Thứ 3, 02/07/2024, 23:25[GMT+7]

Cần đơn giản thủ tục hỗ trợ người sản xuất lúa

Chủ nhật, 14/09/2014 | 19:16:21
1,795 lượt xem
Ngày 11/05/2012, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 42/2012 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa với những quy định cụ thể về quản lý, quy hoạch sử dụng, cùng chính sách hỗ trợ cho người sản xuất lúa hàng năm, hỗ trợ trong trường hợp thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Thực tế qua hơn 2 năm thực hiện cho thấy quy định về thủ tục hỗ trợ người trồng lúa gây nhiều “sự khó” cho nông dân cũng như các cơ quan hữu quan.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ của các xã.

Với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, sản xuất lúa gạo là nguồn lực chủ yếu bảo đảm an ninh lương thực, góp phần ổn định kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước. Do vậy, từ những năm 1993 - 1994, Chính phủ đã chủ trương nghiêm cấm chuyển đất trồng lúa tùy tiện sang sử dụng vào các mục đích khác. Ngày 11/05/2012, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 42/2012 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa với những quy định cụ thể về quản lý, quy hoạch sử dụng, cùng chính sách hỗ trợ cho người sản xuất lúa hàng năm, hỗ trợ trong trường hợp thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Thực tế qua hơn 2 năm thực hiện cho thấy quy định về thủ tục hỗ trợ người trồng lúa gây nhiều “sự khó” cho nông dân cũng như các cơ quan hữu quan.

 Chúng tôi về  Tiền Hải đúng dịp huyện đang tổ chức tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hỗ trợ cho người sản xuất lúa theo Nghị định số 42/2012/NÐ-CP của Chính phủ. Ðến nay, huyện đã hoàn thành hỗ trợ vụ mùa năm 2012 và vụ xuân 2013 với gần 5,3 tỷ đồng, vụ mùa năm 2013 huyện tạm ứng hỗ trợ từ ngân sách của huyện hơn 708 triệu đồng. Ông Trần Minh Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Theo Thông tư số 205/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất lúa thì đối tượng được hưởng gói hỗ trợ trên là các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trực tiếp sản xuất lúa trên diện tích đất nằm trong quy hoạch đất trồng lúa. Mức hưởng là 500.000 đồng/ha/năm cho người trồng lúa trên đất chuyên trồng lúa; 100.000 đồng/ha/năm cho người trồng lúa trên đất lúa khác, trừ lúa nương được mở rộng không nằm trong quy hoạch. Cả hai mức hỗ trợ được chia làm 2 lần/năm. Từ căn cứ này, trong năm 2013, Liên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài chính đã có Hướng dẫn số 152 và Hướng dẫn số 953 hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ người sản xuất lúa. Theo đó, UBND cấp xã kiểm tra, rà soát, tổng hợp và lập hồ sơ gồm 3 loại văn bản: Tờ trình của UBND xã; Danh sách tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa; Báo cáo tổng hợp kết quả sản xuất lúa theo vụ, theo năm. Trong trường hợp diện tích sản xuất lúa thay đổi so với vụ trước liền kề thì người sản xuất lúa phải có đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí có xác nhận của UBND xã. Toàn bộ hồ sơ được gửi về phòng chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp cấp huyện. Phòng chuyên môn cấp huyện chủ trì phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện thẩm định hồ sơ, tổng hợp báo cáo UBND cấp huyện để chuyển về Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3 loại văn bản gồm: Tờ trình UBND huyện về việc hỗ trợ; Báo cáo tổng hợp kết quả sản xuất; Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định diện tích sản xuất lúa của Chủ tịch UBND cấp huyện.

Trên cơ sở đó, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người sản xuất lúa trên địa bàn để UBND cấp tỉnh phê duyệt và giao UBND cấp huyện ra quyết định về danh sách và mức hỗ trợ cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa. Căn cứ quyết định của UBND cấp huyện, UBND cấp xã niêm yết và công bố công khai danh sách và mức hỗ trợ cho người sản xuất lúa. Phòng chuyên môn cấp huyện có trách nhiệm quản lý, quyết toán kinh phí hỗ trợ người sản xuất lúa và ủy quyền UBND cấp xã tổ chức chi trả tiền hỗ trợ cho người sản xuất lúa.

 Ðể có căn cứ lập hồ sơ trình huyện, các xã giao cho thôn lập danh sách và xin chữ ký xác nhận của từng hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa. Việc này đòi hỏi mất rất nhiều thời gian, bởi các hộ gia đình không phải lúc nào cũng sẵn sàng “chờ” ở nhà để ký. Ðây cũng chính là lý do khiến đến ngày 19/8 toàn huyện Tiền Hải mới tiếp nhận được 17/35 hồ sơ, trong khi theo quy định hết ngày 15/8 các xã phải hoàn tất hồ sơ gửi về huyện. Công việc thẩm định hồ sơ của các xã đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ nên cần nhiều thời gian. Mặc dù huyện đang thực hiện chiến dịch phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa, xử lý ngao chết, phòng chống bão lụt... nhưng 3 cán bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện vẫn vừa kiểm tra tính hợp pháp, chính xác trong từng bộ hồ sơ, vừa điện thoại đôn đốc các xã chưa hoàn tất thủ tục. Một nguyên nhân nữa, tuy số tiền hỗ trợ trên quy mô toàn huyện lớn nhưng đối với nhiều hộ thì quá nhỏ dẫn đến tâm lý nông dân ngại làm thủ tục lĩnh tiền hỗ trợ. Theo số liệu của huyện, diện tích ruộng bình quân của huyện là 1,5 sào/khẩu, 6 sào/hộ, tương ứng mỗi hộ được hỗ trợ 54.000 đồng/vụ. Tại thôn Thủ Chính (xã Nam Chính, Tiền Hải) có 371 hộ sản xuất lúa vụ mùa, có rất nhiều hộ diện tích canh tác khoảng 600m2, cá biệt có những hộ như ông Ðào Văn Ðức 497m2, ông Ðỗ Văn Lữu 392m2..., đồng nghĩa với mức hỗ trợ chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/hộ/vụ. Số tiền quá ít, phải làm nhiều thủ tục và tốn kém nhiều thời gian nên đã có hiện tượng ở một số xã, địa phương niêm yết danh sách các hộ được nhận tiền từ vụ này qua vụ khác mà vẫn không có ai đến nhận. Một số thôn đã có cách làm “sáng tạo”: trừ vào các khoản nghĩa vụ tài chính khác cho hộ nông dân và khi nào tiện một việc nào đó ký danh sách nhận tiền luôn thể. Ngoài ra, đã nhận tiền “hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất lúa” rồi thì không thể chuyển đất lúa sang trồng cây khác được nữa. Ðó cũng là một trong những lý do khiến người nông dân “né tránh” gói hỗ trợ này.

Hỗ trợ để nông dân bảo vệ đất lúa, xét ở góc độ kinh tế nghĩa là số tiền “hỗ trợ” kia sẽ là phần bù đắp cho họ, để họ giữ lại đất lúa nhưng vẫn có lợi nhuận ngang bằng với việc trồng cây khác. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người dân cũng như chính quyền địa phương, gói hỗ trợ quá nhiêu khê về thủ tục và không mang lại nhiều lợi ích cho nông dân nên kiến nghị các cấp có thẩm quyền nên giản tiện thủ tục hành chính, hoặc đưa tiền hỗ trợ vào làm các công tác khác như xây dựng nông thôn mới, làm giao thông, thủy lợi nội đồng... Ðó cũng là hỗ trợ cho người trồng lúa mà hiệu quả cao hơn do nguồn ngân sách hỗ trợ không bị phân tán.

Phan Anh

  • Từ khóa