Thứ 3, 02/07/2024, 23:39[GMT+7]

Chuyện lạ về dê

Thứ 5, 12/02/2015 | 10:02:27
1,023 lượt xem

 

Dê 6 sừng

 

Dê thường chỉ có hai sừng nhưng thế giới từng có trường hợp dê mang sáu sừng trên đầu. Tháng 4/1983, con dê mẹ của gia đình anh Chô Hông ở Hàn Quốc sinh được 1 chú dê con có tới... 6 sừng. Các sừng đều mọc rời trên đỉnh đầu và mang hình dáng, kích cỡ bình thường như sừng những con dê cùng loại. Chú dê có bộ sừng kỳ dị này lớn rất nhanh: 4 tháng tuổi chú đã nặng hơn 40kg.

 

Dê nhảy Vanxơ

 

Khán giả Nga rất yêu thích một tiết mục xiếc độc đáo là “Ðiệu nhảy Vanxơ với dê” do nam diễn viên Ivanov chuyên nhảy cặp cùng dê thể hiện. Cả người lẫn dê đều nhảy khá thành thục, nhịp nhàng, ăn ý, đẹp và vui mắt. Anh Ivanov còn cho biết đang tiếp tục huấn luyện một số điệu nhảy phức tạp hơn Vanxơ cho con dê năng động và thông minh của anh.

 

Món dê đặc biệt

 

Tết Nguyên đán năm 1874, Thái hậu Từ Hy - người đứng đầu triều đình Mãn Thanh ở Trung Quốc khi đó - tổ chức bữa tiệc long trọng thết đãi 400 thực khách gồm 212 vị trong phái đoàn liên minh 8 nước phương Tây và 188 công thần tuyển chọn của triều Thanh. Tiệc kéo dài suốt 7 ngày đêm với tất cả 140 món sơn hào hải vị, trong đó có một món đặc biệt là “Sơn dương trùng”. Món ăn độc nhất vô nhị này được chế biến rất kỳ công từ dê, có hương vị tuyệt vời và mang tới nhiều tác dụng, để lại cho thực khách những ấn tượng khó quên.

 

Muốn làm món “Sơn dương trùng”, vâng lệnh Từ Hy, các thợ săn Hồ Bắc sau hàng tháng lặn lội mới tìm bắt được 6 con dê núi đang chửa tại vùng rừng sâu núi thẳm Thiên Tân. Bầy dê được đem về kinh đô, cho ăn cỏ quý “đông trùng hạ thảo” cùng nhiều loại lá cây thuốc bổ khác và chăm sóc chu đáo nên chúng đẻ ra lứa con khỏe mạnh, to béo hơn hẳn những lứa bình thường. Khi dê con hai tháng tuổi, người ta chọn lấy 14 con giao cho nhà bếp làm lông, bỏ ruột rồi ngâm vào thùng gỗ to đựng đầy nước gừng cùng rượu quý. Hết ngày thứ hai vớt dê ra đem ngâm tiếp trong bể sứ chứa nước sâm nhung cùng sữa dê tươi. Qua hai ngày nữa, lấy hoa sen tráng (đã tách nhánh và ghim kim vàng xuyên từ gương sen đến cuống hoa) cắm các con dê. Ðể vậy ngâm liên tục đến ngày thứ 10 (đúng hôm tiệc tàn - mồng 7 tết) thì xuất hiện những con trùng mỡ màng, trắng muốt đầy trong hoa sen. Ðầu bếp nhặt lấy trùng, đem chế thành món ăn rất thơm ngon, béo ngậy, đại bổ, đặc trị được các bệnh lao phổi và bại liệt.

 

Hội thi cướp dê

 

Các dân tộc thiểu số ở Afghanistan có một môn thể thao truyền thống đặc sắc mang tên “bozokanshi”, theo tiếng Afghanistan có nghĩa là “cướp dê”. Hội thi này thường được tổ chức sau khi đã gieo trồng xong vào mùa xuân hoặc thu hoạch xong vào mùa hè.

