Chủ nhật, 07/07/2024, 19:17[GMT+7]

Địa linh sinh ngọc nữ

Thứ 2, 22/11/2021 | 09:26:33
2,439 lượt xem
Truyền ngôn, thuở ấy ở làng Sang, tổng Y Đún có người quả phụ làm gia nhân nhà họ Phạm làng Đô Kỳ, một hôm ra đồng cấy lúa ngày gió lạnh, trúng phong mà chết, mối đùn thành mồ. Có thầy địa lý đi qua trông thấy nấm mộ mối đùn, liền phán một câu: “Tường vân báo nguyệt, địa phát nữ tôn, kiếm ấn cư khôn, đại phát nữ tôn, nữ tàng vi hậu”. Quả nhiên, người con gái của bà Sang được nhà họ Phạm nhận làm con nuôi, lớn lên xinh đẹp gả cho nhà họ Đinh vốn làm gia sư nhà họ Phạm, đẻ ra Đinh Tôn Nhân khai quốc công thần triều Lê.

Đốc hồ, Mão Diệc, Kiều Thần làng, xã Song An, huyện Vũ Thư, nơi vua Lê Thánh Tông sắc chỉ làm nơi thờ phụng Càn Bà vương và Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

Chuyện kể rằng, vào triều Trần, ở làng Đún, tổng Y Đún, phủ Tân Hưng (nay là làng Đô Kỳ, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà) có ông Đinh Thỉnh văn hay, chữ giỏi. Đinh Thỉnh vốn là nho sinh quê Ái Châu (nay là Thanh Hóa) vì quê nghèo nên tìm đến nhà họ Phạm làm nghề gia sư kiếm sống. Cũng ở nhà họ Phạm có người quả phụ ở làng Sang kế bên làm gia nô tá túc nuôi con, không rõ tên “cúng cơm”, chỉ quen gọi bà Sang. Một hôm, bà Sang đi cấy lúa trên cánh đồng Ngày, bỗng trời nổi cơn giông gió, bà Sang rét cóng cố leo lên gồ cao không ngờ gặp cơn gió độc, bà gục chết trên gò. Gò ấy giờ thuộc thôn Đa Phú, xã Tây Đô. 

Tối hôm đó nhà họ Phạm không thấy bà Sang về nhà, sáng hôm sau mọi người tìm thấy thi hài bà Sang ở gò cao trên cánh đồng Ngày nhưng mối đã xông thành mồ. Thương cảnh bà Sang, nhà họ Phạm nhận nuôi đứa con gái của bà, đặt tên là Gái. Gái càng lớn càng xinh, được nhà họ Phạm giáo dưỡng, Gái vẹn tròn tứ đức. Đinh Thỉnh làm gia sư cho nhà họ Phạm đem lòng thầm thương, trộm nhớ, “Phạm gia” thông hiểu ý tứ đôi đường liền hứa gả con gái nuôi cho Đinh Thỉnh. Ngày tháng thoi đưa, đám cưới con gái nuôi nhà phú ông họ Phạm được cử hành nức tiếng gần xa, chẳng bao lâu đôi uyên ương hưởng trái ngọt, một hài nhi nam tử ra đời, họ Phạm vô cùng phấn khởi, Đinh Thỉnh đặt tên con là Đinh Lan, tự là Tôn Nhân.

Truyền ngôn, cùng thời ở làng An Lão, tổng An Lão (nay là làng Kiều Thần, xã Song An, huyện Vũ Thư) có cháu trai Thái uý Trần Nhật Duật sinh hạ được công nương đặt tên là Trần Thị Ngọc Huy xứng danh “lá ngọc, cành vàng”. Thấy Đinh Tôn Nhân sáng láng, tài trí hơn người liền cho người “đánh tiếng” gả công nương cho. Thời điểm bấy giờ, nhà Minh áp đặt ách đô hộ hà khắc, khắp nơi nghĩa quân nổi dậy, xứ Thanh có Lê Lợi hào kiệt chiêu binh mãi võ khắp vùng. Nghe tiếng vậy, Đinh Thỉnh liền kéo Đinh Tôn Nhân đi tìm minh chủ. Vào xứ Thanh, Đinh Thỉnh và con trai xin làm quản gia nhà Lê Khoáng, thân phụ Lê Lợi, thấy người em gái Lê Lợi là Lê Thị Ngọc đẹp người, đẹp nết Đinh Tôn Nhân đem lòng yêu. Lê Lợi thấy em gái mình với Đinh Tôn Nhân đẹp đôi, vừa lứa liền xin cha gả em gái cho Tôn Nhân. Đinh Tôn Nhân kết duyên với Lê Thị Ngọc sinh ra Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ. Đinh Lễ lớn lên gia nhập đội quân dưới sự chỉ huy của Lê Lợi chống lại nhà Minh. Đinh Lễ có người con gái là Đinh Thị Ngọc Kế. Khi Đinh Lễ tử trận, Đinh Thị Ngọc Kế về ở với hai chú là Đinh Liệt và Đinh Bồ. 

Bấy giờ, quản gia nhà họ Lê xứ Thanh là Ngô Từ thấy Đinh Thị Ngọc Kế xinh đẹp, nết na, tứ đức vẹn tròn đem lòng yêu thương, đưa về làm chính thất phu nhân. Phu nhân Ngô Từ đảm đang, tài tề gia chẳng kém bậc tu mi, ra sức giúp chồng cai quản đồn điền đại quân, tích trữ lương thảo, cung cấp binh lương cho khắp các trận tiền khiến quản gia Ngô Từ được Thái tổ phong vượt cấp Thái uý Chương Khánh Công, Diên ý Dụ vương (ngang với Thái tử). Đinh Thị Ngọc Kế được tấn phong Quốc Thái Phu nhân Càn Bà vương. Theo các nguồn khảo luận, khi Dụ vương Ngô Từ được triệu về kinh cùng vua lo toan việc nước, Quốc Thái Phu nhân Đinh Thị Ngọc Kế đưa hai con gái là Ngô Thị Xuân và Ngô Thị Ngọc Dao cùng cháu trai Đinh Công Thái về quê ngoại làng An Lão để phụng thờ tổ mẫu Trần Thị Ngọc Huy đồng thời chăm sóc ruộng đất thế tập của Đinh Lễ.

Truyền ngôn, quốc mẫu kế nghiệp họ Trần làng An Lão giúp dân dựng nhà, xây đình, bắc cầu, mở chợ coi người lân ấp như ruột thịt, lấy đạo “Tam tòng - Tứ đức” dạy bảo con cháu lại lo toan cho Đinh Công Thái học hành hiển đạt sau lập công lớn với triều đình. Hai quận chúa lớn khôn, xinh đẹp, “công, dung, ngôn, hạnh” vẹn tròn, Ngọc Dao được Thái Tông chọn làm cung phi. Dân gian thuở đó vẫn ngẫm xem lời phán “tiên tri” của thầy địa lý năm nào trước mồ bà Sang bị mối xông có linh ứng: “Tường vân báo nguyệt, địa phát nữ tôn, kiếm ấn cư khôn, đại phát nữ tôn, nữ tàng vi hậu” nghĩa là: “Mây lành trăng sáng/Đất phát cho cháu gái/Ấn kiếm thuộc nữ nhân/Cháu gái hiển đạt/Chắt gái trở thành hoàng hậu sinh ra vua sáng” thì quả nhiên, lời tiên tri đó thành sự thật. Hoàng phi Ngô Thị Ngọc Dao sinh thái tử Lê Tư Thành, dù khi thai nghén, trở dạ luôn bị hoàng hậu Nguyễn Thị Anh rắp tâm hãm hại, sau gặp loạn Nghi Dân nhưng thái tử Lê Tư Thành vẫn được hoàng phi Ngô Thị Ngọc Dao với sự trợ giúp của cậu Đinh Liệt mà giữ toàn sinh mạng về sau lên ngôi hoàng đế (Lê Thánh Tông), vị vua anh minh nhất trong gần 400 năm vương triều Lê. Hoàng phi được tấn phong Quang Thục Hoàng Thái hậu.

Sau khi Đinh Quốc Thái mất, vua lấy đất Mão Diệc, thôn Kiều Thần, tổng An Lão để xây mộ lớn. Xứ lăng mộ đó là đất cấm, cho sửa sang làm nơi Quốc Thái thờ phụng. Năm 1496, Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao qua đời, vua Lê Thánh Tông vô cùng thương xót, thân khâm liệm, làm chủ tế, lập đền thờ ở An Lão để thờ Quốc Thái và Quang Thục Hoàng Thái hậu. Bia ký tại đền thờ “Tam quốc công” còn ghi: “Đến đời Lê Trung Hưng, con cháu công thần họ Đinh là Đô chỉ huy đồng tri, quý hầu Lê Công Vinh (tức Đinh Thế Vinh) và Lê Công Nghị (Đinh Công Nghị) “Khâm sắc chỉ” nhà vua phụng thờ Đốc hồ điện. Thánh Mẫu, Hoàng Thái hậu các tôn vị cùng 4 lăng sở. Kính vâng mệnh vua chuẩn cấp tế điền ở xã An Lão, thổ trạch nội điện trong khu trồng cấy là 9 mẫu… cộng ruộng các nơi và thổ trạch nội điện là 22 mẫu 9 sào, con cháu họ Đinh nhận cày cấy dùng vào việc tế lễ ngày sinh, ngày mất, hương hỏa 4 mùa, tám tiết năm thờ cúng theo đúng nghi lễ”.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Thuận Thiên năm đầu. Triều đình luận công khen thưởng Đinh Liệt là một trong những “Đệ nhất công thần khai quốc”, sau đó ông được giữ chức Thái phó giúp vua Thái Tông trị nước. Sau sự kiện Thái Tông đột tử ở Vườn Vải (Lệ Chi Viên), Đinh Liệt bị Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh (mẹ của Nhân Tông) bắt giam 3 năm. Khi ấy Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh biết bà Ngọc Dao đang có thai sinh ghen ghét tìm cách hãm hại. Đinh Liệt cùng Nguyễn Xí ngầm đưa bà Ngọc Dao chạy về quê ngoại Y Đún. Trên đường về, đến làng Mậu Lâm, huyện Thần Khê thì bà Ngọc Dao chuyển dạ mà mãi không sinh hạ được. Lo sợ triều đình đuổi theo, bà Ngọc Dao cho thắp hương cầu trời Phật. Bài khấn ấy đến nay vẫn còn truyền tụng: Có phải con mẹ con cha/Thì sinh ở đất Diên Hà Thần Khê/Nhược bằng bác mẹ chẳng sinh/Thì quăng ra đất vạn ninh cho rồi (Đất vạn ninh được cho là bãi tha ma theo cách gọi dân gian). Lời khấn vừa dứt thì bà Ngọc Dao sinh hạ một bé trai (vua Lê Thánh Tông sau này).

Quang Viện