Chủ nhật, 07/07/2024, 18:37[GMT+7]

Trầm tích bên sông

Thứ 2, 13/12/2021 | 09:05:15
2,928 lượt xem
Những năm 2000, không riêng các nhà nghiên cứu văn hóa mà dư luận cũng đặt nhiều dấu hỏi về việc người dân ven sông Hồng thuộc tỉnh Thái Bình đào được 2 chiếc trống đồng Đông Sơn có niên đại hơn 2.000 năm. Những dấu hỏi vẫn chờ các nhà nghiên cứu chứng minh về khảo cổ học ở một tầm rộng lớn hơn về mảnh đất “ven bờ cuối bãi” có phải đã hình thành cách ngày nay hơn 2.000 năm.

Chùa Còng, còn gọi là chùa Đống Lãm, chùa Phụng Công, xã Minh Tân, huyện Hưng Hà - nơi phát lộ trống đồng Đông Sơn năm 2000.

Các bậc cao niên làng Còng cũng kể lại, từ xa xưa người dân làng Còng vẫn lưu truyền truyền thuyết lợn vàng “Tàu để của” cùng song song tồn tại với những tên nôm làng cổ xung quanh như làng Hà, Điềm, Diêm, Địa... cùng xứ Đống Trâm thuộc xã Minh Tân. Xung quanh khu vực phát hiện trống đồng cổ, mấy chục năm trước, người dân còn đào được nhiều di vật cổ như kiếm sắt, bạc hoa xòe... 

Theo thống kê của tác giả Nguyễn Ngọc Chương (Cục Bảo tồn Bảo tàng) trong bài “Về tình hình phân bổ các di tích lịch sử thuộc thời các vua Hùng” sách Hùng Vương dựng nước tập IV trang 127: “Thái Bình có 244 di tích thờ các vị thần thời Hùng Vương đến thời Triệu Đà (trong khi đó 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ nội Văn Lang cũng chỉ cộng được 432 di tích. Địa bàn Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) chỉ có 164 địa điểm. Tác giả khẳng định Thái Bình là tỉnh có mật độ thờ công thần thời Hùng cao nhất cả nước”. Các di chỉ khảo cổ thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa có dịp khai lộ, năm 2000, trong lúc đào đất làm gạch, người dân làng Còng (xã Minh Tân, huyện Hưng Hà) đã vô tình tìm được 2 trống đồng có niên đại trước Công nguyên 500 năm, đó là một hố nhỏ ở độ sâu 0,5m trên mảnh đất ven sông Hồng đã gặp trống đồng, đào thêm 0,5m để lấy trống, khảo thêm 0,3m tìm được những di vật gốm Đường Cồ sớm, tầng văn hóa còn dày, sâu, chưa có khả năng khảo sát tiếp.

Trước đó, năm 1960, giới khảo cổ học Việt Nam cũng đã từng sửng sốt khi những người dân làng Lường, xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ khi tát cạn ao và tiến hành nạo vét cũng vô tình phát hiện những mũi tên đồng và nhiều đồ đồng được xác định giống như đồ dùng bằng đồng khai quật ở thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Những hiện vật bằng đồng đó gợi cho các nhà nghiên cứu văn hóa về vùng đất phía Tây Bắc tỉnh ta bao gồm các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ đã tồn tại cách ngày nay hơn 2.000 năm, đặc biệt sự xuất hiện của 2 chiếc trống đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn cách ngày nay hơn 2.000 năm cùng với những mảnh vỡ của gốm Đường Cồ sớm đã nhen nhóm lên niềm hy vọng để khẳng định bề dày trầm tích của mảnh đất ven bờ cuối bãi này. Các nhà nghiên cứu văn hóa khi khảo cứu về Thái Bình đã thống nhất nhận định vào thời đại đồng thau, nhất là giai đoạn cuối thời Hùng Vương, khi người Lạc Việt xuống đồng bằng, dòng cư dân đã xa rời hang động hoặc ở nhà sàn, lấy hái lượm và săn bắn làm nguồn “thu nhập” theo dòng chảy của các con sông, họ hòa vào môi trường sông nước, “giao chạ” với “người ở thuyền” thuộc nhóm “Nam Á cổ”, thậm chí cả dòng Mêlanêdiêng vùng hải đảo đang đánh cá ở cửa sông, ven biển. 

Trải ngàn năm, người Việt - Mường cổ, người Tây Âu Việt cổ đã “phai nhạt” sắc màu và người Đãn, người Thán Sín (thậm chí cả người Lê ở đảo Hải Nam, người Chà Và Inđônêxia) nhập vào nội đồng cũng không còn là người trên rừng nữa, về với vùng sông nước nhưng không thường xuyên “ở thuyền”, ở “long hộ”. Cộng đồng dân đồng bằng vừa phải biết trồng trọt vừa phải biết đánh cá, mò cua bắt ốc. Hoàn cảnh tự nhiên đồng trũng, người dân cấy lúa nước, đêm lội sông, ngày lội ruộng, tuy không hoàn toàn “sống ngâm da, chết ngâm xương” như người “ở thuyền”, song cũng không phải dân Việt cổ lưng thắt dao, thạo trèo cây, leo núi thoăn thoắt nên tên nhiều cánh đồng với những càn Sớ, đống Nu, đống Nống, đồng Sang, đồng Sẻ, làng Nguộn, làng Tịp, làng Tuộc, làng Và... vẫn còn lưu giữ đâu đó trên địa bàn tỉnh ta. Bởi họ suốt ngày phải bấm 5 đầu ngón chân xuống đất, phải xòe ngón chân khi vượt đường trơn, khi dẫm ruộng lầy để hình thành cái mà sử sách Trung Hoa gọi là “người Giao Chỉ”, chủ nhân duy nhất vùng châu thổ, đại diện tiêu biểu cho cộng đồng Bắc Việt Nam (danh từ người Giao Chỉ được đặt từ thời thuộc Hán khoảng 110 trước Công nguyên đến 226 sau Công nguyên).

 Nhưng cộng đồng người đồng bằng được các dân tộc miền núi gọi là Keo - Kinh, tiền thân của Giao Chỉ thì ít nhất có từ trung kỳ đồ đồng và Thái Bình là một trong những địa chỉ quan trọng tạo thành đặc thù “người Giao Chỉ”. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng viết trong bài: “Đất nước, con người và văn minh Việt Nam thời cổ” sách Hùng Vương dựng nước tập IV trang 93 cho rằng: Người Giao Chỉ là xuất phát từ khái niệm “người ở nước Long Hộ”; “Giao nhân” chèo thuyền giỏi, vượt biển thạo, họ thờ Giao Long - tiền thân của Thủy Tinh đời Hùng”. Theo gợi ý của cố Giáo sư, dù hiểu theo cách nào thì yếu tố “Giao Chỉ” cũng rất đậm trong cộng đồng cư dân Thái Bình.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, khái niệm văn hóa Đông Sơn bao trùm các di tích khảo cổ học phân bố chủ yếu khu vực sông Hồng và sông Mã (Thanh Hóa); theo đó, văn hóa Đông Sơn là tên địa điểm phát hiện di chỉ khảo cổ học năm 1924 bên bờ phải sông Mã cách Hàm Rồng khoảng 1km, được đặt tên cho giai đoạn phát triển văn hóa vật chất ở nước ta được phân thành hai giai đoạn: giai đoạn I thuộc nửa đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên thời kỳ Hùng Vương. Giai đoạn II được tính từ cuối thời kỳ Hùng Vương cho đến đầu thiên niên kỷ I thời kỳ khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trống đồng là loại hình văn hóa vật chất tiêu biểu của chủ nhân văn hóa Đông Sơn vì nó được tìm thấy đầu tiên ở Đông Sơn (Thanh Hóa). Hai chiếc trống đồng được người dân là Còng (hay còn gọi là làng Phụng Công), xã Minh Tân (Hưng Hà). Có nhiều người đặt câu hỏi trống đồng Đông Sơn tồn tại trong lòng đất làng Còng bao nhiêu năm và lịch sử vùng đất tỉnh ta có trùng khớp thời gian tồn tại của trống đồng hay không?

Địa điểm phát hiện 2 chiếc trống đồng là vị trí trước cửa chùa làng Còng, hay còn gọi là chùa Đống Lãm, theo các bậc cao niên của làng thì vị trí phát lộ 2 chiếc trống được đặt ngay ngắn trước cửa Đức Ông của chùa. Thời xa xưa, ngôi chùa có tòa đại bái to và có kiến trúc cổ hoành tráng. Những năm giặc Pháp xâm lược đã phá hoại làm hư hại nặng, đến những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX tòa đại bái bị phá dỡ, nhiều người có ý kiến di dời chùa đi chỗ khác nhưng “xin đài” thì Đức Ông không cho đi và thế là ngày phát lộ 2 chiếc trống đồng đã làm sáng tỏ điều mà tín đồ, Phật tử nơi đây vẫn cho là linh ứng mà “Đức Ông” muốn ở lại trông giữ trống đồng. Vị trí phát lộ trống đồng cách chân đê tả sông Hồng khoảng 10m về phía Đông, ở độ sâu 58cm so với mặt đất canh tác và cách chùa 10m về phía Tây (chùa tọa Đông, hướng Tây).

Các nhà nghiên cứu văn hóa và khảo cổ học trong và ngoài nước đã có nhận xét sơ bộ về 2 chiếc trống đồng phát hiện dưới lòng đất làng Còng, xã Minh Tân (Hưng Hà) là minh chứng khảo cổ học đồng nhất với bề dày lịch sử vùng đất bởi vùng phân bố di vật rất rộng trên tầng văn hóa rất dày cộng với chất liệu đất có chứa trong lòng trống cũng như than, xỉ và nhiều vật liệu khác còn lẫn với trống cho biết quá trình định cư lâu dài của chủ nhân trống và vùng đất là từ 2.500 - 2.000 năm và khẳng định nơi phát lộ trống đồng thuộc chùa Đống Lãm (làng Còng) là di chỉ khảo cổ học thuộc tầng văn hóa Đông Sơn trên đất Thái Bình.

Quang Viện