 

Người ta đặt một chú dê nặng chừng 25 - 35kg trong một vòng tròn làm mục tiêu tranh cướp. Những người tham dự chia làm hai phe với số lượng bằng nhau, mỗi người cưỡi một ngựa, đứng ở các vị trí khác nhau nhưng đều phải cách dê một khoảng tương đương. Lúc tiếng súng hiệu lệnh vang lên, những kỵ sĩ sẽ đồng loạt phi ngựa tới, tranh nhau chiếm vị trí thuận lợi để có thể cướp được chú dê trên sân. Khi kỵ sĩ một bên cướp được dê thì bên kia phải dốc sức mà áp sát, ngăn chặn và cướp lại; thành viên trong cùng đội cũng phải xông lên để cản phá sự truy đuổi, giành giật của đối phương. Do kỵ sĩ cả hai bên đều cường tráng, nhanh nhẹn, cưỡi ngựa thành thạo nên nhiều pha gay cấn xảy ra khiến cho người xem thót tim. Có khi thực lực hai bên ngang ngửa nên kết quả là chú dê bị... xé thành hai mảnh, có lúc do sự bất cẩn, lỡ đà của kỵ sĩ mà cả người lẫn ngựa đều bị ngã lăn quay... Ðây thực sự là hội thi sôi động, mạnh mẽ, vui khỏe và hồi hộp.

 

Những đàn dê khổng lồ

 

Vào cuối thế kỷ XIX, nhiều đàn dê rừng (thuộc loài linh dương mang tên antidorcas marsupialis) với số lượng cực đông hiện diện và di chuyển qua các thảo nguyên ở phía Tây của Nam Phi. Năm 1888, người ta chứng kiến một đàn đi qua Nel Pudge, ước lượng có tới... 100 triệu con. Ðến năm 1894, lại thấy một đàn khổng lồ khác đi qua Boffar Wett liên tiếp trong... 3 ngày liền mới hết. Còn vào tháng 7/1896, tại Orange, người ta quan sát được một đàn dê lớn, trải dài tới 160km chiều dọc và 24km chiều ngang.

 

Ðua dê

 

Cứ 4 năm 1 lần, ở Guyanaon> lại tổ chức cuộc đua dê. Chủ nhân có dê dự thi ngồi trên lưng ngựa, cầm dây dắt cho dê chạy. Ðể tránh làm dê bị thương, người dắt dê phải đi chân không. Cuộc đua độc đáo này rất cuốn hút khán giả trong nước và quốc tế. Hiện nay, chú dê mang tên Damai vẫn giữ danh hiệu vô địch vì chạy được 182m chỉ hết 20 giây.

 

Nhân bản dê

 

Năm 1997, sự kiện nhân bản cừu Dolly thành công đã gây tiếng vang lớn trên thế giới, khẳng định tiến bộ vượt bậc của khoa học. Theo đó, nhiều loại động vật có thể cho ra đời những đứa con y hệt bản thân mình mà sự tạo sinh này (được gọi là nhân bản) tiến hành độc lập, không cần tới hoạt động kết hợp (giao phối, thụ tinh...) với đồng loại. Tuy nhiên, ít người  biết rằng việc nhân bản kiểu đơn giản đã được áp dụng từ lâu đối với dê. Hơn 100 năm nay, ở một số vùng nông thôn thuộc hai tỉnh An Huy và Giang Tô của Trung Quốc lưu truyền cách làm như sau: Khi dê cái phát dục, người ta không cho giao phối cùng dê đực mà lại ném chúng xuống sông, chỉ cho nhô đầu lên; mỗi dê cái cứ như vậy nhiều lần thì mang thai, gần 5 tháng sau chú dê nhỏ sẽ chào đời dù không có cha! Những chú dê sinh ra nhờ phương pháp này có hình dáng y hệt mẹ nhưng màu lông lại không giống mà bị ảnh hưởng bởi thời tiết lúc ném mẹ chúng xuống sông: trời sáng thì lông màu trắng, âm u thì màu đen, có mây thì lông thường lốm đốm.

Phạm Thị Thắm (sưu tầm)

(Thượng Hiền, Kiến Xương)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày