Thứ 5, 29/05/2025, 18:19[GMT+7]

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản

Thứ 4, 28/05/2025 | 09:07:56
837 lượt xem
Những ngày qua, các đợt mưa dông, nhiệt độ thay đổi đột ngột đã làm giảm sức đề kháng của các loại thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển. Chính vì thế, để nuôi trồng thủy sản (NTTS) vụ xuân hè thành công, các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường quản lý tại các vùng nuôi, bảo đảm ổn định sản xuất.

Hộ dân xã Đông Minh (Tiền Hải) rắc hóa chất xử lý môi trường ao nuôi tôm.

Ngay từ đầu vụ, trước khi xuống giống, gia đình ông Phạm Văn Tuyết, thôn Đồng Lạc, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) đầu tư gần 15 triệu đồng cho việc nạo vét bùn, vệ sinh ao bằng vôi bột. Cùng với đó, để bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ con giống, ông Tuyết còn lựa chọn các đơn vị cung ứng giống thủy sản có uy tín để mua thả vụ xuân hè. Ông Tuyết cho biết: Tôi thả tôm thẻ trên diện tích 5.000m2. Do gần xã Đông Minh nên ngay sau khi tôm của xã Đông Minh bị bệnh đốm trắng, tôi chủ động phòng, chống bệnh trên diện tích nuôi tôm của gia đình. Ngoài việc xử lý môi trường ao nuôi, chăm sóc tôm đúng kỹ thuật, gia đình tôi còn bổ sung thêm các loại khoáng vi lượng, vitamin C tăng sức đề kháng cho tôm; đồng thời, theo dõi nước trong ao để điều chỉnh mực nước, độ pH cho phù hợp. 

Khác với nuôi tôm, các hộ nuôi cá ít chịu ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng và dịch bệnh hơn. Anh Nguyễn Xuân Tuấn, xã Thụy Trường (Thái Thụy) cho biết: Tôi có 4 sào ao, thả 3.000 con cá vược, khoảng cuối năm sẽ cho thu hoạch. Do NTTS hiện nay phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiên tai, biến đổi khí hậu nên để bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi cá vược, tôi đã triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch như: nâng cao mực nước trong ao, chạy máy sục khí, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. 

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Biển và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Từ đầu năm đến nay, người dân trên địa bàn tỉnh đã nuôi thả thủy sản trên diện tích 15.041ha. Tình hình NTTS đến nay cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn có một số diện tích có thủy sản nuôi bị bệnh, trong đó trên 2 triệu con/104.986m2 nuôi tôm bị bệnh đốm trắng tại xã Đông Minh (Tiền Hải). Ngay sau khi nhận được thông tin từ cơ sở, Chi cục Biển và Thủy sản đã triển khai 7 đợt quan trắc môi trường tại vùng nuôi thủy sản; phối hợp với địa phương lấy 3 mẫu tôm nghi mắc bệnh gửi cơ quan chuyên môn xét nghiệm. Trên cơ sở kết quả dương tính với bệnh đốm trắng của 3 mẫu tôm, Chi cục tăng cường giám sát, hướng dẫn các hộ nông dân xử lý các ao nuôi bị dịch bệnh. Cùng với đó, Chi cục chỉ đạo cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, đẩy mạnh công tác giám sát chủ động, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quy định, hướng dẫn kỹ thuật về phòng, chống dịch bệnh cho người NTTS, khi phát hiện có thủy sản chết, nghi mắc bệnh phải báo cáo với cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở để kịp thời xử lý. 

Bà Lại Thị Bích Hợi, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông ven biển (Trung tâm Khuyến nông Thái Bình) cho biết: Nhiều năm qua, bệnh đốm trắng trên tôm thường xuyên gây thiệt hại ngay từ tháng đầu thả giống vụ xuân hè. Để hạn chế dịch bệnh, các hộ nuôi tôm cần lựa chọn tôm giống bảo đảm rõ nguồn gốc, không nhiễm bệnh và có giấy kiểm dịch của các cơ quan có thẩm quyền; tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật về nuôi tôm thẻ chân trắng, vệ sinh nước ao nuôi định kỳ và chủ động loại bỏ tảo độc trong ao để bảo đảm sức khỏe cho tôm nuôi. Trong quá trình nuôi tôm, cần đặc biệt chú ý đến việc duy trì ổn định môi trường nuôi bằng các biện pháp như: quạt nước, sục khí đáy, xi phông đáy ao, bón vôi để duy trì pH và tăng độ kiềm, dùng chế phẩm sinh học để cải tạo môi trường ao nuôi. Đồng thời, sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao; bổ sung các loại enzym, vitamin, chất khoáng vi lượng nhằm giúp tôm tăng cường khả năng tiêu hóa và sức đề kháng với bệnh. Nguồn nước phải qua lắng lọc, diệt tạp, khử khuẩn trước khi đưa vào ao nuôi. Thường xuyên vệ sinh, khử trùng dụng cụ cho tôm ăn, kiểm tra màu sắc, khả năng bắt mồi, tình trạng sức khỏe của tôm để phát hiện kịp thời. Báo ngay cho cơ quan chức năng khi thấy tôm có dấu hiệu bệnh lý. Nếu tôm bị chết thì tiêu hủy bằng Chlorine nồng độ 40mg/lít. Trong trường hợp tôm chưa chết hết thì tái xử lý Chlorine nồng độ 100mg/lít. Xác tôm chết phải lưu lại trong ao ít nhất 7 ngày cho phân hủy tự nhiên và tiêu diệt mầm bệnh (vì mầm bệnh có thể tồn tại trong nhân tế bào). Sau khi tháo nước, loại bỏ bùn đáy, xử lý vôi với lượng 10 - 15kg/100m2 khi đáy còn ẩm (hoặc bón vôi theo pH đáy ao). Phơi khô đáy, bảo đảm không còn chỗ ẩm cho mầm bệnh ẩn nấp. Những ao gần kề ao nhiễm bệnh không có dấu hiệu bệnh (như giảm ăn, lờ đờ), có thể duy trì bằng cách tăng cường chăm sóc, quản lý nâng cao sức đề kháng cho tôm. Xử lý Iodine 10% ở mức 0,3 - 1mg/lít (lặp lại sau 3 - 4 ngày) hoặc Formalin 70mg/lít (mỗi ngày) hoặc BKC với nồng độ 1mg/lít. 

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản, bên cạnh việc tuân thủ quy trình, kỹ thuật nuôi, các hộ NTTS thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh để kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Tuyệt đối không được xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý hoặc xác thủy sản chết, bị bệnh ra môi trường chung, chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. 

Mạnh Thắng


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày