Thứ 2, 01/07/2024, 02:24[GMT+7]

Đồng Tiến Nhiều khó khăn trong sản xuất vụ đông

Thứ 4, 15/10/2014 | 09:05:18
1,737 lượt xem
Xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) với đặc điểm đồng ruộng chủ yếu là đất thịt nặng, gây nhiều khó khăn trong khâu làm đất để sản xuất trồng trọt. Những năm trước đây, sản xuất nông nghiệp kém phát triển, bà con nông dân chủ yếu tập trung độc canh 2 vụ lúa, cây vụ đông không được chú trọng. Do đó, Đồng Tiến luôn đứng trong nhóm những xã yếu trong phong trào sản xuất vụ đông của huyện Quỳnh Phụ.

Nông dân xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) chăm sóc cây vụ đông.

Những năm gần đây, với những sự nỗ lực, nhạy bén của mình, xã Đồng Tiến đang có những chuyển biến tích cực về mở rộng diện tích cây trồng vụ đông. Về xã Đồng Tiến những ngày này, bà con nông dân đang gấp rút hoàn thành việc gặt lúa mùa để gieo trồng cây vụ đông ưa ấm. Theo ông Phạm Duy Bá, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Đồng Tiến cho biết: Diện tích lúa mùa của xã Đồng Tiến là 640ha, đến nay hơn 200ha đã được gặt, phấn đấu đến ngày 15/10 nông dân sẽ thu hoạch xong để tập trung phát triển diện tích cây màu vụ đông ưa ấm. Vụ đông năm nay, xã Đồng Tiến phấn đấu gieo trồng 250ha, trong đó bí xanh 180ha, bí đỏ 30ha, khoai tây 15ha, rau màu các loại…

Cây vụ đông ưa ấm, đặc biệt là cây bí xanh có thời gian sinh trưởng ngắn, tốn ít công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, được nông dân xã Đồng Tiến tập trung phát triển; đến thời điểm này, hơn 140ha bí xanh đã được gieo trồng. Cây bí xanh rất phù hợp với đồng ruộng địa phương, phát triển mạnh tại các thôn Đông Hòe 80ha, thôn Bất Nạo 30ha…; năng suất trung bình đạt từ 1 - 1,2 tấn/sào, giá thu mua từ 2.500 - 3.000 đồng/kg. Về xã Đồng Tiến, tìm những hộ có diện tích bí xanh lớn không hiếm, như tại thôn Đông Hòe, gia đình ông Nguyễn Văn Ruyền, xóm 5, trồng 1 mẫu; ông Đỗ Xuân Thạo, xóm 6, trồng 6 sào; ông Phạm Văn Đoái, xóm 7, thôn Quan Đình Bắc, trồng 7 sào… Trước đây, người nông dân xã Đồng Tiến luôn quan niệm, trong sản xuất nông nghiệp phải ăn chắc 2 vụ lúa, vụ đông chỉ là phụ, tuy nhiên, đến nay, nhờ hiệu quả kinh tế cây vụ đông mang lại đã làm thay đổi nhận thức của người nông dân.

Để bảo đảm hài hòa lợi ích của người nông dân trong việc trồng lúa và phát triển cây vụ đông, cách làm của xã Đồng Tiến cũng có nhiều sáng tạo. Trên một diện tích đất canh tác, người nông dân trồng các trà lúa ngắn ngày với các giống: Bắc thơm, Hương thơm, VS1… xen với lúa đại trà như BC 15. Khi các trà lúa ngắn ngày đỏ đuôi sắp cho thu hoạch cũng là lúc bà con nông dân đưa bầu bí ra ruộng trồng, gặt xong các trà lúa ngắn ngày thì bí đã bám chắc rễ, lên xanh. Giữa tháng 10, bí đã bò loang mặt ruộng, nông dân tập trung thu hoạch lúa đại trà đồng thời tập trung chăm sóc cho những diện tích bí xanh chuẩn bị ra hoa, kết quả. Ông Hà Văn Lưỡng, thôn Cổ Đẳng tâm sự: Từ ngày mở rộng diện tích cây vụ đông, thu nhập của gia đình ông được cải thiện nhiều, nhất là cây bí rất dễ làm, cho thu nhập cao hơn trồng lúa.

Bên cạnh những kết quả đạt được Đồng Tiến còn gặp nhiều khó khăn. Công tác dồn điền đổi thửa tại địa phương chưa thực sự hiệu quả, dẫn tới ruộng đồng manh mún, nhỏ lẻ, chưa quy hoạch được vùng sản xuất hàng hóa. Với đặc điểm thổ nhưỡng đất thịt nặng chỉ phù hợp phát triển cây bí xanh, trong khi muốn đa dạng hóa, thay đổi cơ cấu các loại cây vụ đông khác gặp nhiều khó khăn. Nông sản của bà con nông dân làm ra chưa tìm được đầu mối tiêu thụ ổn định, liên kết trong sản xuất cũng là một bài toán nan giải cho lãnh đạo UBND xã và HTX DVNN. Với 180ha bí xanh được trồng tại xã Đồng Tiến sẽ cho sản lượng rất lớn, tuy nhiên toàn bộ số quả này lại được tiêu thụ ngoài thị trường tự do, chịu nhiều sức ép của thương lái về giá. Đây không chỉ là khó khăn của người nông dân xã Đồng Tiến mà còn là khó khăn chung của nhiều địa phương khác. Hy vọng, trong tương lai, sự liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh và hiệu quả hơn, nhất là trong sản xuất cây vụ đông, để người nông dân có thể yên tâm sản xuất và cải thiện cuộc sống.

Trịnh Cường

  • Từ khóa