Chủ nhật, 07/07/2024, 19:17[GMT+7]

Tam Đường thuần mỹ

Thứ 7, 01/01/2022 | 09:11:48
3,850 lượt xem
Những cái tên dung dị như: Mả Sao, Tinh Cương, Ngự Thiên, Long Hưng, Thái Đường (sau tháng 8/1945, Thái Đường, Phú Đường, Ngọc Đường sáp nhập thành Tam Đường)... gợi nhớ một thuở hồng hoang mà oai phong lẫm liệt của lớp cư dân đầu tiên đặt chân đến vùng đất ngã ba sông và bờ Nam sông Luộc. Làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà là đất phát tích, đất dựng nghiệp, nơi có lăng mộ, đền miếu của nhà Trần. Tinh Cương cũng là nơi đã sinh ra nguyên tổ Trần Lý, Thái tổ Trần Thừa, Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung “người sinh ra để mở nghiệp triều Trần”, Trần Thái Tông, vị vua mở nghiệp triều Trần, Thái sư tướng quốc Trần Nhật Hiệu… Đây cũng là nơi vua Trần Nhân Tông đã tổ chức lễ mừng thắng lợi khi đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII.

Bóng tịch dương bên khu lăng mộ vua Trần ở Thái Đường (Tam Đường), xã Tiến Đức (Hưng Hà).

Ngược dòng lịch sử, các tài liệu cổ sử khẳng định, tổ tiên nhà Trần vốn làm nghề chài lưới suốt một dải hoàng giang thuộc Nam đạo đâu đâu cũng là nhà. Truyền ngôn rằng, vào thời vua Lý Thần Tông (1128 - 1138), một buổi sớm Trần Hấp đang đánh cá trên sông thì nghe thấy tiếng người kêu cứu, ông liền cùng gia nhân ghé thuyền vào cánh đồng Bề (Tinh Cương) nơi có tiếng kêu và vớt được một người, chân tay bị trói chặt vào một cọc gỗ. Biết đây là người bị ám hại vì nơi đây khi nước triều dâng sẽ ngập lút đầu người, người này sẽ chết vì ngạt nước. Người được cứu trần tình, vốn ông ta là thầy địa lý tên gọi Đoàn Thông bị nhà họ Nguyễn Cố bờ Bắc sông Luộc hãm hại, may nhờ lúc ấy nước thủy triều xuống lại gặp Trần Hấp nên thoát chết. Thầy địa lý nói với Trần Hấp “Tôi đã đi khắp cõi Nam, thấy mạch địa quy về Tinh Cương, tiền có tam thai, hậu có thất tinh, Nam có voi phục, Bắc có phụng (phượng) chầu. Thế đất “Phấn đại dương giao chiếu, liên hoa đối diện sinh, đa nhật dĩ sắc đắc thiên hạ (nghĩa là phấn son cùng chiếu rọi, trước mặt nở hoa sen, sau này có người con gái do nhan sắc mà lấy được thiên hạ) và cũng là ngôi đất “Nữ nhập cung phi, nam cư phụ chính”. Thầy còn nói thêm “Chỉ hiềm một nỗi nếu không biết bảo nhau, người trong họ có thể sinh ra thói trăng hoa lẫn lộn. Tôi xin biếu đất ấy để đền ơn cứu mạng”. Nghe lời thầy địa lý, sau này Trần Hấp đã di dời hài cốt phụ thân từ Tức Mạc (Nam Định) đến táng vào chỗ đất ấy. Sau khi chuyển mộ phụ thân tới Tinh Cương, Trần Hấp bỏ nghề chài lưới lên bờ làm ruộng nước trên đất Tinh Cương để trông coi mộ phần. Tại Tinh Cương, Trần Hấp sinh ra Trần Lý, Trần Duy (có tên đệm là Tự). Hấp sinh ra Lý, Duy sinh ra Huy. Trần Lý (ngành trưởng) sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Tam Nương, Trần Thị Dung… Trần Thừa sinh Trần Cảnh (Trần Thái Tông) vị vua đầu triều Trần...

Từ thời mở nghiệp nhà Trần, dân làng Tam Đường và quanh vùng thường mở lễ hội để tưởng nhớ về các vua Trần. Hội đền Tam Đường có các quan đầu phủ, đầu tỉnh đều về làm chủ tế, năm nào kinh tế khó khăn thì do tri huyện Ngự Thiên đảm nhiệm. Hội rước nước thường được tổ chức trước ngày làng vào hội, ngoài ý nghĩa cầu may còn có ý nghĩa lấy nước về làm lễ mộc dục (tắm tượng). Lễ rước nước được các chức dịch, các cụ cao niên trong làng chuẩn bị chu đáo. Mỗi thôn trong làng chuẩn bị một kiệu bát cống, trên kiệu có bình đựng nước bằng sứ, một đội trai đinh khỏe mạnh, không có dị tật và phải “chay tịnh”, nhà không có tang... đi rước kiệu. Các đội tế nam quan, nữ quan, các đội cờ, trống đi trong đoàn rước. Đoàn rước nước phải bơi thuyền ra giữa sông để lấy nước, nước được múc bằng gáo đồng, đổ vào bình qua một lượt vải lọc cho tinh khiết. Ngoài việc lấy nước vào bình, mọi người tận dụng vật dụng mang theo hay dùng hai bàn tay vạt nước lên mặt, lên người để lấy may. Từ giữa sông, thuyền chuyển nước vào bờ, đưa lên kiệu, nước được rước trên kiệu, có kèn, trống, cờ, biển, có các đội tế, có dân làng đi theo đưa về đền, bình nước được đặt tại tòa đại bái. Các cụ già làng dùng nước ấy đun sôi với ngũ vị hoặc trầm hương để tắm cho tượng. Sau lễ rước nước là lễ mộc dục, công việc này là của các cụ già trong làng, của nhà đền. Lễ mộc dục thường tổ chức trong đêm, dùng vải đỏ thấm nước “thoa” hết sức nhẹ nhàng lên tượng. Nước tắm tượng được giữ lại để các cụ già, các chức sắc nhúng tay lấy nước xoa vào mặt để được “hưởng ơn thánh”, mảnh vải lau tượng được chia nhỏ cho mọi người đem về buộc lên cúc áo ngực cho trẻ để lấy may.  

Trong lễ hội làng Tam Đường bao giờ cũng có tục thi cỗ cá. Xưa làng Tam Đường chia theo giáp, cuộc thi được tổ chức giữa các giáp. Ngay sau mùa thi năm trước, dân làng đã nuôi cá để chuẩn bị cho mùa thi năm sau. Cá được đem đến dự thi là cá trắm đen. Người ta dùng gang tay để đo, chiều ngang phải là một gang, chiều dài phải ba gang trở lên, cách đo như vậy được gọi là “vổ”. Phải thửa những nồi riêng theo chiều dài, chiều ngang của cá để luộc cá. Khi làm và luộc không để cá bong vẩy, quăn vây, vây cá phải thẳng theo thân cá. Cá luộc sao cho vừa đủ chín khi bóc thịt cá ra không còn màu hồng của cá chưa chín, không vữa vì quá chín. Cá phải có mùi thơm, mới nhìn đã thấy ngon, cá luộc chín được đặt lên mâm để ban “giám khảo” xét chấm giải, cá nào được giải mới được đưa vào lễ Thánh. Lễ Thánh xong mọi người cùng hưởng lộc. Cỗ cá làng Tam Đường chỉ có một món duy nhất: cá trắm luộc. Cá được ăn với xôi, chấm với nước mắm chắt pha gừng. Dân làng Tam Đường giải thích rằng tục thi cá và làm cỗ cá là để nhớ về nguồn gốc của tổ tiên họ Trần, sống về nghề chài lưới.

Tục thi gói bánh chưng mới được tổ chức trong lễ hội đền Trần. Cuộc thi được tổ chức ở cấp xã, đơn vị dự thi là thôn, mỗi thôn cử ra một đội gồm 3 phụ nữ, trong đó có một người gói chính, hai người phụ gói. Các thứ cần thiết cho cuộc thi được chuẩn bị trước (gạo nếp, đỗ được ngâm trước, lá bánh được rửa sạch, cắt, gấp sẵn, lạt giang được chẻ sẵn...). Tám giờ sáng ngày diễn ra hội thi, tám đội thi của tám thôn trong xã mặc quần áo truyền thống: quần lĩnh, áo nâu, chít khăn mỏ quạ...  Các vật dụng để gói bánh cũng được tập kết ngoài sân trước đền. Khi mọi người (cả người thi và người xem) đã có mặt đông đủ, lễ khai mạc được thực hiện, một hồi trống hiệu được gióng lên, dứt tiếng trống cuộc thi bắt đầu. Các thí sinh bắt tay vào cuộc thi trong không khí náo nhiệt, tiếng vỗ tay cổ vũ cộng với tiếng trống thúc liên hồi... Thời gian cuộc thi được ấn định 20 phút, các đội dùng tay để gói bánh (không dùng khuôn) theo kích thước quy định, bánh phải vuông vắn, màu sắc lá gói đẹp. Ban giám khảo cuộc thi căn cứ vào số lượng bánh gói được của mỗi đội, căn cứ vào hình thức trình bày của mỗi tấm bánh mà đánh giá kết quả cuộc thi. Tuy không có sự khác biệt nhiều nhưng ban giám khảo vẫn xếp loại và trao giải nhất, nhì, ba để động viên, khuyến khích phong trào năm sau. Cuộc thi gói bánh chưng ở hội đền Trần làng Tam Đường vào dịp đầu xuân đã làm sống lại một tập quán đẹp có từ xa xưa về bánh chưng, bánh dầy, về quan niệm “Trời tròn đất vuông”.

Nhà Lý suy vong, nhà Trần lên ngôi, đất nước thanh bình không bao lâu thì đối mặt với nạn ngoại xâm. Sau đại thắng quân Nguyên Mông, một ngày đầu xuân, từ Thăng Long, Hoàng đế Trần Nhân Tông đi viếng tòa Chiêu Lăng của ông nội Trần Thái Tông ở Thái Đường - Long Hưng (nay là làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà). Hoàng đế vẫn thấy còn những người lính già từng đã dự trận Đông Bộ Đầu năm 1258 đi theo hộ giá nhà vua. Ký ức hào hùng về trận huyết chiến, chiến lược ngày giáp tết năm Mậu Ngọ năm thứ bảy niên hiệu Nguyên Phong vẫn rạng rỡ trên gương mặt người lính năm nào giờ đầu đã bạc khiến Hoàng đế Trần Nhân Tông lòng tràn ngập cảm xúc, hạ bút đề ngay hai câu tuyệt bút trong bài thơ “Xuân nhật yết Chiêu Lăng” (Ngày xuân viếng Chiêu Lăng) về những “bạch đầu quân” này: Bạch đầu quân sĩ tại/Vãng vãng thuyết Nguyên Phong (Còn có những người lính đầu bạc/Vẫn luôn kể chuyện thời Nguyên Phong).

Quang Viện