Thứ 2, 01/07/2024, 02:53[GMT+7]

Vũ Phúc Hiệu quả từ trồng rau màu

Thứ 5, 16/10/2014 | 08:28:18
1,644 lượt xem
Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bên cạnh gieo cấy các giống lúa mới, nông dân xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) còn chú trọng phát triển rau màu cho giá trị kinh tế cao. Nhờ vào đặc thù đồng đất màu mỡ, kinh nghiệm thâm canh của người dân nên những cánh đồng rau đã mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân nơi đây.

Nông dân xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) chăm sóc rau màu vụ đông.

Nhanh tay vun những luống đậu đỗ mới trồng được hơn 10 ngày, bà Đào Thị Nụ, thôn Phúc Thượng cho biết: Chất đất ở đây rất thuận lợi cho việc trồng rau màu, thêm vào đó hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới, tiêu nên việc sản xuất rau màu đã đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Với 1,5 sào ruộng gia đình tôi có thể trồng được 3 - 4 lứa rau màu/vụ đông, mỗi lứa trung bình cho thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/sào, chưa kể có những loại rau bán vào thời điểm giá cao sẽ cho thu nhập cao hơn. Hơn nữa, thời gian sinh trưởng của cây rau màu ngắn, nhanh cho thu hoạch, chăm sóc dễ dàng hơn cây lúa và ít phải lo về sâu bệnh gây hại”. Phần lớn các gia đình trong thôn, trong xã nhờ bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, được tập huấn và hướng dẫn quy trình kỹ thuật gieo trồng nên các loại cây đều sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh, ít bị sâu bệnh hại, cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao. Có thể làm phép tính so sánh giữa chi phí cho một sào lúa với một sào đậu đỗ để có thể thấy được hiệu quả của việc trồng rau màu. Nếu như chi phí cho một sào lúa mất trên 200.000 đồng thì chi phí cho một sào đậu đỗ chỉ mất hơn 100.000 đồng. Thời gian cho thu hoạch của đậu đỗ là khoảng 80 ngày trong khi lúa là 120 - 140 ngày. Về thu nhập, ở thời điểm đại trà, một sào đậu đỗ cho thu nhập bình quân 5 triệu đồng/sào còn lúa chỉ được khoảng 2 triệu đồng/sào. Như vậy có thể thấy, việc đầu tư trồng rau màu của nông dân xã Vũ Phúc đã cho thu nhập gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa, cá biệt có diện tích cao gấp 4 - 5 lần. Có thể nói, với kinh nghiệm thâm canh rau màu, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao đời sống của các hộ gia đình trong xã.

Ông Lê Thanh Nghị, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Vũ Phúc cho biết: Những năm qua, lãnh đạo địa phương và HTX thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ bà con nông dân tăng cường canh tác, duy trì luân canh gối vụ. Để tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất, HTX chỉ đạo bà con nông dân đẩy mạnh thâm canh, trong đó chú trọng phát triển các loại cây, rau màu thực phẩm có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Mặt khác, chú trọng công tác thủy lợi bảo đảm tưới, tiêu cho cây trồng; khuyến khích nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đưa cơ giới vào các khâu sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hàng năm, HTX DVNN phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là quy trình sản xuất rau, sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học an toàn, hiệu quả cho nông dân. Với sự linh hoạt, nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu thị trường, các hộ dân ở đây luôn trồng đan xen các loại rau để vừa tận dụng triệt để diện tích đất lại vừa thường xuyên có rau thu hoạch. Rau, củ, quả của Vũ Phúc phần lớn cung cấp cho địa bàn Thành phố và một số địa phương lân cận khác. Ở Vũ Phúc, hộ nào trồng ít nhất cũng hơn một sào, hộ nhiều thì trồng 7 - 8 sào, tập trung chủ yếu ở các thôn Thanh Miếu, Cự Phú, Bắc Sơn. Nhiều gia đình thực hiện thâm canh từ 3 - 4 lứa/vụ, nhờ đó thu nhập tăng cao, bình quân thu hàng chục triệu đồng/vụ. Từ nghề trồng rau đã có nhiều hộ nông dân thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm, điển hình như gia đình ông Mai Văn Kiểm (xóm 8), ông Hoàng Văn Trường (xóm 9), thôn Cự Phú...

Hiện nay, ngoài diện tích đất chuyên màu đã được phủ kín các loại rau màu, nông dân trong xã đang tiến hành trồng rau màu trên đất hai lúa. Việc phát triển cây rau màu không những đáp ứng được nhu cầu thị trường mà hiệu quả mang lại rất khả quan, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Tuy nhiên, để vùng chuyên canh rau màu ngày càng phát triển, địa phương cũng cần quan tâm và có những giải pháp đồng bộ trong việc quy hoạch vùng sản xuất, nâng cao trình độ canh tác cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nhằm giúp nông dân yên tâm sản xuất và xây dựng thương hiệu vùng sản xuất rau của địa phương.

Mai Thư

  • Từ khóa