Chủ nhật, 07/07/2024, 19:38[GMT+7]

Sóng trắng trên sông

Thứ 2, 17/01/2022 | 08:44:11
4,587 lượt xem
Người xưa từng quan niệm “Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh”, nghĩa là “Sông nước chẳng cứ phải sâu mới thiêng mà điều quan trọng là vì có rồng ở mà trở nên linh ứng”. Quan niệm này càng trở nên “thiêng” hơn khi các nhà phong thủy cổ xưa từng đặt chân đến vùng đất “Lạng”, hương “Mần” nay thuộc huyện Vũ Thư, nơi có cửa Tuần Vường khai mở dòng Bạch Lãng - (Lãng là sóng, “sóng trắng” tên gọi sông Trà Lý) sửng sốt với câu ca: “Trăm cửa bể phải nể cửa Vường”. Sông chẳng những oai hùng chặn giặc ngoại xâm mà còn mang phù sa tốt tươi từ dòng Hoàng Giang (sông Hồng) cùng với dòng Nông Kỳ (sông Luộc) bồi trúc lên những cánh đồng mênh mông, bát ngát mang tên Thái Bình, cái nôi của cánh đồng “5 tấn” đầu tiên của đồng bằng sông Hồng.

Đền thờ họ Trần làng Dạ Thanh, tổng Cự Lâm, hương Mần Để, nay là thôn Thanh Bản, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư.

Trong những di sản văn hóa Hán Nôm còn lưu truyền, cuốn “An Nam cửu kinh long” có đoạn ghi chép khá tỉ mỉ về mạch đất của An Nam nói chung và địa danh Chiểu Lãng, Giao Châu nói riêng, trong đó địa danh “Cổ Trì” và “Kỳ Bố” được xác định thuộc địa phận tỉnh ta mà các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian và nghiên cứu sưu tập Hán Nôm chỉ ra rằng đó là địa danh cổ của Thái Bình sau đổi thành Thư Trì (nay thuộc Vũ Thư) và huyện Bố, sau đổi thành Vũ Tiên (cả hai sáp nhập thành huyện Vũ Thư). Hai địa danh cổ này được các nhà phong thủy bắc quốc đặc biệt quan tâm và xếp vào hạng “Đệ Lục mạch” nghĩa là mạch đất thứ 6 thuộc An Nam, nguyên văn “Địa hình sở Bố, diệc vi tối kỳ”.

Dân gian vùng đất Lạng, hương Mần (Vũ Thư) còn lưu truyền nhiều giai thoại mang màu sắc tâm linh về vùng đất Cổ Trì, quá trình điền dã nhóm nghiên cứu chúng tôi có tham khảo thêm sách “An Nam địa linh Cao Biền tấu cảo” và “Cao Vương di chỉ”, đây là hai cuốn “Cẩm nang” của các nhà phong thủy cổ xưa có ghi địa danh thế đất do Cao Biền (886 - 874), thời nhà Đường được vua Đường cử sang Giao Châu giữ chức “Đô hộ Tổng Quản kinh lược chiêu thảo sứ” sau đổi thành “Tiết độ sứ” nhằm cai trị dân ta và khảo sát phong thủy. Theo sách, đất Cổ Trì được xác định là kiểu thế đất có vị thế hiểm yếu về quân sự, kiểu đất phát đế vương, kiểu đất sinh hiền tài... Do lo sợ mạch đất phát vương có thể xây dựng nhà nước chống lại bắc quốc nên triều đình nhà Đường đã gọi Cao Biền trao lệnh triều đình nhà Đường sang cai quản Giao Châu nhằm khảo sát các thế đất phát vương để yểm triệt, chỉ để mạch đất phát công khanh. Nhiều triều đại phong kiến tiếp theo vẫn hằn sâu ý niệm phong thủy về vùng đất Cổ Trì phát vương khiến cho triều đại bắc quốc “mất ăn, mất ngủ”. Tìm trong tác phẩm “Vũ Trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ thế kỷ XVIII có ghi chép về danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn khi đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc), khi qua Quảng Tây, quan Đề đốc Quang Tây (vốn là học giả nổi tiếng Thanh triều, thông kim, bác cổ) trong tiệc chiêu đãi sứ giả An Nam có có hỏi nhà bác học Lê Quý Đôn một câu “Ngài (Lê Quý Đôn) có biết Chiểu Lãng ở An Nam là vùng đất nào vậy?”. Bị hỏi bất ngờ, đến nhà bác học lỗi lạc trời Nam mà còn bị lúng túng, Lê Quý Đôn đành vòng vo: “Thời xưa, Giao Châu còn lệ thuộc bắc quốc, các nhà quyền quý thường tự quyền thay đổi địa danh nên có những vùng đất chỉ một thời gian ngắn đã thay đổi hai ba tên liền. Từ những tiểu tiết ấy về mặt địa chí chúng tôi có ghi hàng ngàn địa danh thay đổi...”. Câu trả lời của sứ giả An Nam tuy giữ thể diện quốc gia nhưng không thỏa mãn được thâm ý của Đề đốc Quảng Tây vốn cũng hay lo lắng về mạch đất nam phương có thế đất phát vương. Ông ta không ngần ngại chỉ ra rằng, Chiểu Lãng hay tên chữ là Ba Đậu, một vùng đất sát cạnh ngã ba Tuần Vường, thời nhà Trần là cửa Phạm Lỗ (A Lỗ), nơi Vạn hộ Lưu Thế Anh cùng 3 vạn quân Nguyên Mông bị nhà Trần tiêu diệt, nước sông nhuộm đỏ máu, dòng Lãng Xuyên tắc nghẽn xác lính. Có một giai thoại “tâm linh” gắn với thời Tây Sơn (1778 - 1802), truyền kể khi quân Tây Sơn kéo ra Bắc Hà, cánh quân do Đô Đốc Uyển cầm đầu tiến từ đường biển vào cửa Ba Lạt, ngược dòng sông Hồng để tiến đánh Thăng Long, khi thuyền chiến ngang qua địa phận chùa Keo (nay thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư), đoàn quân lên bờ nghỉ chân. Thấy gác chuông chùa Keo có quả chuông đồng lớn, Đô Đốc Uyển hạ lệnh cho quân sĩ hạ chuông chùa xuống, khiêng đi đúc vũ khí. Lúc này, thế của nghĩa quân Tây Sơn đang mạnh, cánh quân của Đô Đốc Đặng Tiến Đông và Đô Đốc Long đã áp sát Thăng Long phối hợp với đạo quân từ phía Chúc Sơn chờ hợp quân với Đô Đốc Uyển từ hạ lưu sông Hồng lên, không ngờ thuyền chiến chở chuông chùa Keo vừa đến cửa Tuần Vường thì bỗng dưng trời trở cơn giông gió, thuyền chở chuông bị sóng đánh chìm. 

Trong cuốn “Bùi Gia lịch thế sự trạng” của dòng họ Bùi trên đất Lạng, hương Mần có ghi về “lai lịch” dòng Trà Lý như sau: “Nguyên lại sông Kỳ Bố (Trà Lý) từ thời sứ quân Trần Minh Công (Trần Lãm) thế kỷ X trở về trước thường có cá Kình (cá Voi) bơi lội đầy sông, dân thường gọi là cá thần, sông lắm loại giao long, nhiều người dân bị chúng cắn thương vong. Cỏ lác rậm rạp, dân không dám tới bờ sông...”. 

Cũng theo cuốn sách này, sự tích đất Hàm Châu được ghi chép như sau: “Tướng quân Bùi Quang Dũng, người có nhiều công lao giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi vua, được xếp hạng “Khai quốc công thần” triều Đinh, lại có công phò tá Lê Hoàn đánh tan giặc Tống, lên ngôi Hoàng đế mở đầu triều tiền Lê, sau lại phò giúp Lý Công Uẩn lên ngôi, mở đầu triều Lý được triều đình cử làm “Trấn Đông tiết độ sứ”, ông chiêu tập dân nghèo tứ xứ về khai hoang vùng đất ngập nước, lau lác ngập đầu, thuồng luồng, giao long đầy sông... thành vùng đất trù mật. Truyền ngôn rằng, một hôm ngồi thuyền dọc sông Kỳ Bố, giao long quây kín, tướng quân vô ý đánh rơi chiếc nhẫn ngọc minh châu xuống nước, một con cá to ngoi lên đớp nhẫn ngọc rồi lặn mất. Khi thống nhất thiên hạ, lên ngôi vua, Đinh Tiên Hoàng nghe chuyện liền đặt tên đất ấy là Hàm Châu (nay thuộc xã Tân Bình, thành phố Thái Bình). 

Còn cuốn gia phả họ Đào ở làng Đoan Túc (nay là khu phố Túc, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình) có ghi chép: “Dưới thời Tiết độ sứ Dương Diên Nghệ (929 - 937), có một viên quan đem một đạo quân về đóng quân bên dòng Bạch Lãng trấn an cửa bể chống hải tặc, trong một trận huyết chiến với hải tặc trên sông, viên tướng đã tử trận...”. Có thể địa danh “Kỳ Bố - Hải Khẩu” được xác định thời điểm tướng quân của Dương Diên Nghệ thế kỷ thứ X khi trấn an cửa biển này.

Nhiều học giả và nhà nghiên cứu cho rằng, trong nền “văn minh sông Hồng, có nền văn minh sông Trà” mà cụ thể là vùng đất hạ lưu sông Trà Lý (nay gồm các huyện Vũ Thư, Đông Hưng, thành phố Thái Bình, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải) ẩn chứa nhiều trầm tích văn hóa sâu đậm, đặc biệt các địa danh cổ có truyền thống văn hóa “đậm đặc” hơn, tập trung theo địa phận trước thế kỷ thứ X từng được ghi trong thư tịch cổ như Mần Để, Bổng Điền, Kỳ Bố...

Quang Viện