Chủ nhật, 07/07/2024, 19:12[GMT+7]

Thủy rực chi mưu

Thứ 2, 18/10/2021 | 10:19:47
2,556 lượt xem
Vua Tiền Lý (Lý Nam Đế) khi thả neo, ngưng thuyền trước ba quân, giữa vùng đất ba mặt sông, một mặt biển, phía Tây là dòng sông Cái, nước sâu ngàn trượng, rộng ngàn tầm (thường gọi là Trường Giang, Đại Hoàng Giang, nay là sông Hồng), phía Bắc là dòng Bạch Lãng (Tiểu Hoàng Giang, nay là sông Trà Lý), xa xa phía Đông là dòng Đức Cương (sông Tiên Hưng) và Đông Nam là đầm Văn Lãng, Ngoại Lãng (nay là xã Song Lãng, huyện Vũ Thư) sóng nước mênh mông, cạnh đó là những cánh rừng Búng, Báng ngút tầm mắt, còn gọi là Cự Lâm (nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư) với rừng Dạ Thanh ngập nước ngàn dặm, lạch nước ngang dọc như mắc cửi, ông nghĩ “há phải đây là địa đồ quân sự trọng yếu nhử giặc Lương vào thế cùng, lực kiệt để tiêu diệt”...

Thời Trịnh - Mạc (1539 - 1592) phân tranh, dân làng Thần Hậu siêu tán không còn ai, khi sóng yên, biển lặng dân tìm về làng nên gọi là Hậu Tái, sau chia thành Hậu Trung, Hậu Thượng.

Sách “Long Hưng thần tích” có viết về các vị thần thời Hùng Vương ở đất Long Hưng đều thạo sông nước và có “tài sai khiến” các loài thủy quái ở sông giúp vua Hùng đánh thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. 

Theo các tài liệu khảo cứu, đất đai vùng Nam Chu Diên (Thái Bình nay) như một hòn đảo lớn nằm giữa sông và biển, phía Bắc và Đông Bắc là dòng Nông Kỳ (sông Luộc) và sông Hóa, phía Tây Nam là dòng Đại Hoàng Giang (sông Hồng), phía Nam giáp biển. Nội đồng chằng chịt sông ngòi mà tiêu biểu là dòng Trà Lý, Tiên Hưng, Diêm Hộ, Cô... đặc biệt sông Trà Lý (Tiểu Hoàng Giang) như dải lụa chảy từ Tây sang Đông chia đất Thái Bình thành hai nửa, phía Bắc là Châu Đằng, phía Nam là Châu Đặng. Đến thời vua Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa triều) đổi Châu Đằng thành phủ Thái Bình. 

Các nguồn sử liệu cũng cho biết cuộc dấy binh chống giặc Lương xâm lược của Lý Bí thành công cũng nhờ thế mạnh sông nước Thái Bình và đặc biệt là tinh thần trung quân ái quốc của cư dân vùng sông nước này. 

Theo sách “Lưu Đồn phả ký” có ghi chép về chiến thuật quân sự nhà Trần trong hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã thực hiện chiến thuật “Khởi thủy phương, triệu thủy phương” nghĩa là lấy sông nước làm thế trận đánh giặc và khi rút quân cũng theo đường sông nước mà rút ra biển cả.

Lý Nam Đế (503 - 548), người hương Thái Bình, dựng nước Vạn Xuân, lấy Cổ Trai (Hồng Minh, Hưng Hà) làm cứ địa liền huy động quân sĩ và dân sở tại xây dựng thành lũy tại vùng cửa sông Tiểu Hoàng Giang nhằm giữ vùng đất ngã ba sông chiến lược quan trọng bậc nhất vùng Nam Chu Diên (Hưng Yên và Thái Bình nay) gọi là Lũy Hồ. Thành lũy vua cho xây đắp đối ngạn với hồ nước giữa hai làng Phương Tảo và An Để nối từ cửa sông vào tận làng An Để (kết quả điền dã cho thấy vẫn còn “sống” đất của thành lũy cổ xưa dài khoảng 300m, đào xuống một vài thép mai thấy nền móng bằng vỏ sò trộn lẫn đất sét màu vàng, bên trên nền móng là lớp thân lũy còn sót lại cũng bằng đất sét). 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, qua các tài liệu Hán Nôm và dấu tích khảo tả ở hai thôn Hương Lão 2, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư “ngờ” rằng đây chính là đồn lũy của vua Tiền Lý xây dựng.

Câu ca: “Gạo Lộc Điền, tiền làng Búng, thúng làng Roi, ngòi Thanh Bản” chính là sự tổng kết của dân gian về một thời vàng son, oanh liệt xây dựng căn cứ địa kháng chiến của vua Tiền Lý ở đất Thái Bình. Cách không xa làng An Để là Tây Để nơi ở của Hoàng hậu Đỗ Thị Khương, dân làng Tây Để vì có Hoàng hậu Đỗ Thị Khương mà “có lộc” nên để tưởng nhớ Hoàng hậu, dân gian đổi tên làng thành Hữu Lộc. Đối diện Hữu Lộc bên kia dòng Bạch Lãng (Trà Lý) là Thần Hậu, trang ấp vua ban cho Hoàng hậu Đỗ Thị Khương. 

Sách “Tiên Hưng phủ chí” chép rằng: Triệu Quang Phục (tướng của Lý Nam Đế) vâng mệnh chủ đóng quân ở đây (làng Thần Hậu). Theo các nguồn khảo luận, vùng đất Tây Nam huyện Hưng Hà, Đông Hưng và Bắc huyện Vũ Thư là một dải đất liên hoàn có nhiều đồn quân, kho lương của Lý Nam Đế trong cuộc khởi nghĩa chống nhà Lương năm 541. 

Kết quả điền dã cho thấy, cạnh Hậu Tái (Hậu Trung, Hậu Thượng) là làng Bơn nay còn đền thờ Lý Nam Đế và còn dấu tích cầu Quân (tương truyền thời xa xưa nơi đây nhiều lạch, ngòi nước nên vua cho dựng cầu cho quân lính đi qua) giữa làng Hậu Tái và làng Bơn. Nơi đây còn dấu tích của đống Bắn (truyền ngôn, nơi đây là trường bắn tập của quân sĩ nhà Tiền Lý), cạnh làng Bơn là làng Quán Xá, nơi quân sĩ nhà Tiền Lý nghỉ ngơi và có thể mua bán, trao đổi hàng hóa cũng như giải trí. Cách làng Bơn không xa là Bá Thôn, đình Bá Thôn thờ Lý Nam Đế, trong đình còn bức đại tự ghi: “Vạn Xuân Đế từ” nghĩa là: “Nơi thờ vua Lý Nam Đế”. Đi tiếp sang hướng Đông Nam, ôm ấp giữa dòng Tiên Hưng và Trà Lý là làng Vòi nơi đặt quân lương của của Lý Nam Đế, dân làng Vòi có công lao trữ tích lương thảo, cất giấu quân lương và canh giữ bảo trì lương thảo cho vua, vua cảm kích tấm lòng trung quân của nhân dân làng Vòi liền tặng dân làng chén vàng (kim bôi), dân làng cảm tạ ân đức vua ban liền đổi tên làng thành Kim Bôi. Sử cũ chép, trong những năm tháng bí mật và gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa, nhân danh “Tù trưởng Chu Diên” hợp pháp, Triệu Túc (470 - 555) là bậc lão tướng quân của Lý Bí, ông đã giữ mối quan hệ yên hàn với chính quyền đô hộ tạo lá chắn “cheo mắt” bọn giặc Lương tàn bạo để Lý Bí và con cháu nhà Lý cùng thủ lĩnh các nhóm quân quy tụ dân xiêu tán vùng hạ lưu Chu Diên tích cực cấy trồng lúa ngô, tích trữ lương thảo, rèn vũ khí, dựng thành lũy, luyện binh sĩ trong vòng kiểm tỏa an toàn của quân Lương. Khi nhận tin báo Lý Bí dấy binh khởi nghĩa, Triệu Túc đem quân chi viện cho Lý Bí khiến quân Lương bất ngờ, Thứ sử nhà Lương đô hộ nước ta là Tiêu Tư không đường xoay xở đành cúi đầu xin tạ ơn tha cho mạng sống chạy thục mạng về phương Bắc. 

Truyền ngôn, trong những trận chiến không cân sức giữa nghĩa quân của Lý Bí trên mạch nguồn sông nước vùng Nam Chu Diên (huyện Hưng Hà, Đông Hưng và Vũ Thư nay) có một lần Lý Bí và nghĩa quân bị quân giặc bao vây, thế giặc quá mạnh nên thuyền chiến của Lý Bí bị hư hại, lúc đó thuyền buôn tơ lụa của nhà Đỗ Công, một hào trưởng giàu có ở hương Màn Để (nay là Hiệp Hòa, Vũ Thư) đang lưu thông trên sông, Đỗ Thị Khương, ái nữ nhà Đỗ Công thấy thuyền của nghĩa quân Lý Bí đứt quai chèo, bà liền lấy tơ lụa của mình thả xuống dòng sông, nghĩa quân vội vớt tơ lụa quý giá đó kết thành quai chèo kịp ứng cứu phò Lý Bí vượt qua cơn hiểm nguy. Khi thắng trận, Lý Bí sai người dò la tin tức tìm bằng được người thôn nữ buôn tơ lụa vì nghĩa lớn mà hy sinh của cải, để tạ ơn. 

Sông nước vùng quê ven sông đã bao lần giúp vua Lý đánh thắng giặc Lương, nay sông tơ lại một lần nữa cứu vua khỏi cơn binh đao, khói lửa. Ơn sâu nghĩa nặng ấy lại cho Lý Bí bén duyên với ái nữ nhà Đỗ Công. Bức tranh Lý Nam Đế bên Hoàng hậu Đỗ Thị Khương trong “Miếu Vạn Xuân” thuộc làng An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư là minh chứng sống động cho mối tình “ân sâu nghĩa nặng” này.

Thời Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa chống quân Nam Hán đã cổ súy các tướng lĩnh ở vùng đất nam sông Luộc, vốn là dân sống bên sông, bên biển nên thạo nghề sông nước. Hợp binh về với Hai Bà bằng con đường sông nước và chiến đấu trên sông nước, khi lui binh (khởi nghĩa thất bại), các tướng lĩnh cùng nghĩa binh cũng theo sông nước mà rút về. Lý Tử Tấn (thời nhà Lê) đã viết: Đất đai lộ Long Hưng, Thần Khê, Kiến Xương, Thư Trì... sông ngòi chằng chịt như mạng nhện, cưỡi một chiếc thuyền, bỏ chỗ nọ, đến chỗ kia chẳng ai còn biết lối mà tìm.

Quang Viện 

  • Từ khóa