Chủ nhật, 07/07/2024, 19:24[GMT+7]

Đoản binh chế trường trận

Thứ 2, 20/12/2021 | 08:23:09
7,950 lượt xem
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: Đất Long Hưng đã được các vua Trần coi là đất tổ, các quân dân vùng Long Hưng cũng được nhà Trần xem là con em thân thuộc đã được sung vào quân “Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh, Củng Thần bên trong”. Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn từng nói: “Quân số cốt phải tinh nhuệ, không cần nhiều, cứ xem như Bồ Kiên có hàng trăm vạn quân cũng không làm gì được”. Binh pháp của Hưng Đạo Đại vương đã chỉ rõ: “Lấy đoản binh để chế trường trận, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh…”.

Cụm di tích đền, chùa Đầu, khu Đầu - Thị An, thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà) - địa bàn được xác định là nơi giao chiến ác liệt giữa quân đội nhà Trần với quân Nguyên Mông ở thế kỷ XIII.

Trong những năm chuẩn bị kháng chiến chống quân Nguyên Mông đã có những cuộc diễn tập lớn như cuộc thao diễn thủy bộ năm 1283 và cuộc đại duyệt binh năm 1284. Chỉ huy quân đội, từ cấp quân trở lên đều là người tôn thất họ Trần. Các tướng chỉ huy tôn thất đều phải qua học tập quân sự ở giảng võ đường. Trần Quốc Tuấn đã soạn ra bộ “Binh thư yếu lược” để huấn luyện cho tướng sĩ. Học tập binh pháp là nhiệm vụ bắt buộc cho mọi tướng sĩ. Bộ “Binh thư yếu lược” này gồm 33 mục, là một bộ binh pháp rất có giá trị, nói nhiều về kinh nghiệm, những quy luật về tổ chức và thực hành các phương thức tác chiến trên các loại địa hình. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: “Bính Ngọ năm thứ 15 (1246), mùa xuân, tháng hai định các quân. Chọn người khỏe mạnh sung làm quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần…”. Quân “Tinh Cương” là quân tuyển mộ những người trong làng Tinh Cương, phủ (lộ) Long Hưng do Thái uý Trần Nhật Hạo (Hiệu) làm thống lĩnh.

Sử thần Ngô Sĩ Liên viết: Nhà Trần rất chăm lo, chú trọng đội quân cấm vệ. Thống lĩnh các đội quân ấy là những vương hầu, quý tộc nhà Trần hoặc các tướng giỏi tin cẩn. Tướng Phạm Ngũ Lão quản quân Thiên Thuộc, phủ Long Hưng “Kỷ Hợi (1269), lấy Phạm Ngũ Lão làm Thân vệ tướng quân kiêm quân quản Thiên Thuộc phủ Long Hưng”; Nguyễn Khoái quản quân Thánh Dực “Mậu Tý (1288), tháng 3 ngày mùng 8, quân Nguyên hội ở sông Bạch Đằng để đón thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ nhưng không gặp, Hưng Đạo Vương đem quân đánh, giặc thua to. Nguyễn Khoái đem quân Thánh Dực nghĩa dũng đánh nhau với giặc, bắt được Bình Chương là Áo Lỗ Xích…”. 

Các nguồn khảo luận cho biết, hai lần xâm lược Đại Việt bị thất bại, chỉ huy quân Nguyên Mông cho là do chuẩn bị hậu cần không chu đáo nên khi tiến hành chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ ba (1288), Hoàng đế nước Nguyên là Hốt Tất Liệt đã cho chuẩn bị chiến tranh “chu đáo” hơn. 

Sử cũ chép, Hốt Tất Liệt hạ chiếu phát quân Mông Cổ và quân Hán ở ba tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng 7 vạn người, 500 chiến thuyền, cùng 7.000 binh ở Vân Nam, 1 vạn 5.000 lê binh ở bốn châu (Nhai, Quỳnh, Đạm, Vạn) và quân của các châu khác, đưa tổng số quân lên đến 30 vạn lại sai Vạn hộ Trương Văn Hổ chở 17 vạn thạch lương dưới sự tổng chỉ huy của Trấn Nam Vương Thoát Hoan đem quân tràn sang xâm lược nước ta. Đứng trước thế giặc quá mạnh, nhà Trần đã chuẩn bị khá chu đáo cả tinh thần lẫn lực lượng cho cuộc kháng chiến, “Bộ chỉ huy” kháng chiến nhà Trần đã chủ trương và dùng phục binh ngăn chặn cuộc tiến công của đại binh giặc càng lâu càng tốt đồng thời sử dụng kế sách “thanh dã” bỏ ngỏ kinh thành tạm lui về miền đất Long Hưng chờ thời cơ tổng phản công chiến lược. Kế sách “thanh dã” chống lại các cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn của vua chúa phong kiến phương Bắc bảo vệ thành công nền độc lập, tự do của dân tộc.

Xem lại sử sách, ba cuộc tiến quân xâm lược Đại Việt (1258, 1285 và 1288), quân Nguyên Mông đều nhắm tới kinh thành Thăng Long làm mục tiêu chủ yếu. Chiếm được Thăng Long, quân Nguyên Mông vẫn không thể hoàn thành chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” và chúng cũng không diệt được đại quân ta, không bắt được vua Trần. Hốt Tất Liệt chủ quan với đội kỵ binh thiện chiến có sức đột kích nhanh và mạnh, chúng nghĩ chúng có thể đánh tan được đại quân nhà Trần như đã từng làm với những quốc gia bị chúng xâm lược trước đó ở châu Âu, Bắc Á và sát cạnh là nhà Tống (Trung Quốc). Quân Nguyên Mông hoàn toàn bị hẫng hụt khi Thăng Long mà chúng chiếm được chỉ là một kinh thành trống rỗng không thấy bóng người, chỉ còn lại mấy tên sứ giả của nhà Nguyên bị trói nơi cửa khuyết. Kế sách “thanh dã” mà triều Trần tiến hành trong ba cuộc kháng chiến chống xâm lược ở thế kỷ XIII đã thể hiện thế mạnh cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện.

Sử cũ chép, xâm lược Đại Việt lần thứ nhất (năm 1258), quân Nguyên Mông chiếm được thành Thăng Long không khó khăn nhưng chỉ gặp cảnh “vườn không, nhà trống”, quân và dân nhà Trần không ngừng tiến hành những trận đánh ngày đêm tập kích và phục kích đồn trại giặc, đột nhập, đốt phá các kho lương, kho cỏ ngựa của giặc. Rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, tướng giặc là Ngột Lương Hợp Thai không có cách gì hơn là định ngày lui quân. Biết giặc đã vào thế cùng quẫn, nhà Trần tận dụng thời cơ, tiến hành tổng phản công, đánh mạnh vào doanh trại giặc ở Đông Bộ Đầu và truy kích giặc trên đường rút chạy. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai (năm 1285), mặc dù nhà Trần đã lập nhiều phòng tuyến để ngăn giặc từ biên giới đến sông Vạn Kiếp, nhưng vì thế giặc quá mạnh nên không thể ngăn nổi và chúng chiếm Thăng Long lần thứ hai. Vận dụng bài học chống giặc trong cuộc kháng chiến lần trước, trước khi rời khỏi Thăng Long, triều đình nhà Trần đã cho tiêu hủy những của cải, lương thực không thể mang theo đồng thời viết lời kêu gọi ở khắp nơi kẻ chợ và thôn quê, chỉ rõ rằng “phàm các châu, huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến nên liều chết mà đánh hoặc sức chống cự không nổi thì phải trốn vào trong rừng, không được đầu hàng...”. Khi chuyển sang mùa hạ, cái nóng làm cho quân lính phương Bắc quen lạnh phát sinh ốm đau, bệnh tật. Bằng cách rút lui chiến lược cùng kế “thanh dã” và sức mạnh kháng chiến của quân, dân, nhà Trần không những bảo toàn được lực lượng kháng chiến mà còn dần đẩy địch vào thế cùng lực kiệt từ đó phản công chiến lược, tạo thời cơ để hương binh, lộ binh, dân binh Đại Việt phục kích, tiêu hao lực lượng địch.

Tháng 2/1288, chủ tướng giặc là Thoát Hoan liều chết sai Ô Mã Nhi mở đường máu cho thuyền đón tải lương chi viện do Trương Văn Hổ chỉ huy ở vùng biển Đông Bắc (Quảng Ninh ngày nay) đồng thời rời đại bản doanh về Bắc Giang. Ra đến biển, Ô Mã Nhi rụng rời khi nhận được tin đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đã bị thủy quân nhà Trần dưới sự chỉ huy của danh tướng Trần Khánh Dư, mất toàn bộ số lương thực, khí giới. Không thể kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt khi lương thảo nuôi quân đã bị cạn kiệt và thời tiết mùa hạ nóng ẩm khiến đạo quân vốn quen nơi xứ lạnh ốm đau kiệt quệ, tháng 4/1288 Thoát Hoan buộc phải cho rút quân về nước theo hai hướng thủy, bộ. Chớp thời cơ, quân và dân nhà Trần đồng loạt tổng phản công, thắng lớn quân địch ở Ải Nội Bàng và sông Bạch Đằng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ ba.

Hưởng ứng lời kêu gọi của triều đình nhà Trần, ở Thăng Long và các vùng địch chiếm đóng, nhân dân ta thực hiện kế sách “thanh dã”, triệt nguồn lương thực tại chỗ của giặc. Vùng hậu cứ địch, các đội dân binh phối hợp chặt chẽ với một bộ phận phân tán tại chỗ của quân triều đình, ngày đêm liên tiếp đánh vào các căn cứ đóng quân và các đội đi cướp lương, gây cho địch nhiều tổn thất. Đặc biệt, quân và dân Thăng Long tiến công lực lượng vận chuyển lương thảo giữa đại bản doanh của địch với hậu cứ chiến lược của địch, tập kích các mục tiêu trong kinh thành và chặn đánh quân địch “sổng” ra ngoài để càn quét và cướp lương thảo…


Quang Viện

  • Từ khóa