Thứ 3, 02/07/2024, 23:31[GMT+7]

Hiệu quả Dự án Năng lượng nông thôn II

Thứ 2, 08/09/2014 | 08:48:11
1,114 lượt xem
Sau hơn 6 năm triển khai, xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình điện thuộc Dự án Năng lượng nông thôn II (REII) tại 84 xã trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng lưới điện nông thôn, giảm tổn thất điện năng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Nông thôn mới với cơ sở hạ tầng đường, điện được quy hoạch và xây dựng khang trang.

Ngay sau khi được chọn là một trong 25 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia Dự án REII (gồm Dự án REII gốc triển khai tại 50 xã và Dự án REII tài trợ bổ sung cho 34 xã) với nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, tỉnh Thái Bình đã chủ động bố trí nguồn vốn đối ứng để triển khai thực hiện. Mục tiêu của dự án là cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống lưới điện hạ thế nông thôn kết hợp với chuyển đổi và xây dựng mô hình quản lý, nhằm cải thiện dịch vụ cung cấp điện năng với chất lượng tốt, giá cả hợp lý cho khu vực nông thôn. Đồng thời, trợ giúp kỹ thuật, đào tạo và nâng cao năng lực cho công tác quản lý và hiệu quả kinh doanh cho các tổ chức quản lý điện nông thôn. Dự án triển khai thi công xây dựng từ năm 2008 tại 84 xã trên địa bàn 7 huyện, thành phố, tổng nguồn vốn đầu tư gần 430 tỷ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới 375,8 tỷ đồng còn lại là vốn đối ứng của tỉnh và nhân dân đóng góp.

Trước khi REII được triển khai, lưới điện hạ áp nông thôn được xây dựng chủ yếu bằng nguồn vốn của địa phương từ 20 - 30 năm trước, với các tổ chức quản lý điện nông thôn được thành lập tự phát, nguồn vốn hạn hẹp nên hầu hết không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Trong quá trình vận hành, sử dụng, đa số các lưới điện không được sửa chữa nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Bán kính cấp điện xa, có những nơi đến trên 3km dẫn đến điện áp rất yếu, nhất là vào giờ cao điểm. Cùng với đó, hoạt động quản lý, kinh doanh điện không hiệu quả, thợ điện địa phương chưa được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật điện. Tổn thất điện năng cao (25 - 40%), chất lượng điện năng không bảo đảm, nguy cơ mất an toàn rất cao có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Vì vậy, việc cải tạo, xây dựng mới các tuyến đường dây hạ áp là một yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, khi bắt tay vào quá trình triển khai, dự án gặp không ít khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Lưới điện nông thôn được đầu tư xây dựng, cải tạo đã đáp ứng nhu cầu sử dụng điện an toàn, ổn định cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Trong ảnh: Công nhân Điện lực Thái Thụy sửa chữa lưới điện tại xã Thụy Văn.

Theo ông Vũ Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương, đây là một dự án lớn, triển khai trên địa bàn rộng, các thủ tục để triển khai dự án còn nhiều phức tạp trong khi đó kinh nghiệm quản lý dự án còn hạn chế do lần đầu thực hiện. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng rất vất vả. Hơn nữa, trong thời gian thi công Dự án có sự biến động lớn về giá cả, đặc biệt là giá sắt thép, xi măng, nhân công. Tại một số địa phương, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền chưa cao, còn thiếu trách nhiệm, ỷ lại. Song với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, đặc biệt là sự ủng hộ của người dân nên gần 3.210km đường dây hạ áp nông thôn đã được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới; lắp đặt 171.670 công tơ đo đếm. Hệ thống lưới điện của 84 xã tham gia dự án đã được bàn giao đưa vào quản lý, vận hành từ tháng 6/2011 - 10/2012.

Lưới điện sau khi được nâng cấp, cải tạo đã bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân, chất lượng điện năng được cải thiện rõ rệt, tổn thất điện năng giảm xuống còn 8 - 12%. Sau khi công trình đưa vào sử dụng, các hộ dân có thể yên tâm đầu tư máy móc, thiết bị phát triển sản xuất các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và giải quyết hàng nghìn lao động ở khu vực nông thôn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã An Vũ (Quỳnh Phụ) cho biết: Là một trong những địa phương có nghề dệt chiếu cói truyền thống, những năm gần đây, người làm chiếu cói đã bớt vất vả hơn trước do máy móc đã dần thay thế sức người. Nếu như trước năm 2009, việc đưa máy móc vào sản xuất không phát huy được hiệu quả do nguồn điện yếu thì từ khi triển khai Dự án REII gốc chất lượng nguồn điện ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các hộ sản xuất trong làng nghề. Với An Vũ thì từ nhiều năm nay điện là một trong những yếu tố quan trọng giúp địa phương tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân. Toàn xã có gần 2.000 hộ thì 70% số hộ làm nghề dệt chiếu, thu hút 80% số lao động tại địa phương. Nguồn thu nhập chính của người dân An Vũ là từ nghề dệt chiếu cói bằng máy. Do đó nguồn điện ổn định, liên tục là một trong những điều kiện quan trọng giúp ổn định công việc, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm và từ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Nguồn điện ổn định không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người dân; đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa