Thứ 3, 02/07/2024, 23:36[GMT+7]

Nan giải bài toán tăng thu nhập cho người trồng lúa

Chủ nhật, 07/09/2014 | 14:54:31
1,696 lượt xem
Với 12.000ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích cấy lúa đạt gần 11.000ha, một vấn đề mang tính cốt yếu đối với Tiền Hải là làm thế nào để tăng thu nhập cho người trồng lúa (hiện lao động nông nghiệp của Tiền Hải chiếm trên 70% cơ cấu lao động) và bài toán đó đang đặt ra cho huyện nhiều thách thức nan giải.

Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bà con nông dân có điều kiện đầu tư mua máy nông nghiệp, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập từ trồng lúa.

 

Ðầu tư thích đáng cho vùng trồng lúa

 

Bước đi đầu tiên Tiền Hải thực hiện là công tác dồn điền, đổi thửa nhằm xóa bỏ tình trạng ruộng đất manh mún, tạo thuận lợi cho canh tác, giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập cho người sản xuất. Ðến tháng 1/2013, 34/34 xã của huyện hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp. Kết quả dồn điền, đổi thửa, làm giao thông, thủy lợi nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng, hình thành các vùng sản xuất tập trung đạt kết quả khá. Diện tích đất công ích, đất dành cho các công trình phúc lợi đã được dồn đổi tập trung theo quy hoạch. Trước dồn đổi toàn huyện có 54.222 hộ, 1.551.657 thửa, bình quân 2,8 thửa/hộ. Sau dồn đổi, tổng số thửa 81.778 thửa, bình quân 1,497 thửa/hộ. Nhiều xã có bình quân số thửa/hộ thấp như Nam Thịnh 1,04, Nam Cường 1,06, Ðông Lâm 1,07, Tây Giang 1,09... Kinh phí Tiền Hải đầu tư cho dồn điền, đổi thửa lên tới 3,4 tỷ đồng. Ngoài ra nhân dân các xã còn đóng góp 482,8ha (bình quân 18m2/sào) đất nông nghiệp giao ổn định để xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng. Trong 2 năm 2011 – 2012, toàn huyện thực hiện tổng khối lượng đào đắp 2.014.000m3 bờ vùng, bờ thửa, nạo vét kênh mương, kinh phí 51 tỷ đồng; xây dựng 3.606 cống đầu khâu, kinh phí 26,172 tỷ đồng; đắp 859.086m3 đường trục chính. Ðồng thời hỗ trợ 34 xã về công tác chỉnh trang đồng ruộng với kinh phí hỗ trợ 18,7 tỷ đồng; đầu tư 130 tỷ đồng kiên cố hóa kênh mương với tổng chiều dài 99,5km; 11 tỷ đồng xây dựng mới 5 trạm bơm và nâng cấp 113 trạm. Hàng loạt các chính sách hỗ trợ khác như hỗ trợ mua máy nông nghiệp, hỗ trợ thóc giống, thuốc diệt chuột, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ rầy, hỗ trợ người trồng lúa... được huyện ban hành và thực hiện. Tính riêng năm 2013, toàn huyện đã hỗ trợ cho nông dân trong  lĩnh vực trồng lúa trên 12 tỷ đồng.

 

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, các chính sách hỗ trợ đã tạo động lực cho chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các cơ sở thôn và HTX cũng như người nông dân các xã tin tưởng và tích cực hưởng ứng. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năng suất, sản lượng và giá trị  trồng lúa năm sau luôn cao hơn năm trước, nhất là sau thực hiện dồn điền, đổi thửa và triển khai các chính sách hỗ trợ. Năm 2013, năng suất lúa toàn huyện đạt 63,4 tạ/ha, giá trị hơn 213 tỷ đồng, bước đầu người trồng lúa có lãi và dần khắc phục tình trạng nông dân một số xã bỏ ruộng.

 

Còn đó bộn bề thách thức

 

Trong ba yếu tố “đầu vào” cơ bản của sản xuất nông nghiệp (ruộng đất, lao động, vốn) thì ruộng đất vẫn là yếu tố quyết định. Việc quy hoạch tạo vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, xây dựng cánh đồng mẫu là một trong những giải pháp quan trọng. Do cấy cùng một trà lúa, một giống lúa nên công tác dự tính, dự báo, chăm sóc cụ thể, chính xác, số lần phun thuốc trừ sâu giảm, ít ô nhiễm môi trường... Ðối với những cánh đồng mẫu, sơ bộ tính trên đơn vị 1 ha, năng suất lúa trong vùng cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 10%, các chi phí sản xuất đều giảm, thu nhập của người nông dân tăng khoảng 15 - 18%. Mặc dù được hỗ trợ thêm 20.000 đồng/sào so với các vùng không phải cánh đồng mẫu nhưng vụ mùa năm 2013 của Tiền Hải chỉ có 7 xã tham gia thực hiện với diện tích 554,2 ha, đến vụ mùa 2014 tuy có tăng nhưng mới chỉ xây dựng được 23 cánh đồng mẫu với diện tích 1.345,5ha ở 17 xã.

 

Trong sản xuất lúa gạo, nông dân là “gốc” của ngành hàng, giá lúa bất lợi liên tục sẽ là nguyên nhân khiến người trồng lúa phải thay đổi cơ cấu. Ðể giải quyết nỗi lo thường trực “được mùa, mất giá”, huyện có chính sách kêu gọi các doanh nghiệp liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, song mới có 5 doanh nghiệp thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm ở các xã Tây Ninh, Vũ Lăng, Ðông Cơ, Ðông Quý, Ðông Xuyên, Vân Trường và Nam Thắng. Các doanh nghiệp chỉ thu mua lúa Nhật, DT68, T10, Bắc thơm, BC15, RVT và Hoa khôi, do vậy tổng lượng bao tiêu cũng chỉ đạt hơn 10% sản lượng toàn huyện.

 

Suy đến cùng, muốn người nông dân gắn bó với đồng ruộng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ít nhất thu nhập từ nông nghiệp phải bảo đảm duy trì cuộc sống của họ. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, chi phí trên một sào ruộng trồng lúa gồm cày bừa, giống, công cấy, phân bón, thuốc trừ sâu, gặt... thấp nhất là 700.000 đồng/sào. Với năng suất bình quân của Tiền Hải xấp xỉ 70 tạ/ha, như vậy cứ một sào người nông dân thu được (7.000 đồng/kg x 250kg/sào) bằng 1.750.000 đồng. Mức thu nhập như vậy đã vượt mức Chính phủ đề ra, đạt lãi thấp nhất cho nông dân là 30%. Tuy nhiên mức thu nhập này không đáp ứng được chi phí trang trải cho nông dân do ruộng đất của họ rất ít. Ðối với Tiền Hải, diện tích bình quân đạt khoảng 1,5 sào/khẩu, đồng nghĩa một hộ (tính trung bình 4 khẩu) có 6 sào, cho thu nhập một vụ (4 tháng) 4.200.000 đồng/hộ. Như vậy, chưa tính các khoản đóng góp nghĩa vụ với hợp tác xã, nông thôn mới, các quỹ khuyến học, đền ơn đáp nghĩa... (khoảng 30kg/sào) chi phí cho một người trong một tháng chỉ đáp ứng được ở mức 262.500 đồng. Ðây là mức thu nhập khiến đời sống người nông dân gặp nhiều khó khăn, nhất là những vùng không trồng rau màu, không có nghề phụ. Ngoài ra, chưa kể đến thiên tai, dịch bệnh diễn biến hết sức bất lợi và phức tạp. Ðơn cử như thiệt hại do cơn bão số 8 (năm 2012) gây ra cho lĩnh vực trồng trọt của huyện gần 6,7 tỷ đồng...

 

Khẳng định hàng loạt chính sách hỗ trợ, đầu tư từ trung ương đến địa phương có ý nghĩa quan trọng và hiệu quả tích cực, nhất là từ khi nghị quyết “tam nông” và chương trình xây dựng nông thôn mới được ban hành. Tuy nhiên, để tăng thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống cho nông dân, cũng là góp phần thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giảm khoảng cách giàu nghèo, xây dựng nông thôn mới, an ninh lương thực... đặt ra cho Tiền Hải phải tiếp tục giải quyết hàng loạt vấn đề một cách đồng bộ. Về phía huyện, cùng với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như nỗ lực vượt khó của người nông dân, cần tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu, tăng cường tuyên truyền, vận động, khắc phục tình trạng tư tưởng nặng về gieo cấy truyền thống là chính, quy mô nhỏ lẻ, gây hạn chế việc áp dụng khoa học, kỹ thuật. Ðể tiếp tục phát triển và mở rộng vùng sản xuất tập trung cần phải có những cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn đặc biệt là hỗ trợ nguồn kinh phí giống và bao tiêu sản phẩm ổn định cho các hộ nông dân.

Phan Anh

 

  • Từ khóa