn, 26 hộ làm cơ khí, sửa chữa và trên 200 lao động làm nghề xây dựng. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 2 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả là doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An và doanh nghiệp sản xuất hàng móc sợi hộp xuất khẩu Phương Anh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài xã lúc nông nhàn với thu nhập trung bình từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác giảm nghèo, đến nay diện mạo nông thôn mới xã Tây An đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao. Nếu cuối năm 2012, toàn xã có 80 hộ nghèo (chiếm 7,8%), 65 hộ cận nghèo (chiếm 6,3%) thì đến đầu năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 30 hộ (chiếm 2,9%), hộ cận nghèo 64 hộ (chiếm 6,2%). Năm 2013, tổng thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 19 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2012. Anh Nguyễn Tiền Phong, cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Tây An cho biết: Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó của nhân dân trong xã. Ðặc biệt là sức lan tỏa của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hồng Thắm

 

  • Từ khóa