Chủ nhật, 07/07/2024, 19:53[GMT+7]

Lãng đãng hương Mần

Thứ 2, 10/01/2022 | 08:21:27
4,375 lượt xem
Theo các tài liệu khảo cứu cùng với kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu biển Hải Phòng, vùng đất ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý (cửa Tuần Vường, hay cửa Phạm Lỗ, A Lỗ theo cách gọi thời nhà Trần) nay thuộc các xã Đồng Thanh, Hồng Lý (Vũ Thư), Hồng Minh (Hưng Hà)... có lịch sử khoảng 2.500 năm. Dòng Trà Lý khởi nguồn từ cửa Tuần Vường chi lưu sông Hồng chảy qua địa phận các huyện Hưng Hà, Vũ Thư, Đông Hưng, thành phố Thái Bình, Thái Thụy... đổ ra Biển Đông. Theo sử cũ thì nơi đây thuộc hương Màn Để (quê hương của cây Màn Thầu, còn gọi là Thầu Dầu) xuất hiện sau đợt biển tiến (Hô - Lô - Xen) muộn, những dấu tích về thời kỳ Hùng Vương chỉ còn trong các lễ hội dân gian, khảo cứu thực tế chỉ còn phế tích những đồn lũy của các tướng quân thời Hai Bà Trưng chống nhà Hán đô hộ...

Di tích lịch sử văn hóa chùa Phúc Sơn, xã Đồng Thanh (Vũ Thư).

Khảo tả các di tích và khảo cứu thần tích, thần sắc cùng các phế tích khảo cổ học trên địa bàn các xã khu vực cửa Tuần Vường cho thấy vùng đất ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý thời kỳ đầu Công nguyên dân cư khắp nơi tụ hội về đây khá đông đúc. Thế kỷ VI, vùng đất ngã ba sông này là tiền đồn của cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (Lý Bôn) dựng lên nhà nước Vạn Xuân. Hương Màn Để cũng là quê hương của Hoàng hậu nhà tiền Lý là Đỗ Thị Khương. Cao Biền, một nhà địa lý phong thuỷ của nhà Đường (thế kỷ IX) sang nước ta khảo sát các huyệt vị, mạch đất nhằm “trấn yểm” triệt phá không để mạch đất phát vương, chỉ để mạch đất phát “công khanh”, khi về bắc quốc đã viết lại thành sách “Địa lý Cao Biền” có đoạn ghi chép về thế đất của hương Màn Để như sau: “Ngũ mã đồng quần/Thất tinh ủng hậu/Chiểu lăng - Ba đậu/Địa phát khôi khoa”. Dịch nghĩa: “Năm con ngựa cùng bầy/Có chòm sao Bắc Đẩu nâng đỡ phía sau/Chiểu Lãng - Ba Đậu là vùng đất phát khôi khoa”.

Những tên đất bình dị như Lạng (Lãng Xuyên) thuộc xã Song Lãng, huyện Vũ Thư phía Nam của đầu nguồn sông Trà Lý, là Tĩnh Xuyên (nay thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) phía Bắc sông Trà Lý vẫn còn dấu tích của những gò đống có tên gọi nôm là Ngũ Mã, Thất Tinh, Đống Công, Đống Quỳnh, Bạch Mã, Đống Thư, Đống Nứa, Đống Sở, Càn Ngô, Nội Quýt, Con Phách, vườn Sấm, Gai Thấp, Gai Cao... Theo tiên đoán của Cao Biền (nhà Đường) quả nhiên đất hương Màn Để “địa phát khôi khoa”. Từ thời nhà Đường thế kỷ IX cho đến thế kỷ XV, đất hương Màn Để mới thực sự “phát lộ” nhân tài. Dòng chảy khoa bảng của vùng đất này như được khơi nguồn mà “tuyệt đỉnh” là sự kiện “Lưỡng nhân huynh đệ đại đăng khoa” kể về cặp đôi anh em nhà họ Đỗ là Đỗ Lý Khiêm và Đỗ Oanh. Đỗ Lý Khiêm đỗ trạng nguyên khoa Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 đời Lê Hiến Tông (1499) từng làm quan đến chức Đô ngự sử. Đỗ Oanh đỗ Hội nguyên tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Đoan Khánh thứ 4 đời Lê Uy Mục (1508). Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, từ Lãng nghĩa Hán là “sóng” (thường lặp đi lặp lại trong các địa danh như Lãng Xuyên, Lãng Khê, Lãng Trạch, Bạch Lãng, Chiểu Lãng, Thanh Lãng, Nguyệt Lãng, Nội Lãng, Ngoại Lãng, Minh Lãng, Giai Lãng, Văn Lãng... đều là sóng) lý giải tại sao vùng đất này lại gắn liền với sóng, vậy sóng ở đâu ra. Từ xưa, trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Trăm cửa bể phải nể cửa Vường (Tuần Vường) nơi sông Hồng đổ vào dòng Trà Lý, cửa Vường phải nhường cửa Luộc”. Sông Trà Lý có tên cổ là Bạch Lãng (sóng trắng), Lãng Khê (sóng nguồn), Lãng Xuyên (sóng sông)... qua những thay đổi tên gọi theo thời gian cho thấy vùng đất ngã ba sông tưởng chừng bằng phẳng, bình yên hóa ra lại là nơi đầu sóng, ngọn gió một thời.

Cũng theo các tài liệu khảo cứu, vùng Giai Lạng (Lãng) được xác định có ngã ba Vường là huyệt đạo phong thủy quan trọng của cả vùng đất sơn nam, được các triều đại phong kiến phương Bắc và nước ta đặc biệt quan tâm. Khảo cứu địa hình có thể bắt gặp nhiều mộ Hán cổ (có thuyết cho rằng vì biết đây là vùng địa phát khôi khoa nên ngay cả người Hán từ phương Bắc cũng mang di hài tổ tiên họ sang táng ở đất này). Liên quan tới vùng đất ngã ba Tuần Vường hay cửa Phạm Lỗ, A Lỗ xin được trích dẫn sự tích hai ngôi làng cổ là làng Cổ Trai, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà và làng Ngoại Lãng, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư. 

Thần tích, thần sắc làng Cổ Trai có ghi chép truyền thuyết về làng Cổ Trai xưa có tên Kẻ Giai, có truyền thuyết nói rằng khi Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa ở đây, nhiều nghĩa sĩ từ mọi miền kéo về, làng khi đó chỉ toàn thanh niên trai tráng (trai gọi chệch thành con giai) nên có tên làng Giai. Nhờ sát sông Trà Lý và Hoàng Giang (sông Hồng) tiện đường đi lại, người buôn kẻ bán ra, vào tấp nập nên có tên Kẻ Giai (kẻ chợ), Cổ Trai là đọc chệch của Kẻ Giai. Làng Giai, làng có nhiều gò đống với những tên gọi khác nhau mà ngày nay người dân vẫn chưa rõ sự tích như: Vườn nghè, dao cầu, cây đa, gốc sập, mả thú, mả cẩu, mả cô Sài, vườn khoang, con xà, cái gậy, miếng ấn, mả hòn, con mèo, con cóc, mả hới, nội trong, nội ngoài, cái nghiên, cái bút, con voi, cái chiêng, cái trống, mả dầu... Trong những gò đống trên, người làng Cổ Trai kể về con Xà và cái Gậy rằng mỗi khi con Xà trở mình, nửa phía dưới làng đều bị cháy, dân làng liền bàn nhau đắp các gậy và trồng cây bàng lên đầu con xà để trị con xà.

Theo truyền thuyết dân gian và những dấu tích lịch sử còn lại thì vùng đất phía Bắc huyện Thư Trì nói chung và làng An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư nói riêng hình thành từ rất sớm, cách ngày nay hơn 2.000 năm. Dấu tích về vùng đất cổ còn thấy ở những ngôi mộ Hán nằm rải rác ở các xã Xuân Hòa, Hiệp Hòa, Đồng Thanh, Việt Hùng... và những vị thần thời Hùng Vương, thời Hai Bà Trưng chống Hán thờ ở các đền miếu trong vùng và trữ lượng than đá nằm trong lòng đất của huyện Vũ Thư. Giữa thế kỷ thứ VI khi Lý Bí qua vùng đất này cảm xúc trước cảnh đẹp của hương Màn Để, của thiên nhiên và tình người nơi đây ông đã quyết định đóng đồn binh, dựng đồn luỹ, tụ nghĩa sĩ dấy binh về giải phóng Long Biên. Làng An Để nay còn dấu tích một chiến lũy của Lý Bí, dân quen gọi Lũy Hồ, dài hơn 1km chạy từ chùa Âu Lâu (Phúc Minh Tự) sang tới miếu Hai Thôn. Vào những năm 50 của thế kỷ XX lũy vẫn cao gần 1m, mặt lũy rộng 3 - 4m, ngoài lũy là hào sâu (hào nay đã bị lấp). Dân hương Màn Để lập đền thờ vua Tiền Lý. Riêng làng An Để cùng thờ Lý Bí, Đỗ Thị Khương và tướng Triệu Quang Phục làm thành hoàng.

Kết quả điền dã và khảo cứu tài liệu cho biết, vùng đất Chiểu Lãng (nay thuộc các xã Song Lãng, Minh Lãng, Hiệp Hòa, Xuân Hòa, Đồng Thanh, Hồng Lý... của huyện Vũ Thư chính là trung tâm hành chính cổ xưa của vùng đất Lạng, hương Màn Để. Danh y Tuệ Tĩnh (thời nhà Trần) đã dùng cây Màn Để ở vùng đất ngã ba sông này làm vị thuốc. Theo cổ phương, Màn Để thuộc họ Thầu Dầu. Người Mường (Việt Mường) gọi là cây Mần, cây Để, cây Đốt, cây Phốt. Người Hán sang đô hộ nước ta gọi là cây “Lão dương tử”, Ba nhân, Ba đậu... do đó dân gian quen gọi Chiểu Lãng - Ba Đậu là thế...

Quang Viện

  • Từ khóa