Thứ 4, 03/07/2024, 03:44[GMT+7]

Hiệu quả vùng nuôi thủy sản nước ngọt tập trung

Thứ 2, 27/03/2017 | 09:53:21
1,669 lượt xem
Những năm qua, việc thực hiện quy hoạch nuôi thủy sản nước ngọt tập trung đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân trong tỉnh.

Sục bùn vệ sinh ao đầm sau thu hoạch.

Với vị trí địa lý và địa hình có nhiều diện tích mặt nước, Độc Lập (Hưng Hà) xác định phát triển nuôi thủy sản theo hướng hình thành các vùng nuôi tập trung là nhiệm vụ trọng tâm. 

Ông Đào Văn Thống, Phó Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Năm 2005 xã quy hoạch xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung tại hai thôn Xuân La và Bùi Xá với 33 hộ sản xuất, tổng diện tích 50ha, trong đó diện tích mặt nước 30ha. Đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống, cá trắm đen, rô phi đơn tính…, sản lượng cá trung bình hàng năm đạt khoảng 350 tấn, giá trị bình quân ước đạt trên 10 tỷ đồng. 

Gia đình ông Nguyễn Phương Nam, thôn Xuân La ra vùng nuôi thủy sản tập trung từ năm 2007, đến nay gia đình ông có 5 ao, diện tích mặt nước trên 2ha. Ông Nam cho biết: Mỗi năm gia đình nuôi 2 vụ cá, bình quân sản lượng hơn 6 tấn/năm, tổng giá trị đạt trên 200 triệu đồng.

Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện các địa phương đã quy hoạch được 17 vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản nước ngọt tập trung với diện tích trên 891ha. Để việc nuôi thủy sản phát triển theo đúng quy hoạch, các địa phương tổ chức công khai quy hoạch, tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát triển sản xuất theo quy hoạch. Tạo điều kiện cho bà con vay vốn đầu tư xây dựng vùng nuôi đồng bộ, hạn chế không để người dân tự phát chuyển đổi vùng nuôi thủy sản phá vỡ quy hoạch. 

Nếu như đối với ao hồ truyền thống, năng suất trung bình đạt từ 3,5 - 4 tấn/ha/vụ thì năng suất nuôi trong vùng chuyển đổi đạt 5,3 tấn/ha/vụ, như vùng nuôi của xã Hồng Tiến (Kiến Xương) đạt 8 tấn/ha/vụ; xã An Thanh (Quỳnh Phụ) đạt 7,5 tấn/ha/vụ… Riêng cá rô phi có năng suất cao hơn, trung bình đạt 8,5 tấn/ha/vụ, một héc-ta nuôi cá rô phi thường thu lãi từ 85 - 90 triệu đồng/vụ, cao gấp 1,2 lần so với nuôi cá truyền thống.

Phần lớn các hộ sản xuất tại các vùng quy hoạch tập trung đều cho rằng, từ khi hình thành các vùng nuôi tập trung, người nuôi thủy sản yên tâm phát triển nghề hơn. Các hộ dân thuận lợi trong việc chia sẻ kinh nghiệm về xử lý nguồn nước, cách phòng trị bệnh cho cá, cách chăm sóc đàn cá cho hiệu quả… Ngoài ra còn có thể hỗ trợ nhau trong việc trông coi bảo vệ an ninh trật tự khu vực nuôi. 

Theo bà Vũ Thị Hoàn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ), việc phát triển nhân rộng vùng nuôi thủy sản tập trung đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng nông sản hàng hóa, thuận lợi trong việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, từng bước tạo ra những sản phẩm đồng đều, bảo đảm chất lượng.

Từ hiệu quả sản xuất tại các vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản nước ngọt tập trung, hiện nay ngành Nông nghiệp đang chỉ đạo Chi cục Thủy sản cùng với các địa phương tiếp tục rà soát và điều chỉnh quy hoạch bảo đảm hợp lý, có biện pháp hỗ trợ nhân rộng các vùng nuôi thủy sản tập trung tại một số vùng thuận lợi về nguồn nước như: An Thanh, An Mỹ (Quỳnh Phụ); Độc Lập, Tân Lễ (Hưng Hà); Hồng Tiến, Bình Thanh, Trà Giang (Kiến Xương); Thái Hồng (Thái Thụy). Đồng thời khuyến khích nông dân phát triển nuôi cá áp dụng theo kỹ thuật bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu. Phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị hoặc liên kết sản xuất thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển bền vững các vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt tập trung, tạo nguồn thu nhập cao, ổn định cho người nuôi trồng.


Mai Thư 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày